Triển lãm “Nguyên Cầm – Triển lãm 20 năm Dấu ấn Cội nguồn”
Khai mạc: 18:00, thứ bảy 13/12/2014
Triển lãm: 13/12/2014 – 13/01/2015
Art Vietnam Gallery
Thông tin từ Art Vietnam Gallery:
Kỷ niệm 20 năm sống và hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam – Nghệ sỹ và phòng tranh đánh dấu mốc thời gian để tôn vinh quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai.
Một người là khách lạ trên đất mẹ, một người là kẻ xa lạ trên mảnh đất đầy những kẻ xa lạ khác, Nguyên Cầm và Suzanne Lecht cùng kỷ niệm 20 năm sống và hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, mỗi người đều có một vùng ký ức đầy ắp khát khao với quãng đời đã qua và niềm hạnh phúc tìm thấy trong quãng đời mới ở xứ này.
Triển lãm 20 Năm của Nguyên Cầm: Dấu ấn Cội nguồn – 2014
Sinh tại Hải Phòng năm 1944, Nguyên Cầm trở về Việt Nam năm 1994 sau khi rời khỏi đất nước cùng gia đình ông vào năm 1954. Sau thời gian sống ở Lào, một mình nuôi lớn 5 anh chị em ở tuổi 17, ông chuyển sang Paris năm 1969. Tự học hội hoạ, Cầm mở phòng trưng bày tranh ở Vientiane và đã gây dựng được danh tiếng như một hoạ sỹ có tài năng và đam mê. Được tiếp thêm mơ ước và tham vọng, Cầm đã chuyển đến Paris và đầu quân vào đại học Ecole des Beaux Artes để khẳng định lại, có thể là chỉ với bản thân, rằng mình là một “nghệ sỹ thực thụ”.

Vào năm 1994, bằng sự tôn trọng đối với Cầm như một người nghệ sỹ, chính phủ Việt Nam đã mời ông về nước để triển lãm và giảng dạy tại các trường đại học mỹ thuật quốc gia. Đoàn tụ với đất mẹ sau 50 năm xa cách là một trải nghiệm cảm động và mãnh liệt với nghệ sỹ gạo cội này. Ký ức về Việt Nam của ông chỉ là của một đứa trẻ ngây thơ bị vây bủa bởi sự hỗn loạn và căng thẳng của đất nước vượt ngoài tầm kiểm soát của nó. Đi dọc theo chiều dài ký ức, những vết tích quá khứ dần xuất hiện trong các tác phẩm của Cầm. Ta bắt đầu thấy các bao tải gạo cũ, giấy tiền vàng mã, các mảnh lá bạc nhỏ được gắn lên tranh trang trọng và tình cảm như thể người ta trang hoàng cho một bức tượng Phật. Những mảnh vỡ quá khứ và sự sùng kính hiện tại cùng có mặt, tô điểm hài hoà cùng với cuộc đời và con tim hoạ sỹ.
Ta thấy xuất hiện một cảm giác tự do hiếm có, những bức tường sụp đổ, phù sa bồi tích và tuôn chảy khi suối nguồn hy vọng và hân hoan của người nghệ sỹ rốt cuộc đã được giải thoát khỏi cuộc phong toả của thời gian.

Các tác phẩm trở thành một tập hợp các mảnh toan đa chất liệu được bao phủ với bao tải gạo rách như bức tranh Cội rễ, Vết tích của Quá khứ 1997, với những nhát chém thương tích được bó lại với nhau bằng hy vọng, những khúc dây thừng đu đưa kết nối tinh tế làm nổi bật hình ảnh người đàn ông đang vật lộn để hàn gắn các mảnh vụn của tâm hồn như trong bức Ngược Gió và Thuỷ triều 1999. Dần dần, các tác phẩm biến chuyển thành những dòng suy ngẫm tĩnh lặng về quá khứ và cuộc đời xung quanh hoạ sỹ như sự hoà hợp với hồi ức.
Những niềm vui xuất hiện nhiều hơn trong Ký ức mùa xuân 1999 với những tia sáng hy vọng và một dòng năng lượng mới, một cảm giác bình yên tĩnh lặng bắt đầu thống trị trong Âm nhạc Vô Tận 2004. Và trong Dải ngân hà 2004 là trực cảm kỳ diệu về thế giới, vị trí nhỏ bé của chúng ta trong đó và tính vô thường của đời sống được bung ra trên những mảnh toan khi họa sỹ bắt đầu bước vào mùa thu của tuổi đời.
Trong 20 năm qua, Cầm quay lại Việt Nam để vẽ, triển lãm và ở bên bạn bè và gia đình, kết nối lại mối dây ràng buộc với mảnh đất quê hương và hồi ức. Các tác phẩm gần đây của Cầm cho thấy một người đàn ông bình an tự tại với một nguồn năng lượng mới được đong đầy, thể hiện sự mãnh liệt của cuộc sống với tất cả hạnh phúc lẫn đau thương.
Các tranh mới của ông, Vào đông 2012, Mặt trời Cây Bạch quả 2012, Dấu ấn 5 2011, Mặt trời Hạ 2012, đều là những tác phẩm tươi sáng với những điều kỳ diệu của cuộc sống, một cuộc sống hài hòa. Người nghệ sỹ và người đàn ông trong ông đều đã quay lại hòa nhập với thế giới.

Kỷ niệm 20 năm Suzanne Lecht ở Việt Nam, hành trình khám phá trái tim của thế giới bí ẩn của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.
Năm 1994, Suzanne Lecht, một goá phụ trẻ 44 tuổi người Mỹ, bỏ lại sau lưng tất cả quá khứ và đau thương ở Tokyo và chuyển tới sống ở Việt Nam – một mảnh đất bí ẩn cũng có một quá khứ đau thương như chính bà vậy. Những hình ảnh trong tạp chí trên chuyến bay của Cathay Pacific, những bức tranh của nhóm hoạ sỹ tiên phong “Gang of Five”, đã bắt cóc con tim Suzanne và mang đến một quyết định cho cuộc đời bà, một cuộc đời mới bà sẽ sống ở đất nước bí ẩn này với những hy vọng trở thành chiếc cầu nhỏ để hoà hợp hai đất nước bằng vẻ đẹp của tinh thần chứ không phải bởi sự tàn phá của chiến tranh.
Một cuộc gặp gỡ rất tình cờ vào những ngày đầu tiên của Suzanne ở Hà Nội đã đưa bà tới xưởng vẽ của hoạ sỹ Phạm Quang Vinh, một thành viên của nhóm Gang of Five và một tình bạn sâu sắc đã hình thành khi Suzanne bắt đầu đắm chìm trong thế giới nghệ thuật và văn hoá Việt Nam. Năm 1997, Suzanne gặp Nguyên Cầm ở phòng tranh Nam Sơn khi bà mua một trong những tác phẩm đầu tiên cho bộ sưu tập của mình, Cội rễ, Vết tích của Quá khứ 1997. Tình bạn giữa Cầm và Suzanne bắt nguồn từ đó khi cả hai đều mải mê khám phá vùng đất vừa thân quen vừa xa lạ, khi mỗi người đều đang hàn gắn những vết thương quá khứ.

Năm 1998, Suzanne tổ chức một triển lãm cá nhân cho Nguyên Cầm ở Arts of Pacific Asia, New York, tiếp theo trong nhiều năm bà đã mang tranh của ông tới nhiều nơi trên thế giới như Paris, San Francisco, Santa Fe, Art Asia New York, Art Asia Miami và một triển lãm cá nhân đặc biệt năm 2003 ở Robert Mondavi Winery vào dịp kỷ niệm 90 năm sinh nhật của Robert Mondavi.
Năm 2005, Suzanne mở phòng tranh Fielding Lecht ở Austin, Texas cùng với một triển lãm cá nhân của Nguyên Cầm. Một tình bạn thân thiết theo năm tháng được bồi đắp bởi sự trân trọng cái đẹp và nghệ thuật cùng sức mạnh biến chuyển và hàn gắn của nó.
Năm 2014 đánh dấu mốc 20 năm Suzanne Lecht sống và làm việc ở Việt Nam, một cuộc hành trình tự khám phá bản thân cùng với tình yêu và sự trân trọng sâu sắc đối với nền văn hoá vốn không phải của bà nhưng đã được trái tim bà thu nhận.
Xin mời đến với chúng tôi trong sự kiện tuyệt vời này, để tôn vinh cái đẹp, nghệ thuật và những cuộc đời đã được sống vẹn tròn.

![]() | Art Vietnam Gallery Tầng 2, 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội Mở cửa thứ hai – thứ bảy, 10:00 – 18:00 Tel: +84-4-3928 5190 Email: [email protected] Website: www.artvietnamgallery.com |