Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Nhà hát lớn “vỡ òa” cùng cặp song tấu

KVT – Nhà hát lớn “vỡ òa” cùng cặp song tấu

Đăng vào
0

NHÀ HÁT LỚN “VỠ OÀ” CÙNG CẶP SONG TẤU.

Tôi có thể tưởng tượng mình là một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc hoà tấu và có những buổi độc tấu bên những cây piano sáng loáng, nhưng mà tôi không thể song tấu hay biểu diễn theo bộ đôi! Tính cách của tôi chắc chắn không hợp với thể loại biểu diễn đòi hỏi sự tập trung cao độ đó…một sự hợp tác. Chỉ cần thử tưởng tượng là bạn có bất đồng nhỏ với bạn diễn của mình trước khi ra sân khấu mà xem!

Đầu năm nay chúng ta đã được xem hai chị em sinh đôi nhà Lafitte của Pháp trình diễn song tấu rất xuất sắc còn tuần này thì Liên minh Châu Âu và Viện Goethe đã giới thiệu với chúng ta một cặp vợ chồng. Bên đôi đại dương cầm choán hết cả sân khấu Nhà hát lớn, họ đã có một đêm diễn làm nức lòng khán giả.

Nghệ sĩ người Đức Sebastian Euler và người vợ gốc Đài Loan của anh là Lucia Huang đã chơi một bản nhạc đôi và một vài bản song tấu. Cặp vợ chồng này nổi tiếng với những tác phẩm họ chuyển soạn từ nhạc phẩm của Max Reger, Schumann, Beethoven, và Messiaen và tôi rất muốn có được album họ trình diễn nhạc Schubert xuất bản năm ngoái.

Đêm đó họ đem đến cho khán giả một chương trình chủ yếu là dễ nghe với những tác phẩm nổi tiếng của Bach, Brahms và 6 bản nhạc múa được chuyển biên từ vở ba-lê lãng mạn khá quen thuộc của Tchaikovsky là The Nutcracker.

Khi nói là nhạc dễ nghe tôi hoàn toàn không ám chỉ là dễ chơi. Để có thể biểu diễn được các tác phẩm nổi tiếng theo một cách lôi cuốn và mới mẻ thì người nghệ sĩ cần có chuyên môn cao và cả sự dũng cảm nữa. Và cặp đôi ấy đã thực sự đem đến luồng sinh khí trong lành mới cho tác phẩm The Nutcracker mà nếu Sugar Plum Fairy có đến nghe hôm đó chắc cũng sẽ vỗ tay tán thưởng rầm rộ. Bản concerto cho 2 dương cầm được Reger chuyển soạn từ một sáng tác của J S Bach thực sự là một khởi đầu tuyệt vời cho đêm diễn và đủ sức để lôi cuốn khán giả vốn phần đông là người Việt.

Năm nay dường như là năm của Astor Piazzolla ở Hà Nội mà tôi thì chả bao giờ chán nghe những tác phẩm của ông ấy cả, nên tối hôm ấy tôi đã lắng nghe không biết chán bản “Tangata” quyến rũ.

Tác phẩm mà tôi thấy xuất sắc nhất chính là bản chuyển soạn tác phẩm “la Valse” đầy căng thẳng và gần như là điềm báo mà Ravel sáng tác cho dàn nhạc vào năm 1919, ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tàn phá dữ dội vùng nông thông của Pháp và Bỉ. Nó đã rất xứng đáng được nhận tràng pháo tay nhiệt liệt từ khán giả và phần giải lao đến ngay sau đó là hợp lý để mọi người có thể khuây khỏa sau sự tập trung cao độ của nhạc phẩm.

Cặp đôi đã để dành tác phẩm khó nhất đến cuối cùng – bản “Reminiscenes de Don Juan” của Liszt. Liszt đã lấy một số đoạn từ vở opera của Mozart về anh chàng nổi tiếng tên Don Giovanni – một quý tộc trẻ tuổi đào hoa, ngạo mạn đã từng sỉ nhục, hành hạ hầu hết các nhân vật trong suốt vở opera cho tới khi cuối cùng anh ta gặp một thứ mà anh ta không thể giết, đánh đập, lẩn tránh hay đánh lừa được – và tạo nên một tác phẩm solo cho dương cầm tuyệt vời vào những năm 1840. Về sau này ông mới cho ra đời phiên bản dành cho đôi dương cầm.

Liszt được đánh giá là nghệ sĩ dương cầm giỏi nhất thế giới nên không có gì ngạc nhiên khi các sáng tác của ông thường đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ có những nghệ sĩ đủ dũng cảm và tài năng mới dám biểu diễn trên sân khấu những tác phẩm vốn được coi là đỉnh cao của kỹ thuật trình diễn dương cầm ấy. (Nhưng cũng lưu ý với các bạn rằng, cũng có một vài nghệ sĩ mặc dù tài năng kém hơn nhưng dũng cảm không kém Huang và Euler đã biểu diễn trên các sân khấu Việt Nam và kết quả thì hay cũng có mà tệ hại cũng có.)

Duo D’Accord đã khiến cho nhạc của Liszt nghe thật diệu kỳ…và cũng thật thoải mái.

Một đêm tuyệt vời, và một bộ đôi tuyệt vời! Tôi có đọc ở đâu đó rằng bộ đôi ấy đã chơi hay hơn hẳn bình thường. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này.

Xin cám ơn Viện Goethe một lần nữa và xin được chúc mừng Liên minh Châu Âu nhân dịp kỷ niệm của họ.

Tái bút: khi có những tay quay phim khó chịu cứ chĩa máy quay về phía bạn trong buổi hoà nhạc thì bạn chỉ muốn lè lưỡi ra trêu họ thôi…hay là làm vài cử chỉ ngón tay kiểu trẻ con!!!?

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply