Buổi trò chuyện về cuốn sách “Họa sĩ khóa Kháng chiến 1950-1954”

Buổi trò chuyện về cuốn sách “Họa sĩ khóa Kháng chiến 1950-1954”

Đăng vào
0
Tác phẩm "Nghỉ chân bên đồi" - Họa sỹ Tô Ngọc Vân
“Nghỉ chân bên đồi” – Tranh sơn mài của họa sỹ Tô Ngọc Vân

14:30 – 17:00, thứ bảy 16/09/2017
Cà phê Thứ bảy
3A Ngô Quyền, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

Mời các bạn tham gia chương trình Cà phê Gặp gỡ & Đối thoại với tác giả Đào Mai Trang về cuốn sách Họa sĩ kháng chiến khóa 1950-1954.
Chủ trì : Dương Thụ

Khóa Kháng chiến (1950 – 1954) chắc chắn là một khóa học đặc biệt nhất của ngôi trường Mỹ thuật Việt Nam, được thành lập từ tháng 10-1945, không bao lâu sau lễ Quốc khánh 2-9-1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc biệt nhất bởi ba lẽ: thứ nhất, trường Mỹ thuật Việt Nam là một trong 5 ngôi trường Cao đẳng được thành lập cùng thời điểm, dựa trên nền tảng cơ sở hệ thống giáo dục sau phổ thông từ thời Pháp thuộc, trong đó có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ra đời năm 1925, cho thấy tầm quan trọng của mỹ thuật đối với sự phát triển của văn hóa và xã hội; Thứ hai, đây là khóa học thứ hai được tuyển sinh nhưng là khóa đầu tiên được giảng dạy chính thức, với kế hoạch đào tạo bốn năm và do hoàn cảnh kháng chiến, đây cũng là khóa học duy nhất tồn tại suốt thời gian nhà trường đóng ở chiến khu Việt Bắc; thứ ba, giảng viên chính của khóa, cũng là giám đốc – hiệu trưởng nhà trường, là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tài năng và nhân cách nghệ sĩ của ông đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức và tình cảm dành cho nghệ thuật của tất cả sinh viên trong khóa, trong đó có một số người đã thành danh, định vị tên tuổi họ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Mai Long, Lê Huy Hòa…

Cuốn sách “Họa sĩ khóa Kháng chiến” (1950 – 1954) với một chuyên khảo về lịch sử khóa học cũng như các phần viết về từng sinh viên (22 người) trong khóa, cùng hàng trăm hình ảnh minh họa là sáng tác và ký họa của họ và của người thày Tô Ngọc Vân, sẽ mở ra những gợi ý, suy ngẫm mới cho bạn đọc hôm nay về vai trò của mỹ thuật và của người họa sĩ trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc nói riêng và nhìn rộng ra là trong lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại nói chung.

Được khởi sự từ ý tưởng ban đầu của ông Lê Hải Đức, chủ tịch Quỹ Kim Long thuộc Công ty cổ phần đầu tư Kim Long (Hà Nội), cuốn sách đã được thành hình sau hơn hai năm, tác giả Đào Mai Trang nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu văn bản và trò chuyện cùng một số họa sĩ từng là sinh viên khóa Kháng chiến.

Vài nét về diễn giả: Đào Mai Trang là biên tập viên phụ trách chuyên mục Mỹ thuật của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL). Chị là một nhà báo chuyên viết về mỹ thuật, tác giả của nhiều bài viết và tiểu luận về các nghệ sĩ cũng như vấn đề của mỹ thuật, nghệ thuật đương đại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các bài viết của chị được đăng tải trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, báo Thể thao & Văn hóa, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hàng tháng, Soi, Hanoigrapevine, dưới một số bút danh: Đào Mai Trang, Phong Vân, Chi Mai, Việt Mai,…

Sách đã xuất bản:

*12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (chủ biên, Nxb Thế giới, 2010, song ngữ Việt – Anh): cuốn sách gồm 12 tiểu luận và bài viết có tính nghiên cứu về một số nghệ sĩ thị giác quan trọng thuộc thế hệ đầu tiên thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam: Vũ Dân Tân, Trần Lương, Lê Quang Đỉnh (Đinh Q.Le), Lê Quaảng Hà, Trần Trọng Vũ,… Sách được in màu, 210 trang, khổ 24cm x 25cm, Dự án xuất bản này đã nhận được tài trợ cho phần chuyển ngữ từ Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa (CDEF), ĐSQ Đan Mạch tại Hà Nội.

*Nghệ thuật & Tài năng, một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của mỹ thuật Việt Nam (Nxb Phụ nữ, 2014). Cuốn sách bao gồm một chuyên khảo về bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay cũng những tác động tích cực và tiêu cực đến việc sáng tác của thế hệ nghệ sĩ đang tuổi sung sức sáng tạo nhất của Việt Nam, những người sinh trong nửa đầu thập niên 1980. Sách cũng giới thiệu 9 nghệ sĩ mà cá nhân tác giả quan tâm, xem như các ví dụ tiêu biểu ở một số khía cạnh như thể nghiệm sáng tạo, thị trường,… Sách khổ 22,3×17,3cm, 240 trang, in màu trên giấy couche, với hàng trăm hình ảnh tác phẩm của nghệ sĩ thế hệ này.
Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách này, Art & Talent, a foreground on the 8X artists generation of Vietnam, chính thức được phát hành từ tháng 10 – 2016, trên Amazon.

Miễn phí tham dự
Đăng ký và đặt chỗ tham gia: 097 615 5833

Theo dõi cập nhật trên trang sự kiện

NO COMMENTS

Leave a Reply