Cristina Nualart – Mối liên hệ giữa nghệ thuật Việt Nam và Hồng Kông
Bài viết của Cristina Nualart, đã đăng trên Word Vietnam (bằng tiếng Anh).
Việt Nam đang trong quá trình phát triển thị trường cho nghệ thuật đương đại nhưng các gallery trong nước vẫn tiếp tục đầu tư tham gia các triển lãm đắt đỏ ở Hồng Kông để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình. Cristina Nualart băn khoăn với thực tế này và tự hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu tốt. Ảnh trong bài viết được cung cấp bởi Galerie Quỳnh, Craig Thomas Gallery và Suzanne Lecht.
Những người trong cuộc không tồn tại cho đến khi câu chuyện bắt đầu.
Trong hầu hết thế kỷ 20, không quốc gia nào ngoài Việt Nam (và một số nước thuộc khối Đông Âu) có cơ hội nhìn thấy nghệ thuật đương đại Việt Nam. Mặc dù tranh Việt Nam đã có truyền thống lâu đời 70 năm nhưng hầu hết các tác phẩm nghệ thuật vẫn được giữ bí mật ngay cả ở Việt Nam, nơi sự thiếu tin tưởng và kiểm duyệt giữ mọi thứ im lặng hàng thập kỷ.
Tại Hà Nội, “những nhà sưu tập nghệ thuật” là bạn của nghệ sỹ, những người mua tác phẩm nghệ thuật chủ yếu để giúp đỡ bạn mình. Điều này đã thay đổi vào năm 1991 khi gallery nghệ thuật Plum Blossoms của Hồng Kông giới thiệu triển lãm nhóm của các nghệ sỹ Việt Nam với tên gọi “Uncorked Soul” (tạm dịch Tâm hồn bộc bạch). Nora Taylor, nhà nghiên cứu mỹ thuật tại Trường Nghệ thuật Chicago cho biết “Triển lãm mang đến tác động đáng ngạc nhiên, nếu không muốn nói là một tác động tức thời. Phải mất một vài năm để các gallery và bảo tàng trên thế giới biết đến nghệ thuật đương đại Việt Nam.”
Nhưng những nhà sưu tập nước ngoài đã nắm lấy cơ hội này. Đầu những năm 1990, những người trẻ tuổi đầy hoài bão từ Hồng Kông đi du lịch một tuần tại Hà Nội. Và họ đã mua 10 hoặc 12 bức tranh Việt Nam vì niềm yêu thích nghệ thuật và cũng là để đầu tư, chủ Art Vietnam Gallery và cũng là nhà tư vấn nghệ thuật, Suzanne Lecht hồi tưởng lại.
Cuộc sống của Suzanne đã được biến đổi bởi nghệ thuật Việt Nam. Những sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội là thế hệ đầu tiên, từ đầu những năm 1980, chọn vẽ những thứ khác ngoài tranh tuyên truyền. Khi Suzanne biết đến nghệ thuật của nhóm “The Gang of 5”, nhóm năm họa sỹ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chị đã bị thu hút và quyết định lấy nghệ thuật của họ làm sứ mệnh của mình. Không lãng phí chút thời gian nào, Suzanne chuyển từ Nhật Bản về Hà Nội vào năm 1993 và cũng vào năm đó, nghệ thuật Việt Nam lần thứ hai được trưng bày tại triển lãm quốc tế và lần này là tại Hà Lan.
“Hoa mận nở” (*) không chỉ vào dịp Tết
Plum Blossoms là gallery nước ngoài đầu tiên giới thiệu họa sỹ Việt Nam ra thế giới. Hơn 10 nghệ sỹ đến từ ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam đã được chọn tham gia triển lãm “Uncorked Soul”. Nhiều họa sỹ trong số đó đã làm việc với gallery nhà nước đầu tiên được thành lập vào năm 1965 tại Hà Nội nhưng vào thời điểm đó, không ai được biết đến ở nước ngoài.
Năm 1991, chính quyền Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cấm với nghệ thuật trừu tượng. Tại triển lãm của Plum Blossoms, tranh trừu tượng tỏa sáng rạng rỡ trong sự tự do mới mẻ. Tác phẩm biểu trưng chuyển từ hình tượng hiện thực xã hội sang những hình ảnh biểu cảm hơn. Lực lượng nghệ thuật mới bắt đầu được hình thành.
Cuốn sách giới thiệu triển lãm “Uncorked Soul” là một cuốn sách bìa cứng. Đó không chỉ là quyển sách được đánh giá với bìa ngoài được thiết kế đẹp, có người thậm chí còn cho rằng đây là công cụ quảng bá tốt nhất cho triển lãm. Nội dung cuốn sách được viết bởi Jeffrey Hantover đã giúp thế giới bên ngoài biết tranh hiện đại Việt Nam đã phát triển như thế nào. Các cuộc phỏng vấn với nghệ sỹ và một số kiến thức nền về lịch sử giúp những người yêu nghệ thuật nhận thấy sự quan trọng của những gì các nghệ sỹ đang tìm kiếm và thể hiện. Và điều đó có thể đã đóng góp nhiều hơn cả một khoản đầu tư vào nghệ thuật và nhận được lợi tức lớn, không còn nghi ngờ gì nữa.
Nhìn về quá khứ
Họa sỹ Nguyễn Trung của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện ở độ tuổi 70, là một trong những nghệ sỹ có tác phẩm được trưng bày lần đầu tiên tại Hồng Kông. Vào những năm 1960 tuổi trẻ, Nguyễn Trung đã cố gắng đến Paris với mong muốn tận mắt thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của Pháp. Kế hoạch của ông đã thất bại nhưng 30 năm sau, người họa sỹ đã đến Paris thành công.
Nhiều bức tranh ông vẽ khi ở Paris vào năm 1990 đã được trưng bày tại triển lãm “Uncorked Soul”. Ở Hồng Kông, ông cũng có cơ hội khám phá những tác phẩm táo bạo của các họa sỹ Trung Quốc, và điều này tạo ấn tượng với tâm hồn tha thiết yêu nghệ thuật của ông.
Những họa sỹ Việt Nam khác cũng háo hức được xem những thứ ở nơi đã từng là thuộc địa của Anh. Năm 1997, Suzanne Lecht đã tổ chức một triển lãm khác tại Hồng Kông với tên gọi “The Changing Face of Hanoi” (tạm dịch Gương mặt thay đổi của Hà Nội) giới thiệu 5 nghệ sỹ Việt Nam. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên với hầu hết các nghệ sỹ tham gia. Triển lãm này nhỏ hơn cả về qui mô và phạm vi so với triển lãm tại Plum Blossoms vài năm trước, nhưng nó đã giúp nghệ thuật Việt Nam thoát khỏi sự im ắng, không ai biết tới trong suốt thập kỷ biến đổi không ngừng của công cuộc Đổi Mới.
Việt Nam đã biến đổi ở mọi phương diện. Một công ty Hồng Kông đã xây dựng tòa nhà trung tâm cao tầng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1995. Suzanne đã hỗ trợ một nhà phát triển và cũng là người hỗ trợ nghệ thuật Việt Nam mua hai bức tượng lớn bằng đồng của nhà điêu khắc Lê Công Thành để đặt tại lối vào của tòa nhà. Và các nhà đầu tư Hồng Kông đã biết Hà Nội có một vài thứ để tìm kiếm.
Sài Gòn gia nhập thị trường toàn cầu
Trong khi triển lãm “Uncorked Soul” là một hiện tượng quảng cáo cho nghệ thuật Việt Nam thì các hội chợ quốc tế lại là nơi quảng bá tốt nhất tới công chúng. Những người quan tâm tới hội chợ nghệ thuật, các nhà môi giới, nhà sưu tập, giám tuyển bảo tàng và những người yêu nghệ thuật nói chung là những người đầu tiên nhận thấy sự thay đổi và phát triển mới trong thế giới nghệ thuật.
Gallery Việt Nam đầu tiên tham gia hội chợ nghệ thuật quốc tế là Galerie Quỳnh. Từ năm 2010 đến 2012, Quỳnh Phạm đã có một gian hàng hàng năm tại Art Hồng Kông, tiền thân của hội chợ nghệ thuật Hồng Kông. Chị Quỳnh kể lại “Trong 3 năm này chúng tôi thấy có rất ít khách Việt Nam đến tham quan.” Nhưng chị đã bán được một số lượng nhỏ tranh cho Việt Kiều và tất nhiên là cả người nước ngoài. Hiện nay, khi đã bước vào năm thứ mười, gallery đang cố gắng họat động tại Việt Nam để xây dựng lòng tin với tầng lớp giàu có, những người đang ngày càng quan tâm, tìm hiểu về nghệ thuật.
Từ những năm 90 đến nay, Việt Nam trở lên giàu có hơn. Tuy không đồng đều hay nhất quán, nhưng một lực lượng đủ lớn tầng lớp giàu có đang tiếp sinh lực cho quốc gia với sức mua mạnh mẽ. Shyevin Sn’g, chủ VinGallery tại TP HCM, nói “Trong danh sách mua hàng của người Việt Nam, những chiếc túi hàng hiệu đắt đỏ vẫn xếp hạng cao hơn tranh”. Giống như hầu hết các gallery khác ở Việt Nam, Shyevin biết doanh số bán hàng tại các nơi khác sẽ tốt hơn. Chị đã tham gia nhiều hội chợ nghệ thuật tại Hàn Quốc, Singapore và tất nhiên ở Hồng Kông.
Gallery của chị là gallery Việt Nam duy nhất có mặt trong khách sạn sang trọng ở Hồng Kông, nơi diễn ra Asia Contemporary Art Fair (Hội chợ Nghệ thuật Đương đại Châu Á) vào tháng 5 năm nay. Tại hội chợ này, VinGallery đón một số khách là người Việt Nam sống ở Hồng Kông. Shyevin cho biết: “Họ rất vui mừng khi nhìn thấy gallery của chúng tôi ở đây và đã đến nói chuyện”. Nhưng họ không mua. “Họ nghĩ sẽ rẻ hơn khi mua ở Việt Nam”.
Những vị khách nước ngoài tò mò về nghệ thuật Việt Nam đã ngạc nhiên khi tận mắt thấy một số tác phẩm. Rất nhiều câu hỏi đã dược đặt ra, đặc biệt về tranh sơn mài. Một số tác phẩm đã được bán và tranh phong cảnh về Hà Nội nằm trong danh sách bán tốt nhất.
Nhưng nghệ thuật Việt Nam được biết đến nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc VinGallery phải đối mặt với sự cạnh tranh. Một số gallery Hồng Kông làm việc với nghệ thụật Việt Nam cũng đã tổ chức triển lãm.
Craig Thomas biết điều này từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Craig Thomas Gallery tại Sài Gòn trưng bày những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam chọn lọc và vừa tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập vào tháng trước, đã tham gia Affordable Art Fair tại Hồng Kông năm nay và sẽ tham gia vào năm tới. Craig Thomas chia sẻ “Hội chợ được tổ chức rất tốt và đã thu hút một lượng người mua lớn từ Trung Quốc.”
Sự kết nối với thế giới
Nhiều thập kỉ sau sự thành công tại Plum Blossoms, tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Trung lại một lần nữa tới Hồng Kông. Những bức tranh trừu tượng khổ lớn và những điêu khắc mới nhất của ông đã nhận được sự ngưỡng mộ của người tham gia tại Art Basel. Cúc Gallery từ Hà Nội là gallery Việt Nam duy nhất tham gia vào Art Basel năm nay, một trong những hội chợ nghệ thuật danh tiếng toàn cầu. Những nhà sưu tập Châu Á am hiểu về giá trị văn hóa và lịch sử trong tác phẩm của Nguyễn Trung đã vui vẻ rút thẻ tín dụng của mình.
Những nhà sưu tập nghệ thuật hiển nhiên vẫn hứng thú với nghệ thuật Việt Nam. Nhưng tất cả các chủ gallery trong bài viết này đều đồng ý ở một điều: các nhà sưu tập nghệ thuật Việt Nam hiếm khi là người Việt.
Suzanne Lecht cho rằng “Hồng Kông là trung tâm ngân hàng lớn nhất thế giới và là một thị trường tốt. Việt Nam là một thị trường nhỏ”.
Chị so sánh với thực tế ở Nhật Bản những năm 1980. Những người Nhật Bản giàu có chỉ mua các tác phẩm nghệ thuật của Matisse (một họa sỹ người Pháp nổi tiếng) và các tên tuổi lớn khác vì khi mua các tác phẩm này, họ có thể khẳng định giá trị và vị thế của mình.
“Điều này cũng giống như ở Việt Nam hiện nay”, Suzanne nhận định. Giống như Shyevin, chị hiểu ưu tiên mua sắm của người Việt Nam giàu có là những thứ thể hiện đẳng cấp của họ. Giải pháp để giữ những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tốt nhất ở Việt Nam là biến nghệ thuật Việt Nam thành thương hiệu được khẳng định trên qui mô toàn cầu.
(*): Tác giả chơi chữ theo tên gallery (Plum Blossoms: Hoa mận)
Bài viết nguyên bản (bằng tiếng Anh) trên Word Vietnam: The Hong Kong Connection
Dịch bởi Hanoi Grapevine
Cristina Nualart là nghệ sĩ sáng tạo hiện đang sống và làm việc tại TP HCM. Chị đã đến thăm các triển lãm và nói chuyện với các họa sĩ và vẽ/xem tranh/suy ngẫm. Các ý kiến chị đưa ra là đúc kết của bán cầu não trái hoặc não phải, sự dũng cảm nói lên quan điểm của mình hoặc cũng có thể xuất phát từ sự tức giận. |