PHM – Backstreet Boys tại Hà Nội
![]() | ![]() |
Liệu có đúng là “Backstreet’s back alright”?
26/03/2011 – cuối cùng thì bốn chàng trai nhóm Backstreet Boys cũng đã tới với SVĐ Mỹ Đình cho một trong những sự kiện âm nhạc được trông đợi nhất tại Hà Nội từ xưa tới nay! Người ta đã nói về chương trình này cả tháng trời qua và một tuần trước đó thì mới thật là kinh khủng(!) Có lẽ cụm từ “Backstreet Boys” đã trở thành cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên khắp Hà Nội và TP HCM. Chắc bạn nghĩ tôi nói quá? Nhưng thử tự hỏi lại mình xem bản thân bạn nhắc đến cụm từ này bao nhiêu lần chỉ trong một tuần đó mà thôi? Tuy nhiên, nhắc thì cứ việc nhắc, còn thực sự họ biểu diễn ra sao, có làm hài lòng tất cả mọi người (tính cả những fan trung lập như tôi) hay không? Ý kiến cá nhân của tôi như sau..
Tôi đến khá sớm lúc 7h05 nhưng đã thấy rất nhiều người có mặt và đang xếp hàng đi vào SVĐ. Nghe đâu có những bạn đã đến từ 4-5h chiều! Sức nóng của chương trình thì đã lan tỏa đến tận bãi gửi xe. Hai mươi ngàn đồng một lượt! Thế mà chưa chắc những bạn đến sau đã có đủ chỗ để gửi, kể cả với cái giá gấp bốn lần bình thường như thế.
Bước vào phía trong, tôi mới nhận thấy vẫn còn khá nhiều ghế trống. Theo như thông tin ban đầu lượng vé dự kiến là 55.000 nhưng hình như “chỉ có” khoảng 30.000 vé được bán hết. Và thực tế, những chỗ ngồi trống lại là những chiếc vé rẻ, còn dãy ghế VIP hai triệu đồng thì gần như chật kín. Có vẻ như ai cũng mong được ngồi càng gần thần tượng càng tốt.
Nhưng chính thành phần khán giả mới khiến tôi ngạc nhiên cao độ.
Tôi cứ tưởng chỉ có những người trong thế hệ của tôi mới biết đến Backstreet Boys, cái thế hệ 8X mà độ tuổi tầm trung học cơ sở khi hit “As long as you love me” của họ làm mưa làm gió trên MTV và bảng xếp hạng Billboard năm 1997. Nhưng không, tôi bắt gặp rất nhiều các cô cậu học sinh phổ thông, nhìn xa xa cũng nhận ra cái dáng học sinh thời K-Pop và Lady Gaga. Thậm chí còn có cả một đoàn những cô cậu học sinh người nước ngoài, không chỉ thế người tầm trung niên và lớn tuổi cũng đến tham dự!
Chương trình bắt đầu lúc khoảng 8h15. Khi ban nhạc nhảy ra sân khấu từ sau màn hình lớn, toàn bộ SVĐ như vỡ òa. Không còn khái niệm “ghế ngồi” nữa. Tất cả đều đứng dậy, bắt đầu xô đẩy người bên cạnh và hấp tấp chạy lại phía hàng rào chắn giữa các hàng ghế. Khá nhiều bạn trẻ bắt đầu tranh thủ nhảy qua cả hàng rào để chạy vào khu ghế VIP gần sân khấu, tiến thêm được một vài mét đã là cả một thành công lớn. Và khi nhạc cất lên với ca khúc vô cùng quen thuộc “Everybody”, gần như tất cả mọi người đều nhảy múa và hét lên ầm ĩ, tôi để ý thấy cả mấy anh chàng “Tây” đứng gần chỗ tôi cũng nhảy múa hăng hái không thua gì các cô gái Việt (riêng tôi thì không chú ý lắm vì còn mải ghi chép trong khi vẫn cố gắng làm sao để không bị xô ngã).
Sau “Everybody” là hai bài hát mà thú thực là tôi chưa nghe tới bao giờ: “We’ve got it going on” và “PDA” (mãi sau đó tôi mới biết đấy là hai ca khúc trong album mới của nhóm mang tên “This is us”). Sau đó lại đến một bản nhạc quen thuộc, liên khúc “Quit playing games” và “As long as you love me”. Tôi cảm thấy thực sự vui khi (may quá) lại có một bài mà tôi vẫn còn nhớ!
Nhóm biểu diễn khoảng 22 bản tất cả, xen kẽ một số phần solo của DJ. Thực lòng mà nói, những bài hát nằm trong album mới như “She’s a dream”, “Bigger”, “Undone”, “All of your life”, “Straight through my heart” hay ngay cả ca khúc chủ đề “This is us” chẳng để lại cho tôi mấy ấn tượng.
Tuy nhiên, có lẽ nghe biểu diễn trực tiếp không phải là cách tốt nhất để “thưởng thức” một bản nhạc pop lần đầu tiên nên tôi sẽ giữ lại những bình phẩm của mình sau khi đã tìm nghe hết những bản thu chính thức của các ca khúc đó. Và tất nhiên, nhóm cũng không quên biểu diễn những ca khúc cũ đã mang tên tuổi họ đến với người hâm mộ âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ còn ở “đỉnh cao phong độ”, bao gồm “Show me the meaning of being lonely”, “All I have to give”, “I’ll never break your heart”, “Shape of my heart”, “More than that”, “Larger than life”, “I want it that way” và cả “Incomplete”. Ca khúc mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất trong cả chương trình có lẽ là bản “Shape of my heart”, trong bài này nhạc nền và giọng ca sỹ kết hợp rất hài hòa và đặc biệt AJ đã hát rất tuyệt.

Lại nói thực, tôi cảm thấy hơi thất vọng với Brian và Nick. Có thể nói họ là hai ca sỹ chính của nhóm (chỉ là “có thể” bởi thực tế thì trong Backstreet Boys không có khái niệm “ca sỹ chính” như nhiều boy band cùng thời, cả 5 thành viên – hiện giờ chỉ còn 4 – đều có nhiều cơ hội hát solo mặc dù vai trò của Brian, Nick và AJ vẫn có phần quan trọng hơn Howie và Kevin trước đây). Tôi nghĩ rằng Brian và Nick có thể là những ca sỹ tài năng trong phòng thu với chất giọng luyến láy mượt mà, nhưng khi biểu diễn trực tiếp giữa không gian mở, giọng của họ có phần hơi “xịt” vì nó khá mỏng và hơi yếu. Chỉ có mỗi AJ là nổi bật với tiếng hát rất vang và khỏe. Mà thực tế, bất ngờ lại đến từ phía Howie, anh này cũng gần đạt tới được âm lượng như AJ, tuy nhiên anh hát solo ít hơn, mà chủ yếu phải hát đệm cho cả nhóm.
Điều tôi cảm thấy không hài lòng nhất trong màn trình diễn của họ chính là khâu vũ đạo.
Có nhiều người sau đó nói rằng kỹ thuật của họ không còn được như xưa nữa nhưng tôi không đồng ý. Rõ ràng là họ không được “nghiêm túc” lắm và dường như hơi quá thoải mái trong phần vũ đạo. Họ không hề nhảy theo đúng sức mình nên tôi chẳng thấy có gì để bàn luận về “kỹ thuật” của họ cả. Có thể lý giải điều này là vì Hà Nội chính là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của nhóm, và tất nhiên sau 114 show diễn giống hệt nhau cũng không thể trách được nếu họ thấy cần phải “thư giãn” một chút(!)
Phần sáng tạo nhất trong toàn bộ chương trình theo tôi lại chính là những đoạn phim ngắn được chiếu trong giờ giải lao khi các chàng trai tranh thủ thay quần áo.
Bốn đoạn phim trong bốn bộ phim nổi tiếng của Hollywood với mỗi thành viên đóng vai chính trong một đoạn phim: Howie vào vai đặc vụ O’Connor trong “Fast & Furious”; AJ thế chỗ Brad Pitt trong “Fight Club”; Brian sắm vai hoàng tử trong “Enchanted” và thú vị nhất là anh chàng Neo-Nick trong “Ma trận”! Nếu các bạn biết tôi có thể tìm thấy những thước phim “làm lại” này ở đâu thì chỉ cho tôi với nhé!
Chương trình kéo dài trong một tiếng rưỡi. Với khán giả thì như thế là hơi ít, nhưng với ban nhạc thì hẳn đó đã là một nhiệm vụ khó khăn khi họ vừa phải hát, phải nhảy, phải chạy vòng quanh sân khấu (theo đúng nghĩa đen) ngay cả với phong cách “thoải mái”. Khi bài hát cuối cùng “Straight through my heart” kết thúc, màn hình lớn hiện lên cảnh bốn anh chàng bước đi chậm rãi và biến mất sau cánh cửa phía cuối hành lang. Quả là một giây phút xúc động đối với các fan hâm mộ khi họ phải nhìn thần tượng ra đi như thế. Rất nhiều người vẫn nán lại để xem liệu có cơ hội nào được nhìn thấy nhóm một lần nữa hay không hay để tìm hiểu xem sau khi biểu diễn thì họ đi đâu. Thực sự thì tôi vẫn phải công nhận, ở độ tuổi 30-40, các anh chàng Backstreet Boys vẫn còn nhiều sức quyến rũ đối với người hâm mộ lắm!
Tôi rời SVĐ, không lấy gì làm hài lòng lắm với chất lượng của màn biểu diễn, nhưng mà cũng chẳng sao. Dẫu sao thì đó vẫn là chương trình âm nhạc lớn nhất tại Hà Nội mà tôi từng được tham gia!
Bạn có thể đọc thêm bài bình luận trước của tôi về Backstreet Boys tại đây.
Phạm Hoàng Miên đã gắn bó với Hanoi Grapevine được một thời gian trong vai trò phụ trách mảng truyền thông xã hội và dịch thuật. Là một người có niềm đam mê và rất nhiệt huyết với âm nhạc, chị quyết định thử sức mình trong lĩnh vực mới – viết về các sự kiện âm nhạc và phỏng vấn các ban nhạc cho trang web. |