Home Sự kiện Mĩ thuật Triển lãm “Du Quang”

Triển lãm “Du Quang”

Đăng vào
0

Khai mạc: 17:00 – 20:00, 19/07/2025
Trưng bày: 10:00 – 18:00, thứ Tư – Chủ nhật 19/07 – 31/10/2025
Wiking Salon
79 Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP. HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Wiking Salon hân hạnh được giới thiệu với công chúng trưng bày nhóm Du Quang của các nghệ sĩ Ca Lê Thắng, Đinh Quân, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thuý Hằng, Dương Thuỳ Dương, Hoàng Anh, Nguyễn Quốc Dũng, Tôn Thất Minh Nhật, Nguyễn Việt Anh, Tuyền Nguyễn và Mifa.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử mỹ thuật, ánh sáng chưa bao giờ chỉ giữ vai trò như một kỹ thuật tạo hình trong khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực. Vai trò của ánh sáng luôn vượt ra ngoài chức năng mô tả — nó là ngôn ngữ thị giác mang theo cảm xúc, ý niệm và chiều sâu nội tâm. Ánh sáng không đơn thuần dùng để “chiếu rọi” hay “che lắp” vật thể hay tạo chiều sâu không gian, mà chính bản thân nó là một chủ thể, một sự hiện diện mang tính biểu tượng và gợi mở. Có khi ánh sáng hiện lên nhẹ tênh như sương sớm, có khi rực rỡ như một khoảnh khắc mặc khải, và cũng có lúc lặng lẽ như ánh tà dương báo hiệu thời gian trôi. Trong hành trình ấy, ánh sáng được sử dụng như một chất dẫn, thứ làm nên nhịp điệu của tác phẩm và dường như có ma lực gắn kết rung cảm thị giác và tâm hồn của người nắm giữ.

Trưng bày lần này quy tụ những nghệ sĩ xem ánh sáng như một diễn ngôn độc lập, một chủ thể mang khả năng biểu đạt nội tâm và triết lý thẩm mỹ. Ánh sáng trong tác phẩm của họ không nhằm tái hiện hiện thực mà để gợi lên cảm giác, để mở ra một không gian mơ hồ giữa cái thấy được và cái cảm nhận được. Việc “nán lại” với ánh sáng cũng là nán lại với một khoảnh khắc chóng vánh. Ánh sáng xuất hiện và tan biến qua các khoảnh khắc, nó không bao giờ đứng yên mà luôn dịch chuyển. Chính vì thế, các tác phẩm trong triển lãm này yêu cầu chúng ta phải nán lại ít nhiều, quan sát cách ánh sáng lướt qua, kéo giãn và thu mình. Ta có thể coi ánh sáng như một ngôn ngữ trừu tượng, một phương tiện giúp khám phá các cung bậc cảm xúc, từ nét dịu dàng, tính phù du hay một sự mất mát mơ màng nào đó được ẩn dấu trong từng tác phẩm.

Về Wiking Salon

Wiking Salon, được thành lập vào năm 2023, là một không gian nghệ thuật đương đại năng động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Với sứ mệnh thúc đẩy các hình thức sáng tạo tiên phong, không gian trở thành điểm gặp gỡ của các nghệ sĩ, giám tuyển và những người đam mê nghệ thuật trong và ngoài nước. Thông qua các triển lãm và đối thoại, Wiking Salon nuôi dưỡng một môi trường giao lưu nghệ thuật sôi nổi, phản ánh sự chuyển động không ngừng của nghệ thuật đương đại.

Về nghệ sĩ

Ca Lê Thắng (sn.1949) là một gương mặt tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực hội họa và giáo dục nghệ thuật. Ông xuất thân từ một gia đình trí thức tại Bến Tre. Sau khi hiệp định Genève được ký vào năm 1954, ông theo gia đình ra Hà Nội tập kết năm 1955. Năm 1975, ông quay trở lại miền Nam với vài trò là giảng viên trường Mỹ thuật và là gương mặt tiên phong góp phần khởi động lại phong trào vẽ trừu tượng trên cả nước. Các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ ký ức của mùa nước nổi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Đinh Quân (sn.1964) sinh ra tại thành phố Hải Phòng, theo học chuyên ngành Sơn mài và tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1990. Anh là một trong những họa sỹ đương đại danh tiếng ở Việt Nam, với các tác phẩm nghệ thuật được triển lãm ở 15 quốc gia và góp mặt trong nhiều bộ sưu tập quan trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka – Nhật Bản, phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Malaysia và nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới.

Nguyễn Thị Châu Giang (sn.1975) tốt nghiệp chuyên ngành tranh sơn dầu tại Đại học Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh năm 1998. Châu Giang trung thành với kỹ thuật vẽ lụa truyền thống nhiều lớp của các danh họa, đồng thời thổi làn gió đương đại, mới mẻ và phóng khoáng. Ngôn ngữ nghệ thuật của cô đề cập đến vai trò truyền thống của giới và sự thay đổi của phụ nữ trong bối cảnh xã hội phụ hệ tại Việt Nam.

Nguyễn Thúy Hằng (sn.1978) là một nghệ sĩ thị giác, nhà thơ và nhà văn, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh. Tâm tư từ những dòng văn mà Hằng là tác giả được tô điểm bởi yếu tố huyền bí và hỗn loạn, phản ánh lên cả những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của cô một cảm giác cô độc của thân phận con người trong xã hội Việt Nam tiệm cận với thế giới.

Dương Thùy Dương (sn.1979) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và thiết kế Burg Giebichenstein – CHLB Đức. Nghệ thuật của Dương luôn là cuộc đối thoại của của bản sắc, ý niệm Đông phương và Tây phương. Các tác phẩm dường như gợi lên những thắc mắc về niềm tin trong mỗi con người chúng ta về những câu chuyện siêu hình như Tình yêu, Sự sống và Cái chết.

Hoàng Anh (sn.1981) là họa sĩ sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Anh tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế. Hoàng Anh quan tâm về sự liên kết giữa các mối quan hệ của con người, và mường tượng về thế giới xung quanh giữa ranh giới hiện thực và phi thường.

Tôn Thất Minh Nhật (sn.1982) tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật Huế vào năm 2007. Tên tuổi của Minh Nhật trong 15 năm qua gắn liền với chất liệu sơn ta, từ giai đoạn nghiên cứu và trau dồi kỹ thuật truyền thống, đến các thể nghiệm kết hợp đa chất liệu, biến thực hành sơn mài thành một nghi lễ của cá nhân anh. Qua đó, anh phóng chiếu ký ức và ghi tạc di sản, đặc biệt là các nét kiến trúc cổ ở Huế, nơi anh sinh sống.

Nguyễn Quốc Dũng (sn.1983) tốt nghiệp chuyên ngành tranh sơn dầu tại Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM năm 2014. Tác phẩm của Quốc Dũng đóng khung lại những khoảnh khắc, mở ra một cửa sổ nhìn vào cuộc sống hàng ngày, khắc họa chân dung đầy cảm thông nhưng trực diện của những người nhập cư hay chuyển giới, của những nhóm bị gạt sang lề, thường hay bị ngó lơ trong xã hội. Tạo hình nhân vật của anh hoàn toàn không theo chuẩn mực vẻ đẹp lý tưởng, mô tả chân thực và phản ánh cuộc sống thực tế trong những lát cắt thời gian ngưng đọng.

Nguyễn Việt Anh (sn.1989) là một họa sỹ sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2014. Mối quan tâm của anh xoay quanh những nơi chốn hay mảng kiến trúc thân thuộc được soi xét qua các yếu tố thời gian cùng sự phản chiếu ánh sáng. Những công trình kiến trúc hay sự vật được nắng rọi lúc 3 giờ chiều, theo chia sẻ của anh, là những khoảnh khắc gây nhiều rung động nhất.

Tuyền Nguyễn (sn.1990) tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ Thuật TP. HCM vào năm 2018. Với anh, nghệ thuật trước hết là một sự giải thoát cá nhân. Qua đó, người nghệ sĩ phản ứng lại với những sự kiện đang diễn ra hằng ngày bên trong và bên ngoài họ. Tác phẩm là một sự sàng lọc lại qua lăng kính cái tôi cá nhân bằng ngôn ngữ thị giác. Chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của anh thường xoay quanh những vấn đề môi trường, đô thị hóa, giấc mơ và hình ảnh con người bé nhỏ, bị gò bó, bất lực trong vòng xoay của xã hội hiện đại.

Mifa (sn.1990) tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh, cô tập trung vào việc nghiên cứu và thể nghiệm sơn acrylic trên chất liệu giấy điệp truyền thống của Việt Nam. Các tác phẩm của cô đào sâu vào sự hòa hợp và xung đột của căn tính phương Đông trong thời điểm toàn cầu hóa, song song với sự khao khát bảo tồn và phát triển tinh thần dân gian được thể hiện qua hình thức hội họa.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply