KVT – Vở hip hop “Nhiều mặt”
![]() |
ÔNG GIÀ NHẢY HIP HOP
Nếu được là đứa trẻ lần nữa tôi có thể sẽ thích nhảy hip hop và tôi sẽ thực hiện những động tác break (lời người dịch: động tác nhảy dùng nhiều đến cơ tay và cơ bụng), những động tác lock (LND: động tác dựa trên những chuyển động nhanh và dứt khoát của cánh tay, bàn tay kết hợp với sự thả lỏng của thân người và chân), những động tác pop (LND: động tác dựa trên kĩ thuật làm co và thả lỏng thật nhanh cơ bắp để tạo những cú “giật” trên cơ thể vũ công) xuất sắc nhất. Và nếu thực sự có tài năng thì tôi sẽ tập theo những bước nhảy của những vũ công như Raphael Hillebrand và Sebastian Ramirez – những người đã đưa được những bước nhảy đường phố vào sân khấu múa đương đại. Họ thường loại bớt vũ đạo có gốc gác từ nhạc đường phố và cả những tình huống “đối đầu” thường thấy. Thậm chí tôi còn có thể hình dung ra họ biên đạo cho một điệu nhảy dựa trên bản concerto gốc số 3 hoặc số 5 của Brandenburg, nhưng sẽ đặc biệt hơn nếu dựa theo thứ nhạc được sáng tác riêng cho họ. Hãy xem ví dụ tuyệt vời dưới đây…..
Tối thứ sáu vừa qua ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi thấy mình như tràn đầy sinh lực khi tham gia cùng tất cả thanh niên ở đó cổ vũ cho một vài vũ công có tiếng của Việt Nam khi họ biểu diễn một tác phẩm do chính họ sáng tác cùng với sự hỗ trợ của các biên đạo người Đức. Có thể cảm thấy rất rõ lượng testosterone dâng cao ở các hàng ghế. Các khán giả đều biết về sự thành công của nhóm nhảy ấy trong các cuộc thi hip hop ở Hàn Quốc và Singapore:
Đêm hôm đó trình diễn lại một tiết mục mà nhóm gồm 10 chàng trai và 1 cô gái đã từng biểu diễn hai năm trước đây. Đôi lúc nó thực sự là một tiết mục sân khấu hay, thi thoảng lại là điệu múa đương đại xuất sắc, và nhìn chung đó là phiên bản tuyệt vời và tinh tế mà chỉ một vài nhóm hip hop khá nhất ở Đông Á có thể làm được. Âm nhạc, phần lớn được chơi rất tuyệt bằng các nhạc cụ bộ gõ cổ truyền của Việt Nam, là thứ nhạc phù hợp để tạo nhịp gõ chân hoặc vỗ tay.
Vì Việt Nam có một dân số trẻ, tràn đầy sinh lực và thường nổi bật về những nhịp điệu cơ thể thì không có gì ngạc nhiên khi hip hop là một thứ văn hoá lớn và thực sự hay là Viện Goethe có thể tài trợ cho hai vũ công người Đức để hỗ trợ cho nhóm nhảy Việt Nam có thể phát huy tài năng của mình theo những hướng nhiều thách thức hơn. Và rõ ràng rằng thách thức tiếp theo là không được tự hài lòng mà biểu diễn lại vở “Nhiều mặt”, mà phải là một điệu nhảy mới có push, break, drop và pop theo những hướng mới.
Tôi là một trong số ít những người luống tuổi có mặt trong khán giả và cũng thấy hứng thú không kém gì những thanh niên cổ vũ xung quanh..và nếu như vốn từ hip hop của tôi có chưa đúng thì hãy bỏ quá cho tôi nhé…nhưng nếu tôi mà được trở lại tuổi 16 thì tôi dám cá là tôi có thể cho các cô cậu thanh niên thấy những động tác hip hop đáng tiền đấy (ngoại trừ những động tác xoay tròn đầu trên nền đất – tôi chắc chắc là sẽ không thực hiện nếu không đội một chiếc mũ cứng…nhưng, đó là nếu như tôi 16 tuổi…!!)
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |