Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nghệ sĩ Bokyung Lee – Hành trình “Yến tiệc trên phím đàn”...

Nghệ sĩ Bokyung Lee – Hành trình “Yến tiệc trên phím đàn” – Thoảng phong vị Đông Tây

Bài phỏng vấn bởi Minh Trang cho Hanoi Grapevine
Ảnh bởi Phan Đan
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Trở lại vào tháng 2/2025 tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, Độc tấu Piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” của nghệ sĩ Bokyung Lee là sự kiện đồng hành cùng Vietnam International Piano Competition & Festival (VIPCF) – Cuộc thi Piano Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với mô hình mới mẻ được tư vấn xây dựng bởi đội ngũ nghệ sĩ Piano, giáo sư quốc tế và slogan “A United Stage – Một sân khấu kết nối” của VIPCF, Độc tấu Piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” là chương trình đặc biệt không chỉ dành cho thí sinh của VIPCF 2025 mà còn mang đến cơ hội trải nghiệm, thưởng thức sự kiện âm nhạc giá trị và chuyên nghiệp đối với khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển, đồng thời kết nối cộng đồng âm nhạc cổ điển trong và ngoài nước.

Từng để lại dấu ấn sâu sắc với hai đêm diễn tràn đầy cảm xúc với yến tiệc thịnh soạn cùng những “phong vị” cổ điển phương Tây và làn điệu dân ca Việt Nam tại số đầu tiên của “Yến tiệc trên phím đàn”, Độc tấu piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” của nghệ sĩ Bokyung Lee tiếp tục mang đến một “bữa tiệc” độc đáo, trang trọng và công phu với các tác phẩm nhạc cổ điển kinh điển, tồn tại sức sống mãnh liệt và trở thành biểu tượng vượt thời gian trong kho tàng âm nhạc thế giới. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với nghệ sĩ Bokyung Lee về lần trở lại thứ hai của “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” cùng những chia sẻ của cô về khoảng thời gian đáng nhớ tại Việt Nam đồng hành cùng dự án “Khăn ấm cho em”.

Với lần trở lại Việt Nam trong tháng 2 năm nay với hai sự kiện độc tấu piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” tại Hà Nội & thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Bokyung Lee có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng giúp cô tiếp tục sự kiện “Yến tiệc trên phím đàn” cùng một chủ đề mới “Thoáng phong vị Pháp”?

Đây là lời mời thứ hai của sự kiện độc tấu piano tôi muốn dành tặng đến khán giả, nơi tôi cùng Hanoi Grapevine và các nhà tài trợ, đã cùng nhau chuẩn bị một sự kiện piano cổ điển công phu dành cho những người yêu nhạc cổ điển tại Việt Nam. Với chủ đề được thêm vào tiêu đề sự kiện năm nay “Thoảng phong vị Pháp”, chương trình độc tấu piano bao gồm một tác phẩm trữ tình của Claude Debussy, nhà soạn nhạc Pháp, cùng với các tác phẩm của hai nhà soạn nhạc kinh điển khác là Ludwig van Beethoven và Frédéric Chopin. Tổ khúc Suite Bergamasque của Debussy bao gồm tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc với nhiều khán giả như “Claire de Lune” (Ánh Trăng). Trong khi đó, Prelude và hai chương Menuet, Passepied mang phong cách của một điệu minuet cổ điển cũng là những trích đoạn trữ tình và lãng mạn. Tôi hy vọng những khán giả yêu nhạc cổ điển sẽ đến và thưởng thức chương trình này tại buổi hòa nhạc.

Độc tấu piano “Yến tiệc trên phím đàn” của nghệ sĩ Bokyung Lee được ví von như một “bữa tiệc” thịnh soạn, trang trọng và công phu cùng các bản nhạc cổ điển kinh điển. Đến với yến tiệc năm nay, tại sao cô lại lựa chọn những hương vị tinh hoa đến từ Suite Bergamasque (1890~1905) của C. Debussy; Piano Sonata no.8 Op.13 “Pathetic” (1798~1799) của L.Van. Beethoven và Four Scherzi (1833~43) của F. Chopin?

Về sự lựa chọn tác phẩm đến từ hai nhà soạn nhạc Beethoven và Chopin, đó là hành trình cá nhân của tôi. Nhiều nghệ sĩ piano khao khát được trình diễn toàn bộ bản sonata piano của Beethoven, và tôi cũng đang trong quá trình hiện thực hoá điều đó. Thực ra, việc đưa ra quyết định lựa chọn các tác phẩm của Chopin bắt nguồn từ những năm tháng tôi sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sự quan tâm của tôi đã chuyển từ nhà soạn nhạc Schubert sang Chopin trong quá trình tôi giảng dạy tác phẩm của Chopin. Buổi độc tấu đầu tiên của tôi ở Hà Nội vào năm 2020 bao gồm bốn bản Impromptus của Chopin. Sau đó, buổi độc tấu tiếp theo vào năm ngoái tôi trình diễn bốn bản Ballades của Chopin. Và đặc biệt trong sư kiện năm nay, tôi mang tới chương trình độc tấu piano bốn bản Scherzi. Tất cả những bản nhạc ấy đều vô cùng quan trọng đối với những nghệ sĩ piano tham vọng và là những giai điệu đẹp đối với khán giả.

Lý do tôi chọn Suite Bergamasque là vì rất nhiều lần, tôi nghĩ về Việt Nam, về những năm tháng tôi đã trải qua ở đất nước này, trong khi tôi đang sinh sống ở Mỹ. Có thể nói rằng tôi nhớ cuộc sống của mình ở Hà Nội. Vì một lý do nào đó, “Claire de Lune” gợi nhắc tôi nhớ về những cơn mưa (mặc dù tác phẩm nói về mặt trăng), hồi tưởng lại những kỷ niệm về những ngày mưa ở Hà Nội. Có lẽ vì vậy, đối với tôi, “Claire de Lune” là một tác phẩm dạt dào cảm xúc. Tác phẩm này kết nối tâm trí tôi với thành phố Hà Nội (Tôi cũng không biết tại sao nữa!)

Ba bản nhạc được lựa chọn trình diễn trong “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” đều là những tác phẩm nhạc cổ điển kinh điển, là biểu tượng vượt thời gian và tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong kho tàng âm nhạc thế giới. Vậy ba bản nhạc ấy được trình diễn bởi nghệ sĩ Bokyung Lee tại “Yến tiệc trên phím đàn” hứa hẹn sẽ có những điểm nhấn đặc biệt gì? Côcó gặp những thách thức nào khi biểu diễn những tác phẩm này không? (Về kĩ thuật hoặc cách truyền tải cảm xúc)

Đây đều là những tác phẩm yêu cầu rất nhiều kĩ thuật phức tạp đối với nghệ sĩ trình diễn. Để đi sâu vào các khía cạnh kĩ thuật, có lẽ tôi sẽ cần một bài viết dài hơn. Tuy nhiên, đối với tôi, một vấn đề khác quan trọng hơn kỹ thuật khi chơi những bản nhạc này chính là việc giữ năng lượng xuyên suốt buổi biểu diễn và duy trì sự tập trung cao độ vì tôi cũng đã có tuổi hơn và cần làm quen với “trạng thái mới” này của chính mình. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, tôi cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.

Một mối quan tâm khác mà tôi luôn cảm thấy trăn trở đó chính là làm thế nào để mang đến sức sống căng tràn và sống động cho mỗi bản nhạc, làm thế nào để bộc lộ những cảm xúc chân thật nhất đến từ các bản nhạc của Beethoven và Chopin, làm thế nào để âm nhạc mang đến sự kết nối, tạo nên những cuộc trò chuyện với chính khán giả. Đây luôn là những nỗi niềm băn khoăn của tôi.

Độc tấu Piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” của nghệ sĩ Bokyung Lee là sự kiện đồng hành cùng Vietnam International Piano Competition & Festival (VIPCF) với mục tiêu trở thành một trong những cuộc thi Piano, cũng như sự kiện âm nhạc quan trọng nhất của Việt Nam. Với vai trò là một nghệ sĩ đồng thời là giảng viên piano, cô có suy nghĩ gì khi có cơ hội được đồng hành cùng một cuộc thi quốc tế piano tại Việt Nam? Cô có thông điệp gì muốn gửi gắm tới các thí sinh của VIPCF không?

Tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Vietnam International Piano Competition & Festival (VIPCF). Đây thực sự là một sân chơi quý giá nơi mà những nghệ sĩ piano đầy tham vọng luôn tìm kiếm để thể hiện và thử thách bản thân. Không chỉ vậy, ngay cả đối với những người yêu piano nói chung, đây cũng chính là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể tìm thấy nguồn động lực sáng tạo, thử nghiệm cảm giác chinh phục và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn. Vì lẽ đó, tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh đang theo học và chinh phục piano rằng, hãy đặt trọng tâm vào tinh thần “liên hoan” hơn là “cuộc thi”. Hãy coi mỗi buổi biểu diễn là một món quà tự thưởng cho bản thân mình dù bất kể kết quả có ra sao. Tôi mong rằng toàn bộ sự kiện sẽ lan tỏa một bầu không khí rộn ràng và tràn đầy hứng khởi dành cho các thí sinh và những người yêu âm nhạc cổ điển.

Ngoài hai đêm diễn độc tấu piano “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp”, cô cũng tham gia buổi Trò chuyện Your VIPCF Journey: Kiếm tìm cảm hứng từ các tác phẩm cổ điển, cô mong muốn được trò chuyện và chia sẻ điều gì với học sinh piano và các khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển tại Việt Nam?

Chủ đề chính của buổi nói chuyện sẽ tập trung vào Chopin. Cuộc đời, tính cách, các tác phẩm, kỹ thuật của ông, cùng với những chia sẻ, kinh nghiệm cá nhân của tôi về quá trình chuẩn bị cho các buổi biểu diễn cộng đồng. Tuy nhiên, tôi luôn sẵn lòng mở rộng phạm vi thảo luận sang bất kỳ chủ đề nào mà người tham gia quan tâm. Mọi câu hỏi đều được chào đón!

Nhìn lại hành trình những năm sinh sống tại Việt Nam, được đồng hành cùng các hoà nhạc thường niên của “Khăn Ấm Cho Em” hay “Yến tiệc trên phím đàn”, điều gì khiến cô cảm thấy tự hào và đáng nhớ nhất?

Tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội kết giao thêm nhiều bạn bè tuyệt vời và mở rộng thêm mối quan hệ. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể đội ngũ Hanoi Grapevine và Khăn Ẩm Cho Em. Họ chính là những đồng đội kề vai sát cánh cùng tôi bởi để tổ chức một buổi độc tấu piano không bao giờ là điều dễ dàng.

Tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi được gặp gỡ khán giả. Tôi muốn dành lòng biết ơn sâu sắc dành cho những người đã dành thời gian tham dự và chia sẻ sự kiện văn hóa này. Chính nhờ sự ủng hộ của các khán giả mà những sự kiện văn hóa có thể tồn tại và tiếp tục phát triển. Và đây cũng chính là câu chuyện về việc chúng ta muốn giữ gìn và ủng hộ loại hình văn hóa nào. Tôi tin rằng con người chúng ta nên là những người biểu diễn piano, một nhạc cụ tuyệt vời. (Có lẽ sớm hơn chúng ta nghĩ, trí tuệ nhân tạo và người máy sẽ thay thế chúng ta trong việc chơi nhạc cụ). Và tôi ủng hộ văn hóa biểu diễn trực tiếp, thay vì chỉ thưởng thức qua màn hình và các thiết bị âm thanh. Vậy nên, nếu bạn cũng có chung suy nghĩ này, xin hãy đến và cùng chia sẻ sự kiện cùng với chúng tôi.

Về nghệ sĩ Bokyung Lee

Nghệ sĩ BoKyung Lee tốt nghiệp Trường Trung học Nghệ thuật Seoul ở Hàn Quốc và nhận bằng Cử nhân Âm nhạc và Thạc sĩ Âm nhạc của Đại học Kyungwon (nay là Đại học Gachon). Tiếp tục nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Oregon, cô đã được trao Học bổng toàn phần về giảng dạy sau đại học về “Kết hợp Piano và Sư phạm Piano”. Cô hoàn thành bằng Tiến sĩ Nghệ thuật Âm nhạc vào năm 2009 với số điểm cao nhất trong lĩnh vực biểu diễn đàn phím (Năm2009, Bài giảng/Luận văn: “Bản chuyển soạn piano các bài ca (Lieder) của Franz Liszt bởi Schubert, Schumann và Liszt – Hướng dẫn dành cho nghệ sĩ biểu diễn”) thuộc lĩnh vực Sư phạm Piano.

Nghệ sĩ BoKyung Lee từng là giảng viên tại Đại học Quốc gia Kangwon (2011-2014) và Đại học Gachon (2011-2016) tại Hàn Quốc và cô thực hiện giảng dạy các bài học thực hành, phương pháp sư phạm piano và các lớp về tài liệu piano. Sau khi chuyển về Eugene, Oregon trong thời gian gần đây, cô tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, biểu diễn của mình và là thành viên ban giám khảo của các cuộc thi quốc gia/quốc tế. Là một nghệ sĩ đặc biệt quan tâm đến giáo dục tiểu học, trong những năm sinh sống tại Hà Nội, cô đã nhiệt tình ủng hộ các hoà nhạc lớn thường niên của “Khăn Ấm Cho Em” với mục đích gây quỹ xây dựng trường học cho trẻ em tại những vùng kém phát triển ở miền Bắc Việt Nam.

Vào tháng 3, năm 2024 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện độc tấu piano “Yến tiệc trên phím đàn” của nghệ sĩ Bokyung Lee là sự kiện gây quỹ cho chương trình kỷ niệm 5 năm của Hanoi Grapevine’s Finest, với Lễ vinh danh hoạt động nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, được tổ chức và lựa chọn bởi Hanoi Grapevine và cộng đồng khán giả, cùng với nhiều hoạt động vệ tinh khác. Với sự trở lại vào năm nay, “Yến tiệc trên phím đàn II – Thoảng phong vị Pháp” là sự kiện đồng hành cùng Vietnam International Piano Competition & Festival (VIPCF), tiếp tục mang đến cho khán giả cơ hội trải nghiệm, thưởng thức sự kiện âm nhạc giá trị và chuyên nghiệp.

NO COMMENTS

Leave a Reply