Home Sự kiện Nhiếp ảnh, Phim, Video Chiếu phim: Các Giới Hạn Thành Phố: “Helsinki, Forever” + “Goodnight Sofia”

Chiếu phim: Các Giới Hạn Thành Phố: “Helsinki, Forever” + “Goodnight Sofia”

the city limits - modified
HOÃN CÁC BUỔI CHIẾU PHIM – Lịch chiếu mới sẽ thông báo sau

20:00, thứ tư 10/04/2013
20:30, thứ năm 11/04/2013
Viện Goethe

Thông tin từ The Onion Cellar:

The Onion Cellar giới thiệu Chương II của The City Limits – một series phim tài liệu do The Onion Cellar tuyển chọn, tập trung vào chủ đề ‘thành phố’ (bắt đầu vào mùa hè năm ngoái với hai buổi chiếu của bộ phim Copenhagen Dreams). Các bộ phim là những bức thư tình xúc động dành cho các thành phố, và thế hệ đô thị của thời hiện đại – sống và chết trong những thành phố đó. Lần này, chúng ta tới Helsinki và Sofia, và chúng ta tìm về quá khứ.

HELSINKI, FOREVER (11/4 – 20:30)

Đạo diễn: Peter von Bagh

Ngôn ngữ: tiếng Phần Lan, phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh

Trong cảnh mở đầu của bản giao hưởng thành phố mang tên ‘Mãi mãi Helsinki’, một đám đông Phần Lan thản nhiên đứng nhìn một con tàu phá băng tiến vào bến cảng. Mặc cho những kẽ nứt trên mặt băng đang lan rộng, nhiều người trong số họ không bỏ qua sự hiện diện của chiếc máy quay phim – ảnh hưởng của nó có thể thấy rõ qua vẻ điềm đạm tới khôi hài của đám đông trước khung cảnh một con tàu đang tiến sát tới họ. Đoạn mở đầu này tạo nên không khí cho toàn bộ tác phẩm – một bộ phim ngợi ca vẻ đẹp của Helsinki, một câu chuyện tình giữa Helsinki và phim ảnh. Một thành phố mơ về sự đổi mới qua các khung hình, mơ về những cư dân của chúng qua các khung hình, sống lại những ký ức qua các khung hình.

Peter von Bagh (sinh năm 1943 tại Helsinki) là một đạo diễn và một ‘nhà sử học’ về điện ảnh. Trong ‘Mãi mãi Helsinki’, ông vẽ nên bức chân dung thành phố thông qua vô số nguồn tư liệu, từ những thước phim thời sự đen trắng tới các trích đoạn của các bộ phim màu thời thập niên 90, và đôi khi là cả các bức họa; trong khi đó, sự hiện diện song song của các sự kiện từ mọi giai đoạn lịch sử gợi lên những xúc cảm về sự trôi chảy bất tận của dòng thời gian. Những tòa nhà được xây nên và phá bỏ, những con người xếp hàng mua rượu, ẩu đả, yêu nhau, rồi cũng chia xa. Nhưng vẫn luôn là cái thành phố ấy chứng kiến tất cả mọi thứ, vẫn là cùng những con đường, quảng trường, góc phố. Lịch sử Helsinki (và của đất nước Phần Lan, của điện ảnh và âm nhạc Phần Lan) được tái hiện qua ba giọng kể, hai giọng nam (một trong đó chính là đạo diễn von Bagh) và một giọng nữ – mỗi người bọn họ thuật lại bằng sự hài hước và nhân văn theo một phong cách không mấy khác biệt, vừa thi vị vừa như một tiểu luận.

Ở những giai đoạn khác nhau, người xem được giới thiệu những cú camera và cả âm nhạc xếp vào hàng đẹp nhất Phần Lan, được mời tham quan những khu phố, những thời kỳ và cuối cùng buộc lòng phải thú nhận sự kinh ngạc trước những thước phim cực kỳ ngoạn mục ra đời từ chính đất nước và thành phố này, dưới bàn tay của Peter von Bagh trong chuyến hành trình mê hoặc tìm về một thời kỳ và những cảnh vật quá vãng.

(phần giới thiệu viết bởi Mathias Rossignol và Hung Tran)

GOODNIGHT SOFIA (10/4 – 20:00)

Đạo diễn: Leonardo Moro

Ngôn ngữ: tiếng Ý, phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh

(Phần giới thiệu của đạo diễn)

“ ‘Chúc ngủ ngon, Sofia’ là câu chuyện về một giọng nói vĩnh viễn đã mất. Một giọng nói tràn đầy sự sống và những dự định. Giọng nói của cha tôi.

Kỷ niệm cuối cùng tôi có với cha, hoặc ít nhất là kỷ niệm sắc nét nhất, gắn liền với Sofia và giọng nói của ông. Đó là một kỉ niệm nhỏ, nhưng là điều duy nhất tôi có. Một cuộc điện thoại kéo dài năm hoặc sáu phút, tôi đang ở Sofia sau một chuyến đi tới Istanbul, ông ở nhà. Mọi thứ bình thường, như mọi lần.

Cha tôi tự vẫn hai tháng sau đó.

Suốt một thời gian dài, tôi tự hỏi liệu mình đã có thể cứu ông. Tại sao tôi không hiểu? Suốt một thời gian dài tôi đã không thể nhìn vào những tấm hình, hay gọi tên ông. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi.

Tôi trở lại Sofia để tìm kiếm giọng nói của cha mình, ở những con đường ông chưa bao giờ thấy. Xa tổ ấm của tôi, xa mọi thứ. Tôi ngược dòng để tìm ông.

Trong phim, thực tại được miêu tả qua hình ảnh một cô gái lẻ bóng ở một thành phố hoang vu. Quá khứ là sự hồi tưởng về một tuổi thơ gần như nhiệm màu chưa bao giờ tồn tại. Tuổi thơ của điện ảnh, của Sofia, tuổi thơ trong những gia đình khác, xa xăm và lạc lõng.

‘Chúc ngủ ngon, Sofia’ không phải là một bộ phim về cha tôi. Nó là bộ phim dành cho ông.”

Leonardo Moro

 Vào cửa tự do.

Goethe Institut Vietnam
Viện Goethe Hà Nội
56-58 Nguyễn Thái Học
Ba Đình, Hà Nội
Tel.: +84 4 37342251
Fax: +84 4 37342254
[email protected]
website

NO COMMENTS

Leave a Reply