Home Ý Kiến 3A Station: Sài Gòn đáp lại Zone 9 của Hà Nội?

3A Station: Sài Gòn đáp lại Zone 9 của Hà Nội?

Đăng vào
0

Nếu được hỏi điều đáng nhớ nhất ở Hà Nội trong năm 2013 là gì có lẽ hàng ngàn cư dân thành phố sẽ không ngần ngại trả lời: Zone 9! Rất nhiều người cho rằng Zone 9 là duy nhất ở Đông Nam Á và đặt hi vọng nơi đây sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động nghệ thuật cũng như ngành công nghiệp sáng tạo của thủ đô. Nhưng Zone 9 đã không tồn tại được lâu, tất cả từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc chỉ kéo dài vẻn vẹn có 6 tháng. Việc khu vực chính thức bị đóng cửa hồi cuối tháng 12 đã khiến cho không ít người cảm thấy mất mát và hụt hẫng khó tả. Tuy nhiên, công cuộc tái thiết vẫn đang diễn ra và chúng ta vẫn có thể hi vọng một Zone 9 nữa sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

Ngay từ khi Zone 9 bắt đầu không ít tranh luận đã xuất hiện xung quanh chủ đề liệu ở TP HCM đang hoặc sẽ có một địa điểm nào tương tự hay không. Và dưới đây, xin mời các bạn theo chân Zelda Rudzitsky của Saigoneer nghiên cứu một khu vực có nhiều khả năng sẽ là “Zone 9 của Sài Gòn”.

3A-Station-HCMC-Saigoneer

Có một khu vực mới ở Sài Gòn, xe gắn máy không được phép đi vào, nơi các nghệ sĩ và các cư dân sáng tạo từ các ngành nghề khác nhau cũng như các doanh nhân tụ họp. Chí ít đây là ý tưởng phác thảo phía sau công trình đang thành hình – 3A Station (Alternative Art Area), tọa lạc tại số 3A Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Tôi đã có dịp ghé thăm địa điểm này sau khi một nghệ sỹ gặp tại Vin Space cho tôi biết trong lúc nhắc đến hoạt động graffiti trong thành phố.

3A rộng khoảng 2000 mét vuông, trong đó ba nhà kho bỏ hoang đang được tân trang lại và chuyển đổi thành không gian cho các gallery, khu mua sắm, tiệm thời trang và quán cà phê. Ngoài ra, khu vực sân cũng như các phòng khác sẽ được sử dụng để tổ chức các hoạt động nghệ thuật và biểu diễn cộng đồng, từ nhạc sống đến trình diễn thời trang.

3A-Station-HCMC-Saigoneer-2

Hầu hết không gian của 3A vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng hiện đã có một số nghệ sĩ graffiti địa phương trẻ làm việc trên các bức tường của các nhà kho cũ. Vào ngày 06/04, khu vực nhà kho đầu tiên bắt đầu mở cửa cho công chúng; ngoài Mai Gallery đã chính thức hoạt động còn có Sadec District (một cửa hàng đồ dùng gia đình sáng tạo) của một số nhà thiết kế độc lập, và một cửa hàng thời trang mang tên Diệu Anh.

Các sản phẩm của Sadec đến từ đồng bằng sông Cửu Long; trên thực tế, tất cả các mặt hàng đều được lấy cảm hứng hoặc được mua từ các ngôi làng và thị trấn dọc theo bờ sông, từ Thái Lan cho đến Việt Nam. Ý tưởng là để lựa chọn và tạo ra những món đồ truyền thống, độc đáo nhưng cũng không kém phần quyến rũ và “đương đại”. Các nhà thiết kế đến từ nhiều quốc tịch khác nhau, vì thế họ có những kiến thức kỹ thuật đa dạng để áp dụng vào việc làm ra những sản phẩm truyền thống như bát, khăn trải bàn, v.v.

Diệu Anh là một nhà thiết kế thời trang trẻ. Bộ sưu tập của chị bình dị, tinh tế đầy nữ tính mà không thiếu nét sáng tạo sắc sảo. Ví dụ, tôi đặc biệt thích cách mà chị đã chuyển một chiếc áo sơ mi nam kẻ sọc thành một chiếc váy nữ cổ chữ V với các khuy áo ở mặt sau.

3A-Station-HCMC-Saigoneer-3

Trong khi đưa tôi đi dạo một vòng quanh khu nhà, người quản lý đã giải thích mục đích của chị đằng sau dự án: “Nhiều thành phố trên thế giới hiện đã có những khu vực dành riêng cho nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật đường phố, trưng bày đồ cổ, tuy nhiên điều đó chưa tồn tại ở Sài Gòn. Bản thân đã sở hữu một gallery, tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu biến một nhà kho bỏ hoang thành một địa điểm mà cả người dân ở Sài Gòn cũng như du khách đều có thể đến thưởng thức nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo một cách thoải mái. Đó cũng là lý do tại sao tôi không muốn xe máy đi vào đây, như thế mọi người có thể đi bộ và tận hưởng thời gian của họ. Thực sự đây là một điều rất hiếm có ở Sài Gòn.”

3A-Station-HCMC-Saigoneer-4

Ý tưởng kết hợp các cửa hàng cao cấp với các loại hình biểu diễn và nghệ thuật đường phố chắc hẳn sẽ khiến một số người cảm thấy nghi ngại. Chị giải thích: “Đây là một khái niệm đặc trưng phương Tây, ở nơi mà bối cảnh nghệ thuật đã phát triển đến mức cho phép có một sự phân biệt nhất định giữa các nhóm đối tượng và mục đích của các loại hình nghệ thuật. Trong khi đó, ở đây vẫn còn rất ít địa điểm cũng như người làm công tác sáng tạo nên sự tách biệt giữa các nhóm là chưa thể thực hiện được”. Vì thế, chị chào đón tất cả những người làm sáng tạo từ các doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau miễn là họ có mong muốn đóng góp cho môi trường văn hóa địa phương bằng những sản phẩm sáng tạo, khác biệt với các mặt hàng sản xuất hàng loạt hay các sản phẩm bán lẻ chỉ chờ đóng gói.

Chị cũng nói thêm rằng đã có khá nhiều nghệ sỹ và doanh nghiệp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, bắt đầu liên lạc với chị để tìm kiếm địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa hay để mong được tham gia vào dự án. Chị vui mừng cho biết đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Sài Gòn cần có một không gian như 3A.

Hiện tại chị chưa có kế hoạch chính thức về việc công bố thông tin, vì thế nếu bạn muốn tìm hiểu thêm hãy viết email tới: [email protected].

Bài viết của Zelda Rudzitsky, bản gốc (bằng tiếng Anh) đăng trên Saigoneer: 3A Station: Saigon’s Answer to Zone 9?

Bản dịch của Hanoi Grapevine.

NO COMMENTS

Leave a Reply