KVT – Một tiết mục trình diễn ở Viện Goethe
![]() |
Một tiết mục trình diễn ở Viện Goethe
Hầu hết mọi người không hào hứng lắm khi nghe đến cụm từ “nghệ thuật trình diễn”, nhưng những ai đã từng được tiếp xúc với một tác phẩm trình diễn hay thì lại thấy háo hức, say mê.
Nghệ thuật trình diễn ngày nay vẫn chịu ảnh hưởng của một thế hệ nghệ sỹ đã dám đi vào khám phá những đề tài đầy thách thức như: khoả thân, sự đau đớn, những thử thách cam go về khả năng chịu đựng và thậm chí là cả đổ máu nữa, đồng thời được dẫn dắt bởi Marina Abramovic – người được coi như “nữ giáo chủ” của Nghệ thuật Biểu diễn.
Gần đây Abramovic có một triển lãm tại MoMA (Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại) ở New York để nhìn lại sự nghiệp các tác phẩm trình diễn của mình – những tác phẩm đã từng khiến công chúng khó chịu và tức giận. Hàng ngàn khán giả đã dõi theo Abramovic trong màn biểu diễn dài 700 giờ khi bà ngồi nhìn chằm chằm không chớp mắt vào từng khán giả muốn thử sức đối diện với mình và xem các nghệ sỹ khoả thân tái hiện lại một vài tác phẩm của bà trong bốn thập kỷ qua. Triển lãm cũng chiếu các video ghi lại cảnh bà đã dùng lưỡi dao lam tạo hình ngôi sao trên bụng và các tiết mục tự làm đau mình khác.
Các nghệ sỹ trình diễn mà tôi yêu thích trong vòng hơn 15 năm qua gồm có ba nghệ sỹ Trung Quốc: Zhu Ming, Zhang Huan và Ma Liuming – những người được coi là đã khởi tạo xu hướng nghệ thuật trình diễn ở Trung Quốc, và không thể không kể đến “người vô hình” Liu Bolin. Các nghệ sỹ này cũng trình diễn theo những hướng cơ bản tương tự như Abramovic và có lẽ họ có công trong việc làm tăng sự quan tâm người Việt đối với loại hình nghệ thuật này hơn.
Nghệ thuật trình diễn của Việt Nam vẫn chưa đạt đến độ chín, số lượng các tác phẩm trình diễn xuất sắc mới chỉ “nhỏ giọt”, những thử nghiệm có sự cóp nhặt khá tốt thì như một dòng suối nhỏ, còn số lượng những tác phẩm nhạt nhẽo và đôi khi là những thử nghiệm tệ hại thì nhiều như nước sông Hồng vậy. Vì thế thật mừng khi thấy nghệ sỹ trình diễn người Đức nổi tiếng thế giới – Nezaket Ekici có các buổi hội thảo cùng rất đông sinh viên và nghệ sỹ Việt Nam. Ekici chịu ảnh hưởng một phần từ Abramovic nhưng là một nghệ sỹ hàng đầu của thế hệ sau, đương nhiên chị cũng đang thúc đẩy nghệ thuật này đi theo hướng mới. Tối thứ sáu vừa rồi tại Viện Goethe, một tác phẩm trong khuôn khổ của hội thảo đang trong quá trình hoàn thiện đã được trình diễn trước một số lượng khán giả – chủ yếu là khán giả trẻ – đông đến bất ngờ. Phần lớn các khán giả này là những người không ngại thấy người khác nhân danh nghệ thuật tự làm đau mình hoặc làm đau khán giả.
Dường như dụng ý đằng sau tác phẩm trình diễn này là thách thức chúng ta kiểm soát các hành động và sự thành thực của mình. Nhóm nghệ sỹ trẻ đã kiềm chế rất tốt, theo phong cách của Abramovic; đã tự đầu độc mình bằng khói thuốc lá (giống phong cách của Zhu Minh trong tác phẩm nổi tiếng – đốt lửa trong một quả bóng nhựa); đã nhai ớt cay; đã cúi mình dưới chân khán giả, mời họ xâm phạm cơ thể mình bằng những cú đá, những nụ hôn, những cái ôm, và bằng rượu; đã thể hiện sự giận dữ và những hành vi cuồng loạn; đã biểu lộ sự méo mó của cơ thể và những bất ổn của dáng vẻ bề ngoài; và cũng đã có những màn chịu đựng chắc hẳn khiến cơ bắp đau đớn, v..v..và nếu các nhà chức trách mà cho phép thì chắc họ cũng đã thêm vào tiết mục khoả thân như là một cách đương đầu rõ nhất với xã hội và công chúng.
Trong một bài báo, Abramovic có phát biểu về công việc của mình như sau: “là một nghệ sỹ trình diễn, bạn phải căm ghét sân khấu, sân khấu là một sự giả dối, dao không phải là dao thật, máu cũng không phải là máu thật và cảm xúc cũng không phải là cảm xúc thật. Còn nghệ thuật trình diễn thì ngược lại: dao là thật, máu là thật và cảm xúc là thật”. Các nghệ sỹ trẻ biểu diễn hôm thứ 6 vừa qua thực sự đang trên bước đường hiện thực hoá phát ngôn đó của Abramovic mặc dù thật may là những màn máu chảy được hạn chế tới mức tối đa. Buổi diễn bước đầu thoả mãn được một trong những nguyên lý cơ bản của nghệ thuật trình diễn: tác phẩm có thể mang tính giải trí, vui vẻ, gây sốc, hoặc rùng rợn nhưng dù là thế nào đi nữa, nó phải ấn tượng khiến khán giả khó có thể quên được.
Quả là một đêm thú vị, đáng xem và rất tốt cho hoàn cảnh hiện tại của nghệ thuật trình diễn – vốn còn đang chịu nhiều quản chế.
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |