Ánh mắt người phụ nữ

Ánh mắt người phụ nữ

Cathrine Dolleris

Triển lãm: 17 đến 28/04/2009
Khai mạc: 17:00, 17/04/2009
Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam,16 Ngô Quyền, Hà Nội

Triển lãm ảnh “Ánh mắt người phụ nữ”

Cathrine Dolleris trở thành một nhà nhiếp ảnh như một điều phải đến. Chị từng theo học ngành địa lý tại trường đại học Copenhagen, đã đi và làm việc tại nhiều vùng rộng lớn trên thế giới như Nam Phi, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam đã gây xúc động mạnh mẽ cho chị bởi sự vất vả nghèo khó, những nỗi cực nhọc của người phụ nữ và sức sống bền bỉ của một nền văn hóa đa dạng. Chị đã làm việc cho tổ chức phi chính phủ CARE quốc tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Nâng cao sự hiểu biết về nghèo đói và phát triển là một điều quan trọng cho cả Phương Tây và Việt Nam. Cathrine đã chọn nhiếp ảnh để thuật lại những mẩu chuyện về những người dân mà cuộc sống, phương kế sinh nhai của họ rất khác biệt với bản thân chị, đặc biệt là phụ nữ.

Những người phụ nữ sống ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh của miền Bắc Việt Nam mang trên lưng những cái gùi nặng cùng với niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng, bất chấp một đời sống thấm đẫm gian khổ và sự tăng tốc của thời hiện đại hóa. Những cung bậc cảm xúc được phản chiếu trên các khuôn mặt và những cảnh sinh hoạt thường ngày kể lại câu chuyện về những phụ nữ của các sắc tộc thiểu số khác nhau với những cội rễ văn hóa và truyền thống sâu xa.

Triển lãm là lời ngợi ca sự đa dạng đó cùng với sức mạnh dẻo dai của những phụ nữ đã xây đắp nên đất nước này và những cô gái sẽ kế thừa mảnh đất ấy, là sự bầy tỏ lòng quý trọng đối với vẻ đẹp của những người phụ nữ đã phải làm việc cực nhọc cho sự tồn tại của bản thân, gia đình và đất nước. Điều này được minh chứng trên những nét mặt, với niềm tin ngời trong ánh mắt, sự hài hước ẩn dấu dưới những nụ cười, cái nhìn tò mò thích thú vào đời sống hiện đại và sự dồi dào của một cuộc sống được nối kết với mảnh đất đã nuôi sống họ.

Sự phong phú của một nền văn hóa đa dạng cần phải được giữ gìn không phải là để cho nền công nghiệp du lịch mà là để dành cho bản sắc nội tại, kinh nghiệm và sức mạnh mà nó đại diện. Sự trao quyền cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống cần được tăng cường để đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận công ăn việc làm, tài nguyên, nền giáo dục và sự chăm sóc y tế đồng thời vẫn bảo tồn vốn hiểu biết riêng biệt và sự đóng góp của họ cho xã hội mà họ đang sống.

Hội Mỹ thuật Việt Nam
Nhà triển lãm

16 Ngô Quyền, Hà Nội
email

NO COMMENTS

Leave a Reply