Vở múa “Đáy mắt”: Đầy ám ảnh và cô đơn
Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine
Ảnh bởi namnggg
Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) vừa giới thiệu vở múa đương đại “Đáy mắt” – vở múa đầy ám ảnh và cô đơn – vào tối 19-8. Đây là sản phẩm nghệ thuật của VNOB dưới sự biên đạo của nghệ sĩ Bùi Ngọc Quân và âm nhạc bởi nhạc sĩ Trí Minh.
Vở múa của sự căng thẳng, bức bối và cô đơn
Vở diễn dài một tiếng đồng hồ với tiết tấu hoặc là quá quá chậm, hoặc là quá nhanh, hiếm có lúc đứng ở giữa, như lấp đầy khán phòng nhà hát lớn bởi những thái cực của cảm xúc. Ngay từ trường đoạn mở đầu kéo dài trong những âm thanh lê thê và những di chuyển chậm chạp, người xem đã bị đặt vào tâm trạng căng thẳng, kìm nén, như thế chờ đợi cho một sự bùng nổ mãi chưa tới. Trong khi các diễn viên chỉ được nhìn thấy lờ mờ trên sân khấu ánh sáng yếu ớt không thể phân biệt ra ai với ai, thì bộ đồng phục áo khoác chống nắng trùm kín họ từ đầu đến gót chân đã gợi lên một không khí đường phố rất đặc trưng của Hà Nội.
Cho đến khi khán giả sắp mất kiên nhẫn vì sự bất động trên sân khấu thì các diễn viên bắt đầu di chuyển từ từ, lúc thì cách xa nhau đề phòng, lúc thì tiến sát vào nhau dò xét. Kể cả trong bóng tối, người xem cũng có thể cảm nhận được những ánh mắt trừng trừng, sắc lạnh của họ khi quan sát lẫn nhau. Khi tiết tấu nhanh hơn, các động tác dần trở nên kịch liệt. Các diễn viên khi thì tách nhau ra thành những nhóm nhỏ, thậm chí có lúc mỗi người thực hiện những màn múa của riêng mình, lúc quấn lấy nhau trong những giằng xé, lúc lại chồng chất lên nhau như một mớ hỗn độn. Khi chứng kiến bảy cơ thể quỳ, ngồi, dựa, úp, vắt lên nhau không theo một quy tắc nào mà vẫn có thể cùng nhau di chuyển trên sân khấu, người xem có thể liên tưởng ngay đến một giao lộ không đèn đỏ trong lòng Hà Nội vào giờ tan tầm khi biết bao xe cộ vẫn có thể luồn lách qua lại không mảy may va chạm vào nhau.
Thoạt trông, vở múa dường như để rất nhiều đất cho các màn diễn solo như để thể hiện cho không gian tự do cá nhân của mỗi con người trong xã hội. Đôi khi nó khiến người xem bối rối không biến nên đặt sự chú ý vào đâu vì sự phân tán trên sân khấu. Tuy nhiên, nếu nhìn lại tác phẩm như một tổng thể, ta lại thấy cái tự do cá nhân ấy bị bóp nghẹt đến mức đáng thương. Vở múa huy động cao độ các động tác di chuyển lấy cảm hứng từ những phim về xác sống. Khi múa trong một vũ điệu tập thể, nó gây ám ảnh cho người xem về một xã hội nơi con người chỉ là những con rối bị giật dây. Khi một, hai cá thể đơn lẻ muốn tách ra, họ lập tức bị tập thể kéo lại, kìm nén, chà đạp, và cuối cùng là vứt bỏ. Ngay cả ở những đoạn cao trào khi mật độ của sự tiếp xúc cơ thể giữa các diễn viên trở nên dày đặc, người xem vẫn không hề cảm giác được sự gắn kết yêu thương mà chỉ toàn là sự kìm nén, trói buộc và đề phòng lẫn nhau.
Âm nhạc đặc sắc
Phần âm nhạc biểu diễn trực tiếp bởi nhạc sĩ Trí Minh góp phần không ít trong việc xây dựng không khí, trạng thái và cảm xúc cho vở diễn. Chất liệu âm nhạc được sử dụng rất phong phú: từ âm thanh điện tử tới tiếng dương cầm, từ những can thiệp tinh tế trên nền nhạc giao hưởng của Vivaldi tới giọng hát của vũ công. Tiết tấu âm nhạc cũng được vận dụng rất linh hoạt khơi gợi nhiều cảm xúc: khi chậm rãi, nó gây ra cảm giác kìm nén, hồi hộp, đợi chờ cho khoảnh khắc bùng nổ; khi được đẩy lên quá nhanh và dồn dập nó khiến người xem hoang mang, căng thẳng, bất an; khi ở âm vực trầm và nhỏ, người xem phải nín thở chú ý lắng nghe; lúc được đẩy lên cực đại, nó như muốn cuốn lấy, nuốt chửng, chôn vùi người nghe, không cho phép ai chạy trốn hay chối bỏ.
Trường đoạn múa trên nền nhạc dương cầm ở những phút thứ hai mươi của vở diễn có thể coi là một trong những đoạn cao trào xuất sắc nhất khi tất cả mọi thứ từ âm nhạc, chuyển động cơ thể của diễn viên, ánh sáng trên sân khấu đều hòa hợp cao độ. Đột ngột từ một trường đoạn nhạc dồn dập với âm lượng cực đại trước đó, Trí Minh khiến cả khán phòng rơi tõm vào thinh không của sự lặng im. Rồi tiếng dương cầm vang lên như kéo người xem vào một không gian mơ màng, siêu thực. Tiết tấu chậm, giai điệu êm ái, du dương khiến cho ngay cả những động tác vặn xoắn cơ thể theo những tư thế kỳ dị của diễn viên cũng trở nên đẹp một cách mộng mị, ma quái.
Một cái kết bi ai – những thông điệp tích cực nằm bên ngoài tác phẩm
Vở múa kết thúc bằng hình ảnh một diễn viên duy nhất trên sân khấu vùng vẫy trong tuyệt vọng mà không thể thoát khỏi tấm vải đỏ quấn quanh người như một lời cáo chung cho một xã hội lúc nào cũng muốn cào bằng tất cả, không cho bất cứ cá nhân nào vươn lên, sẵn sàng vứt bỏ những kẻ yếu đuối, không đủ sức chạy theo guồng quay điên cuồng của nó hoặc chà đạp những ai muốn thoát ra. Hình ảnh con mắt được chiếu phóng lớn trên ‘tảng đá’ phía sau sân khấu ở hai lần đầu xuất hiện gây khó chịu vì cách diễn giải quá hiển ngôn của nó cho tiêu đề “Đáy mắt”. Nhưng đến phần kết thúc, khi con mắt bị cố ý làm mờ đi, nhòe dần vào trong ‘tảng đá’ hậu cảnh, nó lại trở thành một chi tiết ám ảnh đắt giá. Khán giả có thể đặt ra câu hỏi ta là ai trong xã hội này: là cô gái bị quấn khăn đỏ kia – một kẻ khao khát tìm kiếm sự tự do và bản sắc của riêng mình nhưng trả lại chỉ là là nỗi cô đơn tuyệt vọng, hay là kẻ sống trong guồng quay của xã hội – vô tình hoặc hữu ý chấp nhận sự chế định – của tấm khăn đỏ – khiến cho đôi mắt trở nên mù lòa hóa đá?
Quay lại phần giới thiệu trước khi vở diễn bắt đầu: “Sự quan sát đóng vai trò quan trọng trong mỗi tính cách riêng biệt của từng cá thể từ đó nguồn năng lượng tích cực, sự nhân văn sẽ được hình thành hướng cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn với niềm hy vọng và khát khao,” người xem có thể sẽ lại tự hỏi: “Nguồn năng lượng tích cực” và “sự nhân văn” ở đâu trong Đáy mắt? Câu trả lời không nằm trong tác phẩm, mà ở mỗi cá nhân tiếp nhận nó, khi bạn có đủ thời gian để bình tĩnh lại và suy ngẫm và nhận ra trái tim đập trong lồng ngực vẫn còn ấm nóng và đủ nhạy cảm để nhận ra những yêu thương và sức mạnh còn len lỏi đâu đây, nhận thấy mình vẫn còn không gian để có thể tự do vẫy vùng. Và bạn âm thầm muốn giữ cho mình con mắt không mù lòa, và trái tim không hóa đá để có thể nhìn ra cái đẹp giữa những thô bỉ của cuộc đời.
Sau khi diễn trọn vẹn vở múa dài hơn 60 phút, bảy diễn viên múa cùng biên đạo Bùi Ngọc Quân, nhạc sĩ Trí Minh và NSƯT Trần Ly Ly, giám đốc VNOB, còn ngồi lại tiếp chuyện với khán giả thêm một giờ đồng hồ. Nhớ lại những cô gái trong các buổi tập đầu tiên, khi mới múa được 40 phút đầu của vở diễn đã mệt tới mức không đứng lên nổi, hôm nay trông họ dường như lột xác hoàn toàn. Sự thay đổi của họ không chỉ ở những cái chỉ cần quan sát là có thể nhận ra, như kỹ thuật múa hay sức chịu đựng vật lý của cơ thể, mà còn ở cả tư duy và phương pháp làm việc – giống như “bị tẩy não”, theo lời Hằng, một trong bảy diễn viên chia sẻ: “Với cách đào tạo và làm việc thông thường ở Việt Nam, các diễn viên múa chỉ làm theo sự chỉ đạo của biên đạo và hầu như không có chất riêng. Nhưng vở múa này buộc chúng tôi phải tư duy để tìm kiếm câu chuyện và cảm nhận của cá nhân về chủ đề tác phẩm, để rồi chuyển chúng thành những động tác sao cho mỗi người có một màu sắc riêng. Việc này ban đầu khiến chúng tôi căng thẳng đến mất ngủ.”
Sau đêm ra mắt tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở múa “Đáy mắt” sẽ được VNOB tiếp tục dàn dựng, trau chuốt để trở nên “tốt hơn” và công diễn tại sân khấu của nhà hát tại số 11 Ngõ Núi Trúc. Hy vọng rằng trong lần công diễn tới, khán giả sẽ không chỉ được xem trên sân khấu “ấn tượng” trong “Đáy mắt” của Bùi Ngọc Quân mà còn là câu chuyện của từng cá nhân làm nên tác phẩm.
Xem một số hình ảnh của buổi công diễn: