Phỏng vấn Dominik Günther – Đạo diễn vở kịch “Vòng phấn Kavkaz”
Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” sắp được công diễn tại Hà Nội vào tháng 9 này. Mời các bạn đọc bài phỏng vấn đạo diễn Dominik Guenther về “Vòng phấn Kavkaz”: “Vở này phù hợp với thời đại chúng ta”.
Chú ý: Vé xem vở kịch được phát miễn phí từ 10:00, ngày 10/09 tại:
• Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
• Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội
Hỏi: Ông dàn cảnh vở “Vòng phấn Kavkaz” của Bertolt Brecht ở Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội. Vở kịch này có chủ đề gì?
Dominik Guenther: Vở kịch nói đến bản tính ích kỷ của con người – và tình yêu vô điều kiện. Và về chuyện người ta nghĩ đến mình trước tiên, nhất là trong tình cảnh khốn khó hoặc khủng hoảng, chẳng hạn như khi có chiến tranh (hay hiện tại là châu Âu trong khủng hoảng tài chính) – song vẫn có những người vượt qua được bản tính đó. Trong tác phẩm này, Brecht đặt sức mạnh đồng tiền đối diện với nhân bản, ông nêu câu hỏi, liệu có tồn tại một công lý chung chung, cũng như tình mẫu tử thực sự thể hiện ra sao và ở dạng thức nào. Tư tưởng này biểu hiện cụ thể trong sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhân vật Grusche, một cô hầu nghèo đã quên mình chăm sóc đứa con Tổng trấn giàu có. Nàng sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của đứa bé, trong khi quý bà giàu có, mẹ đẻ của cháu bé lại chỉ nghĩ đến sở hữu của mình.
Theo ý ông, tại sao chính vở kịch này lại nổi tiếng như vậy?
Thứ nhất, nhờ tác phẩm này mà Brecht ngày đó có sự đột phá trên bình diện quốc tế – và cho đến hôm nay nó thuộc về những vở kịch được công diễn nhiều nhất của ông. Theo tôi, lý do nằm trong giá trị phổ quát của câu chuyện. Những mô típ đã nhắc ở trên như tính nhân bản và tình yêu đồng loại ta đều có thể thấy trong mỗi tín ngưỡng trên thế giới này. Và ngay cả cảnh trung tâm mà Brecht lấy nó đặt tên cho vở – cảnh thử thách trong vòng phấn – cũng đã có trong Kinh Thánh ở dạng khảo dị. Qua nhân vật thẩm phán mờ ám Azdak của Brecht, vở kịch đã đặt ra câu hỏi, liệu việc xử án chỉ diễn ra trên cơ sở các điều khoản trong luật, hay ngoài lý còn có tình quyết định. Đây cũng là một vấn đề còn được tranh luận đa chiều trong thời đại chúng ta.
Ông định lôi cuốn khán giả Việt Nam của hôm nay với một vở kịch từ thời xa xưa ra sao? Nhất là đối với người trẻ tuổi?
Thực ra vở kịch có xa xưa lắm đâu. Những chủ đề được trên không hề thay đổi, ngày ấy cũng như bây giờ, và chúng cũng không đặc thù cho nền văn hóa nào, chúng tồn tại trong bất kỳ hình thái xã hội nào.
Do đó tôi không hề thay đổi ngôn ngữ cũng như bối cảnh nhà nước hư cấu Gruzia. Nhưng tôi đã thời sự hóa một số yếu tố, ví dụ phục trang hiện đại. Ngoài ra tôi thay đổi nhân vật Ca sĩ tức Người kể chuyện: Nhân vật này là một sáng tạo nghệ thuật dẫn dắt những sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử và các hiệu ứng âm thanh khác. Còn có những bí mật nào ẫn giấu đằng sau nhân vật này. Các bạn hãy chờ đợi nhé. Bây giờ thì chưa thể tiết lộ được.
Đây là dự án đầu tiên của ông ở Việt Nam. Có gì khiến ông vui, và có gì làm ông hồi hộp?
Tôi vui mừng vì được hòa mình vào một nền văn hóa Việt Nam mà tôi chưa hề biết trước đây. Tôi vui mừng chờ đón những cuộc trao đổi và gợi cảm hứng. Hồi tháng Ba tôi đã ghé qua Hà Nội và làm quen tập thể diễn viên. Thái độ cởi mở và niềm vui trên sân khấu của họ khiến tôi thực sự phấn khởi.
Thách thức lớn có lẽ là làm sao vượt qua hàng rào ngôn ngữ – không chỉ tiếng Đức và tiếng Việt thực hành, mà cả ngôn ngữ sân khấu: giữa ngôn ngữ thẳng tuột và trực tiếp của Brecht và truyền thống sân khấu Việt Nam nói qua hình ảnh và uyển ngữ.
Và dĩ nhiên tôi khá hồi hộp, liệu cách làm của tôi có thành công. Liệu tôi có dẫn dắt được các diễn viên và rốt cuộc là cùng họ đưa khán giả đến với một cuộc du hành lớn.