Chiếu phim Avant-garde Mỹ phần II tại DOCLAB
![]() |
15:00 -17:00, thứ năm 21/10/2010
DOCLAB
DOCLAB xin hân hạnh giới thiệu phần hai của buổi chiếu phim Avant-garde (tiên phong) của Mỹ.
1. Đuốc và Giáo trong đêm của Joseph Cornell
Những tình tiết xung quanh việc tìm ra Đuốc và Giáo trong đêm của Cornell cũng bí ẩn như chính bộ phim. Không lâu trước khi qua đời, Cornell đã chuyển nhượng bộ sưu tập phim cá nhân của mình cho Viện Lưu trữ phim. Vài năm sau đó, sau khi kiểm tra bộ sưu tập phim của ông, các chuyên viên lưu trữ đã phát hiện ra một tập hợp các bộ phim được tỉ mỉ chỉnh sửa và hoàn thiện. Đuốc và Giáo trong đêm là một trong số chúng. Với phương pháp biên tập hết sức khác người, Cornell đã tập hợp và sử dụng các thước phim câm và có tính giáo dục (dạy về các chủ đề như sản xuất thép, đời sống côn trùng, các địa danh ngoại lai…), và biến đổi chúng thành một bộ phim kì lạ.
2. Những nhát chém vào Hạnh phúc của Ken Jacobs
Buổi ra mắt bộ phim Những nhát chém vào Hạnh phúc của Ken Jacobs tại nhà hát Charles (New York) – nhà làm phim Stan Brakhage nhớ lại – thật “đáng sợ”. “Một nửa số khán giả đã rất thích bộ phim. Nửa còn lại thì chán ghét nó đến tận cổ. Việc này đã khiến buổi chiếu phim trở thành một trận đấu giữa những tràng pháo tay hưởng ứng và những lời la ó phản đối… Nhiều nghệ sĩ sau này đã từ chối không ra mắt tác phẩm của mình vì sợ rằng họ sẽ phải tiếp xúc với những gì Ken đã phải đối mặt tối hôm đó.”
3. Vòng-quanh-những-cây-cầu của Shirley Clarke
Vòng-quanh-những-cây-cầu được Clarke dựng lên bằng những đoạn phim còn thừa từ một dự án bà làm về chủ đề lối sống người Mỹ. Trong bộ phim này, những cây cầu hoành tráng bắc qua cảng New York dường như bị hoà tan thành những hình ảnh trừu tượng, đung đưa theo tiếng nhạc nền. Khi biết mình có thể bị kiện ra tòa vì việc sử dụng bản nhạc điện tử của Louis và Bebe Barron làm nhạc nền cho phim, Clarke đã mời nhà sản xuất nhạc jazz Teo Macero sáng tác một đoạn nhạc nền khác để thay thế. Clarke thích cả hai phiên bản nhạc nền và thường trình chiếu cả hai phiên bản này cùng một lúc. Trong buổi chiếu phim lần này, chúng tôi xin giới thiệu phiên bản jazz.
4. Chất lượng thể chế mới và cải tiến: Trong môi trường chất lỏng và mũi, đôi khi một nguyên âm kí sinh sẽ phát triển của Owen Land.
Rất ít nhà làm phim có khả năng sử dụng ngôn ngữ, chơi đùa và châm biếm với ngôn ngữ như Owen Land. Chất lượng thể chế – phiên bản đầu tiên của bộ phim được chiếu lần này – ra đời khi Land thuê căn hộ của một giáo viên và tìm thấy một cuộn băng thu lời hướng dẫn cho một bài kiểm tra mà người giáo viên này bỏ lại. Cuộn băng đã trở thành cảm hứng, và cũng là âm thanh nền, cho Chất lượng thể chế. Trong phiên bản đầu tiên này, Land sử dụng nội dung của cuộn băng và tái dựng lại bài kiểm tra bằng hình ảnh. Nhiều năm sau, ông thay thế phiên bản này bằng phiên bản “mới và đã được cải tiến”. Trong phiên bản này, Land cho thêm phần phụ đề lấy từ một cuốn sách giáo khoa ngôn ngữ học và đẩy bộ phim lên một bước xa hơn: người xem trở thành nhân vật, trở thành một phần của tác phẩm.
5. Mario Banana của Andy Warhol
Niềm đam mê vô tận của Andy Warhol với Hollywood có thể dễ dàng được tìm thấy trong loạt tranh của ông vẽ các ngôi sao điện ảnh và qua 600 bộ phim ông thực hiện từ 1963 và 1976, trong đó có nhiều phim hiện nay được coi là những tác phẩm avant-garde kinh điển. Trong số các bộ phim của Warhol có chuỗi 472 tác phẩm phim chân dung đen trắng mà sau này được đặt tên là Screen Tests (sẽ được chiếu sau trong chương trình chiếu phim Nghệ thuật VAV). Screen Tests có thể được coi là một tập hồ sơ ghi lại toàn bộ giới nghệ thuật New York lúc bấy giờ: từ nhà văn, nhà thơ, diễn viên, tới nhạc sĩ, người mẫu và tất cả những ai đặt chân tới studio The Factory của Warhol từ năm 1964 tới 1966. Mặc dù không thuộc về chuỗi tác phẩm Screen Tests, tác phẩm Mario Banana vẫn được Warhol sản xuất theo lối tương tự. Quay bằng một cú máy, tác phẩm ghi lại diễn viên drag Mario Montez (trong trang phục lóng lánh, được trang điểm cẩn thận, mặt quay cận cảnh, đầu hơi nghiêng như đang dựa vào gối) từ tốn di chuyển từng ngón tay và từng cử động của môi, thưởng thức một quả chuối. Với Mario Banana, hay với chuỗi tác phẩm Screen Tests cũng vậy, Warhol đã sử dụng lối tiếp cận chủ thể của mình hết sức trực tiếp: “Tôi chỉ muốn tìm kiếm những con người tuyệt vời và để họ là chính mình.”
Buổi chiếu phim hoàn toàn phi lợi nhuận nhằm mục đích học tập và nghiên cứu.
Sau buổi chiếu sẽ là phần thảo luận và trả lời câu hỏi.
Các bạn có thể gửi email đến cho chúng tôi tại [email protected] để đăng ký email nhận thông tin về các hoạt động và lịch chiếu phim của DOCLAB.
Viện Goethe Hà Nội 56-58 Nguyễn Thái Học Ba Đình, Hà Nội Tel.: +84 4 37342251 Fax: +84 4 37342254 [email protected] http://www.hanoidoclab.org/ |