Home Ý Kiến (Vĩnh biệt) Kí ức Cầu Long Biên

(Vĩnh biệt) Kí ức Cầu Long Biên

Đăng vào
8
bill_portrait_50h1

Bình luận: Festival Nghệ thuật ‘Kí ức Cầu Long Biên’

Trên đường quay trở về từ Festival Nghệ thuật ‘Kí ức cầu Long Biên’, tôi không khỏi cảm thấy khó chịu, xấu hổ và xúc phạm. Không còn nghi ngờ gì, festival này đã đánh bật tất cả những sự kiện khác trong danh sách ‘Những việc không nên xem hay tham gia lần nữa’ của tôi. Nếu bạn hỏi “Có thực sự là nó tồi tệ đến như vậy không? Người ta có vẻ thích thú với nó lắm mà?”, thì tôi xin trả lời: dám chắc bạn đã không tận mắt chứng kiến và tham gia festival; hoặc đã bị lu mờ bởi những ý tưởng hấp dẫn trên giấy tờ của nhà tổ chức; hoặc giới truyền thông đã một lần nữa thành công trong việc tung hô và khiến bạn tin rằng đây là một sự kiện văn hóa có một không hai trong lịch sử.

Từ xưa tới nay, cầu Long Biên luôn luôn được coi là một trong những địa điểm, di tích và biểu tượng lịch sử quan trọng và giá trị của Việt Nam. Nó đã sống sót sau biết bao đợt oanh tạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và chứng kiến biết bao thăng trầm của Hà Nội. Ý nghĩa hơn cả, cây cầu này đã trở thành một phần thân quen và không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây – không kể họ là ai, làm nghề nghiệp gì hay đến từ nơi nào. Những chuyến tàu chở hành khách tứ phương chạy qua cây cầu để tiến về Hà Nội. Những người lao động qua lại nơi đây mỗi ngày để đi làm hoặc trở về nhà. Tình nhân trao nhau bao lời mật ngọt; trẻ con tung tăng chơi đùa; người già tập thể dục khắp nơi chốn này. Những người trẻ như tôi thì lên cầu để hứng chút gió, ngắm thành phố chìm vào giấc nồng hay đón nắng mai khi ngày mới đến. Tuy mỗi người có một cảm nhận riêng của mình về cây cầu, nhưng không thể nào phủ nhận rằng tất cả chúng ta đều đang thở, đang yêu, đang trải nghiệm và đang sống trong/cùng với không gian công cộng hết sức đặc biệt ấy. Cây cầu đã trở thành nhân vật trung gian, một nút thắt quan trọng: kết nối qúa khứ với hiện tại, cái cũ với cái mới; và mang những thế hệ lại gần với nhau hơn.

5-500

Tuy nhiên, cái nút thắt đó lại chính là thứ thiếu sót trầm trọng và bị gạt bỏ hoàn toàn tại festival này. Giống như một bữa buffet đồ Tàu mà thực khách có thể ăn-thỏa-thích, một số lượng qúa lớn các hoạt động và sự kiện đã diễn ra cùng lúc, trong suốt hai ngày lễ hội. Đáng buồn thay, không gì trong số chúng đáng để ta xem hay chú ý tới. Những vở chèo, tuồng, ca trù, quan họ; những màn biểu diễn thời trang truyền thống, dựng lại cảnh Hà Nội chào đón đoàn quân trở về, múa lân, diễu hành dân tộc thiểu số; những sự kiện như thả hoa đăng, bắn pháo hoa, thả sáo diều, đi bộ vì hoà bình; và những hoạt động như dựng hàng quán bán nước và đồ ăn truyền thống, sách và bưu thiếp, chụp ảnh/vẽ tranh truyền thần, kể chuyện, xiếc…v…v – là những thứ đã được (hay bị) sử dụng (hay lạm dụng) một cách thái qúa và lặp đi lặp lại trong hầu hết những gì được gọi là “sự kiện/festival văn hóa và nghệ thuật” trên khắp nơi trên cả nước. Chúng cổ xúy và quảng bá cho một phương pháp tổ chức sự kiện/festival, kỉ niệm dịp đặc biệt/ngày lễ quốc gia, và sản xuất/thưởng thức nghệ thuật, đã hết sức cũ kĩ và lỗi thời. Một phương pháp mà bất kì ai cũng có thể bắt chước, cho dù họ có phong cách lùn, thẩm mĩ kém, sáng tạo hoặc tài trợ kinh tế ít ỏi đến đâu.

2-500

Thứ nghệ thuật được trưng bày trên, dưới và xung quanh cầu cũng là một trong những vấn đề đáng và đã có thể được xem xét, bàn bạc và chuẩn bị chặt chẽ và kĩ lưỡng hơn. Thật ngây thơ khi Maison des Arts (nhà tổ chức của festival này) cho rằng, chỉ đơn giản giới thiệu và mang một nồi lẩu đủ các món – nào đồ thủ công, tranh, ảnh, nào sắp đặt, trình diễn, biểu diễn, nào thư pháp, tranh in, tượng – ra bên ngoài và lên trên cầu, họ sẽ có thể mang công chúng và nghệ thuật lại gần nhau hơn. Trước hết, ta cần phải hiểu sự khác biệt giữa nghệ phẩm được sáng tạo về một không gian và nghệ phẩm được sáng tạo cho một không gian. Tất cả tác phẩm trưng bày ở đây rõ ràng là đều về cây cầu Long Biên và thể hiện quan điểm, tình cảm và kí ức của người nghệ sĩ đối với nó. Tuy nhiên, không một tác phẩm nào được sản xuất hay điều chỉnh với mục đích hoà trộn, bổ sung hay thử nghiệm không gian này. Với một không gian triển lãm có giá trị tinh thần và tính chất mạnh mẽ như cầu Long Biên, nghệ thuật trưng bày ở đây cần phải có đủ khả năng và sức lực để vượt qua cái uy thế tối cao mà nơi này nắm giữ; hoặc ít nhất là đi song song với nó. Nếu không, nghệ thuật sẽ mất giá trị, trở thành thứ thừa thãi và dễ dàng bị lãng quên.

Thứ hai, tuy Maison des Arts đã cố gắng khuyến khích khán giả tương tác với nghệ thuật – bằng cách treo hai tấm toan trắng hai bên thành cầu và để họ viết cảm xúc, sáng tác những tác phẩm riêng của mình lên đó – rõ ràng, nhà tổ chức đã không lường trước được (hay có thể đã cố tình lờ đi?) một tầng lớp ý nghĩa khác mà việc này gợi ra. Đứng từ xa nhìn lại, màu sắc và hình dáng của hai tấm toan khiến ta liên tưởng tới những vành khăn tang, thường thấy trong những đám tang truyền thống ở Việt Nam. Theo như kế hoạch hoành tráng (trên mặt giấy tờ), mục đích của nhà tổ chức là biến đổi của cây cầu thành hình con rồng vàng. Nhưng có bình thường và theo một logic nào không, khi họ sử dụng một loại chất liệu giấy vàng óng ánh để làm phần đầu và đuôi rồng, trong khi phần thân được thể hiện qua hai mảnh vải mỏng manh màu trắng?

4-500

Bản thân cầu Long Biên đã là một tác phẩm nghệ thuật được gọt giũa công phu và mang đầy ý nghĩa long trọng. Nếu ai đó muốn thổi vào nó một luồng gió mới, họ sẽ phải thực sự cẩn thận, tránh không để quấy rầy những tầng lớp về mặt ý nghĩa, giá trị và lịch sử ẩn mình trong cây cầu này. Thay đổi kiến trúc và khối hình của cây cầu không hẳn là một ý tồi; tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là: họ sẽ làm gì và sẽ làm việc đó như thế nào. Mỗi một sự vật/đồ vật được đặt vào hay mang đi; mỗi một chỉnh sửa hay thay đổi được diễn ra; mỗi một chi tiết hay chất liệu đuợc dùng, đều có nhiệm vụ và ý nghĩa riêng của nó. Vì thế chúng cần phải được tuyển chọn và sử dụng cẩn thận và cho những lí do đúng đắn. Nếu không, hậu qủa sẽ chẳng khác gì những thứ ta đã được chứng kiến với Festival Nghệ thuật cầu Long Biên – một thứ gì đó tương tự như một vở kịch không được tổng duyệt, một buổi trình diễn không chuyên nghiệp, một triển lãm quá non tay hay một sự kiện không được tổ chức chu đáo.

3-500

Ở nhiều khía cạnh, festival này chỉ là công cụ để người ta quảng bá và đánh bóng bản thân mình; và là nền móng/cơ hội thực hiện những mục đích khác, ví dụ để chào mừng 999 năm Thăng Long – Hà Nội, để kỉ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô, hay 10 năm Hà Nội được công nhận là ‘Thành phố vì Hoà Bình’… Càng bôi chát lên cây cầu bao nhiêu lí do, “lụa là”, “son phấn”, người ta càng khiến nó trở nên khó nhận diện bấy nhiêu. Cây cầu không còn là nơi chốn gặp gỡ mà ta từng yêu quý: những gì là nguyên bản và chân thật của nó đã bị đánh mất; những gì là bình thường và hằng ngày xung quanh nó đã bị lấy đi; cái thắt nút nó tạo ra, để kết nối quá khứ – hiện tại, cái cũ – cái mới và mang mọi thế hệ lại gần với nhau nay đã bị phá hủy. Ở vị trí là người xem, ta bị ngập chìm trong số lượng (chứ không phải chất lượng) của các sự kiện và hoạt động; ta thực sự băn khoăn và bị cô lập với mớ hỗn độn dài dằng dặc diễn ra quanh ta – sự hỗn độn của những ý đồ và mục đích không rõ ràng và không thống nhất.

Có vẻ như Maison des Arts đã quá tự tin và tham vọng, đã nuôi nấng quá nhiều mơ uớc và ảo tưởng cho dự án này, đến nỗi họ không nhận ra rằng kế hoạch của mình đã không đem lại kết quả như mong muốn. Rõ ràng là họ đã đánh giá sai lệch sự hiểu biết và việc thưởng thức nghệ thuật của người xem. Những loại hình nghệ thuật họ giới thiệu ở festival này không đủ mới mẻ và sắc sảo để tạo ra bất kì một cảm xúc hay tranh luận nào. Ngược lại, chúng được sử dụng để tán dương và sùng bái một cách mù quáng những thứ đã quá lão hóa và quá tầm thường. Có thể festival này đã tạo được ấn tượng nào đó với khách du lịch và nhân dân vùng miền khác; nhưng nó đã hoàn toàn loại trừ và gạt bỏ những con người sống ở nơi đây, những phát biểu và cảm xúc của ta về cây cầu và về sự kiện này. Nhà tổ chức cần phải ý thức rằng: vị trí, vai trò và tầm quan trọng (trên mặt vật chất và trên mặt tinh thần) của cả cây cầu Long Biên lẫn của người dân sống quanh/trên/trong nó là hai yếu tố tồn tại song song; cái này sẽ không thể trụ và sống thiếu cái kia và ngược lại. “Vĩnh biệt” ư? Tôi mong là như vậy, vì đã đến lúc ta cần phải hỏi bản thân mình, liệu ta có muốn mỗi năm sẽ phải chứng kiến và trải nghiệm một “thảm họa văn hóa” như thế này? Đã đến lúc tiếng nói của ta được nghe, ý kiến của ta được tôn trọng. Đã đến lúc ta được hỏi đến, được tham gia và được đóng góp. Nhưng “Vĩnh biệt” ư? Tôi không nghĩ như vậy đâu, vì sự kiện này là một việc người ta sẽ còn kể cho nhau nghe và bàn luận, ít nhất là trong 999 năm tiếp theo.

[*] Ảnh được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.

Bill Nguyễn là sinh viên khoa nghệ thuật, trường Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc. Hiện tại, anh đã ra trường và đang hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội.

8 COMMENTS

  1. Tôi rất đồng ý với Bill Nguyễn về bài viết này và Maison des Arts cũng nên đọc để biết cảm giác thực của nhiều người khi tới tham gia festival cầu Long Biên. Ngay từ buổi sớm tới “thưởng thức” đã phải chứng kiến đội múa rồng mà những động tác cơ bản cũng không thuần thục. Họ “cuốn” con rồng như cuốn cuộn len rối và nhiều đoạn thân rồng mắc vào nhau khiến người xem phì cười, có lẽ họ mới tập luyện với nhau chừng nửa ngày trước khi biểu diễn. Maison des Arts đã tham vọng qúa! Nhìn cái cách bày trí sơ sài bằng tre với nứa đã thấy ở đó sự rẻ tiền và nhạt nhẽo. Nó không xứng tầm với cây cầu lịch sử của Hà Nội. Cũng có thể thông cảm chút xíu nếu kinh phí tổ chức hạn hẹp., nếu thế., giá như., hãy thu gọn vào một nơi, không gian nhỏ cũng tốt nhưng phải là một chương trình nghệ thuật đích thực.

  2. Quả là khi nghe về một lễ hội hoành tráng ở cầu Long Biên mình đã rất háo hức, mong chờ một lễ hội đặc biệt, ấn tượng. Nhưng kết quả là khi ra về: ngậm ngùi.

  3. Thanks for this stunningly honest message, Bill. The best thing everyone can do – with the exception of the authorities with the money to restore the bridge – is to leave the bridge alone. It is, as you noticed, a living work of art and so enjoyed by precisely the people it needs to be by: those who use it – those who cross it, live under it, work on it, live on it, shoot drugs on it, recreate on and under it. The organized use of it is pointless and Maison des Arts’ “festival” was more an act of self-aggrandizement and ego than a bridging of the gap between ‘arts’ (popular or otherwise) and the people.

    Of course it was a failure on every level. It could be nothing but. But perhaps having touched a low point in contemporary culture and art, we now have point of reference to which we need never return. One can hope……

  4. This is a cleverly worded and well written article that describes extensively what the author feels was wrong with the Long Bien Festival – that it dressed up the bridge with well used, and included well known cliched festival activities. Bill makes some interesting observations “looking from afar, the color and shape of the canvases reminded us of headbands worn by family members of the deceased during a traditional Vietnamese funeral ceremony”. He says that the Festival organisers ” totally excluded us and ignored what we had to say or how we felt about it” -though he does not say what he does feel or how he was ignored.
    The author did not make any suggestions as to how the “ordinaryness” and “everydayness” that were “stolen” could have been celebrated or how the community could have felt less isolated from the celebrations. Also, if he actually had any suggestions to make, Bill did not illustrate how the organisers could align these suggestions with the expectations of the funding bodies- who may or may not have his modern approach or artistic understanding to presenting community festivals.
    I had nothing to do with the Long Bien Festival, neither do I have any cultural attachment to the bridge. I do not know the politics or any of the organisers though I do know they accessed volunteer workers. However, I have long successful career in events organisation and volunteering (working very hard for no financial reward to benefit others and the wider community) which makes it difficult for me to accept this article,beautifully scribed, as it is, as anything other than a big moan- from someone who has not contributed to the development of the event in any way. Bill Nguyen points out all of the faults but makes no suggestion of how it could have been improved.
    I say to all the “takers” of the world. It is easier to criticise than help, and make valuable suggestions and act on them yourself. Put up or shut up.

  5. Upon visiting Long Bien bridge on the 2nd day of the festival and having a limited prior historical/cultural understanding behind it, I hopes of being more or less educated through the event. As a spectator, I enjoyed the arts displayed and it was nice to see how different artists drew inspiration from the bridge to their work. However, I rarely see someone taking the time to appreciate a piece (it did became difficult to do when the bridge is crowded) as opposite just randomly snapping pictures and passing by. Since it’s only a two-day event, would it be better if the artists themselves were present to engage some of the audiences? I also question the purpose of the photos displayed, where they following a timeline? Or just memorable moments strung together? It would be helpful to include a description.

    The white canvas didn’t bother much as to the oddly shaped the golden structure that supposedly was to make the bridge look like a dragon from afar. It’s the least consistent element with other things in the exibition and doesn’t do a whole lot. Furthermore, I definitely agree that the event was mingled into other promotions and somehow the bridge itself – a historical architecture with many significances that needs no fancy promotion, got overshadowed by random stalls selling food and drink. I wanted more information presented about the bridge and its place in amongst us, the people and our city and culture :)

    The single good thing is that I saw many young people taking interest in the event along side the older generations. Now they may be posing and taking pictures 99% of the time but I guess the young group that takes aesthetic and intellectual interest in this event is a minority.

  6. Tôi không đủ kiên nhẫn và hứng thú để tới xem lễ hội này, ngay sau khi nhìn thấy bộ áo lòe loẹt mà người ta khoác lên cầu long biên. Có cảm giác đây là một nỗ lực của BTC nhằm đại chúng hóa nghệ thuật, tuy nhiên những giá trị phổ quát nhưng thiếu tinh tế (nói thành thật là rất thô thiển) đã tầm thường hóa hình tượng của cây cầu lịch sử này. Có nhất thiết phải khoác áo rồng một cách phô trương như vậy không, khi giá trị thẩm mỹ của chúng thực sự cần xem xét lại. Rác rưởi và những thứ con người xả ra đây còn có thể dọn sạch được, nhưng ô nhiễm thẩm mỹ và rác nghệ thuật thì tác hại thật khôn lường.

  7. Right on Bill! “It’s time our voices heard and our opinions respected. It’s time we got asked, got involved and made some changes…”

    I totally disagree with somebody’s comments above who finds it difficult “to accept this article,beautifully scribed, as it is, as anything other than a big moan- from someone who has not contributed to the development of the event in any way.” It’s such a cheap way to attack a critic. It’s like saying to a film critic he has no right to criticize since he hasn’t contributed to the development of the films!! Yes, we do have rights to criticize public events even when we don’t work on it precisely because we are the public whom the events are supposed to serve. Especially when we get insulted! In my view, Bill’s review is completely thoughtful, and kind!

Leave a Reply