Trò chuyện “Mộc bản – Hiện vật lưu giữ quá khứ”
19:00, thứ tư 20/12/2017
Viện Goethe
Thông tin từ Viện Goethe:
Buổi nói chuyện mang đề tài “Mộc bản – Hiện vật lưu giữ quá khứ” – thuộc khuôn khổ triển lãm “Tàn Chỉ”, dưới sự dẫn dắt của diễn giả, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Nguyễn Đình Hưng sẽ cung cấp một cái nhìn khái quát về mộc bản hiện đang còn tồn tại ở Việt Nam, cách thức chế tạo và sử dụng, cũng như giá trị của chúng trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ ngược, được sử dụng làm khuôn in sách vở ở khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng khi công nghệ in ấn của phương Tây chưa được du nhập vào.
Ở Việt Nam, mộc bản có thể mang văn tự Hán, Nôm, hoặc Quốc ngữ; và vẫn được chế tạo, sử dụng cho tới giữa thế kỉ 20. Khi công nghệ in ấn thay đổi, và các văn tự khối vuông (chữ Hán, chữ Nôm) mất đi vị trí chính thức trong xã hội Việt Nam, mộc bản không còn được sử dụng, nằm im lặng trong các thư viện, di tích rải rác khắp nơi. Từ chỗ chỉ là một khuôn in, chúng trở thành một hiện vật lưu giữ quá khứ. Chịu sự tàn phá của thời tiết, mối mọt cũng như tác động của con người, mộc bản dần dần hỏng nát và biến mất kéo theo việc một phần thông tin, tri thức bị xóa đi dấu vết.
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
Nguyễn Đình Hưng tốt nghiệp Đại học ngành Hán Nôm ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2015, sau đó công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dựa trên những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được và thông tin từ những chuyến điền dã, những nghiên cứu của anh tập trung vào lĩnh vực phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam.
Một số nghiên cứu đã thực hiện:
– Nghiên cứu phiên dịch Hán Nôm tài liệu Phật giáo qua đối chiếu hai bản dịch Uy nghi thành thơ lục bát
– Tác phẩm “Phật giáo Trung Quốc Hương Sơn bảo quyển từ tiếp cận tư liệu Hán Nôm: Sự tiếp xúc của Phật giáo miền Bắc Việt Nam với tam tạng kinh Nhật Bản đầu thế kỉ 20”
– Nhìn từ nội dung “hiệu dị” – 校異 của kinh Đại Bảo Tích《大寳積》
– Nghiên cứu hiện tượng đa hành văn tự ở bản in Phật giáo trong phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954)
![]() | Viện Goethe Hà Nội 56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội Tel.: +84 24 3734 2251 Fax: +84 24 3734 2254 [email protected] website |