Miên man Art Stage Singapore 2015

Miên man Art Stage Singapore 2015

Art Stage Singapore là hội chợ nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Được thành lập năm 2011, Art Stage Singapore ngay lập tức làm mưa làm gió, đá bay Singapore Art Fair ra khỏi sân khấu buôn bán nghệ thuật. Bốn lần diễn ra, Art Stage Singapore đều được tổ chức tại Marina Bay Sands, nơi có tầng hầm Convention Hall rộng rãi bậc nhất, nằm ngay cạnh tòa nhà rất kỳ lạ với hình dáng như một con thuyền đang bay trên trời.

Art Stage Singapore 2015 1

Vượt lên tầm của các hội chợ nghệ thuật đơn thuần trong khu vực, Art Stage Singapore không phải là một sự kiện đơn độc nơi các người bán thuê các gian hàng để câu đón khách xem. Trong không gian (đi mỏi chân) của Art Stage, nhà tổ chức còn có các gian để bày những tác phẩm được lựa chọn từ cuộc thi của sinh viên hay một triển lãm được giám tuyển riêng, với những tác phẩm không phải để bán. Triển lãm SouthEast-Asia-Platform này có diện tích khoảng 1000m2, là một sự đảm bảo của nhà tổ chức, không để chất lượng của Art Stage Singapore chỉ phát triển theo hướng thị trường.

Tác phẩm của Rich Streitmatter-Tran trong khu vực SouthEast Asia Platform
Tác phẩm của Rich Streitmatter-Tran trong khu vực SouthEast Asia Platform
Hoàng Dương Cầm và Quỳnh – chủ nhân của Quỳnh Galerie bên tác phẩm của Hoàng Dương Cầm
Hoàng Dương Cầm và Quỳnh – chủ nhân của Quỳnh Galerie bên tác phẩm của Hoàng Dương Cầm

Với SouthEast-Asia-Platform, có không ít nghệ sĩ Việt Nam được mời tham dự như Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Oanh Phi Phi, Đỗ Hoàng Tường, Rich Tran.. Các cuộc nói chuyện nghệ thuật cũng được tổ chức dày đặc, với thành phần diễn giả đa dạng như nghệ sĩ, người buôn tranh, các nhà quản lý nghệ thuật hay các nhà sưu tập. Vì thế, nội dung của các “art talk” này phủ kín các vấn đề đáng quan tâm của sự phát triển nghệ thuật đương đại.

Tác phẩm sắp đặt Jedsada Tantrakulwong (Thái Lan). Anh này cắt các tấm thảm theo hình biên giới của các tỉnh, thành phố được lựa chọn ngẫu nhiên trong khu vực Đông Nam Á. Tác phẩm gợi nên nhiều suy nghĩ về lịch sử phát triển và giao thoa văn hóa của cả vùng, không phân biệt quốc gia lãnh thổ.
Tác phẩm sắp đặt Jedsada Tantrakulwong (Thái Lan). Anh này cắt các tấm thảm theo hình biên giới của các tỉnh, thành phố được lựa chọn ngẫu nhiên trong khu vực Đông Nam Á. Tác phẩm gợi nên nhiều suy nghĩ về lịch sử phát triển và giao thoa văn hóa của cả vùng, không phân biệt quốc gia lãnh thổ.

Tất nhiên, hội chợ là nơi buôn bán, nên yếu tố thị trường không thể không có khi các gallery suy tính mang tác phẩm gì đi Art Stage. Nhưng theo quan sát của tôi, chất lượng chuyên môn của các tác phẩm “thị trường” trong Art Stage cũng vẫn rất tốt. Bởi ngay từ khâu đăng ký thuê gian hàng, các Gallery (và danh tiếng của họ) đã phải trải qua một màn lựa chọn kỹ lưỡng của ban tổ chức.

Gian hàng của Opera Gallery. Cùng với Art Plural, Opera là một trong hai gallery sang trọng hàng đầu Singapore.
Gian hàng của Opera Gallery. Cùng với Art Plural, Opera là một trong hai gallery sang trọng hàng đầu Singapore.

Theo suy nghĩ của riêng tôi, khách hàng của Art Stage Singapore có đặc thù riêng, vừa có tính “địa phương” vừa có tính quốc tế. Các nhà sưu tập sống ở Singapore cũng nhiều và tương đối cởi mở về đối tượng sưu tập. Tuy nhiên, có lẽ những người tổ chức Art Stage Singapore không thể chỉ mong ngóng vào giới thượng lưu của đất nước chủ nhà thịnh vượng nhưng nhỏ bé này. Singapore là nơi lui tới thường xuyên của các tài phiệt Đông Nam Á, đến từ các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, những nước có sự phân hóa giầu nghèo rất lớn. Những collector ví dầy này bổ xung thêm một lượng nhu cầu lớn cho thị trường nghệ thuật khu vực. Tuy nhiên, dân sưu tập từ các nước lân cận Singapore lại có tiếng là “yêu nước”, vốn chỉ chăm sưu tầm các tác phẩm tầm cỡ quốc tế của các ..họa sĩ đồng hương. Tất nhiên, Art Stage Singapore cũng có những khách hàng quốc tế, nhóm này có lẽ sẽ mang đến những hứa hẹn ổn định về gu thẩm mỹ, nhưng lôi kéo được khách hàng qua những chặng bay dài không bao giờ là chuyện đơn giản. Chấp nhận cuộc chơi vừa mang tính địa phương, vừa mang tính quốc tế, trải qua sự chọn lọc tự nhiên của thị thường theo hướng “không biết đâu mà lần” nên các gallery và các tác phẩm tham dự Art Stage Singapore cũng thay đổi rất đa dạng qua các năm.

Một tác phẩm trông như trình diễn nhưng thực ra lại là điêu khắc cực thực
Một tác phẩm trông như trình diễn nhưng thực ra lại là điêu khắc cực thực

Art Stage năm nay xuất hiện nhiều hơn các gallery của Singapore, nghe nói điều này có thể do chính phủ nước chủ nhà “góp ý” với ban tổ chức, hoặc cũng có thể là sự bù đắp tự nhiên vào sự thiếu hụt một phần các gallery Châu Âu đang liểng xiểng do kinh tế châu lục già đang vẫn đang bung bét với những chính phủ bên bờ phá sản. Các gallery Trung Quốc cùng với món nghệ thuật Mao-Pop đã không còn chiếm thế thượng phong như một hai lần Art Stage đầu. Có lẽ ổn định về số lượng là những gallery của Nhật bản và Hàn Quốc. Các gallery Nhật Bản mang đến những tên tuổi Yayoi Kusama hay Kohei Nawa, nhưng hội chợ năm nay tuyệt nhiên lại không thấy một Murakami nào.

Một tác phẩm điêu khắc của Hwan Kwon (Hàn Quốc)
Một tác phẩm điêu khắc của Hwan Kwon (Hàn Quốc)
Gian hàng của Komada Gallery (Nhật Bản): Một con chuột được nhồi bông và tô vẽ theo hình tượng Pikachu trong loạt phim Pokemon nổi tiếng.
Gian hàng của Komada Gallery (Nhật Bản): Một con chuột được nhồi bông và tô vẽ theo hình tượng Pikachu trong loạt phim Pokemon nổi tiếng.

Điều dễ nhận thấy ở hội chợ năm nay là kích cỡ các tác phẩm rất khiêm tốn so với những lần trước. Không còn nữa những sắp đặt cột nhà khổng lồ của Ai Wei Wei hay tượng đất trộn rơm không ai có thể mua của Li Chen. Thậm chí những tòa tháp thép cắt lazer của Wim Delvoy mọi năm to là thế, năm nay cũng chỉ bé lại bằng bắp tay. Chỉ duy nhất có các nghệ sĩ Malaysia với những bức tranh to như bức tường bày dãy phía ngoài phần nào gợi lại được sự hoành tráng của tác phẩm những năm trước.

Tranh của Bayu Utomo, một họa sĩ nổi tiếng hàng đầu Malaysia, người đứng ra thành lập House of Matahati, không gian nghệ thuật cho các họa sĩ trẻ tiên phong của Malaysia.
Tranh của Bayu Utomo, một họa sĩ nổi tiếng hàng đầu Malaysia, người đứng ra thành lập House of Matahati, không gian nghệ thuật cho các họa sĩ trẻ tiên phong của Malaysia.

Có một tín hiệu vui ở Art Stage năm nay là sự xuất hiện của các phòng tranh và nghệ sĩ Việt Nam, bên cạnh các gương mặt Việt ở SouthEast Asia đã nói phía trên, ở Art Stage lần này, Việt Nam có một đại diện rất trẻ: CUC gallery. Cúc, cô chủ nhỏ của gallery này đang làm việc với nhiều họa sĩ có tên tuổi như Lý Trần Quỳnh Giang, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung với những đầu tư mạnh dạn. CUC gallery trưng bày 2 tác phẩm của Nguyễn Trung và 2 tác phẩm của Dương Thúy Liễu. Đặc biệt, không gian chính giữa của gian hàng Cuc Gallery lại dành cho một nghệ sĩ rất trẻ tuổi – Ngọc Nâu với loại hình rất ít lợi nhuận: sắp đặt. Tác phẩm của Ngọc Nâu được mang tên F.F.I.C.C viết tắt của cụm từ gì đó dài lắm mà tôi không nhớ được. Ngọc Nâu mô phỏng lại một lăng kính của kính viễn vọng mà loài người sẽ phóng lên vũ trụ để tìm sự sống ngoài trái đất. Trong tác phẩm, Ngọc Nâu sử dụng trí tưởng tượng của mình để gợi về những suy ngẫm của cô về cuộc đời. Nếu tác phẩm này không bán được trong hội chợ, hy vọng CUC Gallery sẽ trưng bày lại ở Hà Nội để khán giả yêu nghệ thuật có thể đến và nói chuyện với Ngọc Nâu nhiều hơn về tác phẩm. Còn nếu tác phẩm tìm được người mua ở Art Stage thì.. thôi.

Ngọc Nâu chụp ảnh với người hâm mộ bên cạnh tác phẩm. Phía xa là hai bức tranh của Dương Thúy Liễu.
Ngọc Nâu chụp ảnh với người hâm mộ bên cạnh tác phẩm. Phía xa là hai bức tranh của Dương Thúy Liễu.

Bám theo Art Stage là vô số các sự kiện kết hợp, được tổ chức bởi các bảo tàng, gallery, viện nghiên cứu, tranh thủ quãng thời gian khách yêu nghệ thuật và giới chuyên môn đổ về Singapore:

Tác phẩm của sinh viên trường nghệ thuật Lasalle bày trong triển lãm kỷ niệm 3 năm thành lập trường.
Tác phẩm của sinh viên trường nghệ thuật Lasalle bày trong triển lãm kỷ niệm 3 năm thành lập trường.

Giải thưởng Signature Art Prize đã được khán giả Việt Nam biết đến nhiều năm. Là một giải thưởng quan trọng nên Signature Art Prize chiếm toàn bộ không gian của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM). Lễ trao giải Signature được tổ chức vào tối 22 tháng 1, tức là một ngày buổi vernissage của Art Stage. Năm nay Việt Nam có một tác phẩm của Nguyễn Trinh thi được vào vòng chung kết. Người xem ở Hà nội đã biết đến tác phẩm này phần nào qua một trưng bày tương tự ở Viện Goethe. Tuy nhiên nội dung của video trình chiếu trong tác phẩm bày ở đây, theo tôi thấy, đã được Trinh Thi hiệu chỉnh lên một tầm mới.

Tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi
Tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi

Ngày tiếp theo, 23 tháng 1 là đêm nhạc hội ở Gillman Barrack. Đây là một khuôn viên rộng 6.4 ha nhiều cây cối, vốn là một doanh trại quân đội, hoán cải thành một tổ hợp các gallery nghệ thuật sau khi binh lính của trại này chuyển hết sang.. Úc. Tổng cộng 16 Gallery và các studio cho nghệ sĩ cư trú trong các khối nhà nằm rải rác ể đi được hết các gallery ở khu Gillman Barrack. Ngày nhạc hội, các gallery mở cửa quá nửa đêm để khách vài ngàn khách khứa vừa ăn chơi nhẩy múa vừa ngắm tác phẩm. Cũng ở đây, lần đầu tiên tôi thấy một hàng tương đối dài người xếp hàng để vào xem triển lãm cá nhân của Hiroshi Senju với các tác phẩm huyền ảo như thác nước.

Tác phẩm của Hiroshi Senju dưới ánh đèn cực tím
Tác phẩm của Hiroshi Senju dưới ánh đèn cực tím

Ngoài ra, có hơn 100 sự kiện khác nhau “ăn theo” Art Stage như khai mạc các ở các gallery, hội thảo chuyên môn, trưng bày đấu giá tổ chức dày đặc khiến cho người xem bắt buộc phải lựa chọn vì không thể đi hết. Kể về các sự kiện đó, có lẽ sẽ tốn thời gian hơn nhiều lần số ngày mà Art Stage chính thức diễn ra.

Một tác phẩm trình diễn trước cửa một thờ Hồi giáo đã tạo gia cơn nóng giận của một bô lão trong đền thờ. Trong tác phẩm có 2 người chui vào một ống dài như con rắn. Người phụ nữ đóng vai đầu rắn được choàng đầu như phụ nữ Hồi giáo. Con rắn này cứ lắc lư không nghỉ trước cổng ngôi đền.
Một tác phẩm trình diễn trước cửa một thờ Hồi giáo đã tạo gia cơn nóng giận của một bô lão trong đền thờ. Trong tác phẩm có 2 người chui vào một ống dài như con rắn. Người phụ nữ đóng vai đầu rắn được choàng đầu như phụ nữ Hồi giáo. Con rắn này cứ lắc lư không nghỉ trước cổng ngôi đền.

Đối với tôi, và cũng như nhiều nghệ sĩ Việt Nam khác, Art Stage Singapore là cơ hội hiệu quả nhất với chi phí vừa phải để mở rộng tầm mắt, xem được các tác phẩm nghệ thuật hoặc thời thượng hoặc đỉnh cao hoặc cả hai từ khắp nơi trên thế giới tụ về. Tôi có may mắn được tham quan hầu hết các kỳ Art Stage nên không chỉ thưởng thức được giá trị từ các tác phẩm nói riêng mà còn được suy ngẫm được nhiều điều về sự ra đi hay ở lại của các gallery và các nghệ sĩ qua mỗi kỳ trưng bày. Hình ảnh cuối cùng mà tôi muốn nhắc tới trong bài viết này là lúc tôi đang đứng ngó hai cô nhân viên gallery rỗi việc tán gẫu thì có một tốp bốn thợ đóng gói của Hellutrans ArtsMove (công ty vận chuyển nghệ thuật) vội vã đi vụt qua, rồi sau đó là roèn roẹt , roàn roạt tiếng băng dính đóng gói tác phẩm trong một góc nào đó của hội chợ. Như vậy là đã có tác phẩm nào đó đã bán được, và chủ gallery đóng gói, chuyển ngay cho khách để dành chỗ trống xoay vòng treo tác phẩm khác. Chỗ thuê trong Art Stage vốn rất đắt đỏ, mà “cơm áo chẳng đùa với bất cứ ai”.

Singapore ngày đầu năm 2015

Bài và ảnh của Phạm Huy Thông

Pham Huy Thong
Phạm Huy Thông là một nghệ sĩ tạo hình sống tại Hà Nội và TP. HCM. Các tác phẩm của anh phản ánh những suy ngẫm về đời sống kinh tế chính trị đương đại. Ngoài tranh vẽ sơn dầu, anh cũng có những thử nghiệm nghệ thuật trên nhiều chất liệu và phương tiện khác nhau. Bên cạnh đó, anh cũng viết bình luận về những sự kiện, triển lãm nghệ thuật mà anh được tham dự với tư cách tác giả hoặc khán giả. Các tác phẩm tạo hình của Phạm Huy Thông có thể được tìm thấy trong trang web: http://phamhuythong.net

NO COMMENTS

Leave a Reply