Triển lãm “One Country” tôn vinh 15 nghệ sĩ đương đại Việt Nam
Bài gốc của Zelda Rudzitsky, được đăng lần đầu trên Saigoneer (tiếng Anh).
Mỹ thuật Việt Nam thường được đánh giá qua lăng kính địa lý (miền Nam, miền Trung và miền Bắc) hoặc bởi một nhóm các nghệ sĩ hơn là bởi từng cá nhân.
Mặc dù chúng ta thừa nhận rằng những hạn chế về kinh tế và lịch sử đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ có xu hướng tập trung về Hà Nội, Sài Gòn hay Huế; tuy nhiên cũng không sai khi khẳng định các nghệ sĩ Việt Nam hiếm khi xuất hiện, được tìm hiểu và giới thiệu như các cá nhân đơn lẻ, họ là đại diện của “nghệ thuật Việt Nam,” một quan điểm mà ở một mức độ nào đó, là kết quả của chủ nghĩa xã hội.
Để kỉ niệm năm thứ 6 của mình, Craig Thomas Gallery hiện đang tổ chức triển lãm “One Country”, nhằm phá vỡ cấu trúc nhân tạo bằng cách giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của 15 nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước – Hà Nội, Sài Gòn, Huế, tỉnh Hà Tây, tỉnh An Giang và Hải Phòng.
Hội họa hay tranh (đặc biệt là tranh sơn dầu) vẫn thống trị thị trường nghệ thuật đương đại ở Việt Nam kể từ thời kỳ thuộc địa. Ngoại trừ một số bức tranh sơn mài và điêu khắc, nhiều tác phẩm trong chương trình thể hiện “bản tính khó dời” của cái được coi là “nghệ thuật đích thực” tại Việt Nam – tranh sơn dầu.
Ba bức tranh cỡ trung bình của họa sĩ sinh ra tại Sài Gòn Hoàng Ngọc Tú – Singing with a Choir, Hot Stars và Red Carpet Stars – có thể được xem như một đoạn chế nhạo sự “cuồng” của xã hội đương đại đối với những người nổi tiếng, ngôi sao và người của công chúng. Trong các tác phẩm của Tú, ngôi sao “xanh sao” thích thú với những lời nịnh hót của các tay nhiếp ảnh và doanh nhân trông na ná như nhau và một đám đông vô danh thích thú chụp hình “sao” bằng máy tính bảng và thiết bị thông minh hơn là trải nghiệm thực sự khoảnh khắc này.
Trong Alone, họa sĩ Việt-Campuchia Lim Khim Ka Ty (hoạt động tại miền Nam) theo đuổi sở thích các nhân trong việc nắm bắt bản chất thanh tao của những người bình thường. Ở đây, chúng ta thấy một cô gái đang ăn súp ở bàn nhưng, giống như trong rất nhiều bức chân dung trước đó của Ka Ty, không có gợi ý nào về thời gian hoặc địa điểm; chỉ có sự cô đơn của chủ đề toát lên từ bức vải canvas.
Họa sĩ chuyên vẽ về đề tài xã hội Phạm Huy Thông, được biết đến nhiều hơn với loạt tranh Bàn tay, tạo ra một thành phố hiện đại trôi nổi trong một bầu trời đỏ như máu ở Vương quốc Bong Bóng. Không một yếu tố nào trong bức tranh tỏa ra ánh sáng lạc quan hay sự giải thoát trong tương lai: bóng bay, thành phố tưởng tượng, không có mảy may một màu sắc sặc sỡ hay sự kết hợp vui tươi thường gắn với đồ chơi trẻ em; cảnh quan đô thị hiện đại thiếu vắng dấu hiệu của con người hay đời sống tự nhiên; và phức tạp, hệ thống thoát nước ngầm giống như máu chảy ra từ đất.
Nhà điêu khắc kỳ cựu, Bùi Hải Sơn, đã có nhiều tác phẩm được được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh cũng như ở Hà Nội, Hàn Quốc và Nhật Bản, là một trong những nhà điêu khắc tham gia dự án điêu khắc thành phố cho Sài Gòn. Chương trình sẽ giới thiệu Black Isle, một tác phẩm điêu khắc quy mô nhỏ của anh bằng chất liệu inox, thủy tinh và sơn mài.
“One Country” chứng kiến sự chuyển mình trong các tác phẩm của Ngô Văn Sắc, từng giành giải Dogma 2012 cho tranh chân dung, với bức chân dung cháy trên gỗ. Tuy nhiên triển lãm lần này là sự phân mảnh của các đối tượng, một cách giải thích của trí nhớ về đất nước thông qua những bức chân dung, các yếu tố tự nhiên và các mảnh ghép từ tạp chí, dưới hình thức cắt dán và acrylic.
Tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng Bùi Tiến Tuấn kết hợp quá khứ và hiện tại bằng cách miêu tả chân dung người phụ nữ trên tranh sơn mài đen, châu sa và vàng nâu, một kỹ thuật mà đã ăn sâu vào nghệ thuật Việt Nam từ thời cổ đại.
Hy vọng chỉ một cuộc triển lãm duy nhất có thể phản ánh đầy đủ và đối chiếu các tác phẩm nghệ thuật của cả một quốc gia thì thật vô lý. Tuy nhiên, thực sự đây là một dịp hiếm hoi có thể nhấn mạnh sự khác nhau giữa các nghệ sĩ (đặc biệt là trong việc lựa chọn chủ đề), và quan trọng nhất, nó tái thiết lập sự kết nối của họ với lịch sử nghệ thuật Việt Nam nói chung.
One Country hiện đang được trưng bày tại Craig Thomas Gallery cho đến ngày 25/7.
Bài viết của Zelda Rudzitsky đăng trên Saigoneer: “One Country” Celebrates 15 Vietnamese Contemporary Artists (tiếng Anh).
Dịch bởi Hanoi Grapevine