Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Song tấu piano của hai chị em Lafitte

KVT – Song tấu piano của hai chị em Lafitte

Đăng vào
0

HAI CÂY ĐẠI DƯƠNG CẦM VÀ HAI QUÝ CÔ TUYỆT VỜI

Chị em song sinh nhà Lafitte – Florence và Isabelle – đã có một đêm diễn thành công với hai cây đại dương cầm ở Nhà hát lớn tối thứ ba vừa rồi. Họ chơi song tấu trên một chiếc đàn rồi sau đó trình diễn các bản song tấu trên hai cây đàn riêng biệt.

Họ là một cặp song tấu xuất sắc. Nghe nói là họ đã tạo được một cơ sở dữ liệu gồm hơn 7000 tác phẩm cho hai piano và họ còn đang tiếp tục tạo thêm các tác phẩm mới. Isabelle cũng tự mình viết nhạc và chuyển soạn các tác phẩm cho dàn nhạc thành các nhạc phẩm cho hai piano song tấu.

Mở đầu đêm diễn, họ cùng song tấu Tổ khúc ngắn của Debussy. Bản nhạc bốn chương tuyệt vời này ban đầu được viết cho trình diễn piano bốn tay nhưng phiên bản dành cho dàn nhạc lại phổ biến hơn. Đó là một tác phẩm khó nhưng vào tay của cặp song sinh này thì nó xem ra có vẻ rất đơn giản. Và khán giả đã hoàn toàn bị mê hoặc từ chương đầu với những âm thanh như tiếng nước róc rách, cuộn xoáy, tới chương ba “Menuet” tinh tế và diệu kỳ rồi đến một đoạn ballet sôi nổi cuối cùng.

Rồi họ chuyển sang hai piano để trình diễn bản chuyển soạn của Isabelle cho bản “Stenka Razine” – một nhạc phẩm xúc động được Glazunov sáng tác dựa trên một bài thơ. Và đó là một phần trình diễn rất ấn tượng! Nghe cũng ấn tượng mà xem họ trình diễn cũng ấn tượng. Được Glazunov sáng tác khi ông mới 20 tuổi, bản nhạc viết về một cuộc phiêu lưu của Razine – một nhà cách mạng Cô-dắc – khi ông hi sinh công chúa Ba Tư con tin cho dòng nước sông Volga. Âm nhạc lên cao trào khi mô tả sinh động cái chết của người con gái ấy trước khi tạo điệp khúc bằng Bài ca của những người chèo thuyền trên sông Volga – bài ca vang lên khi Razine lãnh đạo đội quân của mình chống Nga hoàng. Tôi vô cùng choáng ngợp với phần trình diễn này.

Mặc dù với tôi có thể đó đã là đủ, có thể nghỉ giải lao và để tất cả những sức lực và sự tập trung đó được tan biến đi, nhưng hai chị em vẫn tiếp tục và họ đã chơi bản chuyển soạn từ tác phẩm “Fantasy on Serbian Themes” (Tạm dịch: Khúc phóng túng về các chủ đề Xéc-bi) mà Rimsky Korsakov sáng tác khi còn rất trẻ.

Phần hai của đêm nhạc được dành cho câu truyện của nàng Scheherazde từ góc nhìn của người Pháp và người Nga.

Càng nghe nhạc của Ravel, tôi càng thêm yêu các tác phẩm của ông. Ông là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và đã chuyển soạn hơn 30 tác phẩm của mình cho hai piano hoặc cho trình diễn song tấu. Hai chị em sinh đôi đã biểu diễn một bản song tấu trong số đó – bản “Scheherazade, Fairy Overture” (Tạm dịch: “Scheherazade, Khúc mở màn vào Thế giới thần tiên”). Đây là tác phẩm đầu tiên Ravel viết cho dàn nhạc (mặc dù nó không thành công lắm trong lần ra mắt năm 1898, và Ravel đã bỏ quên nó. Mãi đến 1975 bản nhạc này mới xuất hiện lại….và tôi thật mừng vì điều đó). Thật là một cách hay để dẫn dắt khán giả đến với phần trình diễn xuất sắc hai đoạn của bản nhạc nổi tiếng “Scheherazade” của Rimsky Korsakov. Tôi luôn kính nể những nhạc sĩ có thể lấy một nhạc phẩm cổ điển đã quá phổ biến và khiến nó nghe như mới. Sinbad trở nên vô cùng sống động trong đêm kể chuyện thứ 549 này của nàng Scheherazade….và cơn giận của Đức vua cũng rất dữ dội.

Và tất nhiên là khán giả không thể để cho cặp song sinh này kết thúc đêm diễn trước khi tặng thêm hai nhạc phẩm trong phần encore… đầu tiên là song tấu tinh tế của Astor Piazzolla và sau đó là bản “Boogie” sôi động do chính Isabelle viết.

Một đêm tuyệt vời với hai quý cô tuyệt vời, và đó là nhờ vào sự tuyệt vời liên tục của L’Espace và người Pháp….Quả là những nghệ sĩ dương cầm ấn tượng và không kém phần quyến rũ.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply