Cellist Phan Đỗ Phúc – Những cái ôm âm nhạc

Cellist Phan Đỗ Phúc – Những cái ôm âm nhạc

Posted on
0

Viết bởi Nguyễn An cho Hanoi Grapevine và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Nghệ sỹ cello Phan Đỗ Phúc là một cái tên thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt âm nhạc cổ điển năm vừa rồi, và đặc biệt trở nên ấm áp trong những ngày COVID thông qua các chương trình biểu diễn thường xuyên dành cho mọi người. Phan Đỗ Phúc cùng những người bạn tài năng đang tổ chức một chuỗi chương trình biểu diễn và trò chuyện về nhạc cổ điển có tên Schubert in a Mug tại những địa điểm ấm cúng ở Hà Nội. Và không chỉ có vậy…

Ảnh do nghệ sỹ cung cấp

Cơ duyên nào khiến Phúc đến với cây trung hồ cầm vậy?

Với tôi, học cello hoàn toàn là sự may mắn tình cờ. Tôi bắt đầu học organ điện từ từ năm 4 tuổi. Khi chuẩn bị thi vào cấp 2, thầy giáo dạy organ khuyên tôi nên thi vào học chính quy tại Nhạc viện Hà Nội (giờ là Học Viện âm nhạc quốc gia). Cái năm đó thi kết quả rất tốt, nhưng thí sinh organ lại quá đông nên các thầy cô chấm thi giới thiệu tôi sang khoa khác, đó cũng là lúc tôi gặp được cô Ngọc Hiền, người đã giới thiệu cho tôi cây đàn cello, và dìu dắt tôi trong suốt bảy năm học tại Nhạc viện.

Hồi đó tôi rất mải chơi, nhưng rất may mắn vì được học với cô Ngọc Hiền, một nhà giáo vô cùng giỏi, mẫu mực, nghiêm khắc, nhưng rất yêu quý và hết lòng vì học trò. Và ba tôi suốt bảy năm ròng rã vác đàn, đạp xe đạp đưa con tới trường, rồi ngồi luôn trong lớp nghe cô giáo dạy để về kèm cặp; mẹ tôi thì lúc nào cũng hết mình ủng hộ cả hai bố con, chăm từng bữa ăn giấc ngủ. Chính nhờ ba con người vĩ đại này mà tôi được trưởng thành và có một nền tảng kỹ thuật cũng như âm nhạc quy củ ngay từ đầu, làm bệ phóng cho sự đam mê sau này.

Phải sau hai, ba năm học, lúc đó tôi mới cảm giác được sự ấm áp trầm lắng ngân rung của tiếng đàn cello, thứ mà không một nhạc cụ nào khác có thể mang lại được. Từ đó cũng say sưa tập đàn hơn, sau này còn may mắn được tổ chức Carlsen Cello Foundation tài trợ cho sử dụng chiếc đàn cello Zimmerman, 1919 (Đức) từ năm 2011 cho đến đầu năm nay 2020.

Trong suốt thời gian học, Phúc vẫn tranh thủ về Việt Nam biểu diễn miễn phí với nhóm Maestoso, thử nghiệm âm nhạc với Wonder Art, và gần đây nhất là đảm nhận vai trò Bè trưởng Cello của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony), cùng với nhiều hoạt động online ý nghĩa trong mùa dịch COVID-19 và với Schubert in a Mug. Từ ý tưởng tới những trải nghiệm thú vị thế này xuất phát từ đâu?

Tôi về nước tham gia biểu diễn từ mùa hè đầu tiên năm 2017 khi Maestoso mới thành lập, riêng hai tháng hè đã phải chuẩn bị vào biểu diễn ba tác phẩm lớn; sonata của Rachmaninov cho cello và piano, ngũ tấu cho dây và piano của Dvorak và Schumann. Trải nghiệm rõ rệt nhất đó là sự hạnh phúc; hạnh phúc vì được làm âm nhạc với những nghệ sĩ trẻ như mình, cũng đang học tập và làm việc ở nước ngoài, những người vô cùng yêu và nhiệt huyết với âm nhạc. Khi được hợp tác với những con người như vậy thì tôi cảm giác như họ tiếp thêm cho tôi ngọn lửa đam mê; mặc dù lịch tập rất bận và căng thẳng. Hạnh phúc nữa là khi được nhìn thấy cả sảnh lớn của nhà thờ Lớn Hà Nội chật kín người trong những đêm diễn; mà trong số đó, đa phần là thuộc tầng lớp trẻ. Vì ngay cả khi tôi biểu diễn ở bên Mỹ, thì phần đông khán giả ngồi nghe là những người trung hoặc cao niên, chứ tầng lớp thanh niên thì rất ít. Thấy được sự quan tâm và yêu thích của giới trẻ Việt Nam đối với nhạc cổ điển là một điều hạnh phúc lớn cho người nghệ sĩ như tôi.

Khác với Maestoso muốn đem nhạc cổ điển tới công chúng qua những concert lớn và miễn phí cho khán giả; những chương trình tôi hợp tác với Wonder Art giản dị hơn về mặt tầm cỡ, nhưng những trải nghiệm tôi có được lại vô cùng mới mẻ, thú vị, đậm tính sáng tạo và đầy ý nghĩa. Những dự án đầu tiên tôi thực hiện với Wonder, nằm trong chuỗi Baby/Children Concert – những buổi hòa nhạc cổ điển đặc biệt cho gia đình và những đứa trẻ. Ngoài việc biểu diễn những tác phẩm cổ điển ngắn và sôi động, xuyên suốt cả chương trình còn là một câu chuyện thiếu nhi, được viết dựa trên dòng chảy âm nhạc của những tác phẩm trong chương trình. Trí tưởng tượng của trẻ nhờ đó được khơi gợi, biến thế giới nhạc cổ điển trở nên rực rỡ sắc màu, và vô cùng gần gũi. Tôi đặc biệt cảm thấy một sự đồng cảm sâu sắc đối với những dự án và thông điệp mà Wonder muốn đem lại; vì theo tôi, nghệ thuật, trên hết, đó là mối quan hệ, sự giao cảm giữa người và người. Nghệ thuật đích thực sẽ không phân biệt hay “kén” khán giả, từ tầng lớp hay tuổi tác; mà nó sẽ là một sợi dây vô hình gắn kết người với người.

Tháng 2/2020, tôi mới về Việt Nam nhận lời làm bè trưởng cello cho Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, được một tháng thì phải tạm dừng vì dịch COVID-19. Ban đầu thì cũng chán nản lắm vì đột ngột không còn cơ hội để tập và diễn, nhưng mấy hôm nghĩ lại thì thấy nếu khán giả không đến được với mình, thì tại sao mình không tìm cách tiếp cận và chia sẻ âm nhạc với họ, thông qua Internet. Từ đó mình cũng chăm chỉ đăng bài trên Facebook và Instagram hơn, và sau đó thì cùng với ý tưởng của chị Trang Trịnh, mình và một số nghệ sĩ Việt Nam mở rộng quy mô để tiếp cận các bạn bè đồng nghiệp trên khắp thế giới, làm nên sự kiện 24-hour music marathon đầu tháng 4 năm 2020 vừa rồi. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm của hơn 1200 người với gần 300 lượt chia sẻ sự kiện cùng hàng trăm lượt share của các phần biểu diễn. Đã có hơn 120 nghệ sĩ đến từ 13 múi giờ khác nhau trên toàn thế giới tham gia sự kiện này.

Kế hoạch sắp tới của Phan Đỗ Phúc là gì?

Sắp tới, tôi dự định sẽ dồn toàn tâm toàn lực cho Schubert in a Mug (SiaM). Kể từ khi chính thức ra mắt từ tháng 9/2020, team SiaM (bao gồm tôi, bạn Hoàng Hồ Thu, pianist, bạn Patcharaphan Khumprakob, violist, và anh Hoàng Mạnh Lâm, oboist) đã nhận được sự ủng hộ vô cùng nhiệt tình và tình cảm ấm áp từ khán giả. Sau 3 tháng thử nghiệm, giờ chúng tôi có thêm rất nhiều động lực và niềm tin là mình đang đi đúng hướng. Năm 2021 sẽ chứng kiến sự “tiến hoá” của SiaM, với thêm nhiều các concert quy mô lớn và nhỏ, cùng với các dự án giáo dục khác. Cả team thực sự rất háo hức sẽ được cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật âm nhạc cổ điển, và mang tới nhiều hơn nữa các giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Về nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc

Phan Đỗ Phúc sinh năm 1990, từng là bè trưởng của nhiều dàn nhạc uy tín của Mỹ và thế giới, bao gồm: Napa Valley Festival Orchestra, Pacific Music Festival Orchestra (dưới chỉ huy lừng đánh người Nga Valerie Gergiev), New York Classical Players Orchestra, Phan Đỗ Phúc đã tốt nghiệp Tiến sĩ biểu diễn cello tại nhạc viện Stony Brook, New York, Mỹ và hiện đang là bè trưởng cello của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphony Orchestra). Trong quá trình học tập, anh luôn giành được học bổng toàn phần 100% từ cấp trung học cho đến tiến sĩ. Tháng 8/2019, Cellist Phan Đỗ Phúc cùng nhóm hoà tấu Amici đã đạt Giải thưởng Nhóm hoà tấu thính phòng Việt Nam xuất sắc nhất và giải Nhì trong Bảng hoà tấu thính phòng dành cho đàn dây và piano trong cuộc thi Hoà tấu Quốc tế Việt Nam. Tháng 3/2020 vừa qua, giữa tâm dịch COVID-19, xuất phát từ ý tưởng của nghệ sĩ piano Trang Trịnh, Phan Đỗ Phúc và nhóm các nghệ sĩ Việt Nam đã kêu gọi nghệ sĩ khắp nơi trên toàn thế giới tham gia chương trình biểu diễn livestream, giúp đem lại sự động viên tinh thần cho nhiều người.

NO COMMENTS

Leave a Reply