Home Sự kiện Mĩ thuật Giải Thưởng Dogma

Giải Thưởng Dogma

Hạn ứng tuyển: 23:00, 31/01/2025

Thông tin từ Dogma Collection

Bộ sưu tập Dogma thân mời các nghệ sĩ tham gia ứng tuyển cho Giải thưởng Dogma 2025.

Với 11 mùa giải thưởng đã diễn ra, Giải thưởng Dogma hướng tới mục tiêu xây dựng cầu nối giữa việc sáng tác nghệ thuật trong quá khứ và hiện tại, cũng như góp phần xây dựng nền nghệ thuật đương đại đang trong giai đoạn bùng nổ tại địa phương và trong khu vực. Dogma mong chờ các lá đơn ứng tuyển từ các nghệ sĩ với những thực hành và góc nhìn khác nhau.

Trong những mùa trước, Giải thưởng Dogma tập trung vào chủ đề Tự hoạ, nhưng tới mùa thứ 12 này, Dogma chào đón sự tham gia từ tất cả những nghệ sĩ mà thực hành của họ có sự suy tư về thời đại và bối cảnh mà họ sinh sống và làm việc. Các nghệ sĩ làm việc với nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở tranh vẽ, in ấn, tạc tượng, sắp đặt, nhiếp ảnh, video, nghệ thuật kỹ thuật số (digital art) và sáng tác đa chất liệu (mixed media). Giải thưởng Dogma 2025 không giới hạn về độ tuổi, dành cho tất cả các nghệ sĩ sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Campuchia và Lào và thể hiện sự cam kết với các cộng đồng này.

Ban Giám khảo sẽ lựa chọn các nghệ sĩ Đồng đoạt giải, mỗi nghệ sĩ trong số đó sẽ nhận Giải thưởng tiền mặt trị giá 40.000.000 VND (tương đương khoảng 1.500 USD). Các nghệ sĩ cũng sẽ nhận được sự cố vấn và hỗ trợ để chuẩn bị cho một triển lãm nhóm dự kiến sẽ diễn vào tại không gian của Dogma vào mùa thu năm 2025.

Để ứng tuyển, vui lòng gửi một (01) PDF gồm các tài liệu sau tới địa chỉ [email protected] trước 23h00 ngày 31 tháng 1 năm 2025:
– Một Tuyên ngôn Nghệ sĩ mô tả hoạt động nghệ thuật của bạn (độ dài khoảng 600 từ)
– Một portfolio với không quá 10 tác phẩm hoặc dự án mà bạn từng thực hiện có thể bao gồm:
+ Hình ảnh
+ Tệp âm thanh (độ dài không quá 10 phút)
+ Video (một đoạn clip không quá 10 phút)

Ban giám khảo

Pamela Nguyễn Corey

Trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy của Tiến sĩ Pamela Nguyễn Corey là lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, tập trung vào Đông Nam Á trong bối cảnh châu Á và toàn cầu. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Đại học California chuyên ngành Sáng tác Nghệ thuật, bà nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử Nghệ thuật và Nghiên cứu Thị giác tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ năm 2015. Tiến sĩ Pamela từng chịu trách nhiệm giảng dạy về Nghệ thuật Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi học, Đại học London, Anh trước khi chính thức gia nhập Fulbright vào học kỳ mùa xuân năm 2021 với vai trò Giảng viên về Nghệ thuật và Truyền thông. Hàng loạt công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Pamela đã được đăng tải trên những tập san chuyên ngành quốc tế cũng như các diễn đàn văn hóa, nghệ thuật uy tín. Năm 2021, nhà xuất bản Đại học Washington đã chính thức ra mắt cuốn sách đầu tiên của bà: “The City in Time: Contemporary Art and Urban Form in Vietnam and Cambodia” (tạm dịch: Thành phố qua Thời gian: Nghệ thuật Đương đại và Hình thái Đô thị ở Việt Nam và Campuchia). Vào năm 2020, trong ấn phẩm đặc biệt “Voice as Form” (tạm dịch: Hình hài của Tiếng nói) – Tạp chí Nghệ thuật Oxford mà bà đồng biên tập, Tiến sĩ Pamela công bố với công chúng kết quả nghiên cứu mới nhất của mình về vai trò của âm thanh và tiếng nói trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và cộng đồng hải ngoại. Tiến sĩ Pamela Nguyễn Corey còn vinh dự trở thành Hội viên Hiệp hội Giáo dục Đại học Anh Quốc. Bà là thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế cho Lịch sử Nghệ thuật (tạp chí của Hiệp hội Lịch sử Nghệ thuật); tham gia vào các ủy ban nghiên cứu và tư vấn cho Viện Bảo tàng Quốc gia Singapore và “The Flow of History: Southeast Asian Women Artists” (Tạm dịch: Dòng thời gian của Lịch sử: Nghệ sĩ Phụ nữ Đông Nam Á) (Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, Hong Kong / AWARE, Paris).

Phan Thảo Nguyên

Phan Thảo Nguyên hiện là một nghệ sĩ đa phương tiện với những tác phẩm thuộc nhiều chất liệu như video, hội họa và sắp đặt. Qua văn chương, triết học và cuộc sống thường nhật, Thảo Nguyên quan sát và tìm hiểu những mơ hồ trong lịch sử, truyền thống và phong tục xã hội. Các tác phẩm của cô đã xuất hiện rộng rãi ở các triển lãm cá nhân và nhóm tại Pirelli HangarBicocca, Milan, Ý, 2023–2024; Tate St Ives, Cornwall, Vương Quốc Anh, 2022; WIELS, Brussels, Bỉ, 2020; Bảo tàng Nghệ thuật Rockbund, Thượng Hải, Trung Quốc, 2019; Lyon Biennale, Lyon, Pháp, 2019; Sharjah Biennial, Sharjah Art Foundation, UAE, 2019; Gemäldegalerie, Berlin, Đức, 2018; Dhaka Art Summit, Bangladesh, 2018; Para Site, Hồng Kông, 2018; Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, TP. HCM, 2017; và Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2017. Cô được chọn vào chung kết Giải thưởng Nghệ thuật Hugo Boss Asia năm 2019. Cô còn là đồng sáng lập của nhóm Art Labor, với các dự án nghệ thuật liên ngành đi đôi với việc hỗ trợ cộng đồng địa phương. Phan Thảo Nguyên đang mở rộng thực hành sang “lĩnh vực sân khấu”, bao gồm những gì cô gọi là trình diễn cử chỉ (performance gestures) và hình ảnh chuyển động (moving images).
Cô từng nhận giải thưởng của chương trình The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative năm 2016–2017, được cố vấn bởi nghệ sĩ trình diễn và video nổi tiếng thế giới đến từ New York, Joan Jonas.

Bill Nguyễn

Bill Nguyễn (sn. 1988, Việt Nam) là nghệ sĩ-giám tuyển cam kết với việc nghiên cứu và phát triển các phương thức giám tuyển và thực hành nghệ thuật lấy nhu cầu địa phương làm trọng tâm. Sau khi nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật tại ĐH Nottingham Trent (Anh Quốc), Bill trở về Việt Nam và trong hơn thập kỷ qua, anh hoạt động như một thành viên tích cực của quang cảnh nghệ thuật nước nhà. Qua các dạng thức thực hành nghệ thuật khác nhau – bao gồm trình diễn và viết lách bên các nỗ lực giám tuyển, Bill khám phá các khái niệm như sự gần gũi, tính xa lạ, sự tiếp giáp văn hoá và sự thật lịch sử. Bill đã cộng tác với các không gian do nghệ sĩ vận hành như Nhà Sàn Collective và Hanoi Doclab; đồng thời cũng thành lập các nền tảng dành cho thử nghiệm giám tuyển và kết nối khán giả như Manzi Art Space và Curatorial Xà Quần. Bill là cựu thành viên nhóm giám tuyển tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Tháng 01 năm 2022, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Nguyễn Art Foundation. Bill từng tham gia phiên thứ 8 của Berlin Biennial Young Curators Workshop, và CuratorsLAB do Viện Goethe Đông Nam Á khởi xướng. Các dự án giám tuyển tiêu biểu của anh bao gồm Chẳng còn, chưa tới (2023), Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc (2021-vẫn đang tiếp diễn), Chúng ta ở đây, cùng nhau – một dự án Pollination (2018), Tinh thần Bằng hữu (2017) và 0395A.ĐC (2017).

NO COMMENTS

Leave a Reply