KVT – Chùm nhạc Mozart số 3 của VNSO
![]() | ![]() |
VIOLA…..ÔI VIOLA
Một lần nữa Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) lại đem đến cho chúng ta một sự kiện âm nhạc tuyệt đỉnh. Khán phòng nhỏ, đẹp đẽ ở 16 Lê Thái Tổ hôm ấy rất đông khán giả và họ đều nhận được món quà giá trị hơn rất rất rất nhiều số tiền họ bỏ ra…Ý tôi là liệu còn có nơi nào trên thế giới mà bạn được nghe một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế trình diễn trong một khán phòng xinh xắn với cái giá chỉ 10$/vé?
Nghệ sĩ tầm cỡ thế giới ấy chính là nghệ sĩ viola người Nhật – Imai Nobuko – người vẫn được xếp vào hàng những nghệ sĩ viola xuất sắc nhất trên thế giới cho dù đã ở vào độ tuổi 68.
Lần trước tôi đã được nghe cô trình diễn solo ở Hà Nội cùng với toàn bộ dàn nhạc VNSO. Trước đó, tôi thường nói rằng cello là thứ nhạc cụ chơi riêng lẻ mà tôi yêu thích nhất. Nhưng sau khi nghe Nobuko thì sở thích của tôi chuyển sang viola và tôi luôn yêu thích thứ âm thanh êm dịu mà nhạc cụ ấy tạo ra khi được trình diễn bởi một nghệ sĩ lớn.
Nobuko mở đầu buổi hoà nhạc thính phòng hôm chủ nhật bằng bản Duet cho Violin và Viola của Mozart, một nhạc phẩm mà nếu được chơi tốt sẽ nghe như một cuộc đối thoại giữa hai nhạc cụ vậy. Với Nobuko chơi Viola và Đào Mai Anh – một trưởng dàn nhạc VNSO hấp dẫn – chơi violin thì cuộc đối thoại ấy lúc thân thiết, lúc vui tươi và luôn cuốn hút vô cùng.
Tâm điểm của đêm nhạc chính là “Tổ khúc số 1 cho Cello” của Benjamin Britten, được chuyển soạn cho viola. Britten đã hứa sẽ viết 6 tổ khúc riêng cho cello cho tài năng cello Rostropovich. Tuy nhiên ông mất khi mới hoàn thành 3 tác phẩm và tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1964. Phần nhiều các tác phẩm của Britten phản ánh sự niềm tin của ông với chủ nghĩa hoà bình và nhận thức của ông về sự ngây thơ đã bị biến đổi. Các bản tổ khúc dường như chất chứa sự căng thẳng và vỡ mộng vốn là đặc điểm của châu Âu thời kì chiến tranh lạnh nhưng bù lại chúng có được sự sôi nổi do Rostropovich mang lại và niềm hi vọng vốn có của nhà soạn nhạc.
Lần đầu tôi được nghe chín chương của tổ khúc này là ở một buổi hoà nhạc trong một hẻm núi sa mạc vào một đêm không trăng, mát mẻ, với tiếng hú của chó hoang từ xa vọng lạ. Nghĩ đến đó cũng đủ khiến bạn thấy rùng mình ấn tượng.
Lần thứ hai tôi được nghe là ở Tirana, Albania, một vài năm sau khi chế độ độc tài Enver Hoxha sụp đổ. Khi ấy tôi đang ở một mình trong căn hộ giản dị của người bạn trên một trong những toà nhà bê tông, nhiều tầng, đông đúc – kiểu nhà mọc lên như nấm ở Đông Âu sau năm 1945. Hôm ấy, như bao hôm khác, điện bị cắt và cả thành phố lại chìm trong bóng tối thăm thẳm. Khi những âm thanh cuối cùng của vở kịch truyền hình lướt xuống cầu thang và những tiếng la hét vì tức giận và cả những tiếng rên rỉ cam chịu vang qua ban công, thì vang lên tiếng một cây cello. Âm thanh ấy chiếm trọn cả đêm tối và một sự im lặng thống trị cả khu cho tới khi đâu đó vang lên những tiếng lộp bộp rồi những tràng pháo tay như sấm rền lấp đầy khoảng lặng ấy lúc Tổ khúc số 1 của Britten đi tới hồi kết.
Và tôi đã lắng nghe tiếng viola của Nobuko trong sự hồi tưởng lại những kỉ niệm ấy, và lần trải nghiệm thứ ba này cũng đáng nhớ không kém.
Làm sao mà có thể chơi được hay hơn thế?!
Bản Sextet (bản nhạc cho bộ sáu loại nhạc cụ) cho bộ dây đậm chất lãng mạn của Brahm chính là câu trả lời cho câu hỏi trên và là cũng là cơ hội để năm tài năng âm nhạc Việt Nam được trình diễn cùng Nobuko. Nghệ sĩ violin trẻ tuổi Bùi Công Duy khiến khán giả hài lòng khi anh cúi đầu chào cùng Đào Mai Anh và cùng với cặp cello Hoàng Quân và Trần Thị Mơ. Nghệ sĩ viola Nguyễn Thị Thu Nga chắc hẳn phải hồi hộp lắm khi được biểu diễn cùng một trong những nghệ sĩ viola hàng đầu như Nobuko.
Lại một phần trình diễn tuyệt vời nữa ở phần allegro trong chương đầu tiên, tạo nhịp điệu để từ đó sáu loại nhạc cụ cùng cất lên những nốt nhạc du dương. Nhóm nhạc thính phòng nhỏ xuất sắc ấy đã chơi ngang ngửa nhau, tạo được sự hoà hợp khi “tung hứng” âm thanh qua lại với nhau. Khán giả đã rất thích thú và còn được các nghệ sĩ tặng thêm một đoạn Scherzo trong phần encore.
Buổi diễn tới của VNSO sẽ diễn ra ở Nhà hát lớn vào ngày 3 và 4 tháng 6 với bản số 7 của Beethoven…nếu bỏ lỡ buổi diễn đó thì thật là ngốc.
Một lần nữa xin được cám ơn người Nhật đã tài trợ cho những đêm nhạc thính phòng này.
* KVT không nhận vé miễn phí cho các sự kiện nhạc vũ và vì thế đảm bảo rằng những bài bình luận này được viết hoàn toàn vô thư, không thiên vị.
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |