Home Sự kiện Mĩ thuật Thứ Tốt, thứ Tồi và thứ Cần Bàn Bạc

Thứ Tốt, thứ Tồi và thứ Cần Bàn Bạc

Đăng vào
1
bill_portrait_50h1

Bình luận: Triển lãm ‘Thế giới Kì ảo’ của Fabien Varschaere tại Bùi Gallery.

Bước vào triển lãm ‘Thế giới Kì ảo‘ của Fabien Verchaere tại Bùi Gallery cũng giống như xâm nhập vào tâm hồn kì dị của một tín đồ rock’n’roll vậy. Đó là một thế giới đầy chó mèo thiên thần ác quỷ chuột Mickey lợn xe máy mũ bảo hiểm đỏ xanh trắng vàng hoà bình cái chết sự sống xúc xắc mắt tình dục thằng hề thánh giá Pulp ‘Common People’ rượu bia tiệc tùng lâu đài voi vịt lá Cơ lá Rô người ngoài hành tinh và vật thể bay không xác định – nơi mà những hình ảnh hằng ngày bình thường đã được thử thách và duỗi dài, cho tới khi chúng chạm tới ranh giới tiếp xúc với những gì bị coi là quá khích và cấm kị. Có người cho rằng, đây là loại nghệ thuật gớm guốc và ghê tởm không-cần-thiết– một loại nghệ thuật thấp hèn và sáo rỗng. Cũng có người cho rằng, tranh của Verchaere thuộc vào nhóm những nghệ phẩm có tính sáng tạo và nổi bật nhất họ từng được chứng kiến. Bản thân tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng: nghệ thuật được giới thiệu ở đây không hoàn toàn tốt hay xấu, nó luồn lách giữa hai miền tính chất này; quan trọng hơn cả, nó đã đưa ra được những vấn đề cần phải bàn bạc.

Mong muốn được học hỏi, tìm hiểu và kết nối với một đất nước, một nền văn hóa và lịch sử của nó, luôn luôn là những mục đích và lí do chính đằng sau những tác phẩm được làm tại nước ngoài của Verschaere. Công thức sáng tác của anh là: lấy một chút hiểu biết và một phần trải nghiệm riêng của mình, hoà trộn chúng với những quan sát và cảm nhận về nền văn hóa anh đang tìm hiểu. Mục đích cuối cùng là để tạo ra bức chân dung về một nơi chốn, thành phố hay đất nước, qua con mắt của một người ‘ngoài cuộc’. Và tôi phải công nhận, người nghệ sĩ này đã nắm bắt khá tốt không khí nhộn nhịp, hối hả của Hà Nội. Hoặc có thể, đây cũng chỉ là nhận định ban đầu khá khái quát của tôi.

Trải đều trên hai tầng của gallery, tranh của Verchaere được giám tuyển và trưng bày theo chủ đề. Tầng một dành tặng và lấy cảm hứng từ Hà Nội; tầng hai chú trọng hơn vào thực hành nghệ thuật riêng/cũ của anh. Tuy vậy, nhờ phong cách vẽ nhất quán của Verschaere và phương thức giám tuyển chặt chẽ của Bùi Gallery, người xem không có cảm giác bị hụt hẫng, lệch lạc và gián đoạn giữa tác phẩm/không gian này với tác phẩm/không gian khác. Hơn nữa, phần lớn tranh của Verschaere có kích cỡ khá đồ sộ và hấp thu gần hết không gian triển lãm: trần cao bao nhiêu, tường dài bao nhiêu chúng đều chạm tới được. Vì vậy, ta không còn đủ thời gian hay không gian tĩnh để nghỉ ngơi; sự chú ý của ta liên tục chuyển từ tác phẩm này tới tác phẩm kế tiếp.

combined1

Vừa bước vào triển lãm, ta không chỉ phải đối đầu với hai chuỗi tranh liên tục nhau: một chuỗi đen – trắng được vẽ thẳng trên tường, chuỗi còn lại trên toan với tông đỏ gây chú ý mạnh; mà còn bị choáng ngợp bởi một không gian bận bịu, náo nhiệt tới tột cùng, một cảm giác đặc biệt hiếm thấy. Càng tập trung chú ý bao nhiêu để hiểu/cảm nhận những tác phẩm ở đây, ta càng trở nên lúng túng bối rối bấy nhiêu. Cứ khi một hình ảnh, nhân vật, sự vật hay cụm từ lọt được vào tầm mắt ta, thì ngay lập tức, một thứ khác xuất hiện ngay cạnh nó, rồi một thứ khác bò ra, rồi lại một thứ khác, rồi lại đến một thứ khác nữa. Tuy nhiên, vẽ như vậy là có chủ ý cả – nó khiến người xem không thể nào thực sự hiểu được điều gì, việc gì đang diễn ra với/trong tranh. Ta tự hỏi, liệu có nên ngồi đây hàng giờ để xem chi tiết từng bức tranh? Hay ấn tượng ban đầu, cảm giác chung chung là đủ? Và rồi ta nhận ra rằng: không cần thiết phải tìm thấy cho-bằng-được một nhân vật hay một sự vật chính trong tranh của Verchaere. Mỗi dấu hay nét vẽ được tạo ra; mỗi nhân vật hay câu chữ được sáng tác đều có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nên một câu chuyện tổng thể – một câu chuyện cổ tích hiện đại, nhưng lại rất thật và trần trụi, về Hà Nội. Và thành phố của chúng ta thì như một cỗ máy vận hành liên tục vậy – không một định nghĩa, không một miêu tả và không một quan điểm nào về nó là đúng và đủ; mà quan trọng là phải biết hoà trộn chúng lại với nhau. Nhìn nhận những tác phẩm của Verchaere theo hướng này, tôi cho rằng anh đã phần nào thành công trong việc nắm bắt tinh thần náo nhiệt của Hà Nội.

combined2

“Nhưng có thật sự như vậy không?”

Tôi đã tự hỏi mình như vậy khi tới xem triển lãm lần thứ hai. Lí do khiến tôi quay lại vẫn chính là hai bức tranh đen – trắng ở lối vào. Fabien đã nói rằng, phương pháp anh thực hiện tác phẩm là: sử dụng “những hình ảnh nổi tiếng, ai cũng biết đến, [với] những hình ảnh thường nhật của thành phố, của con người, của các phương tiện truyền thông và của văn hóa Việt Nam” [1]. Tuy nhiên, ta khó có thể tìm thấy được một hình tượng hay hình ảnh nổi bật, có khả năng biểu trưng cho văn hóa Việt Nam nói chung, và cuộc sống Hà Nội nói riêng trong tranh của Verchaere. Chi tiết duy nhất, giúp cho tác phẩm của anh không trở thành chân dung về bất kì một thành phố hay thủ phủ nào khác trên thế giới, là hình ảnh một nhân vật mặc chiếc áo “Tôi ♥ Hà Nội” [2]. Nhưng đáng tiếc, hiện tượng/phong trào này không bắt nguồn từ đây; điểm khởi đầu của nó nằm ở bên kia thế giới chúng ta. Và đó là lúc tôi tự hỏi, liệu nhận định ban đầu của tôi – về việc người nghệ sĩ này đã nắm bắt khá tốt không khí nhộn nhịp của Hà Nội – có còn giá trị không? Hay nói là – anh đã tạo ra một bản phác thảo sơ sài và hời hợt về thành phố này – thì phù hợp hơn? Phải công nhận rằng, Fabien đã thể hiện lại đầy đủ những khía cạnh linh động và trạng thái hỗn độn của cuộc sống Hà Nội – xe cộ nườm nượp, người qua kẻ lại, văn hóa – sinh hoạt của giới trẻ, cuộc sống về đêm, tiệc tùng…v…v – nhưng những gì nằm ẩn mình đằng sau lớp bề mặt náo nhiệt và chưa-đầy-đủ đó thì sao?

Ngược lại, người ta cũng có thể dễ dàng chỉ trích tôi vì đã phán xét và đánh giá một người mới chỉ dành hai tuần lễ để tìm hiểu và làm quen với Hà Nội. Đối với bất kì ai trong chúng ta, hai tuần lễ là khoảng thời gian không đủ, thậm chí quá ngắn, để có thể nghiên cứu (chứ chưa nói tới việc hiểu) về một nơi chốn, một nền văn hóa. Thậm chí đến tôi – một người sinh ra và lớn lên tại đây – cũng đôi khi tự hỏi liệu tôi có thực sự hiểu/biết quê hương mình, liệu những gì tôi nhìn thấy trước mắt có phải là sự thật, có phải là tất cả? Đây cũng là lí do tại sao tôi luôn dành một sự cảm phục và lòng ngưỡng mộ nhất định cho những nghệ sĩ và học giả nước ngoài – những người đã dành một phần cuộc đời để nghiên cứu không biết bao nhiêu khía cạnh khác nhau của nền văn hóa Việt Nam; những người đã tổ chức hội thảo, hoạt động trong cả nước để dạy nghệ sĩ ta các kĩ năng thực hành nghệ thuật, giúp họ trở nên tự tin hơn và thực sự hiểu vị trí của mình trong giới và trong xã hội; những người đã sẵn sàng hi sinh rất nhiều để đóng góp vào sự phát triển văn hóa – nghệ thuật ở Hà Nội… Tất nhiên, tôi không đòi hỏi nghệ sĩ nước ngoài nào cũng phải làm được như vậy. Vì sau cùng, dù ta là người địa phương hay người nước ngoài, thì ta cũng chỉ có thể hiểu được nơi sống hay nền văn hóa của mình đến một chừng mực nào đó, từ một vị trí nào đó; và cũng chỉ có thể liên hệ được với một thế hệ hay một khía cạnh nhất định của nó. Công việc của một người nghệ sĩ cũng không đòi hỏi họ phải bỏ ra hằng năm trời để tìm tòi, nghiên cứu một nền văn hóa, các hoạt động, giá trị truyền thống hay lịch sử của nền văn hóa đó. Tuy nhiên, khi họ đã lựa chọn một dự án nghệ thuật về, hoặc có liên quan tới một cộng đồng, thì họ cần phải ở trong nó, sống và tương tác với nó. Ít nhất, họ cũng phải hiểu một phần nào đó về cộng đồng này; phải nhìn nhận được con người, vấn đề và những gì đang xảy ra với/trong cộng đồng này từ nhiều hướng khác nhau. Thiết nghĩ, nếu không làm được như vậy thì vị trí và giá trị của người nghệ sĩ, trong mắt chúng ta, cũng sẽ không khác gì một người khách du lịch – họ đến rồi đi, và không để lại phía sau chút ấn tượng gì đặc biệt.

[1] Thông cáo báo chí về triển lãm ‘Thế giới Kì ảo’ của Fabien Verschaere tại Bùi Gallery.

[2] Logo ‘I ♥ NY’ (‘Tôi ♥ NY’) được sáng tác bởi Milton Glaser. Những chiếc áo phông mang logo này là để quảng bá du lịch cho bang và thành phố New York. Những năm gần đây nó đã trở thành một hiện tượng thời trang lớn tại Châu Á. Khi tới Hà Nội, logo này được đổi thành ‘I ♥ HN’.

Triển lãm ‘Thế giới Kì ảo’ của Fabien Verschaere diễn ra tại Bùi Gallery từ 19/09 – 20/10/2009.

Bill Nguyễn là sinh viên khoa nghệ thuật, trường Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc. Hiện tại, anh đã ra trường và đang hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội.

1 COMMENT

  1. Ý kiến chính trực và xác đáng đến không ngờ.Nghệ thuật luôn cần những tiếng nói như vậy.Keep going on, Bill!

Leave a Reply