Home Sự kiện Âm nhạc KVT – “Hòa nhạc anh em” – Màu sắc của âm thanh

KVT – “Hòa nhạc anh em” – Màu sắc của âm thanh

Đăng vào
0

Một đêm nhạc kiểu Úc thú vị

Có thể nói rằng Úc là nước vẫn đang tìm kiếm bản sắc âm nhạc riêng của mình. Nhạc của những người thổ dân Úc chỉ được sử dụng một phần nhỏ (ví dụ như didgeridoo) nhưng ngoài những người thổ dân này ra thì 90% dân Úc là người nhập cư. Từ giữa thế kỷ trước, những người gốc Anglo Saxon/ hay Ai len thường thích những tác phẩm thuộc về gốc gác của mình và đã trở nên quá quen thuộc với những người có nguồn gốc từ các nước châu Âu khác. Và gần đây, từ khi người ta bỏ Chính sách Nước Úc Da trắng vào năm 1973, thì bắt đầu có sự phổ biến tích cực của các tác phẩm châu Á và châu Phi. Những yếu tố Cơ đốc nguyên gốc vốn được yêu thích và luôn chiếm ưu thế đã dần hoà nhập với những yếu tố niềm tin hay phi niềm tin từ khắp bốn phương. Và từ cái đám đông đa văn hoá đang phát triển sôi động này có một thứ âm nhạc thú vị được sinh ra, và rồi có lẽ sẽ được gọi là “nhạc Úc” thay vì được xếp vào một danh mục chung là Nhạc thế giới.

Hai nhạc sỹ người Úc – những người đang cố gắng sáng tạo ra bản sắc âm nhạc cho đất nước mình – đã đem đến cho chúng ta những tác phẩm mẫu xuất sắc vào tối thứ hai vừa qua ở một khán phòng rất mới với trang thiết bị cực kỳ hiện đại của Đài tiếng nói Việt Nam. Ở đó có những màn hình TV ghi lại hình ảnh của khán giả và cả những nghệ sỹ, cứ như là bạn đang ở giữa một sân vận động hay ở một đêm trao giải nào đó vậy. Đó là một địa điểm rất dễ chịu thoải mái để biểu diễn và nếu như họ cho dịu bớt thứ tiếng ồn trước buổi diễn thì đó có thể trở thành một địa điểm mang tầm cỡ quốc tế. (Và hi vọng những màn hình TV đó cũng được tắt đi.)

Bây giờ cùng quay trở lại với hai nhạc sỹ trẻ của chúng ta. Cả hai đều là người Úc thế hệ đầu tiên. Leonard Grigoryan là người gốc Armenia có bố mẹ di cư từ Kazakhstan năm 1981, còn Joseph Tawadros sinh ra ở Cairo năm 1983. Cả hai đều là những nhạc sỹ tạo dựng được tên tuổi riêng trên thế giới và đồng thời cũng giành được nhiều giải thưởng cùng với những nhóm nhạc Anh em riêng của mình. Leonard cùng anh trai mình là Slava lập thành nhóm song tấu ghita cổ điển

còn Joseph, vừa chơi nhạc cụ oud solo vừa tham gia song tấu gồm bộ dây và bộ gõ cùng người em trai James.

Để hợp thời, hai nhóm anh em đó đã nhập thành Ban nhạc Những Người Anh Em và đang trở nên rất nổi tiếng trên thế giới với những tiết mục nhạc cổ điển ngẫu hứng và cả những sáng tác của riêng họ.

Hôm đó, Leonard đã hâm nóng buổi diễn bằng những nhạc phẩm ghita do chính anh sáng tác cùng một giai điệu Brazil. Sau đó, Joseph khiến chúng ta ngất ngây với hai tác phẩm của riêng anh chơi bằng đàn oud trông giống như đàn luýt vậy.

Rồi thì mọi thứ trở nên thực sự tuyệt vời khi cả hai cùng biểu diễn và ngẫu hứng với hai tác phẩm nữa của Joseph…lúc này tôi ước gì Paul Zetter – nhà bình luận mới của Grapevine – có mặt ở đây để có thể ghi lại thật chi tiết cụ thể cho độc giả.

Sau giờ giải lao với giai điệu truyền thống của Việt Nam được chơi bằng đàn nhị hai dây, đàn bầu một dây và sáo gỗ (thật thú vị khi được nghe những nhạc cụ này biểu diễn hết sức tinh tế các tác phẩm nhạc Việt thay vì những thứ hỗn độn thường được nghe ở các nhà hàng hạng sang…mặc dù tôi từng thấy nước mắt lăn dài trên má một người Úc xa quê hương khi ông này nghe giai điệu hai bài dân ca Úc là “Click Go The Shears” và “Waltzing Matilda” được kéo và gảy bằng đàn bầu ở Le Tonkin), nhóm song tấu kết thúc đêm diễn bằng hai tác phẩm nữa của Tawadros đủ để khiến bạn thèm muốn được nghe thêm nữa, mặc dù khi họ chơi tác phẩm cuối cùng – “Freo” – với một vài nhịp chọn ra từ bài “Waltzing Matilda”, tôi phải tự cấu mình để trở về với thực tại.

Nhìn chung, cũng hơi tiếc là đêm diễn đó được trang trọng hoá bằng những bài phát biểu và phiên dịch. Sẽ hiệu quả hơn nếu như chỉ để cho nhóm song tấu tự thể hiện một mình. Tôi xin gợi ý là tất cả các nhà tổ chức nên tham khảo cách người Pháp tổ chức các sự kiện có nghệ sỹ khách mời ở L’Espace mà đêm nhạc gần đây của Mina Agossi là một ví dụ điển hình. Nhưng nếu sự kiện hôm rồi là để thể hiện sự hợp tác giữa nước Úc và Đài tiếng nói Việt Nam thì đúng là phải tổ chức như một sự kiện trang trọng thật…và họ đã làm rất tốt và cẩn thận tới mức là đều có nước uống phục vụ sẵn trên các bàn trước hàng ghế VIP.

Toàn bộ khán giả, chủ yếu là người Việt, thực sự rất thích nhóm song tấu (à, tất nhiên là trừ một quý bà ngồi bên cạnh tôi cứ dính chặt vào cái điện thoại di động liên tục nhắn tin, gọi điện) và nếu như chúng ta có thể mời một trong nhóm Anh em hoặc toàn bộ cả nhóm quay lại Hà Nội thì chắc chắn khán phòng sẽ chật cứng (mà hy vọng là không phải bổ sung thêm những chỗ ngồi tạm khác).

Xin cám ơn người Úc và tổ chức Musica Viva đã cho chúng ta cơ hội tiếp xúc với thứ âm nhạc mới mẻ và thực sự tuyệt vời này.

Và buồn cười làm sao. Khi tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này thì đài phát thanh trên mạng mà tôi thường nghe khi nghĩ ý tưởng bắt đầu phát nhạc của nhóm Những Người Anh Em. Thật kỳ quái!
Để đọc bài viết về buổi biểu diễn của Mina Agossi của Paul Zetter, xem bài viết trước trên Hanoigrapevine.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply