Home Sự kiện Mĩ thuật Maison – Lễ hội văn hóa nghệ thuật trên cầu Long Biên

Maison – Lễ hội văn hóa nghệ thuật trên cầu Long Biên

08:00 đến nửa đêm 22/11/2008
Cầu Long Biên

LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT VÀ ÂM NHẠC HÀ NỘI 2008
LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT CẦU LONG BIÊN “KÝ ỨC CẦU LONG BIÊN”

Dự án

LỄ HỘI VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT TRÊN CẦU LONG BIÊN

“KÝ ỨC CẦU LONG BIÊN”

1. Thông tin về Cầu Long Biên:
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1899 – 1902 có tên là Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Chiều dài toàn cầu là 1.682 m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ.
Cầu Long Biên – cây cầu nối liền quá khứ và hiện tại. Cầu được khởi công vào cuối thế kỷ XIX, khi ấy, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật ở Viễn Đông. Trong quá trình tồn tại, cầu gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ký ức Cầu Long Biên là ký ức của quân dân Hà Nội với tiếng súng mở màn cho cuộc kháng chiến lần thứ nhất, là ký ức của ngày tiếp quản Thủ đô 60 năm trước, là ký ức của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cầu đã chịu sự khốc liệt của chiến tranh, làm tròn nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến. Đến nay, cầu lại chứng kiến sự chuyển mình đi lên của đất nước từ khi thống nhất. Cầu Long Biên là một phần của thủ đô Hà Nội, vì thế, mọi biến cố có tầm vóc quốc gia xảy ra tại Hà Nội đều có sự chứng kiến và tham gia của cây cầu.
“Ký ức cầu Long Biên” là ý tưởng của Ngôi nhà nghệ thuật, nhằm đóng góp cho Hà Nội một lễ hội nghệ thuật: Hãy thử một lần tránh xa những ùn tắc, tránh xa tiếng còi xe đinh tai nhức óc, mùi khói xăng dầu ngột ngạt, thong dong trên cầu Long Biên để nghe nó kể chuyện về những năm tháng hào hùng đã qua. Ở đây – trên cây cầu hơn 100 năm tuổi gắn bó với Hà Nội, những khoảnh khắc yên bình của cuộc sống trong quá khứ như vẫn còn hiện hữu.
Hơn 100 năm qua, cây cầu thép này đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử, bao thăng trầm của đất nước. Mỗi nhịp cầu như nhịp đời, nhịp sống ghi lại những dấu ấn không phai của thành phố.
Lễ hội văn hóa nghệ thuật 2008 được tổ chức miễn phí vì người dân Hà Nội, bởi người dân Hà Nội và phục vụ cho chính người dân Hà Nội. Hoạt động này sẽ được tổ chức thường niên. Đây là món quà đặc biệt để dành tặng thủ đô ngàn năm văn hiến.

2. Thời gian dự kiến cho các hoạt động:
– Các hoạt động tại khu vực hai đầu cầu Long Biên phía Hà Nội và Gia Lâm dự kiến hoạt động từ ngày 21 đến ngày 23/11/2008.
– Lễ hội chính sẽ diễn ra trên cầu Long Biên vào ngày 22/11/2008:

2.1. Lễ khai mạc:
Dự kiến khai mạc lúc 8h sáng – Một đoàn tàu hoả bằng hơi nước chạy từ ga Gia Lâm đến ga Long Biên để đưa các vị quan khách, ban tổ chức và các nghệ sỹ ra cắt băng khai mạc lễ hội tại đầu cầu Hà Nội. (Có cổng chào ở đầu cầu, có đường dẫn để quan khách đi từ toa tàu đến Lễ đài). Một màn múa rồng cùng trống hội chào đón các quan khách & toàn bộ các nghệ sỹ, màn múa rồng này còn có sự tham gia của các em nhỏ sống quanh khu vực cầu Long Biên thuộc Quỹ Trẻ em Rồng Xanh.
Diễn văn khai mạc và cắt băng khai mạc: thả 100 quả bóng bay có in tên Lễ hội “Ký ức Cầu Long Biên” bay lên.
Trình diễn màn Bộ đội chiến thắng trở về trong ngày thống nhất đất nước: Đi từ hướng Gia Lâm về Hà Nội. Đoàn bộ đội trình diễn một bài hùng ca chiến thắng khải hoàn.

2.2. Bảo tàng dân tộc sống
Trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam: Biểu diễn trang phục của 54 dân tộc bởi chính những dân tộc đó. Họ ca hát cùng với những nhạc cụ của dân tộc mình, trình diễn từ đầu cầu Hà Nội tiến dần về phía Gia Lâm rồi quay trở lại. Cuộc trình diễn sẽ cho đông đảo quần chúng cơ hội được tận mắt chứng kiến sự đa dạng và đặc sắc của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

2.3. Trang phục thế kỷ XIX
Màn trình diễn tái hiện trang phục Hà Nội thế kỷ XIX (do sinh viên Đại học Thăng Long thực hiện).
Bên cạnh đó, khách tham dự lễ hội có thể hoá trang để mỗi người đều là một diễn viên trong lễ hội.

2.4. Hội hoạ (Cả ngày):
Tập hợp 100 họa sĩ vẽ hoặc sưu tầm tranh theo chủ đề cầu Long Biên. 100 bức tranh này là những ký ức, những câu chuyện về cây cầu, được treo từ phía Hà Nội sang Gia Lâm.
Sau lễ khai mạc: 100 hoạ sỹ sẽ khởi động vẽ trên 100 con diều treo trên thành cầu hướng Gia Lâm –> Hà Nội.

2.5. Triển lãm ảnh (Cả ngày):
Chủ đề “Cầu Long Biên – Quá khứ và hiện tại” do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội và quốc tế thực hiện. Các bức ảnh sẽ do Thông Tấn Xã Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam lựa chọn.

2.6. Triển lãm diều sáo ( cả ngày ) và Giải thi diều (buổi chiều):
100 con diều sáo đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ được làm bởi các nghệ nhân làng Bá Giang (Hà Tây), Kim Thành (Hải Dương), Kiến Thụy (Hải Phòng), và Hà Nội, được vẽ trang trí bởi các họa sĩ và triển lãm dọc thành cầu hướng Gia Lâm – Hà Nội với chủ đề “Ước mơ cây cầu”.
Vào buổi chiều, những con diều này sẽ được thả trên bãi sông Hồng trong cuộc thi diều do Câu lạc bộ diều Hà Nội tổ chức. Mỗi cánh diều bay cùng logo của các nhà tài trợ thể hiện ước mơ của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

2.7. Các tiết mục trình diễn đường phố, các Ki-ốt nhỏ ( Cả ngày)
Dọc theo thành cầu là những điểm trình diễn tại chỗ của các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà thư pháp hay những nghệ nhân nặn tò he. Cùng lúc, các gánh hàng rong sẽ tái hiện cảnh sinh hoạt xưa với những gánh cốm, gánh hoa tươi,…
Vẽ chân dung, truyền thần: Sinh viên các trường Mỹ thuật Công nghiệp và Mỹ thuật Yết Kiêu sẽ vẽ chân dung, truyền thần cho khách trong suốt thời gian lễ hội.
Các ki-ốt sách cũ, ảnh cũ, đồ cổ… : Tại những đoạn hõm của cây cầu có các ki-ốt nhỏ để người dân Hà Nội trưng bày và bán những kỷ vật liên quan đến cây cầu.

2.8. Triển lãm thư pháp trên cầu (Cả ngày):
100 tấm thư pháp bằng lụa do ba nhóm Hán – Nôm, Tiền -Vệ, Quốc Ngữ thực hiện được treo ở hai bên thành cầu.

2.9. Triển lãm tranh khắc gỗ thế kỷ 19 của Ogie chân cầu phía Hà Nội (Cả ngày):
Các tác phẩm tranh thể hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vào thế kỷ 19. Dự kiến thực hiện triển lãm này dọc theo chân cầu ở đầu Hà Nội.

2.10. Hội các làng nghề (Cả ngày):
Các làng nghề, phố nghề truyền thống ở nội – ngoại thành Hà Nội sẽ trình diễn các hoạt động tại đầu cầu phía Hà Nội
• Làng Vòng: gánh cốm cổ, bánh cốm
• Đông Hồ: tranh Đông Hồ (Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế)
• Bát Tràng: các sản phẩm gốm Bát Tràng
• Gốm Phù Lãng
• Tò He: Làng Chuyên Mỹ, Hà Tây (20 người)
• Tranh tre: Xuân Lai – Bắc Ninh
• Ngọc Hà: hoa và gánh hoa (10 người)
• Các loại kẹo: kẹo bông, kẹo kéo, kẹo dồi – Xuân Đỉnh
• Bánh đa kê: Làng Kế – Bắc Giang
Mỗi làng nghề, phố nghề mang đến lễ hội những sản phẩm độc đáo, hội tụ sự tài hoa, khéo léo của quê hương, làm nên nét độc đáo của lễ hội.

2.11. Ẩm thực (Cả ngày):
Dọc hai con phố phía hai đầu cầu Hà Nội và Gia Lâm sẽ tổ chức các gian hàng ẩm thực. Trên con đường ẩm thực thế kỷ XIX (phía Hà Nội) sẽ là 20 gian hàng bằng tre, bán các món ăn và đồ uống truyển thống, từ thời thế kỷ 19. Trên con đường ẩm thực thế kỷ thứ XXI, sẽ là 20 gian hàng được trưng bày theo phong cách hiện đại bán các món ăn và đồ uống của Việt Nam ngày nay.
Trung tâm Thông tin Làng nghề Việt Nam sẽ phụ trách việc sắp xếp và tổ chức các gian hàng ở hai con đường ẩm thực này.

2.12. Hoạt động âm nhạc (Cả ngày):
Ở hai đầu cầu là hai sân khấu lớn, có quy mô hoành tráng, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Một đầu cầu (phía Hà Nội) là sân khấu truyền thống thế kỷ XIX biểu diễn các loại hình ca nhạc dân tộc: Ca trù, đàn bầu, dàn nhạc dân tộc, chầu văn, cheò tuồng, hát sẩm, quan họ,… Tiến dần đến đầu cầu kia (phía Gia Lâm) là sân khấu đương đại, thế kỷ XXI, trình diễn nhạc mới: Nhạc nhẹ, Pop, Rock, nhạc lazer… Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nhỏ, lẻ chơi nhạc, ca hát khắp trên cầu.
Đối với hoạt động âm nhạc, các Đại sứ quán cũng được mời tham gia. Mỗi Đại sứ quán có mặt tại Hà Nội sẽ đóng góp một tiết mục trong nội dung chương trình lễ hội.

2.13. Khu vực chiếu phim ( cả ngày ):
Chiếu những bộ phim đã làm về đề tài cầu Long Biên từ trước đến nay và một số thước phim tư liệu chiến tranh xung quanh cây cầu Long Biên.
Địa điểm dự kiến: Rạp chiếu phim di động 3 màn hình phục vụ cùng lúc khoảng 250 người được dựng dưới cầu phía Hà nội.
Các phim trình chiếu:
– Hà Nội có cầu Long Biên: VN hợp tác với Pháp ( Nhóm tác giả: Cố đạo diễn Robert Krammer, Phạm Cường, Nguyễn Thước, Vũ Thiết Trụ)
– Ký ức cầu Long Biên ( Nghệ sỹ Việt Nam )
– Hilton Hà Nội ( Daniel Roussel)
– Gầm cầu mặt nước ( Nguyễn Sỹ Trung)
– Âm thanh & Tiếng vọng ( Xuân Hoàng )
– Thảo nguyên Xanh tươi (Phan Ý Ly)

2.14. Nghệ thuật sắp đặt:
Sắp đặt chong chóng đón gió dưới bãi nổi sông Hồng. Hoạ sỹ Minh Châu là người phụ trách ý tưởng và thực hiện nghệ thuật sắp đặt này.
Vườn Nghệ thuật: Khu vực vườn hoa tại chân cầu phía Gia Lâm sẽ được thiết kế không gian mở để trưng bày các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt của các họa sỹ đương đại.

2.15. Lễ thả hoa đăng (Buổi chiều tối):
Lễ thả 1000 ngọn hoa đăng xuống sông sẽ diễn ra trên bãi giữa của sông Hồng.

2.16. Thả đèn trời (Buổi tối):
Cầu Long Biên sẽ bừng sáng cùng với 100 chiếc đèn trời. Những chiếc đèn trời mang theo logo của các nhà tài trợ sẽ bay cao tượng trưng cho tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Maison des Arts
31a Van Mieu, Hanoi
Tel: 747 8096
[email protected]
www.maisondesartshn.com

1 COMMENT

  1. Toutes nos félicitations et meilleurs voeux pour que cette journée du 22 soit une réussite exceptionnelle !

    Nous serons de tout coeur avec vous depuis la Caféothèque de Paris, en espérant vous voir fin décembre à Hanoi.

    Amitiés,

    Bernard et Gloria

Leave a Reply