Phỏng vấn đạo diễn – Âm thanh và Vũ trụ

Phỏng vấn đạo diễn – Âm thanh và Vũ trụ

Tin từ nhóm The Onion Cellar:

Nhân dịp KanZeOn ra mắt khán giả Việt Nam trong chuỗi phim OTO | EIGA (tổ chức bởi Japan Foundation Vietnam và The Onion Cellar), The Onion Cellar thực hiện một cuộc phỏng vấn qua email cùng hai đạo diễn của bộ phim – Neil Cantwell và Tim Grabham. Những câu trả lời tôi chúng tôi nhận được vượt hoàn toàn mọi mong đợi mình có, dẫn dắt cuộc phỏng vấn theo muôn vàn hướng đi thú vị, đem lại những thông tin quý giá về quá trình thực hiện dự án KanZeOn và các nguồn cảm hứng đằng sau nó. Giống như bản thân bộ phim, các câu trả lời của hai đạo diễn đem lại những cảm xúc nguyên sơ kỳ diệu có được khi con người hòa hợp cùng vũ trụ. 

kanzeon-still3

Điều gì khiến các anh thực hiện một bộ phim về nhạc truyền thống Nhật? Đâu là cảm hứng ban đầu? Hai anh khởi sự hợp tác với nhau trong dự án như thế nào? Và ba nhân vật chính trong phim đã được “chọn” ra sao?

Tim Grabham (TG): Tình cờ gặp Neil tại buổi tiệc của một người bạn là một điều may mắn, nhất là vào thời điểm mà tôi đã thực hiện một số phim ngắn tại Nhật và đang muốn bắt đầu một dự án dài hơi hơn ở đó. Vấn đề nằm ở chỗ, tôi đang thiếu một đề tài. May thay, Neil khi còn ở Nhật đã từng gặp và hợp tác với một vài nghệ sỹ cực kỳ thú vị, và anh ấy đã sẵn có trong đầu một số ý tưởng và ý niệm mà anh muốn diễn đạt, dự án của chúng tôi bắt đầu từ thời điểm đó.

Neil Cantwell (NC): Tôi từng sống ở Fukuoka một vài năm trước khi trở về Brighton, nơi tôi gặp Tim. Ban đầu tôi học tiếng Nhật và đang tiến hành nghiên cứu về tôn giáo Nhật Bản, cụ thể là cuộc hành hương đến 88 Ngôi đền Shikoku. Nhưng, là một nhạc công, những tiến triển lớn nhất của tôi khi sống tại Nhật, như việc kết bạn và học tiếng, hóa ra lại thông qua âm nhạc.

Và do đó nhờ vào âm nhạc mà tôi gặp gỡ cả ba nhân vật chính xuất hiện trong phim – bạn hỏi tôi chọn họ như thế nào, thực tế không hề có yếu tố chọn lựa ở đây. Người bạn Nhật đầu tiên và thân nhất của tôi là Ko (người cùng tôi trình diễn dưới cái tên shi_ne_ko_sei) là bạn học của Tatsumi (Akinobu Tatsumi) và cả hai đều yêu thích nhạc hip-hop và văn hóa hip-hop –  khi Ko và tôi đã cùng thu âm với nhau một thời gian, bọn tôi có vài lần đến nhà của Tatsumi ở vùng nông thôn để sáng tác cùng anh ấy, và tôi quen biết Tatsumi như vậy. Chúng tôi biểu diễn cùng nhau và có những chuyến đi ngắn kỳ lạ về vùng thôn dã mà ta có thể thấy trong phim.

Tương tự, tôi gặp Eri (Eri Fujii) khi cô ấy diễn trong chương trình mà Ko và tôi tham gia ở một nơi tại Fukuoka gọi là Art Space Tetra – tôi hết sức kinh ngạc với tiết mục của cô ấy và chúng tôi trò chuyện với nhau sau đó, bàn về việc hợp tác sáng tác. Ko và tôi sau đó tới gặp Eri trong vài ngày để cùng viết nhạc.

Còn Iitomi-sensei (Akihiro Iitomi) thực ra chính là thầy dạy khi tôi học chơi trống kotsuzumi chừng sáu tháng – một nhân viên tại Văn phòng Quốc tế trường đại học của tôi, sau khi biết tôi yêu thích âm nhạc đã hướng dẫn tôi học thử một buổi dạy của ông.

Do vậy khi có ý tưởng thực hiện một bộ phim, tôi nhận ra rằng những con người này có thể cùng xuất hiện theo một cách thú vị, họ tượng trưng cho những khía cạnh khác nhau của âm nhạc Nhật Bản, nhưng vẫn có điểm tương đồng: yếu tố tôn giáo trong cách họ thụ cảm âm thanh.

TG: Vì Neil rất chắc chắn về cả ba nhân vật xuất hiện trong bộ phim, tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhận định của anh. Ngay khi anh cho tôi xem bức ảnh Eri trong trang phục truyền thống trình diễn kèn Sho trên một ngọn núi, tôi hoàn toàn bị quyến rũ trước những khả năng, những cách mà chúng tôi có thể giới thiệu cô trong phim. Điều đó còn trên cả thuyết phục.

NC: Và rồi ý tưởng thống nhất và bao hàm trọn vẹn phim, dẫu không được nói ra nhưng vẫn xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, đến từ Phật giáo Mật Tông Nhật Bản – phần thứ tư của KanZeOn. Tôi đã là thành viên Hội nghiên cứu ở Đại học Shuchiin, mà các bạn thấy trong phim, cũng là một trường Phật học đào tạo tăng sĩ Mật Tông / Bí truyền. Trong giáo lý Mật Tông, có một quan điểm cho rằng toàn bộ vũ trụ là một chuỗi những xung động, và thông qua việc sử dụng (theo nghi lễ) âm nhạc và nhạc tôn giáo, con người có thể hợp nhất cùng vũ trụ và đạt được những giác ngộ nhất định. Quan điểm này dường như đã thấm vào rất nhiều tư duy của người Nhật về âm nhạc – có một sự tương đồng thú vị với một câu nói của nhà soạn nhạc lừng danh Toru Takemitsu, vốn đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều, khi ông mô tả sự hiện diện ở trong âm thanh, và hợp nhất với âm thanh.

directors-neil_cantwell-and-tim_grabham
(Neil Cantwell & Tim Grabham)

KanZeOn không có cách thể hiện về hình ảnh (lẫn âm thanh) của một bộ phim tài liệu thông thường – tôi không chắc có nên gọi KanZeOn là một bộ phim tài liệu hay có nên xếp nó vào một nhóm loại nào đó hay không. Liệu đó có phải là chủ đích của dự án – hay đấy đơn giản là cách các anh hay làm phim?

TG: Tôi ghét khuôn khổ và các cấu trúc và hình thức lặp đi lặp lại của nhiều bộ phim tài liệu; chẳng hạn luôn có tiếng thuyết minh xuyên suốt tác phẩm như chỉ đường cho khán giả; hay cho rằng khán giả chẳng có gì trong đầu để có thể giải nghĩa những điều họ đang xem. Những bộ phim yêu thích của tôi (phim giả tưởng hoặc không) đều thu hút tôi ở chỗ, với tư cách một người xem tôi buộc phải tư duy để có thể thực sự kết nối với chúng. Đó cũng là hướng đi của tôi khi thực hiện những bộ phim khác.

KanZeOn mang một cảm giác huyền bí và dị biệt, thậm chí gần đến ngưỡng tâm linh. Quan điểm của anh về tâm linh cũng như vị trí của nó trong thế giới hiện đại ra sao?

TG: Tôi đón nhận từ thế giới xung quanh mình một cảm giác kinh ngạc khôn cưỡng. Những phương tiện sáng tạo như phim ảnh cho phép chúng ta mang cảm giác ấy thành sự phản ánh các trải nghiệm cá nhân lẫn cảm xúc của chúng ta. Quá trình quay phim KanZeOn chính là một cơ may đích thực khi mà chúng tôi được mời đến những chốn vô cùng thiêng liêng với hy vọng có thể nắm bắt một phần nào đó bầu không khí những nơi ấy. Và nếu ta chậm bước và dành thời gian để quan sát, để lắng nghe những chi tiết nhỏ nhặt quanh mình, một thế giới mãnh liệt sẽ mở ra trước mắt, và nếu thật sự may mắn, có thể ta ghi lại được nó trên phim. Thế giới hiện đại thấm đẫm nguồn năng lượng này, cũng có thể gọi đó là một tinh thần. Ta chỉ cần biết làm thế nào để chạm tới nó.

NC: Một câu hỏi rõ ràng rất rộng, hy vọng chúng tôi có thể trả lời tốt hơn từ chính những gì trong bộ phim thay vì cố gắng tìm cho mình những từ ngữ để mô tả. Cá nhân mà nói, tôi chắc chắn theo quan điểm thế giới tâm linh, hay tôn giáo, hay gọi là gì đi chăng nữa, là một thứ vô cùng quan trọng và tôi hy vọng bộ phim này đã góp phần tôn vinh tầm quan trọng của nó, cũng như khiến con người ta chiêm nghiệm về những kiểu câu hỏi này. Như thế không nhất thiết đồng nghĩa với việc ủng hộ một tôn giáo và bài bác các tôn giáo còn lại, nhưng trưởng thành trong một nền văn hóa nơi các hiểu biết tôn giáo đang và đã luôn suy vị, một điều gì đó mà tôi bắt gặp ở Nhật Bản đã đưa tôi tới những hướng đi mình không hề ngờ trước, và những cảm giác ấy tạo ra bộ phim này.

kanzeon-still5
(Akinobu Tatsumi)

Tôi rất vui khi Tatsumi tham gia phim, một số người sẽ cảm thấy đấy là một quan điểm đương đại đến kinh ngạc khi đặt cạnh hai phần truyền thống còn lại của văn hóa Nhật Bản mà chúng tôi khai thác, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là tôn giáo luôn cần được tái-thiết và tái-tạo thành những dạng thức mới để theo kịp dòng thời gian. Dĩ nhiên những nghi lễ truyền thống vẫn vô cùng mạnh mẽ và buộc ta phải tôn trọng, và những nghi lễ ấy vẫn đang gìn giữ những phương tiện khả dĩ đến không ngờ giúp ta kết nối với cốt lõi của trải nghiệm tôn giáo hay tâm linh. Điều quan trọng là những nghi lễ cần được tiến hành tùy vào mỗi người, chúng ta đều có các trải nghiệm khác nhau, sống trong các hoàn cảnh khác nhau vốn cũng sẽ luôn luôn thay đổi theo thời gian, do đó cách tôn giáo được trải nghiệm cũng cần thay đổi theo.

Có một cuốn sách tôi viết, theo một cách nào đó cũng có thể đi kèm với bộ phim – đó là dự án mà tôi khi ấy đang nghiên cứu và sau đó dừng lại khi bắt đầu thực hiện KanZeOn cùng Tim. Sách nói về chuyến hành hương đến 88 Ngôi đền ở Shikoku, nhưng cũng kèm theo một số tiểu luận triết học luận về những câu như bạn hỏi. Quyển sách mang tên dissolvingPath: Indications on Not-knowing Nothing (tạm dịch: conđườngsuyvi: Những Biểu hiện của sự Không-biết Hư Vô) – tôi không muốn dành nhiều chỗ ở đây để nói về cuốn sách nhưng nó lý giải trọn vẹn hơn nhiều suy nghĩ và cảm giác trong lĩnh vực này mà tôi diễn tả trong KanZeOn. Nếu ai trong các bạn có nhã hứng tìm hiểu, hãy cứ tự nhiên.

Trong KanZeOn, hình ảnh lẫn âm thanh đều được dựng thành một cách tinh tế tuyệt vời. Liệu hai anh có thể nói thêm phần âm nhạc và các thiết kế âm thanh của bộ phim? Và một vài thông tin về địa điểm quay phim, nếu có thể.

TG: Ngay từ đầu, phần âm nhạc đã được phát triển song song với quá trình biên tập phim. Cả hai chúng tôi có tố chất âm nhạc và nó luôn ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng tôi cấu trúc các cảnh quay. Chúng tôi mày mò phần nhạc phim trên analogue sampler của Neil, rồi sau đó ghép phần nhạc này vào những cảnh quay đang dựng. Đấy là một cách làm việc tuyệt vời, mọi thứ luôn diễn ra trực tiếp và ngẫu hứng khi âm thanh được kiểm soát tại chỗ. Phần âm thanh trở nên cực kỳ phức tạp và đa lớp, do đó khi mang đi mix và master, chúng tôi quyết định chọn một phòng thu vốn dành cho các ban nhạc ghi âm album. Cách tiếp cận này cho chúng tôi một cảm giác như thể đang sáng tác các bản nhạc, thay vì chỉ đơn thuần mix âm thanh theo từng cảnh trong một bộ phim tài liệu.

NC: Đúng thế, Paul Pascoe, kỹ sư âm thanh của chúng tôi, có đóng góp rất lớn vào phần âm thanh của phim; sau tám ngày cùng chúng tôi mix phim trong bóng tối anh ấy đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Có lẽ cũng nên đề cập về sự tương đồng và tương tác giữa cách làm việc nói trên với dự án KanZeOn ReIndications diễn ra song song tại thời điểm chúng tôi biên tập phim – chúng tôi gửi các bản thu âm mình thực hiện tới các nghệ sỹ khác nhau ở Châu Âu và Nhật Bản – những người bày tỏ hứng thú với việc remix chúng; những bản remix này sau đó được phát hành trên mạng, được in ra CD để đi kèm DVD của phim, một số thậm chí cũng xuất hiện ngay trong phim.

Về những chi tiết liên quan đến địa điểm, chúng tôi đã thực hiện hẳn một bản đồ diễn tả tất cả những nơi chúng tôi quay phim – dự kiến trở thành một phần của DVD nhưng cuối cùng thì không. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ sớm đăng nó lên blog của phim, vì thế nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm, hay lên kế hoạch tới những địa điểm đó, hãy chờ đôi chút và thỉnh thoảng xem trên trang web của KanZeOn.

kanzeon-still1
(Akihiro Iitomi)

Trong tạp chí Sight and Sound, KanZeOn và We Don’t Care About Music Anyway (đạo diễn Cedric Dupire & Gaspard Kuentz) được bình luận cùng với nhau (một cách tình cờ The Onion Cellar đã trình chiếu We Don’t Care.. ở Việt Nam hồi đầu năm). Đã xem cả hai, tôi cho rằng hai tác phẩm bổ trợ cho nhau gần như hoàn hảo, giống như hai mặt của cùng một đồng xu. Các anh đã xem We Don’t Care.. chưa và liệu có đồng tình với quan điểm này không?

NC: Tiếc là cả hai chúng tôi đều chưa xem We Don’t Care About Music Anyway, nhưng tôi có biết một ít về một số nghệ sĩ xuất hiện trong đó. Trước hết, đó là Goth-Trad, kỳ thực là người đã xem một bản dựng đầu của KanZeOn và cho chúng tôi một số lời khuyên trong một cảnh quay, do đó chí ít đây là một mối liên quan giữa hai bộ phim. Tim mới đây đã quay một video cho anh ấy và Goth-Trad cũng tham gia vào SRK Studio, nơi đã rất ủng hộ dự án KanZeOn – Tim biên tập bộ phim SRK thực hiện về Dubstep tên gọi Bassweight, trong đó Goth-Trad xuất hiện khá nhiều. Chắc chắn có một điểm gì đó đặc sắc trong âm thanh Dubstep của anh khiến anh nổi bật hơn những producer khác, và tôi nghĩ như thế cũng hợp lý khi anh xuất thân từ môi trường âm nhạc mà We Don’t Care About Music Anyway khắc họa.

Ngoài ra lại có một liên hệ khác liên quan đến Yoshihide Otomo – bạn của tôi ởFukuoka. Greg Sullivan, người nhiệt tình ủng hộ các chuyến quay phim của chúng tôi khi còn ở Nhật, đã liên hệ với Otomo và gợi ý mời anh xuất hiện trong KanZeOn. Vì một lý do nào đó điều này không xảy ra, nhưng chắc chắn việc Greg cho tôi xem DVD Multiple Otomo đã có một ảnh hưởng đến đóng góp của tôi với KanZeOn – giờ đây khi nghĩ lại, việc Otomo tham gia có lẽ sẽ không thật sự hợp lý, nhưng thật tuyệt nếu bộ phim của chúng tôi có thể được xem và bàn luận song song với We Don’t Care About Music Anyway và người xem cảm nhận được một sự gắn kết giữa chúng, như bạn đề cập. Thực ra chính Greg là người tổ chức buổi diễn ở Art Space Tetra, nơi tôi gặp Eri, dẫn đến việc cô ấy tham gia bộ phim – nhờ Greg mà tôi đã được xem nhiều buổi diễn sound art tuyệt vời ở Tetre; với bất kỳ ai tới Fukuoka, tôi khuyến khích ghé qua nơi đó.

kanzeon-still6
(Eri Fujii)

Người viết ở tạp chí Sight and Sound cũng thấy rằng cả hai bộ phim dường như đều gợi ý rằng “âm nhạc tồn tại độc lập với người chơi nhạc” (Tôi liên tưởng tới câu chuyện của Eri Fuji, lần cô bất tỉnh tại một buổi diễn và nghe thấy tiếng nói với cô rằng âm nhạc được ban tặng cho cô). Các anh nghĩ như thế nào về quan sát này?

TG: Với tôi đấy là một góc nhìn mà tôi chia sẻ và thích khám phá mỗi khi tham gia vào một quá trình sáng tạo. Tôi thích đặt mình vào vị trí một dây-dẫn, đóng vai một kênh chuyển tải một yếu tố ngoại tại – dù nó xuất phát từ đời thực hay siêu nhiên; bất luận, miễn là ta cảm thấy gắn bó với ý nghĩ ấy trong suốt quá trình. Vài năm về trước tôi vẽ rất nhiều và thật sự đắm chìm trong suy nghĩ này, đến độ đối xử với nghệ thuật như một nghi thức – thực hiện các lễ nghĩ quanh các tác phẩm và chất liệu nghệ thuật, mà giờ nghĩ lại tôi cũng cảm thấy hơi bất bình thường, nhưng khi ấy nó hoàn toàn hợp lý. Tôi không thành công lắm khi kiếm sống bằng hội họa nhưng cũng không thể nào bán đi được các tác phẩm của mình, tôi cảm thấy chúng như chứa đựng một năng lượng kỳ diệu mà mình không thể rời xa.

NC: Tôi đồng ý rằng việc âm nhạc không nằm trong sự kiểm soát của chúng ta có thể là một phần quan trọng của trải nghiệm chơi nhạc, hay bất kỳ quá trình sáng tạo nào, như Tim đã nêu. Tôi luôn liên tưởng nó tới một sample trong bài Building Steam from a Grain of Salt của DJ Shadow: “âm nhạc đi qua tôi”. Tôi thấy mình nhận ra cảm giác mà Eri nói tới nhờ chính các trải nghiệm biểu diễn của mình, chúng cực kỳ vô song và mạnh mẽ, khiến ta cảm thấy mình có thể đạt được những giới hạn mà thông thường ta không thể hình dung ra.

Cảm ơn các anh đã trả lời các câu hỏi này.

Câu hỏi và dịch tiếng Việt: The Onion Cellar

Tháng 9 – 2012

kanzeonthemovie.com

facebook.com/theonioncellar

jpf.org.vn

(Ảnh trong phim và chân dung các đạo diễn cung cấp bởi chính họ. Ảnh của Tatsumi lấy từ website KanZeOn)

1 COMMENT

Leave a Reply