Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Hòa nhạc “Nhật ký dương cầm” của Trang Trịnh

KVT – Hòa nhạc “Nhật ký dương cầm” của Trang Trịnh

Đăng vào
1

Cập nhật: Xem ảnh về buổi biểu diễn bên dưới

Cô ấy có chơi được dương cầm không? Chắc chắn là có rồi!

Trang Trịnh – nghệ sỹ dương cầm 24 tuổi – trở lại Hà Nội ít ngày sau khi hoàn thành khoá cao học về trình diễn piano ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Luân Đôn và đã có một đêm độc tấu rất thành công ở Nhà hát lớn tối thứ tư vừa qua.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn

Cô khéo đặt tên cho đêm độc tấu của mình là “Nhật ký dương cầm” và có ý tưởng mở đầu mỗi tác phẩm mình biểu diễn…vốn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái từ Beethoven đến Schumann và theo thời gian từ Mozart đến Elgar… bằng những lời tựa đầy thi vị. Người bạn Việt Nam của tôi thực sự rất ấn tượng với những lời thuyết minh đầy truyền cảm của Nguyễn Hữu Chiến Thắng – cũng là một nhân vật có tên tuổi trong giới truyền thông. Nhưng thật tiếc là bản Tiếng Anh chiếu trên máy chiếu lại quá hoa mỹ và không phù hợp với mục đích cho lắm. (Điều này một lần nữa khiến tôi muốn cung cấp dịch vụ biên tập, miễn phí, cho những nhạc sỹ và vũ công cổ điển muốn cho các bản dịch thông điệp và tờ giới thiệu chương trình của mình có chất lượng hơn… hãy liên hệ với tôi qua Hanoi Grapevine nhé).

Cách tiếp cận của Trịnh, khi làm việc cùng một nhóm sản xuất trẻ và nhiệt tình, dường như đã thổi một luồng gió mới vào cách trình diễn cổ điển vốn thường trầm tĩnh, nhẹ nhàng. Và việc đưa vào sử dụng các công nghệ đa phương tiện khiến cho khán giả trẻ …hoặc những khán giả chưa quen nghe thứ gì khác ngoài nhạc thị trường dễ tiếp nhận hơn.

Cách tiếp cận này cũng khá phổ biến ở nhiều nước và thường là có sự tham gia của các ca sỹ hoặc các nhạc sỹ nổi tiếng biểu diễn cùng các ca sỹ, nhạc sỹ thuộc dòng nhạc cổ điển; hoặc buổi diễn nhạc cổ điển được tổ chức theo kiểu nhạc phổ biến; và đôi khi là tổ chức theo đúng kiểu MVT.

Nhóm của Trịnh chọn một phong cách nhẹ nhàng hơn bằng cách chiếu những hình ảnh đồ họa, hoạt hình lớn để làm dịu đi nét tâm trạng trong từng tác phẩm (có tất cả 13 tác phẩm) và để phù hợp với những đôi mắt chưa quen với trình diễn tĩnh và cần phải được khuấy động liên tục. Những lời thuyết minh đầy thi vị cũng giúp khuyến khích khán giả lắng nghe.

Hầu hết các tác phẩm được chọn đều ngắn vừa phải, đặc biệt là ở Phần I, khi tất cả các tác phẩm được chơi rất tinh tế và phong cách biểu diễn khéo léo nhẹ nhàng của người nghệ sỹ khiến khán giả nghe và xem thoải mái hơn. Bản “Salut d’amore” (“Lời chào tình yêu”) mà Elgar viết cho dương cầm và vĩ cầm là món quà đính hôn của nhạc sỹ với Caroline Roberts. Và nếu như bản nhạc khi được chơi cho Caroline mà cũng dễ chịu như bản chúng ta được nghe hôm thứ tư thì bạn có thể đoán được là Caroline sẵn sàng chấp nhận lời cầu hôn của Elgar như thế nào. Cách Trịnh trình diễn “Rage over the lost penny” (Tức giận vì đồng xu bị mất) – bản rondo chưa hoàn thiện của Beethoven đem lại cho bạn cảm giác rằng ở phần sau của đêm diễn này cô ấy sẽ thể hiện rõ hơn tài năng của một nghệ sỹ dương cầm chơi hoà nhạc.

Phần Hai mở đầu bằng bản “Revolutionary Etude” (“Luyện khúc cách mang”) mang đầy tính cách mạng của Chopin (đây tình cờ lại là tác phẩm âm nhạc cuối cùng được phát trên đài Ba Lan tự do trước khi quân Đức kiểm soát đài này vào năm 1939), và sau đó bản Mazurka ngắn Op. 67 số 4 của ông nhẹ nhàng dẫn chúng ta sang bản sonata “Ánh trăng” – bản nhạc cô đã chơi hết sức thú vị và với sự tập trung cao độ. Đây là tác phẩm mà tôi muốn nghe cô chơi lại lần nữa, đặc biệt là chương đầu đầy thi vị ấy. Chương cuối cùng – một trong những tác phẩm khó trình diễn nhất đối với một nghệ sỹ dương cầm trẻ tuổi vì nó đòi hỏi kỹ thuật rất cao cũng được Trịnh biểu diễn rất hay. Nhưng với riêng tôi thì lần tới tôi chỉ muốn nghe “Ánh trăng” mà không có những lời dẫn xen vào giữa các chương nữa.

Dường như “Ánh trăng” là chưa đủ, Trịnh tiếp tục trình diễn khúc “Feux d’artfice” (“Pháo hoa”) sôi nổi của Debussy. Đêm diễn với tôi như thế là quá đủ và có lẽ không cần thêm Schumann. Mặc dù vậy tôi có thể sẵn sàng từ bỏ một bữa tối lung linh ánh nến với trứng cá muối và sâm-panh thượng hạng để nghe Trịnh biểu diễn cả 13 “Cảnh thơ ấu” của Schuman…và cũng không cần có lời giới thiệu, giải thích giữa các cảnh. Sử dụng công nghệ đa phương tiện cũng có thể là một cách hay đối với những người quen nghe dương cầm cổ điển.

Một đêm độc tấu rất dũng cảm và đáng hoan nghênh. Buổi biểu diễn này có thể mở đầu cho một cách tiếp cận nhạc cổ điển mới ở Hà Nội….Hình như đêm diễn được chiếu trực tiếp nhưng thật ngạc nhiên là sự có mặt của các camera và các kỹ thuật viên không làm ảnh hưởng đến buổi diễn. Nhóm sản xuất chắc đã thu được nhiều kinh nghiệm từ lần này và lần diễn tới chắc chắn là sẽ nhuần nhuyễn hơn.

Vậy Trịnh có chơi dương cầm được không? Chơi tuyệt ấy chứ! Và sau chuyến châu Âu năm nay, có khi lại biểu diễn ở Hà Nội, Trịnh nhỉ?

Tái bút: Tôi cũng thích quyển giới thiệu chương trình. Rất độc đáo.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

1 COMMENT

Leave a Reply