Home Sự kiện Mĩ thuật KVT – Buổi trình diễn tại Nhà Sàn Studio

KVT – Buổi trình diễn tại Nhà Sàn Studio

……đen, trắng, đen, trắng, xanh, đen, trắng….
đạo đức nghề nghiệp ở Nhà Sàn.

Một tối thứ bảy giá lạnh ở Nhà Sàn xem một tác phẩm nghệ thuật trình diễn cứ kéo dài, kéo dài mãi….. Khán giả bị cuốn đi theo từng đợt khi chiếc máy photocopy để mở cứ tự động in ra những bản báo cáo vô nghĩa, chán ngắt – những bản này được trải ra cẩn thận thành những đường thẳng trên sàn; khi một bóng đèn cứ liên tục được thay một cách không cần thiết; và những bong bóng của sự trống rỗng, của những ý tưởng bị hoài phí hay của những quyết định ngớ ngẩn cứ liên tục được thổi căng, lơ lửng trong không gian và rồi nổ tung đầy chán ngán; khi một công nhân với điệu bộ từ tốn, đầy tập trung không ngừng đo độ công bằng, chính đáng bằng một chiếc dây dọi không chút lay động…và cuối cùng là tôi với gốc gác Do Thái/Cơ đốc giáo đùa vui cùng những hình ảnh và ý tưởng.

Ấn vào hình để tải ảnh lớn hơn về máy

Bốn nam thanh niên với trang phục đen và trắng trong một không gian hình lập phương màu đen thực hiện những công việc nhàm chán, vô nghĩa, lặp đi lặp lại, tưởng chừng như không bao giờ ngừng, và một thanh niên khác nằm trơ ra trên sàn nhà, có thể là chết vì chán ngán. Một tình huống mà hầu hết chúng ta đã từng trải qua ở một thời điểm nào đó, hoặc đã trở thành lối sống của những người đang làm việc theo những dây chuyền hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc mà tham gia vào những xí nghiệp bóc lột. Tôi thích nghĩ rằng đó có thể là đại diện cho đỉnh cao của chế độ quan liêu, ở bất kỳ đâu. Tôi có thể tiếp tục đưa ra nhiều liên tưởng nhưng cũng như một chú chim trong lồng khôn ngoan vậy, tôi không muốn liều lĩnh đâm đầu quá xa qua những song sắt để rồi bị đập đau đớn.

Ấn vào hình để tải ảnh lớn hơn về máy

Suốt khoảng thời gian tôi xem, tới tận sau khoảng 50 phút khi tôi bắt đầu ngáp dài và đi đến chỗ nào ấm áp hơn, tôi đã hi vọng sẽ có một điều gì đó xảy ra và làm thay đổi tình huống trước mặt. Có thể cái xác đó sẽ bật dậy và bắt đầu đẩy câu chuyện theo một hướng mới nào đó. Nhưng, không có gì khác cả, đời không như thế, đặc biệt là với những người mà sự lựa chọn của họ bị giới hạn bởi hoàn cảnh, bởi những thứ như sự giàu sang, địa vị xã hội, quê quán, và nhóm xã hội. Danh sách những điều hạn chế đó có thể còn kéo dài mãi, tuôn ra như những bản báo cáo trong tác phẩm trình diễn vậy.

Đây là mộ tác phẩm có tiềm năng…

Tôi có thể hình dung ra nó…hoặc một tác phẩm tương tự….được trình diễn thành công trong một không gian rộng lớn đến mức tưởng chừng như không bao giờ có hồi kết…hoặc, trong một không gian công cộng nhỏ mà ở đó những bản báo cáo đã hoàn thiện được người thứ năm tập hợp và công việc được bắt đầu lại từ đầu, và cứ thế tiếp tục, hoặc thậm chí hay hơn là, chồng báo cáo đang được xếp thành hàng đó cứ cao lên mãi lên mãi tới mức không thể với tới nổi khi những người công nhân này cứ tiếp tục công việc của mình, không chút thay đổi, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Ở một nơi công cộng, đó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật phản đối hay.

Giống như hầu hết các tác phẩm trình diễn, tác phẩm này cũng đã được ghi lại thành một video và sẽ thật hay nếu video đó được chiếu lặp đi lặp lại ở một nơi công cộng nào đó…hoặc thậm chí là ở một bảo tàng nghệ thuật….trong một thời gian dài. Trong đầu tôi cứ mãi hiện lên những hình ảnh về tiềm năng của tác phẩm này và những dạng thức, địa điểm để triển khai nó…
Đó là một màn trình diễn buồn chán…nhưng cũng chính là dụng ý của tác phẩm này….và vì lý do nào đó nó cứ hiển hiện trong tôi, lôi cuốn tâm trí tôi theo nhiều hướng khác nhau và khuyến khích tôi thảo luận, chia sẻ ý tưởng với người khác.

Trong “Nghệ thuật trình diễn: Từ thuyết vị lai đến hiện tại”, RoseLee Goldberg đã nói rằng trình diễn đã là một cách để lôi cuốn công chúng, và cả những khán giả thấy khó chịu vào quá trình đánh giá lại những quan điểm của mình về nghệ thuật và mối liên hệ của nó với văn hoá. Những thanh niên hôm thứ bảy đang trải nghiệm quan điểm này và ý tưởng của họ có thể rất thành công.

Theo một câu trích dẫn tôi đã từng sử dụng trước đây trong bài bình luận của mình, thì nghệ thuật trình diễn có thể là thú vị, hài hước, gây sốc, hoặc gây khó chịu cho khán giả nhưng dù là thế nào đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của nó là làm cho khán giả nhớ mãi. Những người thanh niên trong trang phục đen trắng ấy chưa hoàn toàn đạt được tuyên ngôn này nhưng ý tưởng của họ cũng rất hứa hẹn. Vì thế, tôi cho rằng hãy cứ tiếp tục thử nghiệm đi.

Xin cám ơn Nhà Sàn đã tạo dựng một không gian để các tác phẩm thuộc thể loại này được được sống dậy và phát triển. Đó là một sự liều lĩnh hết sức dũng cảm.

Tái bút: Thứ ánh sáng xanh loé lên liên tục từ chiếc máy photocopy hoạt động không ngừng đó còn mang một vài hàm nghĩa khác, nhưng thôi, tôi sẽ không làm phiền các bạn với những suy tưởng của tôi nữa đâu.

Thêm một tái bút nữa: Nếu tôi có hiểu sai tác phẩm thì mong các nghệ sỹ bỏ quá cho nhé!

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply