Sóng vỗ cát trời
Tiệc mở xưởng: 18:30, thứ Sáu 01/08/2025
Mở xưởng: 11:00 – 19:00, thứ Ba – Chủ Nhật 02 – 24/08/2025
Manzi Exhibition Space
2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Khác với các thực hành nhiếp ảnh đã làm nên tên tuổi của Phan Quang, mở xưởng tại Manzi lần này đánh dấu một dịch chuyển quan trọng trong hành trình sáng tạo của anh, trong đó sắp đặt video trở thành trung tâm. Không còn là những hình ảnh tĩnh được dàn dựng kỹ lưỡng theo kiểu “đứng-ngoài-khoảnh-khắc”, với bố cục hàm chứa nhiều tầng ý niệm và gài cắm những quan sát sắc sảo, như lưỡi dao lạnh lùng cắt lớp hiện thực, lột trần góc khuất và giải phẫu chấn thương bị chối bỏ hay những định kiến bị phớt lờ. Lần này, trong loạt tác phẩm mới nhất, nghệ sĩ quay ngược ống kính về phía mình: dùng chính cơ thể tự thân như một chất liệu biểu đạt, một công cụ để trải nghiệm, đối mặt và thử thách.
Trong hai tác phẩm video của Sóng vỗ cát trời, nghệ sĩ và cơ thể của anh hiện lên như một nhân vật cô độc giữa thiên nhiên: trần trụi, không phòng bị, không che chắn. Anh ta đối diện trực tiếp với những mênh mông khôn lường và các lực lượng nguyên sơ không khoan nhượng của tự nhiên: sóng, gió, nắng, sức nén của cát và sự hủy diệt của nước. Những chuyển động của cơ thể – dù thụ động nằm im hay chủ động thao tác, kể cả những hành vi mang tính tự hủy – không được trình hiện như một màn trình diễn kịch tính, mà mang dáng dấp của một nghi lễ thầm lặng, không có khiêu khích hay thách thức, chỉ đơn giản buông xả hoàn toàn. Rút lại những tuyên ngôn, loại bỏ đi ẩn dụ, còn lại chỉ là những trải nghiệm thuần túy bằng thân xác.
Phan Quang đẩy cơ thể sinh học của mình đến giới hạn cuối cùng, như một cách gỡ bỏ bản ngã, để chạm đến một cảnh giới nội tâm, nơi nỗi đau thể xác trở thành cánh cửa dẫn vào sự thiền định sâu sắc. Đây không phải là một cuộc vật lộn nhằm chứng minh ý chí sinh tồn. Trong sự đơn độc tuyệt đối, người nghệ sĩ không tìm kiếm chiến thắng, mà để mặc bản thân bị đe dọa, bị chôn vùi, chìm lấp; để từ trải nghiệm cực đoan mà tái hiện chính mình trong một hình hài khác – dù yếu thế hơn, mong manh hơn, nhưng lại là một tồn tại nguyên bản và chân thật hơn hết. Chân thật trong từng dao động vi tế nhất: tiếng thở, nhịp tim, độ rỗng, sự nén lại, sự thả ra, được duy trì trong một nhịp điệu tất yếu như chính sóng vỗ bờ và cát bay trong gió – bền bỉ và bình thản…
Trải nghiệm ấy không chỉ được tư liệu hóa và trình chiếu lại qua hai thước phim, mà còn được lan truyền, khuếch tán và phản chiếu trong không gian trưng bày – thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh và một sắp đặt chân dung làm từ cát nghiền và những mảnh gương. Ở đó, sự xáo trộn giữa cái nhìn-thấy và bị-thấy, giữa chân dung của một người khác và hình ảnh chính mình, giữa cảm giác quan sát và cảm giác bị quan sát – tạo nên một vùng giao thoa mơ hồ: nơi không gian tưởng chừng thinh lặng miên viễn kia bất ngờ dẫn dụ người xem bằng lời mời dấn thân, đối diện và va chạm: Như sóng đánh vào bờ rồi lại cuộn đi xa, ấy là bồi tụ hay cuốn đi mất, là đầy ắp hay rỗng không? Những nghi ngờ về tồn tại và chuyển hóa ấy là dư âm mỗi người tự băn khoăn và tìm kiếm đáp án của riêng mình. Còn với Phan Quang, anh đã nghiệm ra cho mình một kết luận: “Đáy của khổ đau là nơi có hạt mầm hạnh phúc.”
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.