KVT – Thư Pháp Trung Hoa
![]() | ![]() |
Vào dịp Tết, các địa điểm văn hoá nghệ thuật ở Hà Nội, chưa kể đến các đường phố xung quanh Văn Miếu, thường tấp nập các nhà thư pháp tên tuổi có và nghiệp dư cũng có.
Thư pháp Trung Hoa, hay còn gọi là thư pháp bút lông, là một nét nghệ thuật độc đáo chỉ có ở các nền văn hoá Á Đông và từng được xếp ngang hàng với hội họa trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Thư pháp cũng từng được xem là hình thức nghệ thuật trừu tượng và cao quý bậc nhất trong văn hoá Trung Hoa. Cả thư pháp và hội họa đều là những môn học và kỹ năng cơ bản của các học giả và trí thức Trung Hoa.
Về mặt lịch sử và văn hoá, tất cả các đường nét thư pháp đều là vĩnh cửu và không thay đổi được, do đó đòi hỏi người viết phải cẩn thận trong bài trí và tự tin dứt khoát khi chấp bút. Tuy nhiên, thư pháp gia có thể thoả sức sáng tạo và nếu kiểm soát tốt độ dày, độ thấm của giấy và sự linh hoạt của bút lông thì có thể tạo nên vô vàn phong cách và hình thái khác nhau.
Với một nhà thư pháp giỏi, viết thư pháp giống như một bài tập tinh thần phối hợp tâm trí và cơ thể để chọn lựa phong cách thể hiện tốt nhất cho nội dung của một đoạn văn hoặc một triết lý. Nó cũng đã từng được coi là một hoạt động thư giãn nhưng mang tính kỷ luật cao giúp tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần…Phải chăng vì thế mà nhiều nhà thư pháp giỏi đều nổi tiếng trường thọ.
Nhưng bây giờ không phải là Tết và tất cả những điều trên là để dẫn dắt tới triển lãm mới nhất của Bùi Gallery mang tên “Năng lượng trong… Những tác phẩm không đề của nghệ sỹ Djoko KS”. Djoko là một hoạ sỹ người Indonesia gốc Trung Quốc đã có thời gian dài là nhà duy thực, nhưng khi có tuổi ông bắt đầu đi vào khám phá những khả năng và hạn chế của thư pháp cổ điển Trung Hoa. Các tác phẩm trưng bày được ông vẽ từ giữa những năm 90 đến năm 2000.
Như nhiều tài năng thư pháp hiện đại (ví dụ Nhóm thư pháp Tiền Vệ của Hà Nội), Djoko cũng sử dụng hình thức thư pháp nhưng các nét vẽ của ông không mang ý nghĩa ngôn ngữ. Giống như tất cả các nét thư pháp đẹp khác, mỗi nét của Djoko mang một vẻ đẹp riêng và một thông điệp riêng.
Triển lãm được giám tuyển cẩn thận nên các tác phẩm rất hài hòa với nhau và cũng được treo với khoảng cách phù hợp để người xem có thể đứng xem và suy ngẫm từng bức. Phòng trưng bày trên tầng là một trong những không gian bạn nên thử ghé thăm vào một ngày buồn tẻ nào đó bởi ánh sáng, không gian, sự tĩnh lặng và các tác phẩm nghệ thuật sẽ khiến cho nơi đây trở thành một chốn bình yên, êm đềm. Đó là nơi nên đến khi cơn bão đang gào thét bên ngoài.
Hoa văn nền và đường nét của các bức thư pháp vừa tạo cảm giác hài hoà vừa khuấy động được giác quan của người xem.
Đó là một triển lãm thú vị, và nếu bạn vốn yêu thích các hoạ sỹ thư pháp Hà Nội, bạn sẽ nhận thấy ở đây có nhiều nét tương đồng và khác biệt.
Bạn có thể thoải mái tranh luận và chỉnh sửa những nhận xét tôi đưa ra về thư pháp Trung Hoa.
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |