Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Hòa nhạc piano của Roger Muraro

KVT – Hòa nhạc piano của Roger Muraro

Đăng vào
0

Thật sự tuyệt vời

Năm ngoái, tôi đã mở đầu bài bình luận của mình về đêm độc tấu piano của Roger Muraro ở Nhà hát lớn như sau: Muraro…Tuyệt vời… Người Pháp…càng tuyệt vời hơn… và câu này hoàn toàn phù hợp để nói về đêm diễn chật cứng khán giả thứ bảy tuần trước… và nhận xét dưới đây cũng vậy – một nhận xét tôi hay sử dụng lúc phấn khích (như tâm trạng của tôi bây giờ vậy): “Tôi thích cách tổ chức đơn giản của người Pháp. Không có những hoạt động hay những bài phát biểu lớn lao, bắt đầu luôn vào đêm diễn, và lần này là bắt đầu luôn vào một thứ nhạc không thể tuyệt vời hơn (cũng phải chia sẻ thêm với các bạn là tôi thích cách họ nhẹ nhàng yêu cầu khán giả hạn chế sử dụng điện thoại di động hay chụp hình có flash…và khán giả luôn đáp lại rất nhiệt tình. Đây chắc hẳn là cái duyên của người Gôloa đây!”

Năm ngoái chúng tôi rủ theo một thanh niên người Việt vốn chưa hề biết gì về nhạc cổ điển phương Tây “Thi thoảng chúng tôi mua vé hoà nhạc cho các học viên trẻ tuổi (như giá của L’Espace thì điều đó cũng không khó khăn lắm). Và em Hien người Hải Dương, đã choáng ngợp với Nhà hát lớn, và thế là một fan nhạc rap đã say như điếu đổ với tài năng của Muraro và đêm ấy ra về đã trở thành tín đồ của piano cổ điển”. Để chào mừng lần trở lại của Muraro, chúng tôi đã mời Hien cùng quay về với “lễ rửa tội” với nhạc cổ điển của cậu ấy và Hien lại một lần nữa mê mẩn…mặc dù cậu ấy không còn “ngây thơ” với nhạc cổ điển nữa!  Hien đã chuyển đổi hoàn toàn sang nhạc cổ điển từ tháng 10 năm ngoái sau lần tròn mắt, căng tai háo hức nghe bản số 8 của Mahler.

 

Vì tuần này là Phục Sinh nên tôi đoán là chúng tôi, những người theo tôn giáo khác hoặc những người vô thần, cũng có thể sử dụng một vài ẩn dụ Cơ-đốc phù hợp và với tôi, đêm diễn của Muraro như một lễ ban thánh thể vậy. Tôi ngồi cạnh một cậu trai người Việt bé nhỏ đang học piano ở Nhạc viện, và khi nghệ sĩ trình diễn vốn tiết mục khá “nặng” gồm các tác phẩm của Debussy và Ravel, cậu ngồi sát mép ghế, những ngón tay như đang lướt trên phím đàn tưởng tượng. Khi Muraro chơi “In the Manner of Borodin” của Ravel, thì cậu gần như không thể kìm nén được sự hào hứng của mình nữa và ở cuối nhạc phẩm, đôi bàn tay của cậu, cũng như của tất cả những khán giả khác, đã đỏ lên vì vỗ tay tán thưởng. Khi Muraro tặng khán giả một bản nhạc waltz trong phần encore thì cậu hoàn toàn mê mẩn…cũng giống như một vài cậu bé Việt Nam khác ngồi gần chúng tôi vậy.

Giờ thì cùng quay trở lại với người Pháp! Khi chúng tôi bước vào nhà hát cổ trang nghiêm đó, chúng tôi gặp một vài gia đình Tây…có lẽ là người Pháp…có con nhỏ đi kèm thuộc đủ mọi lứa tuổi, và trời ơi, trong đó có cả NHỮNG CẬU NHÓC! Nhưng chúng tôi đã không hề phải lo lắng vì những cậu bé ấy thực sự là những thiên thần trong suốt cả đêm nhạc và hoàn toàn chăm chú ngắm nhìn những ngón tay diệu kỳ của Muraro lướt trên các phím đàn.

Trước khi có ai đó chỉ trích là tôi phân biệt giới tính, thì tôi phải nói rằng những cô bé cũng là những thiên thần, lắng nghe vô cùng chăm chú!

Đó chính là lý do vì sao mà tôi lại nói đêm hôm đó giống như là một lễ ban thánh thể Phục sinh thú vị với tôi vậy…một sự hồi sinh niềm tin của tôi đối với NHỮNG CẬU BÉ mà trước đó tôi đã từng nghĩ là họ hoàn toàn bị bàn phím của các trò chơi điện tử chiếm mất rồi.

Năm ngoái Muraro đem đến cho chúng ta nhạc của Chopin, Liszt và một Berlioz trên cả tuyệt vời. Năm nay, anh lại đem tới cho chúng ta Debussy và Ravel cùng một đoạn nhạc dạo tinh tế dẫn vào Những dạ khúc của Fauré. Hai đêm trước đó cũng ở nhà hát này, tôi đã hoàn toàn choáng ngợp với bản “La Mer” của Debussy mà VNSO biểu diễn, nên lần này cảm thấy sung sướng như trên thiên đường (Phục sinh mà!) khi được nghe sáu trong số 24 khúc dạo đầu và 3 nhạc phẩm về Những hình ảnh ấn tượng trích từ Tập 1 của ông.

Ở phần trên của bài bình luận này tôi đã nói vốn tiết mục “khá nặng” và với phần đông khán giả, đây có lẽ là một “lễ rửa tội” của họ với âm nhạc hiện đại đầu thế kỷ 20 – và liệu còn có cách nào tốt hơn là để Muraro là người “rửa tội” cho họ.

Một nam thanh niên người Việt thấy giá vé L’Espace bán cho sinh viên là khá rẻ nên cố gắng mua để được xem một số nghệ sĩ quốc tế xuất sắc biểu diễn, đã bối rối không biết nên vỗ tay khi nào, cứ nhấp nhổm muốn vỗ. Cuối cùng, không đừng được cậu ấy đã vỗ tay và những khán giả khác – những người cũng muốn vỗ tay không kém, đã cùng hoà vào với cậu.

Lại một đêm nhạc đáng nhớ khác với một nghệ sĩ piano bậc thầy và sự hồi sinh niềm tin của tôi với người Pháp sau lời phê bình nhẹ nhàng hồi đầu tuần.

Một gia đình Pháp hàng xóm của chúng tôi đã đầu tư đàn và cho cậu con trai nhỏ của mình học piano. Bây giờ thi thoảng chúng tôi lại được nghe bản “Mary Had a Little Lamb”* (“Mary có chú cừu nhỏ”) và một số ngẫu hứng hậu hiện đại hơi chói tai. Chúng tôi đang háo hức chờ đến thời điểm, có lẽ là một vài tháng nữa, sẽ có những bản nhạc tuyệt vời sẽ đánh thức bình minh, nghe du dương như những âm thanh mà những chú chim nhỏ trên cây xoài, cây khế vườn nhà tôi vẫn thường cất lên. Và Phục sinh tới tôi sẽ đề nghị cậu chơi bài thánh ca Phục sinh của người Shaker đã từng được Aaron Copeland** sử dụng cho bản “Appalachian Spring” của mình…..

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=96Zc9enoGCg[/youtube]

Tôi khiêu vũ trong buổi sáng khi thế giới bắt đầu…Tôi khiêu vũ trên mặt trăng, những ngôi sao và mặt trời…Tôi từ thiên đường xuống và khiêu vũ trên mặt đất….. …

Góp ý nhỏ: ban quản lý của Nhà hát lớn có thể phục hồi lại một chút cây piano lớn của họ và tặng nó món quà Phục sinh là những nhát lau bằng chiếc khăn mềm để xoá đi những vết vân tay…và sàn gỗ bên dưới piano cũng sẽ hồi sinh nếu được lau sạch và làm bóng một chút.

Lời người dịch:

* Một bài hát cho trẻ con, có nguồn gốc từ Mỹ, thế kỷ 19.

** Aaron Copeland là nhà soạn nhạc người Mỹ. “Appalachian Spring” là tác phẩm nổi bật của Aaron, được ông viết dựa trên giai điệu một bài hát truyền thống của Shaker (tín đồ của một giáo phái ở Mỹ) – bài Simple Gifts –  và các bài ca tôn giáo của người Mỹ da trắng.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply