I-CAMP 2013 – Dự án Nghệ thuật “Viễn cảnh bảo tàng nghệ...

I-CAMP 2013 – Dự án Nghệ thuật “Viễn cảnh bảo tàng nghệ thuật đương đại”

logo-Muong-Cultural-Spacelogo-Muong-StudioI-CAMP 2013

Thời gian dự án: Từ tháng 7 /2013 đến hết tháng 7/2014
Khai mạc: 17:30, thứ sáu 13/12/2013
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Thông tin từ Mường Studio:

I-CAMP 2013 là giai đoạn 1 của Dự án Nghệ thuật với tên gọi “Viễn cảnh bảo tàng nghệ thuật đương đại” (tên tiếng Anh Initiative – Contemporary Arts Museum Project), viết tắt là I-CAMP được xây dựng bởi ý tưởng của curator Trần Lương phối hợp cùng với Mường Studio – trung tâm nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. I-CAMP đồng thời cũng nằm trong định hướng và hoạt động phát triển Nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, được bắt đầu từ năm 2011.

Đây là một dự án nhằm mục đích tạo dựng một không gian trưng bày dành cho nghệ thuật đương đại tại Khu nghệ thuật Mường Studio. Dự án sẽ quy tập các tác phẩm của các nghệ sỹ đã thực hiện những năm gần đây, hoặc những ý tưởng nghệ thuật tốt mà chưa có không gian và điều kiện thực hiện và trưng bày. Không gian và tác phẩm sẽ được lưu giữ lâu dài Mường Studio, từ đó bước đầu tạo dựng khái niệm về Bảo tàng dành cho nghệ thuật đương đại cho công chúng yêu nghệ thuật, cộng đồng và xã hội.

Dự án I-CAMP là một dự án có thời gian mở, và kéo dài nhiều năm về sau, dĩ nhiên còn tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của nhà tổ chức. Giai đoạn 1 của dự án I-CAMP được khởi động từ tháng 7/2013 đến hết tháng 07 năm 2014.

Nguyen Trinh Thi
Nguyễn Trinh Thi

MỤC ĐÍCH CỦA DỰ ÁN:

– Tạo dựng không gian trưng bày dành cho tác phẩm nghệ thuật đương đại: bao gồm Installation, Video Art, Nhiếp ảnh đương đại, Nghệ thuật Khái niệm (Concept), Land Art, Site-specific Art.

– Tạo dựng và phát triển Địa điểm dành cho Trao đổi văn hóa – nghệ thuật: Không gian trưng bày nghệ thuật đương đại, kết hợp với bộ sưu tập nghệ thuật sẵn có của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường sẽ là điểm nhấn thu hút và hấp dẫn sự chú ý của các nghệ sỹ trong nước và ngoài nước, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật và các ngành văn hóa khác, cùng những du khách, công chúng yêu nghệ thuật tới trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc tọa đàm, kết nối nghệ sỹ trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại trong nước.

– Phát triển Văn hóa bản địa và Văn hóa địa phương: Hòa Bình là vùng đất trung du miền núi, và là địa bàn sinh sống và cư trú lâu đời của người Mường và nền văn hóa Mường, một trong những cái nôi của văn hóa Việt hiện đại. Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là Bảo tàng đầu tiên chuyên lưu giữ, sưu tầm và trưng bày các vật dụng từ di sản nền văn hóa Mường cổ tại Hòa Bình. Sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong việc kết nối các yếu tố văn hóa hiện đại với di sản văn hóa cổ khi chúng cùng hiện diện trong cùng một không gian trưng bày.

– Hướng tới việc hình thành Bảo tàng riêng về Nghệ thuật Đương đại: Ngày nay, ở các nước phát triển nói chung, hay ở trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, đều bắt đầu có từ 1 đến vài Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại theo nhiều quy mô, hình thức và cách hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có địa điểm nào đáp ứng nhu cầu – không chỉ cho người nước ngoài mà cả người Việt Nam – có mối quan tâm đến các xu hướng nghệ thuật phát triển. Dự án I-CAMP 2013 nhằm đưa ra một viễn cảnh về hình dáng của một Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại trong tương lai của người Việt, và thực tế hóa viễn cảnh đó bằng những sáng tác của nghệ sỹ và không gian nghệ thuật tại Mường Studio.

Nguyen The Son
Nguyen The Son

HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN:

– Trao đổi ý tưởng & lựa chọn tác phẩm: Nghệ sỹ và tác phẩm được tuyển chọn bởi Curator Trần Lương, dựa theo mục đích và tiêu chí của dự án đã đặt ra.

– Thể hiện và Trưng bày tác phẩm: Các tác phẩm của nghệ sỹ được Curator lựa chọn cho dự án sẽ được vận chuyển, tập kết và thực hiện trưng bày tại những địa điểm được định sẵn trong không gian nghệ thuật của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Những ý tưởng thể hiện tác phẩm được lựa chọn cũng sẽ được làm trong cùng thời gian này. Toàn bộ công việc sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 7 ngày và kết thúc 2 ngày trước ngày khai mạc triển lãm của dự án. Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường sẽ mở cửa miễn phí trong thời gian này để khách tham quan mọi nơi có cơ hội được xem trực tiếp và tiếp xúc nghệ sỹ trong quá trình thể hiện & xây dựng tác phẩm.

– Triển lãm và Trình diễn nghệ thuật: Sau quá trình thực hiện tác phẩm, các tác phẩm của dự án I-Camp sẽ được ra mắt công chúng trong một lễ khai mạc triển lãm, được ấn định vào ngày 07/12/2013, tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, nơi tổ chức chính của sự kiện lần này. Trong triển lãm sẽ có các show trình diễn Performance, chiếu Video Art, biểu diễn Âm thanh (Sound music) đương đại tương tác với Dàn cồng chiêng và Múa Mường cổ. Đây không chỉ là những ứng tác nghệ thuật mà còn là một phần tác phẩm của nghệ sỹ đóng góp vào hoạt động cộng đồng này. Các tác phẩm đương đại của dự án sau đó sẽ được lưu giữ lâu dài trong không gian nghệ thuật của Bảo tàng Mường, như là không gian đầu tiên lưu giữ, bảo quản và trưng bày về nghệ thuật đương đại Việt Nam, theo ý tưởng về Bảo tàng Nghệ thuật đương đại mà dự án đã đặt ra.

– Họp báo và tọa đàm (art talk): Buổi họp báo sẽ diễn ra trước ngày khai mạc triển lãm, với mục đích thông báo rộng rãi và cung cấp đầy đủ thông tin về dự án, mục đích, nội dung, tác phẩm và nghệ sỹ qua các kênh truyền thông tới đông đảo công chúng. Các buổi Tọa đàm sẽ diễn ra sau sự kiện Khai mạc triển lãm, ít nhất có 2 buổi ở Hòa Bình và Hà Nội. Tọa đàm là cơ hội tiếp xúc và trao đổi trực tiếp giữa nghệ sỹ và công chúng về các khía cạnh của dự án, tư duy nghệ thuật đương đại qua các tác phẩm, từ đó giúp công chúng nâng cao nhận thức về văn hóa – nghệ thuật, tính thẩm mỹ, giá trị và ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, vốn còn chưa được hiểu và thưởng thức một cách đúng đắn ở Việt Nam.

Nguyen Xuan Son
Nguyen Xuan Son

Nghệ sỹ tham dự:

1. Nguyễn Huy An, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
2. Ngô Thành Bắc, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
3. Trương Công Tùng, nghệ sỹ Thị giác, TP. Hồ Chí Minh
4. Phạm Hồng, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
5. Nguyễn Thị Thanh Mai, nghệ sỹ Thị giác, Huế
6. Nguyễn Trí Mạnh, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
7. Phan Thảo Nguyên, nghệ sỹ Thị giác, TP. Hồ Chí Minh
8. Vũ Hồng Ninh, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
9. Nguyễn Thế Sơn, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội
10. Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X), nghệ sỹ Âm thanh, Hà Nội
11. Nguyễn Trinh Thi, nghệ sỹ Đa phương tiện, Hà Nội
12. Lương Huệ Trinh, nghệ sỹ Âm thanh, Hà Nội
13. Triệu Minh Hải, nghệ sỹ Thị giác, Hà Nội

Tài trợ:
– Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch (CDEF) tại Việt Nam

Pham Hong
Pham Hong

LỊCH TRÌNH HOẠT ĐỘNG:

– Từ tháng 7 tới hết tháng 8/2013: Lên ý tưởng, kế hoạch tổ chức, khung chương trình, thành viên, tác phẩm.
– Từ đầu tháng 9 tới 30/10/2013: Lựa chọn tác phẩm sẽ tham gia dự án I-CAMP 2013.
– Từ ngày 25/11 đến ngày 12/12/2013: Vận chuyển & thực hiện trưng bày, lắp đặt tác phẩm tại Khu Nghệ thuật Mường Studio – Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình.
– Ngày 13/12/2013: Khai mạc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật trong dự án. Kết hợp với hoạt động trình diễn nghệ thuật đương đại: chiếu video, chơi âm thanh, performance… như một show đa dạng về các loại hình nghệ thuật đương đại đồng thời diễn ra trong cùng một không gian và thời gian. Các tác phẩm sẽ được lưu giữ và trưng bày lâu dài tại Mường Studio
– Ngày 14/12/2013: Tọa đàm về nội dung dự án tại không gian trưng bày tác phẩm ở Mường Studio, Hòa Bình. Một buổi Tọa đàm nữa sẽ được tổ chức ở Hà Nội trong vòng 10 ngày sau đó. Thông cáo báo chí kết thúc dự án.

Luong Hue Trinh
Lương Huệ Trinh
logo-Muong-Cultural-Spacelogo-Muong-Studio
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường
202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

NO COMMENTS

Leave a Reply