Home Sự kiện Mĩ thuật ”Từ gốc lên tàng” – Từ chuyện cây nói chuyện người

”Từ gốc lên tàng” – Từ chuyện cây nói chuyện người

Bài viết bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Hình ảnh cung cấp bởi Gallerie Quỳnh
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Triển lãm nhóm “Từ gốc lên tàng” của các nghệ sĩ Hoàng Dương Cầm & Takayuki Yamamoto, Lê Thừa Tiến và Bruce Yonemoto tại Galerie Quỳnh, kéo dài từ 12/09 đến 07/10, cho thấy những tầng lớp khác của sự sống thông qua biểu tượng cây cối.

Bước vào không gian triển lãm, đập vào mắt khán giả là chuỗi tác phẩm ‘Phản chiếu’ của Lê Thừa Tiến: những khối bê tông kết hợp sơn mài, sứ, thủy tinh vuông vắn và nặng nề. Thoạt đầu những khối lục giác này gợi cảm giác khó di chuyển, giống như một cái cây, khi đã ghim rễ xuống đất thì khó lòng chuyển dời nó đi chỗ khác. Đường nét của ba tác phẩm trong chuỗi này có sự khác biệt: cái khảm sứ, thủy tinh lấp lánh; cái lấm tấm những hạt cát óng ánh dưới ánh đèn. Các đường vân to nhỏ chạy xung quanh khối lục giác mang đến cảm giác về những “đường sống” của cây, mỗi năm bồi đắp một vòng vân mỏng manh, để hàng trăm năm mới đạt tới chu vi khổng lồ như vậy. Ba “gốc cây” có lẽ giống như cách viết chữ “sâm” (森), tạo thành từ ba chữ mộc, chính là diễn tả sự sum xuê, rậm rạp và đa dạng của rừng vậy.

‘Phản chiếu’ của Lê Thừa Tiến

Phía sau “tán cây rừng” khổng lồ là bộ tranh ‘Pinhole’ của Hoàng Dương Cầm. Được biết, quá trình sáng tác của ‘Pinhole’ lấy cảm hứng từ nguyên lý hoạt động của máy ảnh lỗ kim (pinhole camera) – một thiết bị nhiếp ảnh thô sơ bắt sáng thông qua khẩu độ nhỏ, cho ra những hình ảnh với đặc điểm lấy nét mờ độc đáo.

‘Pinhole’ của Hoàng Dương Cầm

Có lẽ vì thế mà ẩn hiện trong các đường nét và mảng màu trên tranh là hình ảnh con người hiện lên không sáng rỡ mà hết sức bí ẩn. Các mảng màu tối choán hết tầm nhìn, buộc người xem phải nhìn lâu để phân biệt chủ thể với cảnh quan. Nếu ‘Pinhole’ là những cuộc đối thoại về một giai đoạn sâu sắc trong lịch sử, thì cách sử dụng màu của tác giả phần nào thể hiện quan điểm riêng về các sự kiện này. Tầm nhìn ám ảnh của cô gái trong ‘Những thiếu nữ’, hay ánh nhìn trực diện lạnh như kim khí trong ‘Khuôn mặt trong lá’ mang lại nhiều hơn một câu trả lời cho một sự việc. Chính sự mờ ảo đó thể hiện rõ bản chất của sự thật toàn vẹn, chứ không phải thứ sự thật của riêng một người, một góc nhìn nào.

Tại tầng trên, tác phẩm ‘Lịch sử mây’ của Bruce và Norman Yonemoto lại có góc độ khai thác khác biệt khi đi theo những đám mây để kể lại lịch sử nhân loại. Từ những ngày đầu mây xuất hiện trong nghệ thuật, được ghi lại trong những bức tranh và những bức ảnh, cho tới hiện tại, mây thiên biến vạn hóa trong các video, phim ảnh và nhiều loại hình đa dạng. Mây là “nhân chứng” chứng kiến hành trình của nhân loại qua các thời đại, từ vô định hình trong tranh sơn dầu đến phông nền sản phẩm mơ mộng trong studio quảng cáo.

Cuối cùng, bộ tác phẩm ‘Bao phủ Trái đất’ của Bruce Yonemoto với hàng loạt quả địa cầu nhiều kích cỡ, được bao phủ bởi các màu sơn bắt mắt, tham chiếu logo mang tính biểu tượng của công ty sơn Sherwin-Williams. Khác với “bản gốc”, những phiên bản của Bruce Yonemoto sử dụng kết hợp sơn mài hữu cơ châu Á với “sơn mài” phương Tây, đa dạng hơn cả về chất liệu lẫn màu sắc.

‘Lịch sử mây’ của Bruce và Norman Yonemoto đối trọng với ‘Bao phủ Trái đất’ (Bruce Yonemoto).

Với sự xâm chiếm lênh láng của màu sắc trên những quả địa cầu, người xem có thể tưởng tượng chúng đại diện cho bất cứ thứ gì. Đó có thể là một trận dịch bệnh càn quét từ u sang Á. Cũng có thể là nạn phân biệt chủng tộc đến bây giờ vẫn còn tồn tại. Hay “lãnh thổ” mở rộng của mạng xã hội, xâm lấn từng ngóc ngách làng quê lẫn đô thị? Hay một tin giả tung ra trong thời kì nhiễu loạn thông tin? Dù là điều gì, thì cảm giác mang lại cũng đều có đôi phần ngỡ ngàng. Bởi chỉ khi nhìn mức độ lan tỏa của vấn đề đó trên một quả địa cầu bé xíu, ta mới hiểu khả năng tàn phá hay tầm ảnh hưởng rộng lớn của nó đến cuộc sống con người như thế nào.

‘Từ gốc lên tàng’, từ chuyện cái cây nói chuyện con người. Hình ảnh cây đã trở thành một biểu tượng văn hóa để con người xây dựng đời sống cho mình. Cây cối gắn liền với con người, đặt cây trong thế đối sánh là phương thức con người soi chiếu để tìm hiểu các khía cạnh sự sống, bản sắc còn đang bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, nó cũng gợi ra những câu hỏi mới để con người tiếp tục tò mò về sự dịch chuyển giữa cái tôi và cái ta trong tập thể. Dù bề ngoài, cây có vẻ như là một loài vô tri, không biết đau đớn, phản ứng, nhưng sự thật là, chúng có thể đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là người thầy thầm lặng của con người mà không hề đòi hỏi kể công.

NO COMMENTS

Leave a Reply