Paul Zetter – Khúc phóng túng jazz tại L’Espace
![]() | ![]() |
Tam tấu Mina Agossi, 17/02/2011, thính phòng L’Espace
Mina Agossi giống như một thế lực của tự nhiên…
Khi những tiếng rì rầm đầy phấn khích từ phía các khán giả đang nóng lòng chờ đợi trở nên to rõ hơn và những ghế trống cuối cùng cũng nhanh chóng có chủ thì có thể cảm thấy rõ ràng rằng một điều gì đó sắp diễn ra. Nhưng khi đèn ở khu vực khán giả được làm mờ dần và Mina Agossi một mình tập tễnh khó nhọc bước lên sân khấu rực rỡ ánh đèn với sự giúp đỡ của cây nạng thì chắc hẳn một vài mong đợi đã phần nào tiêu tan (cô giải thích là mình mới bị tai nạn gần đây). Mở đầu bằng bài “It’s Magic” (Một điều kỳ diệu) của Styne và Cahn theo phong cách A cappella đầy tình cảm, chất giọng mang đậm sắc thái Billie Holiday nhưng rung vang hơn của cô có thể trấn an một vài người nhưng không phải tất cả. Khi cây bass Eric Jacot và tay trống Ichiro Onoe tham gia cùng cô trên sân khấu và chiếc nạng được bỏ sang một bên thì khán giả bất ngờ khi được dẫn dắt sang một chiều hướng âm nhạc khác.
Mina Agossi giống như một thế lực của tự nhiên, một khúc phóng túng jazz đậm nữ tính, một bài học về lịch sử nhạc jazz sống động. Một nghệ sỹ đương đại độc đáo. Hay nói một cách khác, Mina Agossi không chọn âm nhạc mà chính âm nhạc đã chọn cô.
Trên những âm nhấn bật ra từ bass của Jacot, tiết mục mở màn, bài “Stoppin’ the Clock” (Dừng thời gian) – một bài ít được thu âm, đã đùa vui cùng nhịp và khuôn nhịp khi Agossi lao theo những đoạn ngắt âm và những nhịp nhấn off-beats gần như hoang dại của Onoe. Tất cả đều khác xa với phiên bản mang phong cách Basie’esque mà Mark Murphy thu âm năm 1961 trong album Rah kinh điển. Cảm xúc trở nên mãnh liệt hơn với phần thể hiện mang hơi hướng favela (người dịch: khu ổ chuột ở Brazil) bài “Waters of March” (Mưa tháng ba) của Jobim mà Agossi đã làm bừng lên bằng một trình độ thanh nhạc tuyệt vời và sự phân nhịp đôi lúc đầy ngẫu hứng khi nối âm cuối của các từ với những từ kế tiếp trong cùng một câu hát. Khéo léo sử dụng một phím tạo hiệu ứng lặp và hoãn, Jacot đã tạo ra những câu nhạc như thôi miên rồi sau đó anh sắp thành các lớp khiến cho cây công-bát vừa trở thành nhạc cụ tạo hoà âm vừa là nhạc cụ gốc trong một nhóm nhạc không có ghita hay piano.
Khi bỏ đi hết những màu mè mà một nhạc cụ hoà âm mang lại, bạn sẽ thấy thật tuyệt vời khi bất ngờ được nghe lại, rõ ràng hơn, chất gỗ thực của cây bass, sự hấp dẫn của tiếng chổi quét trên mặt trống và độ vang của một giọng ca tinh tế.
Quá nhiều hoà âm sẽ khiến bạn trở thành một khán giả lười biếng – hãy bỏ nó đi và mặc dù bạn sẽ thấy vất vả hơn để nhận ra những âm dẫn nhưng đó lại là một phần thưởng cho bạn khi phong cách ấy được trình diễn bởi nhóm nhạc tài năng như thế này. Đôi khi ý tưởng tam tấu của họ nghe giống như là một nhóm nhạc không có piano tuyệt vời của những năm 60s dẫn dắt bởi những người tương tự gồm cây saxophone Archie Shepp và Albert Ayler và tất nhiên là gốc gác cộng hoà Benin của Agossi cũng thêm vào nét châu Phi – cũng là một nét nổi bật của tam tấu này. Tôi luôn luôn thấy ấn tượng khi một tay trống có nhiều loại dùi hơn trống; một người như Onoe, thay vì cố gắng lấp những chỗ trống còn sót lại thì chỉ tập trung vào funk và grind và thi thoảng là những đoạn tuỳ hứng dồn dập để nâng Agossi lên một tầm diễn cao hơn.
Khi cô bắt đầu bài “There’s A Lull in My Life” (Khoảng trống trong đời tôi) của Gordon/Revel theo một phiên bản lấy cảm hứng từ Chet Baker bằng cách xướng âm cho tiếng trumpet chặn âm thú vị của Baker, tôi bắt đầu nhận ra rằng chúng ta đang được xem một nghệ sỹ đặc biệt – không phải là một người không có nét riêng chuyển bừa giữa các phong cách, mà là một người chuyển soạn lại các phong cách trong đó mỗi bài hát được biểu diễn theo cách rất Agossi.
Tới lúc này thì tôi đã đầu hàng và tham gia cùng cô trên hành trình của mình nên hoàn toàn không có vấn đề gì khi cô nhẹ nhàng chuyển từ một Chet Baker ai oán sang một “Third Stone from the Sun” (Hòn đá thứ ba từ Mặt trời) đầy phức tạp của Jimi Hendrix. Với những tiếng riff của bass và nhjp trống vui tươi lặp lại và xướng âm ngẫu hứng phỏng theo bản solo của Hendrix, tiết mục này đã thành công trong việc khuấy động khán giả và nâng cảm xúc mãnh liệt cũng thêm vài cấp độ. Đến lúc này, có thể đoán được rằng danh sách các tiết mục biểu diễn là các bài hát của thế kỷ 20 nên khi cây bass bắt đầu giai điệu “The Very Thought of You” (Nghĩ về em) của Ray Noble sáng tác năm 1934, tôi ngừng ghi chép, thả người vào ghế và để cho âm nhạc hoàn toàn chiếm lĩnh. Đôi lúc Agossi phân nhịp chậm hơn so với nhịp phách nên tôi cũng không thấy ngạc nhiên nếu cô có thi thoảng kết thúc một bài hát lúc nhóm nhạc đã bắt đầu một bài khác. Điều đó đôi khi gợi cho tôi nhớ đến cách Sheila Jordan đã từng đùa với nhịp và cách Bjork đã làm loạn nhịp rồi lại đưa nó trở về an toàn như thế nào.
Tiếp sau đó là một bài hát Tây Ban Nha cổ lời tiếng Pháp mang tên “Green Eyes” (Những đôi mắt xanh). Khi Jacot tạo một hợp âm rải nghe như tiếng ghita và Onoe gõ vài castanet, Agossi khiến cho chúng ta thấy rằng ngay cả một nữ danh ca như Piaf cũng không ngoài tầm của cô. Ở bài này cô đã thể hiện được hết độ sâu và độ trầm của giọng mình. Ở đoạn cuối, Agossi khéo léo giảm âm lượng, mặc dù không giảm về cường độ, và chuyển thành một tiếng huýt êm dịu để giai điệu hồi ức lướt qua đôi môi và đạt đến đỉnh cao trong những biến tấu của điệu Bolero của Ravel qua nhịp điệu bass âm vang. Tất cả khán giả đều ngây ngất.
Thật thú vị được xem cô biểu diễn trên sân khấu. Agossi có phong cách thoải mái với mình và với những nhạc công bên cạnh. Sân khấu giống như đã gắn vào gen của cô vậy. Cô đã đưa chúng ta đi qua những khu phố ổ chuột, những nhà thổ và các câu lạc bộ trên phố số 52. Khán giả cũng đã được thăm sân khấu Woodstock, những căn nhà tồi tàn ở Châu Phi và không khí mát mẻ của Bờ Tây. Chúng ta cũng đã được tới thế giới không biên giới, không tuổi tác của Mina Agossi. Bất kỳ khi nào cô nói từ “Jazz”, nó vang lên gần như một sự cảnh báo.
Đến tận bản encore (bài biểu diễn thêm tặng khán giả) thứ hai, cô vẫn khiến chúng ta phải ước đoán từ ánh mắt lấp lánh gần như nguy hiểm đó. Trong đời mình, tôi chưa từng được nghe bài “When the Saints Go Marching In” (Khi những vị thánh bước đều) như thế bao giờ – làm sao mà một người có thể làm được như thế với bài hát cũ đã quá quen thuộc đó, làm sống lại tinh thần của Louis Armstrong mà nghe vẫn rất hiện đại, tươi mới? Chỉ có Agossi biết.
Đến cuối bản encore thứ ba mọi khán giả đã đứng lên tán thưởng tại chỗ và nhóm tam tấu, khoác vai nhau bước xuống, biểu diễn một bài hát ru cũ trước sân khấu.
Đó là khoảnh khắc mà khán giả và các nghệ sỹ thực sự gắn kết như một. Tôi nhận thấy là có một người vẫn ngồi yên vị. Tội nghiệp anh ta! Chắc là anh ta đang phải dùng nạng.
Các bạn có thể tham khảo thêm ở một vài đường link sau:
Mina Agossi trên My Space
Hầu hết các bài hát Mina biểu diễn đều nằm trong album “Just Like A Lady” (Chỉ như một phụ nữ) ra mắt năm 2010 được bình luận tại đây
Biểu diễn trực tiếp của tam tấu Third Stone From the Sun” (Hòn đá thứ ba từ mặt trời)
Album Rah kinh điển đầu những năm 60 của Mark Murphy
Paul Zetter là một nghệ sỹ nhạc jazz tài năng và một nhà phê bình, người viết bài nhiệt huyết. Paul cũng viết blog riêng của mình bình luận về jazz, piano. Bạn có thể xem thêm các bài viết của tác giả và nghe các tác phẩm được Paul sáng tác và biểu diễn trên piano. |
Thanks Paul for a stimulating and intelligent opinion piece about an incredible night at L’Espace
Paul -Your review is as intense and complex as her music – a great career in the making.
what can I say?
thank you so very much !!!
mina