Home Sự kiện Mĩ thuật KVT – KVT và Bom ở Bùi Gallery

KVT – KVT và Bom ở Bùi Gallery

Đăng vào
0

Tôi đã xem các tác phẩm điêu khắc của Blake ở Bùi từ trước Tết nhưng quyết định sẽ viết một bài bình luận về chúng khi nào thành phố này đã trở lại với nhịp sống thường ngày. Sáng nay phải đấu tranh mãi tôi mới nhấc được mình ra khỏi “tổ kén” ấm áp và thấy đầu óc mình đã miễn cưỡng chuyển từ ngày 13 tháng giêng âm lịch sang một bình minh lạnh giá ngày 15 tháng 2 dương lịch và tôi bật máy tính lên lần đầu tiên sau 14 ngày làm biếng.

Không phải là vì những tác phẩm bằng đồng bóng của Blake đã trôi tuột khỏi đầu tôi trong suốt hai tuần tôi làm người khách cô đơn của một khách sạn nhìn ra bờ cát dài hoang vắng tràn ngập vỏ sò, chỉ có vài ngư dân với những chiếc thuyền con nhỏ bé bồng bềnh cưỡi trên sóng biển hàng ngày trừ những ngày mà sóng theo gió rít tung bọt trắng xoá lao vào bờ. 5km cánh đồng lúa từ thị trấn nhỏ gần nhất và, ngoài tiếng sóng biển rì rào đầy quyến rũ, không có những tiếng ồn của máy móc động cơ…Và, không, tôi sẽ không tiết lộ cho các bạn biết địa điểm của thiên đường mùa đông vốn chỉ cách Hà Nội bốn tiếng đồng hồ này đâu, vì sau 3 Tết liền ở đây, năm tầng trên mặt nước biển…với những cảnh ngút mắt tới chân trời mù mịt, cùng một chồng sách và sự vắng vẻ ngọt ngào…tôi muốn duy trì như thế thêm ít nhất là 3 năm nữa.

Chính chồng sách đó đã khiến cho hình ảnh những nhân vật bị vỡ tan của Blake cứ quẩn quanh trong đầu tôi….Những hình ảnh này cùng cơ hội được gặp gỡ một goá phụ làng chài và nghe bà kể về một ngày những năm cuối thập niên 60 khi viên phi công Mỹ phát hiện ra chiếc thuyền tre của người chồng 26 tuổi của bà đang nhấp nhô trên sóng nước và quyết định oanh tạc nó. Người chồng vĩnh viễn ra đi bỏ lại bà với ba đứa con thơ và một cuộc sống nghèo khó cơ cực. Sự tha thứ dường như chưa bao giờ xuất hiện trong đầu bà hay trong đầu những người goá phụ và những gia đình – cũng ở làng chài nhỏ đó – hay 50 nạn nhân khác của những cú bắn bừa chí tử trong những năm tàn bạo của cuộc chiến chống Mỹ.

Và về những cuốn sách này! Ngoài một bữa sáng thú vị với Truman Capote và Holly Golightly ở Tiffany’s, toàn bộ 12 cuốn sách dường như đi sâu vào thời kỳ của sự đối xử tàn bạo giữa con người với con người và khi tôi chuyển từ những trang cuối cùng đầy đau thương của “Beatrice và Virgil” của Yann Martel sang câu truyện về một người lính miền Bắc trong đội phá bom, những tác phẩm điêu khắc hình người bị tra tấn, xé nát ở Bùi trở nên rõ ràng đến đau đớn.

Từ khi là giáo viên được mời dạy ở trường Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội trong những năm cuối thập kỷ 80 khi anh biết về những thương tật và những cái chết kinh hoàng diễn ra hàng ngày do bom mìn chưa nổ của Mỹ ở Miền Trung Việt Nam, nghệ sỹ người Canada Blake đã tạc nên những hình tượng, rồi tráng bằng đồng, gợi cho chúng ta liên tưởng tới những bức điêu khắc tạo hình của La Mã và Hy Lạp cổ đại. Như tôi được biết thì chính những phần vỡ nát còn sót lại của những tác phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch đó đã tạo cho anh nguồn cảm hứng để sáng tác sêri “Những mảnh vỡ” tượng trưng cho những thân người bị bom mìn làm cho vỡ nát …và sâu xa hơn là tượng trưng cho những thân thể bị tàn phế vì bom mìn còn sót lại trong đất từng được gieo rắc bởi những chính phủ tàn bạo. Những tượng thân người của Blake, với kích thước một phần tư người thực, đã được trưng bày ở nhiều triển lãm lớn trên khắp thế giới và với mỗi tác phẩm bán được sẽ có một phần được trích ra để dành cho công tác tháo gỡ bom mìn.

Bộ sưu tập những tác phẩm này đang được trưng bày ở Bùi Gallery cho tới tháng 3.

Caroline Hawley đã viết về triển lãm của Blake ở London trên tờ BBC News như sau:

“Chân tay bị giật tung và da thịt bị xé nát. Một người phụ nữ bị mất đi một bên ngực. Nhưng những thân thể tàn tật đó lại đẹp đến lạ thường. Chúng là nghệ thuật – với một sự khác biệt…”

và chính sự đồng hành của cái đẹp và sự ghê rợn ấy là điểm chủ đạo cho bất kỳ triển lãm “Những mảnh vỡ” nào của Blake (không phải là vì những tác phẩm này đặc trưng cho hệ thống những tác phẩm điêu khắc của anh. Blake có một sê ri khác mang tên “Nghĩ lại” (Rethink) tập trung về quyền con người, và ở Monaco – đất nước anh nhận là tổ quốc mình – một sê ri theo hướng cổ điển của anh mới được trưng bày đã cho thấy anh làm việc với chất liệu đá cẩm thạch cũng rất tốt) nhưng chính những tác phẩm về sự biến dạng cơ thể này mới gắn liền với tên tuổi Blake.

Bùi đã giám tuyển bộ sưu tập này rất tuyệt vời. Các tác phẩm được đặt trên các bệ tượng bố trí khắp một sân cỏ thật được cắt tỉa gọn gàng ở các tầng của triển lãm. Chỉ điều đó thôi cũng đáng để ta ghé thăm Bùi Gallery rồi. Trước Tết, những cành đào nở rộ được trưng bày ở một vài góc và bất kỳ khán giả nào thích liên tưởng ẩn dụ chắc hẳn cũng sẽ thích thú trải nghiệm này như tôi vậy.

Khi tôi tìm hiểu về một vài nơi mà “Những mảnh vỡ” đã từng được trưng bày, những bức ảnh cho thấy bộ sưu tập thường được bố trí trang trọng để những bức điêu khắc tự kể những câu truyện cá nhân ghê rợn ở một nơi yên bình và ngăn nắp. Chính sự tồn tại song song của những thương tật và chết choc với hoà bình và yên tĩnh đã khiến cho sân khấu có phần phi lý ở Bùi rất đáng để xem. Nhà soạn kịch Ionesco chắc cũng phải tán thành với tôi.

“Những mảnh vỡ” của Blake ở Bùi là một trải nghiệm quan trọng và thậm chí là không thể bỏ lỡ. Hãy đọc kỹ tên của từng tác phẩm và bạn sẽ nhận thấy rằng đó chính là tên của những loại bom mìn đã gây ra những biến dạng và thậm chí tệ hơn là điều đó lại xảy ra đối với những người vô tội. Tôi rất khuyến khích các công dân của những nước trong liên minh đồng loã sẵn sàng gửi quân đội của mình để hỗ trợ cho cuộc xâm lược của Mỹ (Úc, New Zealand, Nam Triều Tiên, Philipin, và Thái Lan) nên xem triển lãm này để họ có thể gây áp lực đối với chính phủ mình để theo đuổi việc gỡ bỏ bom mìn ở Miền Trung Việt Nam, và tôi cũng khuyến khích công dân của 37 nước còn chưa ký vào Hiệp ước Chống Bom mìn năm 1997 xem triển lãm để họ có thể giúp thuyết phục chính phủ của mình ký vào hiệp ước đó càng sớm càng tốt.

Blake cũng tham gia vào bộ sưu tập quan trọng của Witness Collection – một bộ sưu tập đáng chú ý của mỹ thuật đương đại Việt Nam từ những năm 1920 đến 2000. Tổ chức có tiếng trên thế giới này cũng đã tham gia vào nhiều lĩnh vực khác của nghệ thuật Việt Nam như nghiên cứu và giáo dục, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, phát triển nghệ thuật và trao đổi văn hoá.

Và tại sao lại chỉ là Blake? Hãy thử tra trên Google với từ khoá “nhà điêu khắc Blake” (Blake Sculptor) và bạn sẽ thấy có biết bao nhiêu Blake làm điêu khắc….vậy tại sao không chỉ là Nghệ sỹ Blake? Và với các Ward Blake cũng vậy!

Tôi xin được kết bài bình luận này bằng một câu trích dẫn từ bài viết của Hawley trên BBC News:
Trước triển lãm, một trong những tác phẩm điêu khắc của Blake đã được bán với giá trong khoảng từ 12.000 đến 18.000 bảng. Số tiền này đã giúp phá bỏ 318 vũ khí chưa nổ quanh các làng Hưng Lộc và Tu Loan (lời người dịch: có lẽ tác giả muốn nhắc đến làng Tuý Loan, Đà Nẵng) của Việt Nam và giúp triển khai một cuộc thăm dò về bom mìn ở Ăngôla.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply