Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Hoành tráng và Tuyệt vời

KVT – Hoành tráng và Tuyệt vời

Đăng vào
0
kvt-2

Đêm thứ bảy cuối tháng Năm vừa qua tại Nhà hát lớn là một đêm thật tuyệt vời… Khán giả hôm đó gồm nhiều thành phần từ những người yêu thích ba lê mong được thưởng thức những tác phẩm mới của các biên đạo múa kỳ cựu người Đan Mạch; các khách du lịch háo hức chờ được xem bất cứ thứ gì trong toà nhà tráng lệ cổ kính này; tới các Bà mẹ, các Ông bố, các anh chị em, các bà, các bác và những người họ hàng hồi hộp đợi ngắm đoàn vũ công balê trẻ đầy triển vọng trong lần đầu ra mắt công chúng; cùng những người hâm mộ và người thân của nghệ sỹ độc tấu dương cầm người Việt tài năng và duyên dáng.

Khi bạn tạm ngừng kỳ vọng khán giả tuân thủ các nghi thức âm nhạc và hoà mình vào không khí chờ đợi đầy hứng khởi, bạn sẽ có một đêm tuyệt vời.

Trước giờ giải lao

Một khúc dạo đầu thành công phải khiến một đám đông ồn ào ngừng trò chuyện, hắng giọng, hoặc ho (và theo cách nói ngày nay là cả ngừng nhắn tin và gọi điện nữa). Bản “Die Fledermause” của Strauss dài 9 phút trình diễn hôm đó là một khúc dạo đầu như thế. Nó đủ sôi động để khiến mọi người ổn định vị trí, kể cả những đứa trẻ tinh nghịch nhất.

Nghệ sĩ dương cầm Trần Thị Tâm Ngọc, tâm điểm của đêm diễn, xuất hiện với nụ cười có thể làm bạn ấm lòng. Và nếu có ai đó nghi ngại rằng cô gái mảnh mai ấy dường như còn quá trẻ để có thể chơi liền 3 chương của một bản concerto thì họ chắc chắn đã phải kinh ngạc khi Ngọc hoàn toàn thoải mái với bản Concerto số 2 của MacDowell. Với tôi, đây là một sự lựa chọn khá bất ngờ bởi tôi nghĩ khán giả sẽ thích một tác phẩm lãng mạn nào đó phổ biến hơn, như những tác phẩm quen thuộc của Tchaikovsky hoặc Chopin. Nhưng cô ấy chơi bản concerto vốn còn ít được biết đến của MacDowell tuyệt đến nỗi làm mê hoặc khán giả hoàn toàn. Những giải thưởng quốc tế mà cô ấy nhận được quả là rất xứng đáng và nhiều năm học tập tại Nhạc viện Boston cũng đã được đền đáp. Sự thanh lịch và hài hước của cô khi đón nhận “rừng” hoa khán giả trao tặng cũng là một nét lôi cuốn ở người nghệ sỹ này.

Tôi hy vọng Ngọc sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trên các sân khấu hoà nhạc và độc tấu tại Hà Nội.

Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam hôm đó chơi rất hài hoà dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa. Bộ dây nghe thực sự rất dễ chịu còn bộ đồng và bộ gỗ thi thoảng có hơi run nhưng sơ suất này có thể dễ dàng cho qua được.

Sau giờ giải lao

Sau khi xem tiết mục múa xuất sắc của Nhà hát Vũ kịch Quốc gia, bạn chắc hẳn sẽ ra về với một nụ cười lớn trên môi…Còn tôi, sau khi xem các tác phẩm trình diễn hôm thứ bảy, tôi đã cười rạng rỡ, hơn cả con mèo Cheshire trong “Alice ở xứ sở thần tiên” vậy.

Hai biên đạo múa Đan Mạch từ Nhà hát Balê Hoàng gia Đan Mạch, Frank AndersenEva Kloborg thực hiện biên đạo cho hai tác phẩm theo trường phái August Bouronville (1805-1879). Các kỹ thuật múa Bouronville vẫn là một phần tất yếu trong nghệ thuật múa của Nhà hát Balê Hoàng gia Đan Mạch.

20 phút đầu tiên là tiết mục “Lớp học balê” (1989)- một vũ kịch xuất sắc đặc trưng cho trường phái Bouronville. Trong tác phẩm này, các vũ công chính có cơ hội thể hiện bản thân, còn các thành viên khác của nhóm múa cũng được thực hiện những động tác di chuyển phức tạp hơn những tư thế tĩnh thường thấy ở các vở trước của họ như “Chopiniana”. Bouronville là một trong những biên đạo múa đầu tiên tạo ra các vai diễn và động tác mạnh mẽ cho nam vũ công và các nam vũ công của nhà hát này thực sự rất có năng lực và mạnh mẽ.
Nhóm vũ công nhỏ tuổi – một phần quan trọng của vở diễn- tạo cho người ta sự yên lòng về triển vọng tương lai của nhà hát. Những động tác nhảy của các bé trai thật xuất sắc.

Sau “Lớp học ba-lê” là một “Hội hoa” duyên dáng và đầy sức sống dưới sự thể hiện của Chí Thành và Quỳnh Nga. Chỉ với vũ điệu múa đôi của Bouronville này thôi cũng đáng để bỏ tiền vào xem lắm rồi. Những đường nét cơ thể hài hoà của hai vũ công thực sự rất đẹp và đáng nhớ. Phần trình diễn xuất sắc này đã khiến tôi lại thêm tin tưởng rằng Nhà hát có khả năng tiến xa hơn nữa với nhóm các tác phẩm cổ điển.

Đã từ lâu tôi thường khen ngợi mỗi khi nhà hát có những buổi diễn lớn thử sức với phong cách balê đương đại. Ở những tác phẩm đó, các diễn viên nữ thể hiện được chính mình còn các diễn viên nam cũng rất xuất sắc.

Thứ Bảy đó còn có tác phẩm “Trái tim tơ lụa” mà tôi đã từng xem bốn lần và vẫn háo hức chờ xem lần thứ năm. Đây gần như là tác phẩm chủ đạo của nhà hát. Sự kết hợp giữa âm nhạc của Bach, những chiếc đèn lồng bằng lụa phương Đông rực rỡ dưới bầu trời trăng non, cùng vũ điệu hiện đại tuyệt vời của các vũ công đã mang lại 20 phút đầy hứng khởi, khiến cho những người mới đến với balê cũng phải thở gấp vì thán phục … giống như một gia đình khách du lịch người Singapore ngồi gần tôi vậy.

Cả ba tác phẩm đều được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Các bà, các bác lớn tuổi xung quanh tôi còn vươn hẳn người về trước đầy thích thú. Một cô bé ngồi phía sau tôi còn quả quyết với người cha mau miệng của mình rằng nếu ông không im lặng thì cô sẽ cấu ông thật đau. Và ông bố ngừng nói thật!

Tôi cho rằng đó là cách xử sự sáng suốt khi xem balê.

Với chuyến đi leo núi sắp tới, tôi sẽ không thể tham gia hai buổi trình diễn múa đương đại đáng ra không nên bỏ lỡ nhưng những người yêu thích nghệ thuật múa thì có thể đến nhận vé miễn phí tại Viện Goethe và Hội đồng Anh.

Và người Đan Mạch đã thật sáng suốt khi tài trợ cho sự kiện này.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply