Tháng thực hành nghệ thuật 2017: Vùng không tưởng

Tháng thực hành nghệ thuật 2017: Vùng không tưởng

Đăng vào
0

logo-heritage space new
month-arts-practice-2017-utopia-land

Thực hành sáng tạo và Trao đổi: 24/09 – 28/10/2017
Triển lãm: 29/10 – 30/11/2017
Heritage Space

Thông tin từ Heritage Space:

Heritage Space vô cùng tự hào khi thông báo sự Ra mắt của Dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật phiên bản 2017 với chủ đề VÙNG KHÔNG TƯỞNG.

Tháng Thực hành Nghệ thuật (viết tắt là MAP) là một dự án Nghệ thuật hàng năm của Heritage Space được khởi xướng bởi nghệ sỹ Trần Trọng Vũ, với mục đích kiến tạo không gian dành cho sáng tác, thử nghiệm, thực hành các ý tưởng nghệ thuật mới, dựa trên sự hợp tác và tương tác của các nghệ sỹ Quốc tế và Việt Nam. Tháng Thực hành Nghệ thuật giai đoạn năm 2017 sẽ có chủ đề “VÙNG KHÔNG TƯỞNG”.

Toàn bộ quá trình sáng tác và thực hành của nghệ sỹ sẽ xoay quanh chủ đề chính, với các góc nhìn, cách thức tiếp cận đa dạng, cũng như không giới hạn về thể loại nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, Sắp đặt, Trình diễn, Media, Viết… Quá trình thực hành nghệ thuật sẽ diễn ra liên tục trong 05 tuần từ tuần cuối tháng 9/2017 tới hết tháng 10/2017 tại Heritage Space. Song song với hoạt động sáng tạo là các chuỗi sự kiện: Trưng bày trực tiếp, Mở cửa Xưởng sáng tạo, Đối thoại với công chúng, Thảo luận bàn tròn, Dã ngoại Nghiên cứu. Các tác phẩm kết quả làm việc của nghệ sỹ sẽ được trưng bày trong một Triển lãm lớn vào đầu tháng 11/2017 tại Heritage Space.

Tháng thực hành Nghệ thuật 2017 sẽ bao gồm hai giai đoạn:
• Thực hành sáng tạo và Trao đổi: từ ngày 24/09 – 28/10/2017.
• Triển lãm: từ ngày 29/10 – 30/11/2017.
• Địa điểm: Thư viện và Gallery của Heritage Space, tầng 1 tòa nhà Dolphin Plaza, 6 Nguyễn Hoàng/ 28 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

VÙNG KHÔNG TƯỞNG – THE . UTOPIA . LAND

“Khước từ thực tế là nguyên lý số một của thời đại chúng ta.”
René Girard

MỤC ĐÍCH
Xuất phát từ thực tế Việt Nam, nơi công việc giáo dục nghệ thuật ở các trường nghệ thuật của nhà nước (chưa có trường tư) không được thực hiện thấu đáo. Cụ thể là các kiến thức về nghệ thuật, về lý luận, về lịch sử nghệ thuật không đầy đủ. Các trường mỹ thuật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ trường dạy nghề. Kết quả là nhiều sinh viên bỏ học, chán học, nhiều giảng viên bỏ nghề.

Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam quá yếu kém, nghệ sĩ trẻ không học được gì nhiều từ các triển lãm và từ bộ sưu tập này. Các triển lãm mang tính tầm cỡ do nhà nước tổ chức chỉ giới thiệu một nền nghệ thuật quá cổ lỗ và nghiệp dư. Công chúng Việt Nam tiếp xúc quá ít với nghệ thuật đương đại.

‘Tháng thực hành nghệ thuật – M.A.P’ được khởi xướng trong những điều kiện thực tế như vậy, từ năm 2015. Đối với Dự án MAP 2017, chúng tôi xác định hai mục tiêu chính sau:

• Sáng chế một trường học chưa hề tồn tại ở Việt Nam mà ở đó không có giảng viên, không có học trò, tất cả những nghệ sĩ tham gia đều với tư cách đồng nghiệp. Họ trao đổi và học hỏi cùng nhau. Họ làm việc bên cạnh nhau trong cùng một không gian, chia sẻ cùng một chủ đề và cùng một điều kiện sinh hoạt và làm việc. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẽ nhận được từ tháng thực hành nghệ thuật những kiến thức cụ thể về nghệ thuật đương đại trên thế giới, họ sẽ thu được những bài học thực hành về trách nhiệm và thái độ của người nghệ sĩ trong thời đại ngày nay. Các nghệ sĩ đến từ các đất nước khác cũng nhận được nhiều kinh nghiêm mới trong những điều kiện làm việc và sinh hoạt không phải của họ, trong những xung đột văn hóa không thể tránh khỏi.

Trao đến nhiều cơ hội cho công chúng để tiếp cận trực diện và thấu suốt những vận động của đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế, thông qua đó, nhìn nghệ thuật từ phương diện tính ứng dụng – tính có ích – trong tương tác và những đóng góp cho cộng đồng, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự kiến tạo những vùng không gian và va chạm trong nhận thức và hành vi xã hội để sản sinh những xung lực cho sự phát triển của nghệ thuật nói riêng, và các mục tiêu phát triển bền vững xã hội nói chung.

CHỦ ĐỀ MAP 2017 – VÙNG KHÔNG TƯỞNG

Từ muôn đời nay con người luôn mơ tưởng những gì không phải như chúng vẫn là, những gì chưa hề tồn tại, những gì đôi khi không thể. Từ muôn đời nay con người luôn cảm giác về sự vô lý của hiện thực mà đôi khi sự vô lý này còn chưa đủ vô lý. Thế giới đối diện với những khát khao và dục vọng của con người lại thường xuyên có vẻ bí hiểm trong những mâu thuẫn như thể đấy chính là nguyên do của mọi vô lý ở đời. Cảm giác về một thế giới không hoàn thiện, về một nhân loại chưa được hiểu hết, về một cuộc sống không vừa với số đo của tất cả những thành viên của nó, cũng vì vậy mà có.

Nếu như những khát khao về sự hoàn thiện đưa trí tưởng tượng về phía vô cùng, lại nhắc nhở những giới hạn của chính tưởng tượng trong muôn vàn những giới hạn khác thường xuyên do chính con người và thân xác họ gây dựng nên. Chấp nhận giới hạn hoặc chối từ nó, giống như chấp nhận hoặc chối từ hiện thực, giống như chấp nhận hoặc chối từ cái không thể. Trong ngữ cảnh này hiện thực phải chăng chính là không thể? Hiện thực phải chăng cũng chính là một nguyên do của lòng ham muốn vượt qua cái không thể? Để rồi không thể hoàn toàn bị đồng hóa vào không tưởng. Như niềm hạnh phúc phải bị đồng hóa
vào bi kịch.

Thế giới và con người đã chứng kiến nhiều cảnh sụp đổ của không tưởng, như những thảm họa chính trị của nhân loại, nhưng cũng chính vì không tưởng mà cái không thể trở nên có thể, trong những tiến triển khó tin của khoa học và cuộc sống, trong những thay đổi bất ngờ của thế giới, và vũ trụ.
“Không tưởng là một vì sao ở chân trời cuộc đời”, nói như Jacques Salomé, nhưng mấy ai đến được chân trời của mình, mấy ai vượt qua được chân trời? Mấy ai theo đến tận cùng giấc mơ không tưởng? Và một cuộc đời không chân trời cũng không một vì sao, liệu có thể xứng đáng được sống?

Trong 5 tuần lễ, các nghệ sĩ của MAP sẽ làm việc trên cơ sở của thực tế quanh họ và của chính những giới hạn của bản thân họ để mơ ước một hiện thực khác và những giới hạn khác. Tổng hợp của toàn bộ những kết quả làm việc của họ sẽ tạo dựng nên một không gian chưa hề tồn tại bằng những dữ liệu đã từng tồn tại. “Vùng không tưởng” của họ có thể giống như một hòn đảo cô độc mà thân mật, mà ở đấy có thể cùng có mặt cả cơn hưng phấn lẫn nỗi phiền muộn, cả cơn điên loạn và sự dịu dàng, cả cảnh trật tự và vô tổ chức. Vùng không tưởng của họ chính là khát vọng của không tưởng.

NGHỆ SỸ

Bernard Pourriere (Pháp)
Cầm Khánh Linh (Việt Nam)
Cấn Văn Ân (Việt Nam)
Daniel Rode (Đức)
Dim Tim Art (Serbia)
Heaven Baek (Hàn Quốc)
Ingo Vetter (Đức)
Nguyễn Thị Hà My (Việt Nam)
Nguyễn Thị Hoài Giang (Việt Nam)
Nguyễn Phú Viên (Việt Nam)
Philippe Richard (Pháp)
Phùng Tiến Sơn (Việt Nam)
Ruchika Wason Singh (Ấn Độ)
Trần Hạnh (Việt Nam)

Tải chương trình Tháng Thực hành Nghệ thuật 2017

Theo dõi cập nhật trên trang Month of Arts Practice

Heritage Space là một tổ hợp bao gồm gallery, thư viện, phòng hòa nhạc, phòng làm việc nhóm, phòng lưu trú và không gian ngoài trời với khả năng tổ chức các triển lãm và trưng bày nghệ thuật, âm nhạc và biểu diễn, các chương trình giáo dục và trao đổi, nghệ sỹ lưu trú và nhiều hoạt động khác. Được điều hành bởi nhóm các giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nghệ sỹ, nhạc sỹ và kiến trúc sư, Heritage Space có tham vọng trở thành một điểm hội tụ cho các cá nhân / nhóm / tổ chức đến từ nhiều lĩnh vực sáng tạo trong và ngoài nước, với mục tiêu lâu dài nhằm hỗ trợ và phát triển nền công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

logo-heritage space new
Heritage Space
Tầng 1, Dolphin Plaza
6 Nguyễn Hoàng (cổng ôtô) | 28 Trần Bình (cổng xe máy), Mỹ Đình 2, Hà Nội
Tel: 024 6254 3319 – Hotline: 090 282 6769
Email: [email protected]
Website: heritagespace.com
Facebook: fb.co/HeritageSpace

NO COMMENTS

Leave a Reply