MAP 2022 – Artist’s Talk 03 | Mình nói gì khi nói về chiến tranh
15:00 – 17:00, Thứ bảy 12/11/2022
ZOOM
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Có nhiều cách để hiểu một tác phẩm nghệ thuật, và luôn có cách đối thoại trực tiếp với người tạo ra nó: Trò chuyện với Nghệ sĩ như cách chúng tôi tạo ra mối nối giữa nghệ sĩ – thực hành nghệ thuật – công chúng. Tham gia chương trình, khán giả sẽ cùng lắng nghe chia sẻ từ các nghệ sĩ về công việc của họ – những dự án từng thực hiện, những ý tưởng và thực hành nghệ thuật khi làm việc với chủ đề CHIẾN TRANH. Và không thể thiếu, phần thảo luận mở và hỏi đáp giữa khán giả và nghệ sĩ được dẫn dắt bởi người điều phối – cũng là những khách mời đặc biệt của MAP.
Tiếp nối chuỗi sự kiện Trò chuyện với nghệ sĩ thuộc Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2022 sẽ là chia sẻ, trình bày của các nghệ sĩ: Miho Shimizu (Nhật Bản) và Lim Sodam (Hàn Quốc) dưới sự điều phối của giám tuyển Haruka Iharada (Nhật Bản).
Ngôn ngữ: Song ngữ Anh – Việt
Số người tham dự: tối đa 40 người (tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản) và 100 người (trên ZOOM)
Một sự kiện thuộc Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2022.
Về nghệ sĩ:
Miho Shimizu là nghệ sĩ sống và làm việc tại Tokyo. Suốt nhiều năm, cô đã và đang phát triển phương thức biểu đạt cá nhân thông qua việc sử dụng chất liệu dệt may; những tác phẩm nằm lập lờ giữa ranh giới của trang phục và đạo cụ dành cho diễn viên, vũ công và nhạc công.
Năm 2020, cô ra mắt xhe (trực tuyến), một tác phẩm trình diễn tương tác kỹ thuật số, hợp tác với vũ công/biên đạo múa Daniek Kok. Màn trình diễn kéo dài này là một vở biên đạo chắp ghép từ rất nhiều hình thức nghệ thuật — sắp đặt, múa, âm nhạc, phim — mang các nghệ sĩ và khán giả lại với nhau để cùng tìm kiếm một hình tượng khó nắm bắt.
Đối với Dự án XANH, chủ đề của MAP 2020, một chương trình lưu trú của Heritage Space tại Hà Nội, cô hợp tác với một nghệ nhân làm diều người bản địa để tạo ra những chiếc diều hình con mắt theo phong cách truyền thống Việt Nam, nhằm phản ánh về cái nhìn trong đại dịch.
Năm 2021, Miho tham gia một chương trình lưu trú tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc tế Kinosaki. Tại đây, cô đã thực hiện các nghiên cứu bổ sung cho chương trình radio mang tên ‘Trước khi ta mơ’ của mình, trong đó phải kể đến chuyến tham quan được thực hiện trên chiếc xe buýt do chính cô thiết kế. Những năm gần đây, cô làm công việc thiết kế bối cảnh và phục trang cho nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, có thể kể đến trong đó là ban nhạc Mountain/Full Edition biểu diễn tại Lễ hội Counterflows ở Glasgow hay một tác phẩm sân khấu theo hình thức hybrid có tên “フ レ フ レ Ostrich !! Hayupang Die-Bow-Ken!” và nhiều tác phẩm khác. Đầu năm nay, Miho đã tổ chức một triển lãm mang tên “Tokuko Shimizu: Áp phích dệt” tại HAGI ART, Tokyo. Triển lãm trưng bày một bộ sưu tập các sản phẩm dệt mà cô và mẹ của mình thực hiện trong khoảng mười năm, kể từ giai đoạn cô còn sống ở Châu Âu. Các tác phẩm của cô có thể được tìm thấy dưới tên gọi ‘Bảo tàng Hiểm nguy’
Lim Sodam
Lim Sodam (sinh năm 1985 tại Hàn Quốc) là một nghệ sĩ thị giác, hiện sinh sống và làm việc tại Seoul. Cô từng theo học hội họa tại trường Đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc và bắt đầu sự nghiệp họa sĩ của mình từ năm 2009. Cô hứng thú với việc tìm ra những cách khác nhau để thể hiện những ký ức chủ quan, thường có tính chất mỏng manh và kích thích cảm nhận đa giác quan. Chất liệu chính mà cô sử dụng chủ yếu là hội họa và gốm sứ.
Về người điều phối:
Haruka Iharada
Haruka Iharada sinh năm 1991 tại Okinawa, Nhật Bản. Cô là nghiên cứu sinh Tiến sĩ trường Cao học Nghệ thuật Toàn cầu, trực thuộc Đại học Nghệ thuật Tokyo, và là thành viên nghiên cứu của Hiệp hội Thúc đẩy Khoa học Nhật Bản (DC1). Các nghiên cứu của cô tập trung vào các hoạt động xã hội về nghệ thuật và văn hóa ở Đông Nam Á, đồng thời, cô còn thực hiện nghiên cứu thực tế về phong trào nghệ thuật ở khu vực châu Á, bao gồm cả Okinawa. Cô cũng tích cực hoạt động dưới tư cách giám tuyển, điều phối sáng tác cho các tác phẩm nghệ thuật, video, phim và các loại hình nghệ thuật khác có cùng các chủ đề với nghiên cứu của cô.
Các dự án chính của Haruka Iharada bao gồm: lên kế hoạch và sản xuất bộ phim tài liệu “CHÒM TINH TÚ” (đạo diễn Keijiro Nakamori, 2016); giám tuyển cho dự án KHÁCH SẠN CHÂU Á 2018 – Phong cảnh vô định hình (Okinawa, Fukuoka, Trùng Khánh, Trung Quốc, v.v., 2019), dự án “Những chân dung vùng Ryukyu; Bước chuyển từ hình mẫu thành nghệ sĩ” (Bảo tàng Nghệ thuật & Bảo tàng Tỉnh Okinawa, 2021); giám tuyển cho dự án “Che giấu/Vạch trần cái chết” (Phòng trưng bày Chinretsukan, Bảo tàng Nghệ thuật Đại học, Đại học Nghệ thuật Tokyo, 2022) cùng một số tác phẩm khác.
Sự kiện thuộc dự án Tháng thực hàng nghệ thuật (MAP), một dự án thường niên của Heritage Space được vận hành từ 2015, nhằm mục đích tạo ra một nền tảng thực hành, thể nghiệm và trao đổi về nghệ thuật đương đại như một Phòng thí nghiệm Nghệ thuật mở. Mỗi năm, MAP đặt ra một chủ đề làm việc chuyên biệt, mời sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế sang Hà Nội thực hành và trao đổi với các nghệ sĩ trẻ tài năng Việt Nam.
Chủ đề của MAP 2022 là “Chiến tranh” – nhằm khơi gợi những suy tư và dự cảm về những cuộc chiến trong quá khứ, thực tại, những uẩn khúc chưa biết tới, sự thật chưa được gọi tên và tương lai bất định. MAP 2022 có sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cùng với một số nhà nghiên cứu, giám tuyển khách mời. Dự án bao gồm giai đoạn trao đổi và lưu trú trong tháng 10-11/2022, sau đó là một triển lãm vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.
Cập nhật thêm thông tin từ trang sự kiện.