Home Sự kiện Mĩ thuật KVT – Những cuộc phiêu lưu phản chiếu

KVT – Những cuộc phiêu lưu phản chiếu

Đăng vào
0
Ấn vào hình để xem ở định dạng lớn hơn

Phần 2 của triển lãm điêu khắc 3 phần đang diễn ra ở Trung tâm Nghệ thuật Việt (Viet Art Center) quả là tuyệt….tôi cho là vậy!

Có đôi khi bạn vào xem một sắp đặt và ngay lập tức thấy có liên hệ bản năng nào đó với tác phẩm. Riêng với tôi, một trong số những lần tôi có cảm giác đó ở Hà Nội là khi xem những cột tre hai màu trắng, đỏ của Doãn Hoàng Kiên ở Viet Art Center. Tôi cũng luôn có cảm giác đó mỗi khi xem các sắp đặt của Đào Anh Khánh tại một trong những chương trình nghệ thuật phóng túng của anh bên bờ sông Đuống….và hôm nay tôi đã ngay lập tức có mối liên hệ bản năng với sắp đặt của Văn Ngọc, gồm những chiếc hộp, những hình khối trải khắp phòng triển lãm rộng rãi ở Yết Kiêu (chắc là do tôi thích kiến trúc).

Văn Ngọc, một nhà điêu khắc khái niệm (conceptual sculptor), người Vũng Tàu gốc Phú Thọ, đã có một tác phẩm sắp đặt phù hợp với riêng địa điểm triển lãm. Sắp đặt trông giống kiểu kiến trúc được bố trí ngẫu nhiên (đúng kiểu nghịch hợp), trải ra mọi hướng, trên mọi mặt phẳng qua những tấm gương được đặt rải rác. Các vật liệu sử dung dường như cũng là những vật được tìm thấy tình cờ nhưng bạn có thể nhận thấy rằng đằng sau những cái tình cờ, ngẫu nhiên ấy là một mục đích rõ ràng.

Một vài khán giả có thể sẽ cho rằng tất cả những thứ này là thiên đường cho một bà đồng nát lang thang….và chắc chắn bà ấy cũng nghĩ thế! Rồi bà ấy sẽ sớm kéo đồng đội vào, nhanh chóng tháo dỡ và đem đến cho những người tái chế. Nhưng những người giống tôi – đã từng mê mẩn các tác phẩm của Louise Bourgeois, rồi của hoạ sĩ tài năng Jessica Stockholder, thì sẽ cảm thấy hào hứng thế nào khi được lang thang đi qua hay bước vào những khối hộp, những hình chữ nhật đóng, mở của Văn Ngọc.

Óc suy tưởng của tôi bắt đầu vận hành và tôi bắt đầu thêu dệt nên những ý tưởng, những câu truyện cho những kết cấu trước mắt, và băn khoăn không biết có gì bên trong những khối hộp đóng kín, hay những không gian nhỏ xíu của các khối hộp khác sẽ trông như thế nào khi nhìn qua những lỗ nhỏ. Nó giống như một căn nhà lớn, kín đáo chất chứa những kỷ niệm bị lãng quên, những câu truyện vô chủ, và có thể là những Cuộc phiêu lưu của Alice qua tấm gương soi*.

Đúng là người ta luôn thấy bất ngờ – hoặc cũng có thể là sung sướng – khi tự nhiên thấy mình xuất hiện trong những tấm gương và nhận ra là mình đã trở thành một phần không thể thiếu của sắp đặt này.

TIN THÊM….vừa lúc nãy, khi tôi đang xem một số ảnh của triển lãm này, một người bạn Việt đã rướn người qua vai, nhìn thấy và thốt lên, “Này, trông như cái quan tài thời cổ ấy!” Quan điểm đó có thể là một hướng mới cho những suy nghĩ luẩn quẩn của tôi, nên tôi đã quyết định sẽ duy trì những cảm nhận bản năng của mình và thưởng thức!

Phải là một nghệ sĩ tài năng thì mới có thể tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật như thế và Văn Ngọc đã rất thành công. Bạn có thể ghé xem triển lãm tới ngày 25.

Chà! Xem ra nghệ thuật thị giác của năm 2011 đang rất thành công!

Tái bút: Liệu đây có phải là một dụng cụ nào đó cho hợp chủ đề triển lãm không nhỉ? Nhưng dù thế nào đi nữa, thì cái đe/con trâu tráng kính vô cùng bắt mắt của Đào Châu Hải trong Phần 1 của sê-ri triển lãm này cũng được giữ lại triển lãm cùng…và tôi còn thấy một tấm gỗ treo trên bên tường phía nó…..bản thân nó là một tác phẩm nghệ thuật tối giản rất hay rồi.

Lời người dịch:

* KVT mượn tiêu đề truyện “Nhìn qua gương soi” (1871) phần tiếp của “Alice ở xứ sở thần tiên” (1865) – một tác phẩm của Lewis Carroll.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply