Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Đêm nhạc Piazolla tại Nhà hát Lớn

KVT – Đêm nhạc Piazolla tại Nhà hát Lớn

Đăng vào
1

Mặt trăng và Piazzolla

Tối thứ bảy vừa rồi chúng ta được chiêm ngưỡng Siêu mặt trăng, tức là mặt trăng gần với trái đất nhất và chúng ta sẽ thấy nó lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường – một hiện tượng khoảng 18 năm mới có một lần. Khi đạp xe qua cầu Long Biên lúc chợp tối, tôi thấy trời rất quang đãng, mặt trăng tròn vành vạnh với ánh sáng màu bạc lướt đi khá thấp trên bầu trời Gia Lâm và tỏa bóng trên dòng sông Hồng. Cảm giác như chỉ cần với lên là ta có thể bắt tay được với thằng Cuội nghịch ngợm đang ngồi dưới gốc cây đa trên đó.

Dường như ánh sáng kỳ diệu của mặt trăng đã len lỏi vào tận Nhà hát lớn và thứ âm nhạc được biểu diễn dưới mái vòm này đêm đó thực sự rất Tuyệt vời. Tác phẩm “Bốn mùa ở Buenos Aires” của Astor Piazzolla được thể hiện với sự kết hợp tuyệt vời của một nhóm tam tấu dương cầm cổ điển và một nhóm ngũ tấu jazz, tất cả tạo nên một chương trình nhạc sống hay nhất mà tôi từng được nghe trong năm nay.

Tôi tình cờ biết đến nhạc tango của Piazolla (1921 – 92), nhạc sỹ người Argentina, hai năm trước đây và tưởng rằng nó thuộc về dòng nhạc cổ điển phù hợp để trình diễn trong những buổi hoà nhạc có đầy đủ cả dàn nhạc giao hưởng (và nó thực sự rất phù hợp) nhưng hoá ra trong phần lớn sự nghiệp của mình, Piazzolla thích sáng tác cho nhóm ngũ tấu gồm đàn bandoneon, violin, piano, ghita điện và double bass. Piazolla chơi đàn bandoneon (một loại đàn thuộc nhóm côngxectina) và bạn có thể xem ông biểu diễn một trong những tác phẩm phổ biến nhất của mình ở đây.

Đoạn dưới đây tôi mượn từ Wikipedia sẽ giúp lý giải rõ hơn vì sao chương trình âm nhạc hôm thứ bảy lại thành công đến vậy (cũng phải lưu ý rằng có được sự thành công đó là nhờ phần rất lớn vào tài năng của các nhạc công):

Chiếm ưu thế trong hầu hết các sáng tác hoàn thiện của Piazzolla là kỹ thuật paxacal với bassline và chuỗi hoà âm tuần hoàn – một kỹ thuật được tạo ra và sử dụng nhiều trong dòng nhạc baroque thế kỷ 17, 18 nhưng cũng đồng thời là yếu tố chính trong “những biến đổi” của nhạc jazz. Một mối liên hệ rõ ràng nữa với dòng nhạc baroque chính là đối âm phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, đôi khi tuân theo những quy tắc nhạc phức điệu nghiêm ngặt nhưng lại cho phép từng người trình diễn trong nhóm khẳng định tiếng nói riêng của mình. Một kỹ thuật khác nhấn mạnh vào sự dân chủ và tự do giữa các nhạc công là kỹ thuật ngẫu hứng mượn từ khái niệm nhạc jazz, nhưng trên thực tế thì bao gồm cả những giai điệu và gam khác thuộc phạm vi các tham số của một thế giới nhạc tango đã được thiết lập…”

Hôm thứ bảy vừa rồi, tất cả các nhạc cụ đều ngẫu hứng. Nhóm tam tấu cổ điển gồm violin, cello và piano đã biểu diễn các mùa của Piazzolla tuyệt không kém gì một tác phẩm các bạn được nghe ở một phòng hoà nhạc (Nếu chỉ có các tác phẩm đó trong chương trình thì tôi cũng đủ vui rồi) nhưng tác phẩm đầy ngẫu hứng của nhóm nhạc jazz gồm saxophone, trống, double bass và piano mới thực sự khuấy động không khí. Khi violin và cello nối tiếp để thể hiện giai điệu tango buồn hay vui của Piazzolla cùng trống và double bass, hay khi saxophone dẫn dắt các nhóm vào một giai điệu fusion, tất cả thật kỳ diệu cứ như là mặt trăng đang soi rọi trong một bầu trời quang mây vậy.

Thật buồn cười nhưng tôi thấy khó có thể quyết định xem mình nên cư xử như đang ở một buổi hoà nhạc cổ điển và chỉ vỗ tay khi kết thúc một chương hay là như đang ở một buổi nhạc jazz và vỗ tay bất kỳ khi nào thấy nhạc công chơi một đoạn thực sự hay. Và hầu như là tôi chọn cách của nhạc cổ điển nhưng khi các nhạc công chơi jazz có màn biểu diễn tuyệt vời thì tôi quên mất và đã cùng với những người hâm mộ nhạc jazz đích thực xung quanh mình vỗ tay hết sức cuồng nhiệt. Piazzolla có lẽ cũng thích thú với sự tách biệt này vì tác phẩm của ông thể hiện được một số khía cạnh xuất sắc nhất của cả nhạc cổ điển và nhạc jazz.

Quả là một nỗ lực lớn mới có thể điều phối được hai cây đại dương cầm, ba nhạc cụ bộ dây, trống và saxophone để tạo thành một tổng thể gắn kết. Ban đầu, tôi cũng có nghi ngại nhưng khi tất cả cùng hoà nhập vào Các mùa, thì mặt trời, mặt trăng, gió và mưa đều hoà quyện cùng niềm vui, nỗi buồn của một thành phố latin nồng nàn.

Hai nữ nghệ sỹ: Nguyễn Hồng Ánh chơi cello và Nguyễn Mỹ Hương chơi violin không hề là cái bóng cho những đồng nghiệp nam giới của mình… Nguyễn Bảo Long chơi saxophone, Lê Việt Hùng chơi trống, Đào Minh Pha chơi double bass hay hai nghệ sỹ piano Trần Thái Linh và Nguyễn Tiến Mạnh với những ngón tay vô cùng khéo léo…Bây giờ tôi chỉ muốn biết xem khi nào thì họ lại tiếp tục cộng tác với nhau.

Đêm diễn đã bắt đầu rất tuyệt, giống như mặt trăng tròn từ từ mọc lên trên đường chân trời, khi các nghệ sỹ lần lượt từng người xuất hiện bất ngờ trên sân khấu và cùng phối hợp trong bản “Libertango” nổi tiếng của Piazzolla. Có lẽ tấm gương của Đại sứ quán Pháp chưa có nhiều ảnh hưởng tới một vài đại sứ quán – những đơn vị vẫn muốn có những bài phát biểu dài dòng. Sẽ tuyệt vời hơn nếu như bản Libertango nhẹ nhàng dẫn luôn vào Các mùa mà không bị những lời phát biểu xen vào (chúng tôi – những người phải trả tới 700.000 đồng cho một tấm vé có thể không cần đến những chi tiết đó…tuy nhiên nếu đêm đó mà miễn phí thì chắc chúng tôi cũng đã bật cười và đành chấp nhận vậy).

Thành thật xin lỗi những khán giả không thích sự vô tư của tôi bị cảm xúc dạt dào làm hỏng mất…nhưng khi viết về một đêm như vậy, tôi không thể đừng được…chắc hẳn là do mặt trăng đã ảnh hưởng tới một người yêu nhạc Piazzolla rồi.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

1 COMMENT

  1. Dear.
    What a review…
    thanks alot,i feel really happy when read it.
    will lets you know for our next Sunrise concert.

    BaoLong
    saxophone&bandleader

Leave a Reply