Home Event Listings Art Phổ Hiếu Kỳ: Khi Khoa học và Nghệ thuật hòa vào làm...

Phổ Hiếu Kỳ: Khi Khoa học và Nghệ thuật hòa vào làm một

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Điểm bất ngờ đầu tiên là triển lãm tổ chức trong khuôn viên trường học, không phải vì thiếu địa điểm phù hợp, mà vì chủ đích ban đầu của ban tổ chức. Điểm thứ hai thú vị không kém: người xem được biến thành những học sinh hiếu kỳ, khơi gợi sự tò mò về thế giới vô cùng đa dạng và hấp dẫn ngoài kia. Đó là hai trong số nhiều điểm đặc biệt của triển lãm Phổ Hiếu Kỳ, do Nguyễn Art Foundation tổ chức, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022 tại TP. HCM.

Damaged Gene (tạm dịch: Gen Hỏng) (1998), Đỉnh Q. Lê. Ảnh: BTC Phổ Hiếu Kỳ.

Khi triển lãm nghệ thuật diễn ra tại trường học

Phổ Hiếu Kỳ là một triển lãm nằm trong chuỗi “Thể Lân Tinh”, do Nguyễn Art Foundation (NAF) kết hợp với Lân Tinh Foundation tổ chức. Theo ban tổ chức, triển lãm Phổ Hiếu Kỳ lấy cảm hứng từ hình thức “căn buồng hiếu kỳ” (“cabinets of curiosities”) mà giới hoàng thân quý tộc châu Âu thời kỳ Phục hưng thường tổ chức để trưng bày những thứ hiếm lạ họ mang về. Những thứ được trưng bày trong căn phòng đó rất đa dạng, có thể là đồ cổ, da thú, hoa cỏ lấy từ tự nhiên; cũng có thể là các dụng cụ khoa học, tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tạo. Phổ Hiếu Kỳ muốn một lần tái hiện căn buồng ấy, có lẽ hiện đại hơn xưa, nhưng vẫn giữ cốt lõi tinh thần cũ. Lần này, “căn buồng hiếu kỳ” tọa lạc tại hai trường học ở TP. HCM (EMASI Nam Long và EMASI Vạn Phúc), trong thời gian sáu tháng (tháng 05 đến tháng 12 năm 2022).

Địa điểm tổ chức và khoảng thời gian rất dài mở cửa triển lãm tới công chúng là một lựa chọn đầy ẩn ý của nhà tổ chức. Trong thư ngỏ của chương trình, các giám tuyển đặc biệt gửi thông điệp đến đối tượng chính mà Phổ Hiếu Kỳ kỳ vọng hướng tới: các em học sinh.

Hallucigenia (2021), Tristan Lim.

Trong một hệ thống giáo dục như hiện nay, thật khó để nói chính xác trẻ em còn giữ sự tò mò và lòng hiếu kỳ với vạn vật đến năm mấy tuổi. Nhiều em bé và cả phụ huynh nghĩ rằng khi bước vào thế giới thật – thế giới của các ngành nghề kinh doanh, đánh giá dựa trên con số, với độ chính xác lên tới nhiều số sau dấu thập phân – thì không còn chỗ cho trí tưởng tượng, sự duy mĩ, xúc cảm…

Vì vậy mà, với Phổ Hiếu Kỳ, các em học sinh và cả những người đã từng là trẻ em sẽ được nhìn ngắm những bay bổng, những xúc cảm trong hình hài của những khung, những hộp, những kết nối yêu cầu độ chính xác cao, dựa trên các nguyên lý toán học, vật lý… “khô khan”. Đây là sự giao thoa ẩn ý mà có lẽ những người làm chương trình muốn gieo vào những đứa trẻ, và gợi nhắc cho những người đã từng là những đứa trẻ.

AK-47 vs. M16 (2015), The Propeller Group, điêu khắc và video.

Khoa học hòa trộn cùng nghệ thuật

46 bộ/tác phẩm của Phổ Hiếu Kỳ đến từ 26 nghệ sĩ, trong đó có những bộ/tác phẩm thuộc bộ sưu tập của NAF – một trong hai đơn vị tổ chức triển lãm. Triển lãm lần này được giám tuyển bởi các nhà nghiên cứu nghệ thuật kì cựu và giàu kinh nghiệm như Ace Lê, Dương Mạnh Hùng và Tâm Nguyễn. Nhóm giám tuyển này đã chọn ra 08 “điểm hiếu kỳ” trên phổ giao lộ khoa học – nghệ thuật, bao gồm: Cơ thể, Máy móc, Lịch sử, Sinh thái, Ngôn ngữ, Hình thái, Hóa chất và Vũ trụ; ở mỗi điểm hiếu kỳ đó sẽ mở ra một không gian, cho phép nghệ thuật tương tác với khoa học nhằm tạo nên sự bùng nổ thú vị.

Ở không gian EMASI Vạn Phúc, với những băn khoăn về ngôn ngữ cơ thể, thứ hẳn đã xuất hiện trước chữ viết để biểu đạt thông tin, Doãn Hoàng Lâm mở ra các góc nhìn khác nhau về cùng một cái bắt tay: giễu cợt hay nghiêm túc, vui vẻ hay cảnh cáo? Nguyễn Phương Linh, Tuấn Mami… say sưa trong thế giới kì diệu của các thành tố hóa học ở mức độ vi mô. Còn Lêna Bùi mời mọi người chiêm ngưỡng vũ trụ nằm trong tranh ghép bốn tấm, với hàng ngàn cách hiểu khác nhau…

Chiếc Ghế Trống (2013-2015), Bàng Nhất Linh.

Bước sang không gian EMASI Nam Long, người xem sẽ bị cuốn vào những khám phá sâu về cơ thể con người, với các tác phẩm của Alisa Chunchue, Nguyễn Thị Thanh Mai và Tristan Lim. Những gì xảy ra với cơ thể chúng ta khi trao đổi chất, khi nhiễm bệnh, hay khi một phần trên cơ thể trở thành vật mang tính nghi lễ? Câu trả lời biết đâu có thể liên quan đến Máy móc, nơi sức công phá vật lý của viên đạn sau khi ra khỏi nòng súng được ghi lại kì công dưới bàn tay của The Propeller Group; hay cách thức những cỗ máy mà Nguyễn Trần Ưu Đàm thiết kế để kết nối con người với con người trên toàn châu lục?

Nó cũng có thể bắt nguồn từ Lịch sử, nơi Chiếc Ghế Trống của Bàng Nhất Linh là một nhân chứng giàu ngôn ngữ gợi hình. Chỉ gồm một chiếc ghế tái chế từ nguyên vật liệu còn lại sau chiến tranh và một chiếc “gương” đặc biệt, vốn là một cái màn hình, nơi xuất hiện hình ảnh hai người đàn ông cắt tóc cho nhau. Nhưng nếu bạn thử đứng sau chiếc ghế trống trơn, nhìn vào “gương” và thấy hiện lên không phải là chiếc ghế trống, mà là khuôn mặt chất phác, già nua của một người chiến binh đang được xén tỉa những lọn tóc bạc đen lẫn lộn, hẳn bạn sẽ giật mình. Cái con người trong “gương” kia đã từng tồn tại, có lẽ vào lúc nào đó đã từng ngồi trên chiếc ghế cắt tóc này. Nhưng ngay lúc này người đó có còn trên đời không? Điều gì đã xảy ra? Cuộc chiến và những vết thương của nó đóng vai trò gì trong câu chuyện đời họ? Một cái hố thăm thẳm xuất hiện trên chiếc ghế, ngày càng lún sâu. Trong khi đó, chiếc “gương” vẫn hân hoan phát hình ảnh của người cựu binh đang tận hưởng việc cắt tóc. Ranh giới giữa còn và mất bỗng nhiên mờ nhạt như một sợi khói mỏng manh. Có cảm tưởng như ta đứng đó và nhìn vào kí ức của mình, chân thật và nhiều xót xa.

Nhìn Từ Ô Cửa (2019-2022), Tuyen Nguyen.

Ở một tác phẩm khác, Nguyễn Kim Duy đưa người xem đến với một hình thức giao tiếp chỉ có ở loài người: chữ viết. Trên giấy can, Duy đưa ra một loạt các định nghĩa khác nhau cho từ “chữ”, mà có lẽ lấy ra từ tất cả những từ điển anh có trong tay. Là thứ ta sử dụng hàng ngày, trong tư duy, ý nghĩ, hay trong công việc, học tập, chủ ý hay vô ý, chữ viết trở nên quá bình thường, quen thuộc. Hầu như không ai đặt câu hỏi tại sao chữ này lại có hình dáng, ý nghĩa như thế này. Đằng sau nó, điều gì đã xảy ra? Nó đã được viết bao nhiêu lần trên hang đá, thẻ tre, trước khi trở thành mực in hay một kí tự điện tử? Thật kì diệu thay, công cụ này đã sớm vượt qua ranh giới nhiệm vụ truyền đạt thông tin, để đồng thời còn mang tính biểu đạt cảm xúc, ý niệm, hình ảnh… trừu tượng và đóng vai trò không nhỏ trong mở rộng thế giới, làm phẳng thế giới. Với sức sáng tạo vô biên, loài người phát triển thứ tiếng nói uyển chuyển này lên một tầm cao mới, khiến chúng có những tầng lớp ý nghĩa khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.

Đứng trước mỗi tác phẩm trong căn buồng Phổ Hiếu Kỳ, tưởng tượng cách chúng được tạo nên và vận hành, ai dám nói nghệ thuật và khoa học tách rời như ngày và đêm? Trong những bay bổng và phức tạp của một ý niệm về nhân sinh, về thế giới, là các con số, công thức, là những hiểu biết về vật liệu, là những tính toán khoa học rạch ròi và yêu cầu độ chính xác cao. Một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, bước ra ngoài cửa vẫn có thể sống một cuộc đời nghệ sĩ. Một nghệ sĩ ngụp lặn trong thế giới mộng mơ, rồi cũng đến lúc chạm đất, vùi mình vào tính diện tích, làm phương trình, để biến ý tưởng trong đầu thành tác phẩm. Sự giao thoa ấy làm nên thế giới đa dạng sắc màu, và phải gật gù rằng, sắc màu nào cũng thật lung linh, thật đẹp.

Gói ghém Tương lai II (2017-), Lim Sokchanlina.

NO COMMENTS

Leave a Reply