KVT – Ludwig, Felix và Dmitri biểu diễn tam tấu tại Goethe
![]() |
Tuần trước tôi được xem hai tam tấu. Tôi thực sự rất thích thứ nhạc jazz mượt mà của Tam tấu Eric Legnini ở L’Espace mặc dù là tôi không xúc động đến mức nhún nhảy theo. Và tôi còn thích hơn cái thứ nhạc thính phòng có phần ít trau chuốt hơn của buổi Hoà nhạc Tam tấu ở Viện Goethe hôm thứ sáu vừa qua mà đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng vui sướng. Cả hai buổi diễn đều có cái giá rất hời (100,000 VND cho buổi diễn ở L’Espace – cái giá quá rẻ cho một buổi diễn đẳng cấp quốc tế – còn buổi hoà nhạc ở Viện Goethe thì miễn phí– xem ra đó còn là một cái giá “sốc” hơn đối với một phần trình diễn nhạc cổ điển chất lượng cao). L’Espace đầy ắp khán giả và ai cũng đầy say mê. Ở Goethe, lượng khán giả cũng đông không kém nên tôi nghĩ đáng ra cũng phải sôi nổi tương tự như ở L’Espace, nhưng thực tế lại có phần hạn chế hơn.
Trong nhạc thính phòng, tam tấu piano – gồm violin, cello và piano – đóng vai trò quan trọng thứ nhì về cả mặt thể loại, dạng thức và nhóm nhạc, chỉ sau tứ tấu bộ dây. Nhóm nhạc hôm thứ sáu của chúng ta gồm có Nguyễn Mỹ Hương chơi violin, Nguyễn Hồng Ánh chơi cello và Trần Thái Linh chơi piano (xem anh biểu diễn thật thú vị!).
Nhóm nhạc trẻ đã không tự giới hạn mình với những tác phẩm dễ vốn có thể dễ dàng giành được sự tán dương của khán giả…thay vào đó, họ chọn những tác phẩm được sáng tác từ sớm của ba nhà sọan nhạc vĩ đại. Tam tấu piano được Beethoven sáng tác ở tuổi 25, Mendelssohn ở tuổi 30 và Shostakovich ở tuổi 17.
Bạn phải rất dũng cảm mới dám đọ tài năng của mình với một tác phẩm nổi tiếng của Beethoven hay Mendelssohn. Và những nghệ sỹ này đã có một cuộc đọ sức đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ là bản nhạc của Beethoven khá dài và và bản Tam tấu Piano số 3 khá khó ấy có thể sẽ gây khó khăn cho họ nhưng thực tế là tôi thậm chí đã không cần phải ngồi cầu may mắn cho họ. Ngay khi họ bước vào đoạn allegro con brio (nhanh, vui tươi) thì tôi biết rằng họ đang tiến đến thành công. Một phần trình diễn rất hay! Mặc dù không thể không se lòng khi nghe chương thứ hai với tiết tấu chậm rãi, tôi thực sự rất ấn tượng với sự tươi sáng trong chương cuối.
Giống như hầu hết các bậc vua chúa Châu Âu, Nữ hoàng Victoria vô cùng yêu thích Mendelssohn và thời đó ông được nghênh đón ở London giống như người ta nghênh đón một ngôi sao nhạc pop bây giờ vậy. Ông không phải trải qua những thăng trầm vốn khiến cho những nhà soạn nhạc vĩ đại của dòng Lãng mạn phải lo lắng và chịu sự bấp bênh về tài chính. Khi ông mất ở tuổi 38 vì trầm cảm và mệt mỏi, rất nhiều người đã tiếc thương ông sâu sắc. Chủ nghĩa bài Do Thái ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã khiến cho các tác phẩm của Mendelssohn bắt đầu mờ nhạt dần trong công chúng. Nhưng ơn chúa, cái thiện và sự tỉnh táo đã chiến thắng, còn những kẻ chuyên quyền hay mê muội mù quáng đã bị đánh bại…và bản hành khúc đám cưới của Mendelssohn (trích từ phần nhạc phụ ông sáng tác cho “Giấc mộng đêm hè”) lại lần nữa hân hoan vang lên trong các nhà thờ khi các cặp cô dâu chú rể hạnh phúc đi dọc thánh đường.
Nhóm tam tấu đã có một phần trình diễn rất thú vị đối với bản Tam tấu Piano số 1 của Felix Mendelssohn…Tôi chắc chắn là Goethe – danh nhân vĩ đại của Đức – cũng phải tán thưởng bản chuyển soạn đầy tinh tế mà nhóm tam tấu đã thực hiện đối với một trong những bản nhạc thính phòng phổ biến nhất của bạn ông. Nếu được chơi tốt thì phần mở đầu của chương một có thể sẽ cuốn hút và duy trì sự chú ý của bạn trong suốt hơn 25 phút của tác phẩm. Và nhóm tam tấu này thực sự đã cuốn tôi theo họ và khiến tôi khao khát được nghe thêm nữa. Chương cuối với phần piano đặc biệt sôi nổi đã được xử lý ấn tượng đúng như mong đợi. Một màn trình diễn rất đáng khen ngợi. Nó gợi cho tôi nhớ đến đĩa CD cũ của Jacqueline Du Pre và Daniel Barenboim mà tôi đã làm thất lạc trong quá trình di chuyển nhiều năm trước đây.
Bây giờ tôi xin thú nhận là nếu như không có tên của Shostakovich trong danh sách chương trình thì chắc là tôi đã ngớ ngẩn quyết định ở nhà. Tôi đã có cảm giác là chúng ta sẽ được thưởng thức một phần trình diễn hay đối với bản Tam tấu cho piano số 1 của ông…và tôi đã không phải thất vọng. Bản nhạc chỉ kéo dài 13 phút và chỉ gồm một chương…nhưng có thể tạo được xúc động mạnh mẽ.
Dmitri sáng tác bản nhạc này lúc ông mới 17 tuổi và đang ở Crimea, đau buồn vì mất cha và đang dần hồi phục khỏi bệnh lao phổi… Có người nói đây là một bài thơ cho người yêu, một nàng Tatyana Glivenko nào đó…và, nếu thế thì đây chắc chắn phải là một cô gái đặc biệt nào đó rồi! Bản nhạc quý này rất khó chơi vì nó đòi hỏi phải thể hiện được những cảm xúc trái ngược…như một bìa đĩa CD đã từng viết… “đi từ sự đau thương của đám tang, tới sự vui tươi thanh thản của một buổi hội chợ; từ cơn giận dữ dội của một cuộc cãi vã tới sự dịu dàng cảm động của một chuyện tình đầy đắm say.” Khi Shostakovich lần đầu trình diễn bản nhạc cùng hai người bạn của mình, bạn có thể hình dung đó giống như là sự vỡ oà của cảm xúc vậy.
Tôi thực sự rất thích cách chuyển soạn mà chúng ta được nghe hôm đó. Thực ra tôi thấy nó khá xúc động!
Đêm đó chắc hẳn các nghệ sỹ đã phải dốc hết sức lực và cảm xúc của mình. Tôi hi vọng họ sẽ mang đến cho chúng ta thêm nhiều đêm độc tấu nữa.
Xin cám ơn viện Goethe đã cho những nghệ sỹ tài năng, cá tính và rất hấp dẫn này cơ hội được toả sáng và cho khán giả chúng ta cơ hội được thưởng thức những nhạc phẩm thú vị.
Và nghệ sỹ Trần Thái Linh ơi, trong thời gian tới nếu anh có tổ chức buổi diễn solo nào thì nhớ báo tôi biết với nhé! Tôi đã thành fan lớn của anh rồi.
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |