Vũ Hồng Nguyên – Mục đích sống còn là xây dựng tầng...

Vũ Hồng Nguyên – Mục đích sống còn là xây dựng tầng lớp người xem mới

Posted on
0

Phỏng vấn bởi ULY và Ngụy Hải An cho Hanoi Grapevine và Bảo tàng Flamingo
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (FCAM) chính thức ra mắt vào cuối tháng 12/2020, là một dấu mốc đáng kể sau 06 năm hoạt động của dự án nghệ thuật “Art in the forest” – với sự đầu tư chỉn chu. FCAM là bảo tàng nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt Nam dành một phần diện tích lớn và sự chăm sóc bảo trì kỹ lưỡng dành cho điêu khắc ngoài trời, và vì thế, đóng vai trò quan trọng đối với lịch sử phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Nhân dịp này, Hanoi Grapevine có cuộc phỏng vấn với họa sĩ Vũ Hồng Nguyên – đồng sáng lập, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo để hiểu thêm về tầm nhìn, mục tiêu, cách thức hoạt động của bảo tàng hiện nay cũng như định hướng/triển vọng phát triển của FCAM trong tương lai.

Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên – đồng sáng lập, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo.
Ảnh: NVCC

Được biết sự kiện Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (FCAM) ra đời mới chỉ là một mốc thời gian trên lộ trình dài, anh có thể chia sẻ về lộ trình này?

Về lâu dài, chúng tôi thấy mình mới làm được một phần của ước mơ lớn cho 10 năm, 20 năm, cho cái đích cuối cùng. Chúng tôi đã hoàn thành xong một việc về pháp lý, là thành lập bảo tàng. Còn bộ sưu tập vẫn tiếp tục cần phát triển. Cần ngắt ra từng đoạn thì sức mình mới kham được, và nhà đầu tư sẽ dễ đầu tư hơn. Bản thân các nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực này đều hiểu việc thành lập một bảo tàng mỹ thuật chất lượng là rất khó, nên vẫn phải đi từng bước.

Sưu tập là một quá trình mất nhiều thời gian. Để xây dựng được một bảo tàng ở hiện tại, chúng tôi đã lên kế hoạch từ năm thứ nhất cần phải làm gì, năm thứ hai, đến năm thứ năm làm gì, tổng kết 5 năm, rồi lại đến chặng 10 năm, sau 10 năm thì có được gì… Nó cần sự kiên trì của nhà đầu tư và của cả bản thân mình.

Điều gì thôi thúc anh theo đuổi và kiên trì với giấc mơ bảo tàng đương đại “tốn thời gian” như vậy?

Mơ ước làm bảo tàng chính từ những vấn đề tôi nhìn thấy xung quanh, những vấn đề xã hội. Những lúc đi đây đó, thấy sự phát triển của các nước khác, tôi nghĩ cách làm sao để (ở Việt Nam) có một tầng lớp người xem mới – đó là mục đích sống còn – là tầng lớp mà mình phải hy vọng nhất. Tôi muốn làm gì đó cho thế hệ sau, vì nếu không làm từ bây giờ thì lại chậm một thế hệ. Hy vọng là 30 – 40 năm nữa sẽ có một lớp người mới đủ trưởng thành để quan tâm đến nghệ thuật như một nhu cầu tự thân, thì khi đó mới hy vọng có một nền nghệ thuật tốt.

Một nền nghệ thuật muốn phát triển được phải dựa trên cộng đồng những người yêu nghệ thuật. Nghệ sĩ giỏi bằng cách nào, nghệ thuật phát triển bằng cách nào khi mà không có cộng đồng, không có một lượng người quan tâm đến những gì mà nghệ sĩ làm ra. Chúng ta cũng có những nhà sưu tập trong nước, nhưng so với số lượng nghệ sĩ và dân số thì con số này vẫn rất khiêm tốn. Không lẽ nghệ thuật làm ra chỉ để xuất khẩu bán ra nước ngoài? Chúng ta đã có một giai đoạn bán được rất nhiều, nhưng cũng đã hết thời kỳ khách nước ngoài mua bán tấp nập và cũng có những cái giá phải trả cho niềm tin nghệ thuật ở thời kỳ này. Những người hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều vùng đất tương lai cho những nghệ sĩ mới.

Tôi muốn hướng mục đích đến thì tương lai khi làm một dự án bảo tàng. Ở đây có hai đối tượng, một là nghệ sĩ tương lai – chọn nghệ sĩ trẻ bây giờ để đón đầu tương lai. Hai là công chúng tương lai, cũng là những người trẻ, ở họ có mong muốn tìm đến cái đẹp và hướng đến cái đẹp. Muốn cho lớp công chúng trẻ mấy chục năm nữa có cái gì để nghe, để nhìn thì bắt buộc mình phải làm từ bây giờ. Phải chuẩn bị cho bộ sưu tập, và bộ sưu tập đủ dày đủ mạnh thì mới sinh ra bảo tàng có giá trị tốt.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng bảo tàng (nhiều lĩnh vực) trên thế giới tăng gấp đôi thời gian trước, trong số đó đa phần là bảo tàng tư nhân và chính những bảo tàng đó cũng đã trở thành niềm tự hào của nhiều đất nước. Giữ vai trò lớn trong việc bảo tồn và thúc đẩy phát triển giá trị văn hoá, một bảo tàng nghệ thuật chất lượng sẽ tạo ra sự ảnh hưởng lớn tới xã hội, nó tạo ra một lượng công chúng đến là những người quan tâm đến nghệ thuật, quan tâm đến bảo tàng. Bên cạnh đó nó sẽ là nguồn động lực tác động tích cực tới những nghệ sĩ có khát khao làm việc, ước mơ có cơ hội đặt tác phẩm trong bảo tàng…

Tác phẩm “Thuộc về biển” (2019) của tác giả Lê Lạng Lương được trưng bày tại FCAM.
Ảnh: FCAM

Anh đánh giá như thế nào về thực trạng và triển vọng/khả năng lưu giữ nghệ thuật đương đại trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay?

Hiện tại, đây là việc rất khó khăn ở Việt Nam. Ở quy mô nhà nước, nghệ thuật đương đại chưa thật sự nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Ở quy mô bảo tàng, mọi người vẫn nói là bảo tàng nhà nước không giữ được nhiều tác phẩm đương đại…thật ra họ cũng rất muốn giữ, nhưng nguồn tài chính lấy từ đâu. Ví dụ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bây giờ cũng rất muốn có tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, nhưng nguồn kinh phí hàng năm, giá (tác phẩm) nghệ sĩ đương đại đưa ra, rồi không gian trưng bày tác phẩm như thế nào để đáp ứng được, và còn nhiều hạn chế khác, đây cũng là vướng mắc chung của các bảo tàng trực thuộc quản lý nhà nước tại Việt Nam, và một số nước đang phát triển.

Như vậy sở hữu loại hình này vẫn phải theo xu hướng chung của các nước phát triển là (phải từ) doanh nghiệp, tập đoàn, các công ty tài chính… Không thể lấy ngân sách, tiền thuế của người dân, cả người giàu người nghèo, để mua nghệ thuật đương đại. Bởi vì ở thời điểm hiện tại nghệ thuật đương đại chỉ phù hợp và phục vụ cho một nhóm đối tượng chứ không phải tất cả. Còn nguồn tiền nhà nước vẫn phải phục vụ cho nhu cầu văn hoá cộng đồng chung.

Để thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật đương đại, rõ ràng phải bỏ ra một khoản tài chính lớn. Để có một nguồn tài chính không phải từ thuế, thì phải từ doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thì có muôn vàn sở thích để đầu tư: các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, các giải bóng đá, golf, boxing… Nhưng để có sự chia sẻ – doanh nghiệp có đầu tư cho nghệ thuật đương đại đúng cách, thì cũng không phải đơn giản vì nhiều người làm rồi nhưng khó đạt thành công, khó để chấp nhận những cái mới, chấp nhận những cách nhìn khác… Nhiều bảo tàng trên thế giới đa phần được thành lập bởi các doanh nghiệp như Samsung, Ford, Louis Vuitton, … một là họ yêu thích nghệ thuật thật sự và muốn chia sẻ tình yêu đó với nhiều người yêu nghệ thuật khác, hai là để chứng minh tư duy của tập đoàn, tiếp đến là gìn giữ một loại hình tài sản có thể có thể hoán đổi thương mại được. Ở Việt Nam, những doanh nghiệp như vậy chưa nhiều, vì vẫn còn rất nhiều rào cản.

Anh có nghĩ bảo tàng tư nhân (như Flamingo) sẽ làm thay đổi hay có tác động ngược lại đối với nhà nước?

Tôi tin là có tác động, sẽ có mặt tích cực, nhưng (bảo tàng tư nhân) cần phải làm tốt. Nếu bản thân nó tốt, nó sẽ tạo được đối trọng để thúc đẩy nhà nước phát huy vai trò của mình. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tự do đầu tư, còn Bảo tàng nhà nước dùng tiền ngân sách thì nên tập trung vào phát triển bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hóa – là những đối tượng mà nhà nước nên bỏ tiền, để mọi người dân có quyền được hưởng. Còn những gì cá nhân hơn một chút như nghệ thuật đương đại, hay các ngành nghề đặc trưng, thì nên để tư nhân. Nếu xã hội phát triển, nhà nước đầu tư cho bảo tàng nghệ thuật đương đại chất lượng cao thì tốt quá, giới nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật quá ư là vui mừng. Tóm lại cả tư nhân và nhà nước đều cần làm tốt việc của mình. Và cần chi tiền cho chuẩn. Ví dụ chúng ta có bảo tàng tự nhiên, nhưng một bảo tàng tự nhiên như thế với gần 100 triệu dân chưa xứng đáng. Nếu chúng ta không làm bảo tàng tự nhiên tốt thì sẽ mất một lớp công chúng quan tâm đến tự nhiên, không làm bảo tàng thực vật tốt thì mất một lượng người quan tâm đến thực vật, không làm bảo tàng biển tốt thì mất một lượng người quan tâm đến biển. Hiện nay tại sao không có nhiều người vào bảo tàng, trong khi các nước phát triển các bảo tàng hoạt động rất tốt và đông khách. Ở Việt Nam tôi nghĩ bảo tàng có lượng người tham quan tốt nhất vẫn là Bảo tàng Dân tộc học. Còn những bảo tàng khác không có lượng người vào hoặc vào rất ít so với diện tích và quy mô bởi nó không sống, không phát triển, nó bị trói buộc trong chính cái vỏ áo, trong không gian của nó, bị trói buộc trong chính hệ thống quản lý của nó, nên không phát triển được.

Vai trò của nhà nước rất quan trọng bởi vì nhà nước có vai trò định hướng lớn. Nhà nước (quyết định) mở cái gì, đóng cái gì, nhà nước (có thể) mở ra cơ hội cho nhiều người làm bảo tàng, khuyến khích nhiều doanh nghiệp làm bảo tàng, tạo ra những điều kiện cho họ. Ví dụ anh làm bảo tàng thực vật thì nhà nước ưu tiên cho anh quỹ đất bao nhiêu, cho anh trồng những loại thực vật gì, và cách thức thế nào. Nếu anh đầu tư cho bảo tàng biển thì anh được hưởng những ưu đãi gì để tăng lượng người đến xem và yêu biển hơn …

Bảo tàng nghệ thuật là nơi sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tác phẩm có giá trị và tiêu biểu. Vậy FCAM dựa trên những tiêu chí như thế nào để lựa chọn tác phẩm đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng?

Tiêu chí của bảo tàng được hình thành bắt đầu từ sự hiểu biết, sở thích của người đứng đầu. Mỗi bảo tàng sẽ có sự khác nhau về lựa chọn này. Bên cạnh những tiêu chí như: thể loại, khuynh hướng, hình thức, yêu cầu chất lượng tác phẩm, kinh phí, mục đích không gian, thời gian… điều tôi quan tâm đầu tiên vẫn là nghệ sĩ, dựa vào uy tín của họ và niềm tin của mình để phát triển nó lên. Nếu người sưu tập tinh, giỏi thì sẽ đón được tương lai của những người trẻ. Nhưng vẫn có rủi ro của việc dự đoán tương lai, có người trẻ ở thời điểm này họ tốt, 10 năm nữa thì chưa biết như thế nào… Chỉ khi gốc là người nghệ sĩ tốt, thì bảo tàng sẽ giữ được cái tốt, còn nghệ sĩ không có trách nhiệm, đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, thì tất cả mọi cái đều mong manh.

Để xác định giá trị nghệ sĩ hay giá trị các tác phẩm thuộc nghệ sĩ không hoàn toàn là do bảo tàng, mà nằm ở tư duy, trách nhiệm và đạo đức nghề của chính nghệ sĩ. Không phải người nghệ sĩ nào có tác phẩm được bảo tàng sưu tập thì giá trị tác phẩm khác của họ sẽ tăng vùn vụt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khi nghệ sĩ được bảo tàng sưu tập tác phẩm, thì giá trị tác phẩm khác sẽ tăng lên, nhiều cơ hội mới mở ra với họ. Nghệ sĩ làm tốt và bảo tàng cũng phải làm tốt thì giá trị mới cộng sinh được. Nó phải được bắt nguồn bằng tâm huyết của người đứng đầu bảo tàng, sự đóng góp, ủng hộ của nghệ sĩ chứ không chỉ đơn giản là tiền. Nói chung, làm bảo tàng ở thời điểm này để mà tốt ngay được thì khá viển vông, mơ hồ. Nhưng nếu mình không làm, thì cơ hội sẽ mất. Ví dụ nếu chúng tôi chưa làm thì 6 năm vừa rồi cho đến bây giờ cũng không có được bảo tàng như thế. Để bảo tàng thành công được thì vẫn phải kiên trì, năm này qua năm khác, gìn giữ tác phẩm, từ cái nhỏ cái lớn, sao cho mọi thứ được đưa ra phong phú về hình thức, thể loại, cấu trúc, phong phú về sự sáng tạo, vật liệu mới, tạo nên các không gian khác biệt, trọn vẹn cho một hình thức nào đó được thực hiện…

Tác phẩm “Không gian ở giữa II” (2019) của tác giả Ariel Moscovici.
Ảnh: FCAM.

Cam kết đồng hành của anh trong dự án bảo tàng này là như thế nào?

Kế hoạch của tôi là hoàn tất dự án Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo trong 10 năm. Cũng nhanh lắm, 6 năm trôi qua rồi, còn 4 năm nữa để hoàn thành dự án này. Đến thời điểm hiện tại tôi nghĩ mình đã thỏa mãn ước mơ mong muốn xây dựng từ ban đầu. Tôi có được sự ủng hộ, chia sẻ và niềm tin để chủ đầu tư sẵn sàng hy sinh nhiều thứ cho việc hoàn thành bảo tàng, trong đó sự hy sinh lớn nhất của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản là diện tích mặt đất.

Không chỉ dừng lại ở mục tiêu dự án Bảo tàng của tập đoàn Flamingo, mà ước muốn lớn hơn là một chuỗi bảo tàng. Khi hình thành một chuỗi thì sức mạnh, hiệu quả nó sẽ lớn hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ có cơ hội để làm những sự kiện kéo dài 3 tháng, 4 tháng, nửa năm tại Việt Nam, có được sự quan tâm của xã hội nhiều hơn. Nghệ thuật sẽ đầy và phong phú hơn cho người xem. Khi hệ thống bảo tàng phát triển kèm theo sự phát triển của nghệ sĩ, nghệ sĩ phát triển kèm theo sự phát triển của nền giáo dục trong lĩnh vực này. Khi có nhiều bảo tàng tư nhân hơn thì sẽ có sự cạnh tranh về cung cầu, về nghệ sĩ, về bộ sưu tập, nghệ thuật lúc đấy mới phát triển. Sẽ có những nhà đấu giá nằm trong chuỗi đấy, đấu giá nghệ thuật phát triển đúng hướng, đúng mục tiêu mục đích không làm người sưu tập phải hốt hoảng lo tranh giả, tranh kém chất lượng. Khi có một chuỗi như thế, thì việc giảng dạy hay những tour nghệ thuật sẽ phát triển hơn. Trường học là môi trường cực kỳ tuyệt vời để phát triển (nghệ thuật) đúng hướng từ sớm, mà nguồn tài nguyên đấy rất dồi dào – hết năm này đến năm khác, hết lứa học sinh này đến lứa học sinh khác. Chúng ta cứ bền bỉ trong vòng mấy chục năm, thì cái chúng ta nhận được là một thế hệ tương lai tốt đẹp – nghệ sĩ dồi dào và công chúng biết yêu, thưởng thức nghệ thuật trong tương lai.

Sau khoảng 10 năm thì quy mô bộ sưu tập của bảo tàng sẽ tăng lên khoảng bao nhiêu phần trăm?

Về quy mô sau 10 năm bộ sưu tập sẽ tăng lên khoảng 50% nữa. Con số cụ thể còn tùy vào không gian và tác phẩm, cần đảm bảo ở mức nhất định để đủ hấp dẫn. Ngoài ra phải tính toán về mặt kiến trúc, cảnh quan, sân vườn, thực vật. Flamingo sẽ mạnh về không gian trưng bày tác phẩm ngoài trời, vì ở đó được ưu đãi không gian cảnh quan thiên nhiên để phát triển điêu khắc công cộng rất tốt.

Bảo tàng Nghệ thuật Flamingo có thu vé không. Nếu có thì chính sách/ định hướng của bảo tàng đối với việc bán vé tham quan nghệ thuật như thế nào?

Vé tham quan bảo tàng hiện tại được tích hợp với vé tham quan trong ngày (vé toàn bộ khu nghỉ dưỡng, có kèm một bữa ăn tại nhà hàng – phóng viên). Khoảng 2 năm nữa hy vọng sẽ tách riêng được không gian giữa khách đến nghỉ dưỡng và khách tham quan bảo tàng, khi đó sẽ bán vé tham quan bảo tàng riêng.

Tôi nghĩ việc bán vé bảo tàng là cần thiết, không phải bán vé là không phát triển được nghệ thuật, hay thương mại hoá nghệ thuật. Việc này sẽ giúp chọn lọc khách – những người quan tâm đến nghệ thuật thực sự nghiêm túc. Việc trả phí để giải trí, thưởng thức một loại hình nghệ thuật trí tuệ cho hệ giác quan là một việc văn minh.

Mức vé được cân nhắc phù hợp để giúp mở rộng, chứ không phải cao quá để hạn chế mọi người vào. Nhưng vẫn cần phải có một ngưỡng để làm sao lọc bớt đi những trường hợp đến chỉ check-in thái quá làm ảnh hưởng đến người thưởng lãm thực thụ. Quan trọng là phải hướng đến đúng đối tượng, như những trường học, để các em học sinh, sinh viên có những bài học, những buổi tham quan dã ngoại, có những không gian tốt về nghệ thuật để cho các bạn ấy cảm nhận, hướng đến việc cảm thụ, phát huy trí tưởng tượng nhiều hơn. Bảo tàng luôn có những chính sách ưu đãi để khuyến khích đối tượng này.

Khu trưng bày trong nhà bao gồm cụm các container trong khuôn viên rừng thông.
Ảnh: FCAM.
Khu container trưng bày tác phẩm trong nhà.
Ảnh: FCAM.

Ngoài việc trưng bày tác phẩm, bảo tàng đã có các hoạt động thường kỳ hay chương trình hợp tác nào khác chưa, như là hoạt động hướng đến học sinh mà anh vừa nói ở trên?

Với đối tượng học sinh chúng tôi muốn làm được những tour du lịch nghệ thuật trong tuần trong tháng qua kết nối đến các trường học. Thực ra điều này chúng tôi đã làm rồi nhưng chưa tốt, mức độ tiếp cận vào các trường học chưa cao. Bảo tàng có kế hoạch xây dựng tour định kỳ có người hướng dẫn được đào tạo về mỹ thuật bên cạnh khả năng sư phạm để nói chuyện được với các em nhỏ.

Ngoài ra hiện tại chúng tôi còn vướng ở chỗ không gian quá rộng, phần trưng bày trong nhà chia thành từng module nên về mặt quản lý sẽ khó. Bảo tàng nếu là một không gian chung thì quản lý dễ hơn. Ngoài ra để có một lượng công chúng có ý thức với những chỉ dẫn, thì cũng phải chờ thời gian. Có những trường hợp đoàn học sinh đến mà chúng tôi phải đóng cửa trưng bày trong phòng, khách xem bên ngoài vách kính, đây thực sự là điều không muốn nhưng để đảm bảo cho tác phẩm chúng tôi vẫn phải làm vậy. Thật ra không chỉ trẻ con, mà ngay cả nhiều người lớn, thậm chí cả một số nghệ sĩ cũng vô tư trước các cảnh báo bảo vệ tác phẩm. Sợ nhất là những người họ nghĩ đã trả tiền rồi thì muốn làm gì thì làm. Nhiều khi có bảo vệ trong phòng nhưng mọi người vẫn lao vào sờ, xoa, gõ… lên tác phẩm, và việc đó diễn ra rất nhanh. Đó là vấn đề ý thức. Muốn xây dựng được ý thức cần phải có một khoảng thời gian dài, chứ không thể ngay lập tức mà tất cả mọi thứ vào quy củ được. Để giải quyết vấn đề đó phải đầu tư thật kỹ và phải tính toán hết mọi khả năng hư hại để mà đề phòng. Hiện tại chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn cản trở trong việc này, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục để sớm có không gian ổn định an toàn cho tác phẩm và cảm giác thoải mái cho người đến xem.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ quý báu!

NO COMMENTS

Leave a Reply