Tọa đàm: Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp
18:00, Thứ sáu 04/12/2020
L’Espace
24 Tràng Tiền, Hà Nội
Thông tin từ L’Espace:
Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam kính mời quý vị đến tham dự buổi tọa đàm “Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp” trong khuôn khổ tuần lễ “Từ trang sách đến màn ảnh” nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Alexandre Dumas. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và cô giáo Nguyễn Thanh Nguyệt.
Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo lại vừa hấp dẫn số đông, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, lựa ra từ đó các tác phẩm có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Tờ Le Figaro (Pháp) đã đưa ra kết luận:
Cứ 5 phim lại có 1 chuyển thể từ sách!
Chính vì vậy mà có những tác phẩm văn chương, nhất là các tác phẩm văn chương kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần, mỗi lần là một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới, mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới và thành công mới. Trà hoa nữ của Alexandre Dumas con, hay Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévost đều là những cái tên có thể liệt được vào danh sách các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh ít nhất 10 lần.
Một vài tác phẩm văn chương kinh điển Pháp đã được chuyển thể điện ảnh nhiều lần
1. Hoàng hậu Margot, Dumas
Hoàng hậu Margot của Alexandre Dumas xuất bản năm 1845. Dumas đã khéo léo đưa vào tác phẩm những âm mưu cung đình, vụ ám sát đô đốc de Coligny, cuộc thảm sát Saint-Barthélemy, mối diễm tình giữa Hoàng hậu de Navarre và Bá tước de la Mole cũng như tập quán tra tấn thời Phục Hưng.
2. Trà hoa nữ, Dumas con
Trà hoa nữ được Alexandre Dumas con viết vào năm 1848, nói về câu chuyện tình của một thanh niên tư sản, Armand Duval, và một kỹ nữ, Marguerite Gautier, vốn mắc bệnh lao. Nàng có thói quen cài hoa trà nhiều màu trên ngực (trắng khi nàng sẵn sàng dâng hiến cho người tình, đỏ khi nàng không sẵn sàng). Tác phẩm được kể theo lối truyện trong truyện, bởi Armand Duval thuật lại cuộc phiêu lưu của mình cho người kể chuyện đầu tiểu thuyết. Câu chuyện về Marguerite Gautier, cô gái thượng lưu nửa mùa với số phận bi thảm, chưa bao giờ ngừng tạo cảm hứng cho nghệ thuật. Nhạc kịch, dĩ nhiên rồi, với tác phẩm trứ danh La Traviata của Giuseppe Verdi vào năm 1853, kịch, ba lê và cả điện ảnh với trên dưới hai mươi phim chuyển thể.
3. Mai Nương Lệ Cốt, Thầy dòng Prévost
Chuyện về chàng kỵ sĩ des Grieux và nàng Mai Nương Lệ Cốt, hay thường được biết đến dưới tên gọi chung là Mai Nương Lệ Cốt, là tiểu thuyết – hồi ký của thầy dòng Prévost. Vì cuốn sách từng hai lần gây tai tiếng (1733 và 1735), bị tịch thu và kết án thiêu hủy, nên vào năm 1753, tác giả của nó đã cho ra mắt một ấn bản Mai Nương Lệ Cốt mới được chỉnh sửa lại và thêm vào một chương quan trọng. Các phẩm chất con người trong cuốn tiểu thuyết nhanh chóng thu hút công chúng và tạo nên danh tiếng cho nó.
Cứ lần lượt ngày qua ngày, từ giàu sang đến khốn khổ, từ phòng khách sang trọng đến ngục tù, từ Paris đến nơi đày ải, từ lưu vong đến chết chóc, des Grieux và Mai Nương chỉ có một duyên cớ duy nhất: tình yêu, thứ tình cảm khiến người ta quên đi rằng đôi nhân vật này từng dối trá và trộm cắp, rằng chàng thì gian trá và giết người còn nàng thì làm đĩ.
Chính bởi vậy mà ít lâu sau khi tác phẩm được xuất bản, Montesquieu mới hiểu vì sao nó lại thành công tới vậy:
Tôi đọc Mai Nương Lệ Cốt của thầy dòng Prévost vào ngày 16 tháng Tư 1734. Tôi không ngạc nhiên khi cuốn tiểu thuyết này, với nam chính là một kẻ bất lương còn nữ chính là một gái điếm bị dẫn giải đến Salpêtrière, lại khiến độc giả yêu thích, bởi toàn bộ hành động của nam chính, chàng kỵ sĩ des Grieux, đều có động lực là tình yêu, vốn luôn là một động lực cao quý, dẫu hạnh kiểm có hèn thấp thế nào.
4. Thằng Cười, Hugo
Thằng Cười là cuốn tiểu thuyết triết học của Victor Hugo, xuất bản tháng Tư 1869 với câu chuyện diễn ra ở nước Anh cuối thế kỷ mười bảy đầu thế kỷ mười tám. Tác phẩm đặc biệt nổi tiếng với gương mặt bị cắt xẻ thành nụ cười thường trực của nam chính, vốn là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho cả giới văn chương lẫn điện ảnh.
Khi mới ra mắt, cuốn sách bị coi là một thất bại. Trên tờ Revue moderne, Frédéric Lock từng đưa ra một số nguyên nhân như: thời kỳ xuất bản, dĩ nhiên rồi, song đặc biệt là do chính bản thân tác phẩm, với cốt truyện lãng mạn xúc động, nhưng lại chẳng khác nào bản văn biện hộ chính trị lỗi thời và bản tường trình lịch sử bị cắt xén. Bản thân Victor Hugo cũng thừa nhận thất bại của mình, một phần ông gán nguyên nhân cho việc nhà xuất bản của ông đã quá đầu cơ, phần khác ông tự thấy các mục tiêu mình đặt ra quá đỗi tham vọng:
Tôi từng muốn lạm dụng tiểu thuyết. Tôi từng muốn biến nó thành một bản sử thi. Tôi từng muốn ép buộc độc giả phải suy nghĩ ở mỗi dòng. Từ đó công chúng nảy sinh giận dữ chống lại tôi.
Tuy nhiên, trên tờ Le Gaulois, Émile Zola lại hết lời ca ngợi tác phẩm:
Thằng Cười đứng trên tất cả những gì Hugo từng viết trong suốt mười năm qua. Trong đó ngự trị một hơi thở siêu nhân.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.
![]() | Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội Điện thoại: (84-24) 39 36 21 64 [email protected] www.ifv.vn |