Nữ nghệ sỹ múa ở Sài Gòn với mơ ước kết nối nghệ thuật Việt Nam

Sau hai năm rưỡi sinh sống tại Sài Gòn, Emily Navarra đã phần nào để lại tên tuổi trong bối cảnh nghệ thuật của thành phố. Là nhà tổ chức Lễ hội Nghệ thuật Đa dạng “Melting Pot Art Festival” cũng như chương trình biểu diễn Standpoint Theories, cô mong muốn gắn kết các loại hình nghệ thuật âm nhạc, thị giác và múa đang tồn tại phân tán trong thành phố, đồng thời hi vọng xây dựng một cầu nối giữa nền nghệ thuật tại hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội. Mặc dù đó có vẻ là một ý tưởng khá tham vọng đối với một nghệ sỹ ngoại quốc, Emily rõ ràng đang từng bước vững chắc biến ước mơ của mình thành sự thực.
Chân dung nữ nghệ sỹ múa người Mỹ tại Sài Gòn
Emily Navarra tốt nghiệp khoa múa trường ĐH Nam Florida tại Mỹ. Cô từng biểu diễn tại Mỹ, Anh, cũng như nhiều quốc gia khác tại châu Âu và Bắc Phi trước khi đến với Việt Nam. Và ở Sài Gòn, cũng như nhiều nghệ sỹ tự do khác, Emily có công việc là một giáo viên tiếng Anh để trang trải cho cuộc sống.
Là một nghệ sỹ múa hiện đại, Emily không có nhiều cơ hội để biểu diễn ở Sài Gòn, thành phố cô đang sinh sống, mà thực thế, phần lớn các vở múa của cô được thực hiện ở Singapore, Thái Lan hay Malaysia. Điều đó có thể dẫn tới một thực tế rằng, trong một chừng mực nào đó, Sài Gòn vẫn được coi là chưa thực sự “tha thiết” đối với các loại hình nghệ thuật thể nghiệm.
Emily cho biết cô đã từng nghĩ đến việc chuyển tới Hà Nội: “Tôi cảm thấy Hà Nội hòa nhịp với thể nghiệm nhiều hơn và ở đó có nhiều cơ hội hơn cho những nghệ sỹ thực hành các hoạt động này”. Thế nhưng đã hai năm rưỡi trôi qua và Emily vẫn trụ vững ở Sài Gòn với mong muốn thay đổi thực tế. “Tôi có thể dễ dàng gói ghém và rời khỏi TP HCM một năm về trước nhưng thay vào đó tôi chấp nhận thách thức để phát triển nghệ thuật của bản thân và học hỏi từ những người khác, bất chấp thời gian sẽ kéo dài bao lâu.”
Bối cảnh nghệ thuật Sài Gòn nhìn từ con mắt của một nghệ sỹ múa
Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ bài viết cách đây một năm rưỡi trên Grapevine về bối cảnh âm nhạc tại Sài Gòn. Khi được hỏi những cảm nhận của cô về nghệ thuật tại đây, Emily chia sẻ:
“Trong thời gian sinh sống ở TP HCM, tôi nhận thấy nghệ thuật và âm nhạc của thành phố ngày càng phát triển lớn mạnh. Nguyễn Tấn Lộc, giám đốc đoàn múa Arabesque, và Ngô Thanh Phương, biên đạo múa của Arabesque kiêm tác giả dự án Open Stage, là hai trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thành phố vào lúc này. Bên cạnh các chương trình biểu diễn, họ cũng tổ chức các buổi hội thảo đưa tới nhiều nghệ sĩ quốc tế. Họ thực sự khuyến khích thể nghiệm và đã mang tới cho đoàn múa của mình rất nhiều cơ hội, đồng thời mở mang cho đoàn vô số kỹ thuật mới trong múa hiện đại. Ngoài ra, Linh Rateau cũng là một nghệ sỹ múa có tiếng, đã mở trung tâm mang tên Dancenter tại quận 2 cách đây vài năm. Trung tâm này tổ chức dạy và học một loạt các loại hình múa từ jazz đến tap hay hip-hop. Đó cũng đồng thời là trụ sở của đoàn múa UDG đã từng tham gia nhiều video nhạc Việt và nhiều cuộc thi nhảy mang tính thương mại khác.
Các địa điểm như The Observatory, Decibel Cafe, Saigon Outcast và Snap Café thường xuyên mang tới các chương trình biểu diễn nhạc tự sáng tác của các nghệ sỹ địa phương trong khi Cargo Bar đưa tới rất nhiều ban nhạc quốc tế và thường có các ban nhạc địa phương cùng biểu diễn. Tất cả các địa điểm trên đã dành rất nhiều thời gian xây dựng môi trường nghệ thuật độc lập tại đây. Họ chính là những người ủng hộ rất lớn cho các thể nghiệm về âm nhạc cũng như những sự hợp tác giữa nhạc cổ truyền Việt Nam với nhạc điện tử và nghệ thuật thị giác.”

Từ Lễ hội Nghệ thuật Đa dạng “Melting Pot”…
Vào tháng ba năm nay, Emily đã tổ chức thành công Lễ hội Nghệ thuật Đa dạng “Melting Pot” lần đầu tiên. Đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng với các hoạt động vui chơi thú vị vào dịp cuối tuần dành cho mọi lứa tuổi. Festival được tổ chức trong vòng hai ngày tại Saigon Outcast, một trong những địa điểm ngoài trời năng động nhất TP HCM. Các hoạt động bao gồm triển lãm nghệ thuật, nhạc sống, DJ, visual, múa với một sân khấu đón chào tất cả các nghệ sỹ chuyên và không chuyên. Tất cả tiền thu được từ chương trình được dành để mua nhạc cụ và dụng cụ vẽ cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn.
Riêng năm nay đã có ba chương trình tương tự diễn ra với số lượng người tham dự cũng như số tiền quyên góp ngày càng tăng. Cho tới nay, ba sự kiện đó đã thu được tổng cộng 76 triệu đồng để mua keyboard, mandolin, đàn bầu, đàn tranh cho trẻ em ở ba trường học và trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn. Mục tiêu của Emily là sẽ tiếp tục tổ chức festival này ba lần trong một năm.
Khi được hỏi có phải một trong những lý do khiến cô tổ chức “Melting Pot” là để có một sân khấu biểu diễn cho riêng mình hay không, Emily trả lời: “Tôi đã phải rất khó khăn mới tìm được sân khấu cho công việc của mình, vì thế tôi nghĩ nếu tôi tự đứng ra tổ chức festival này thì không chỉ bản thân tôi có cơ hội biểu diễn mà tôi còn có thể tạo điều kiện cho các nghệ sỹ khác, những người cũng rơi vào hoàn cảnh giống như tôi, để chúng tôi có một địa điểm gặp gỡ, thể hiện và tạo cho mình tiếng nói trong cộng đồng nghệ thuật.”

…tới đêm biểu diễn Standpoint Theories …
Hơn bảy tháng sau khi “Melting Pot” ra đời, Emily tổ chức loạt sự kiện thứ hai mang tên “Standpoint Theories”. Khác với mô hình của một dự án cộng đồng, Standpoint Theories là một chương trình biểu diễn chuyên nghiệp với múa, nhạc điện tử và biểu diễn thị giác. Bản thân là một nghệ sỹ múa được đào tạo chuyên nghiệp, Emily cho biết cô đã có ý định thực hiện dự án này ngay từ khi mới tới Sài Gòn nhưng chương trình hợp tác chỉ được bắt đầu từ tháng 7/2013 khi cô “gặp được người cần gặp” tại chính sự kiện Melting Pot mà mình tổ chức. Đó là Space Panther – một nhóm ba nghệ sỹ nhạc điện từ đến từ Mỹ, Lê Thanh Tùng (với nghệ danh Crazy Monkey) – một nghệ sỹ thị giác người Hà Nội và Matt Bender – một nhà văn, tất cả hiện đều sinh sống tại Sài Gòn. Chương trình Standpoint Theories đầu tiên vào ngày 01/11 vừa qua đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt và cả nhóm hiện đang lên kế hoạch cho chương trình tiếp theo vào đầu sang năm.
Video đầy đủ về chương trình Standpoint Theories có tại đây:
[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=VI2NT4qX4bE[/youtube]
…và hi vọng kết nối Hà Nội – Sài Gòn
Rõ ràng không chỉ riêng người Việt Nam mà bất kỳ người nước ngoài nào sống ở Việt Nam đủ lâu cũng đều nhận thấy có một sự cách biệt nhất định giữa hai thành phố. Hàng loạt các cuộc tranh luận đã diễn ra xung quanh việc hai thành phố khác nhau đến thế nào, từ lối sống, ẩm thực, thói quen cho tới cả âm nhạc và nghệ thuật. Và trên thực tế, sự hợp tác giữa làng nghệ thuật độc lập của hai thành phố vẫn còn khá hạn chế. Trước tình hình đó, giống như một số nghệ sỹ khác, Emily cũng hi vọng góp phần hàn gắn những khác biệt và khoảng cách đó.
“Tôi hi vọng rằng giữa Hà Nội và TP HCM, chúng ta tự cho phép mình hiểu và mở lòng với những gì hai bên đang thực hiện. Hi vọng của tôi có thể không phải là một kế hoạch thực tế để đưa hai thành phố lại gần nhau nhưng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà mình đã đạt được. Tôi chỉ biết rằng mong muốn của tôi là kết nối nghệ sỹ ở TP HCM và Hà Nội trong phần thời gian còn lại của tôi ở Việt Nam. Tôi sẽ làm tất cả khả năng với tư cách là một nghệ sỹ độc lập cũng như một người ủng hộ nghệ thuật biểu diễn nhưng chắc chắn tôi sẽ cần rất nhiều giúp đỡ từ tất cả các bạn.”
Tất nhiên chúng ta không thể nói rằng chưa từng có sự hợp tác nào giữa hai thành phố. Đã có khá nhiều chương trình triển lãm nghệ thuật và biểu diễn âm nhạc của các nghệ sỹ Hà Nội ở Sài Gòn cũng như nghệ sỹ Sài Gòn ở Hà Nội, song vẫn còn rất nhiều điều để làm. Vấn đề duy nhất đặt ra là liệu khán giả và chính bản thân các nghệ sỹ có thể mở lòng được đến đâu để chấp nhận những cái “mới”, những cái khác biệt. Riêng đối với Emily, nếu cô đã có thể gắn kết các nhóm nghệ thuật ở Sài Gòn thì cô cũng hoàn toàn có khả năng kết nối hai thành phố. Và chúng ta luôn cần thêm nhiều người nữa như cô, những người không nói về sự khác biệt, mà thực sự bắt tay vào tạo ra những cơ hội để cùng hợp tác.
Bài viết của PHM