Các nghệ sỹ Việt Nam nhận tài trợ từ Đan Mạch

Thông tin từ Sứ quán:
Vào thứ hai ngày 12/3/2018, Đại sứ quán Đan Mạch đã công bố tám không gian/sáng kiến nghệ thuật tại Hà Nội và Huế nhận hỗ trợ từ quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam trong năm 2018. Bước vào năm hoạt động thứ 13, quỹ hỗ trợ là nỗ lực của Đan Mạch nhằm đưa nghệ thuật đương đại trở thành lĩnh vực trao đổi và giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia.
Hanoi DOCLAB, Heritage Space, Manzi Art Space, Matca, Nha San Studio, REC ROOM, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện Ảnh (TPD), và Then Café là tám không gian/sáng kiến nghệ thuật được lựa chọn trao tài trợ.
Thông qua quỹ hỗ trợ, các tổ chức nghệ thuật nói trên sẽ cho ra đời những dự án gắn kết cộng đồng với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác nhau trong năm 2018 và 2019 như: triển lãm hội họa và nghệ thuật sắp đặt; sản xuất phim; hội thảo nhiếp ảnh; xuất bản và biểu diễn. Các dự án này cũng đại diện cho trào lưu và khuynh hướng hiện tại của nghệ thuật đương đại, đặc biệt là sự góp mặt của các nghệ sỹ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong cùng một dự án.
Trong chu kỳ năm nay, tổng ngân sách tài trợ là 1 tỷ 81 triệu đồng (50 ngàn đô la Mỹ), cung cấp nguồn hỗ trợ quan trọng cho nghệ thuật đương đại độc lập tại Việt Nam. Hoạt động của các dự án nhận hỗ trợ năm nay sẽ hướng tới cả giới chuyên môn lẫn công chúng, giúp phổ biến nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn nữa tới người yêu nghệ thuật.
Quỹ CDEF nằm trong khuôn khổ của Chương trình phát triển Văn hóa của Đan Mạch tại Việt Nam. Được khởi động từ năm 2006 với tổng ngân sách 22 tỷ đồng (998 ngàn đô la Mỹ), chương trình có mục đích tăng cường hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặt trọng tâm vào thúc đẩy sáng tạo, mở rộng khả năng tiếp cận và tham gia của người dân vào nghệ thuật và thúc đẩy sự đa dạng văn hoá. Chương trình đã hỗ trợ thành công hàng trăm dự án nghệ thuật và nghệ sỹ.
Về các không gian/sáng kiến nghệ thuật được hỗ trợ:
1. Trung tâm phim tài liệu độc lập và thử nghiệm Hanoi DOCLAB (Hà Nội)
Kinh phí hỗ trợ: 150 triệu đồng
Dự án: “Phòng thí nghiệm hình ảnh 2018: Một hình thức đa diện cho nghệ thuật ảnh chuyển động”.
Hà Nội DOCLAB là địa điểm quen thuộc đối với các nhà làm phim Việt Nam. ImageLAB (phòng thí nghiệm hình ảnh) là một chương trình nghệ thuật đa dạng được kéo dài liên tục, tập trung vào hình ảnh động do Hanoi DocLab khởi xướng từ năm 2012.
Với năm hợp phần chính: giáo dục, sản xuất, triển lãm, xuất bản và trao đổi, ImageLAB 2018 sẽ tiếp tục trang bị cho giới làm phim Việt Nam các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành quan trọng thông qua hàng loạt hội thảo, dự án, triển lãm, các sáng kiến và chương trình hợp tác với các đối tác Đan Mạch.
2. Không gian nghệ thuật Heritage Space ( Hà Nội)
Kinh phí hỗ trợ: 180 triệu đồng
Dự án: “Tháng thực hành nghệ thuật – MAP 2018”
Chương trình “Những tháng thực hành nghệ thuật 2018” của Heritage Space nhằm tạo ra một sân chơi giao lưu trực tiếp giữa các nghệ sỹ trong nước và quốc tế với chủ đề đặc biệt: các nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương trong xã hội. Chương trình hoạt động sẽ kết hợp nhiều hình thức bao gồm hội thảo đào tạo, thực hành nghệ thuật, các chuyến khảo cứu, gặp gỡ và triển làm, v.v
Để biết thêm về Heritage Space
3. Không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội)
Kinh phí hỗ trợ: 120 triệu đồng
Dự án: “Nghệ thuật đương đại tại Việt Nam – Mở rộng đối tượng khán giả & vai trò của nghệ thuật trong phát triển xã hội”.
Chương trình của Manzi Art Space trong năm 2018 và 2019 sẽ bao gồm nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại như chiếu phim, tranh luận về các chủ đề văn hoá, các sự kiện văn học, triển lãm nghệ thuật thị giác và biểu diễn âm nhạc. Chương trình sẽ thu hút sự tham gia của cả giới nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế.
Dự kiến Manzi Art Space sẽ tổ chức ít nhất 04 sự kiện/hội thảo hàng tháng, kết hợp cùng các đối tác nghệ thuật khác tại Việt Nam và khu vực.
Để biết thêm về Manzi Art Space
4. Matca
Kinh phí hỗ trợ: 150 triệu đồng
Dự án: “Matca – Nơi gặp gỡ cho giới nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam”.
Tập trung vào lĩnh vực nhiếp ảnh đương đại Việt Nam, dự án này hướng đến việc xây dựng một không gian nghệ thuật cộng đồng cho các nhiếp ảnh gia. Dự án muốn hoạt động như một chất xúc tác thay đổi đối với nền văn hoá nhiếp ảnh Việt Nam thông qua phương pháp tiếp cận hiện đại.
Các hoạt động của dự án bao quát nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có cả giáo dục. Sẽ có 04 cuộc triển lãm diễn ra trong thời gian dự án.
5. Nha San Studio/Nha San Collective (Hanoi)
Kinh phí hỗ trợ: 180 triệu đồng
Dự án: “Nhà sàn 2018”
Nhà Sàn cũng là một không gian nghệ thuật quen thuộc của giới nghệ sỹ đương đại Việt Nam. Dự án bao gồm một loạt các sự kiện văn hóa và nghệ thuật xuyên suốt năm 2018 nhằm quảng bá công việc của các nghệ sĩ trẻ và người quản lý, đồng thời khuyến khích các cuộc đối thoại nghệ thuật giữa các thế hệ tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ dự án, các tác phẩm nghệ thuật và triển lãm sẽ được tổ chức tại 05 địa điểm khác nhau trên khắp địa bàn Hà Nội. Các sự kiện chính bao gồm: chương trình nghệ sỹ mới thành danh, Tương lai ngược, và triển lãm Nhà Sàn 20+
Để biết thêm về Nhà Sàn Studio
6. REC ROOM (Trên toàn quốc)
Kinh phí hỗ trợ: 80 triệu đồng
Dự án: “Tour xuyên Việt REC Room”
REC Room đưa ra sáng kiến tổ chức một tour lưu diễn âm nhạc bằng xe buýt để đưa các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và nghệ thuật underground của họ tới khắp các vùng miền đất nước. Bên cạnh các nghệ sỹ của REC Room, các nghệ sỹ địa phương khác như vũ công đường phố, nghệ sỹ xăm tattoo và graffiti cũng như khán giả có thể cùng tham gia tour lưu diễn theo từng chặng.
Dự án nhằm mở rộng nhận thức của các tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam về một nền âm nhạc đương đại đang phát triển nhanh chóng bên ngoài địa bàn mà họ đang sinh sống. Dự kiến bắt đầu khởi hành từ ngày 25 tháng 5, chuyến lưu diễn xe sẽ kéo dài khoảng 24 ngày. Lộ trình dự kiến như sau: Hà Nội- Đà Nẵng – Hội An – Đà Nẵng – Huế- Đồng Hới – Pù Lương – Hòa Bình – Hà Nội – Hải Phòng – Hà Nội – Sapa – Tuyên Quang – Yên Bái – Hà Nội.
7. Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh (TPD)
Kinh phí hỗ trợ: 101 triệu đồng
Dự án: “Đưa điện ảnh tới khán giả”
Hầu hết các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam đều được bảo quản dưới dạng phim celluloid, với ngoại lệ duy nhất là những bộ phim được bấm máy trong vòng năm năm vừa qua. Do vậy, tình thế này đã biến thành một rào cản tiếp cận cho khán giả Việt Nam, nếu họ muốn thưởng thức các tác phẩm điện ảnh cổ điện hoặc hiện đại.
Dự án của TPD hướng tới việc giải quyết những thách thức này bằng cách đưa điện ảnh Việt Nam đến gần hơn từng khán giả thông qua các hoạt động thường kỳ như tổ chức chiếu phim Việt Nam, thảo luận với các nhóm làm phim, hội thảo và khóa đào tạo cho các nhà làm phim trẻ v.v.
8. Then Café (Huế)
Kinh phí hỗ trợ: 120 triệu đồng
Dự án: “Nghệ thuật hỗ trợ cộng đồng”
Trong khuôn khổ của dự án, Then Café muốn tạo ra một chương trình cư trú nghệ thuật cho 10 nghệ sỹ trẻ Việt Nam và 05 đồng nghiệp Châu Á khác tại Ký túc xá Làng Art, thành phố Huế, để giúp các nghệ sỹ này có thể nghiên cứu và sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật với sự tham gia từ cộng đồng địa phương.
Những nghệ sỹ được mời sẽ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ kinh nghiệm nghệ thuật của bản thân và thông qua quá trình hợp tác lẫn nhau. Cuối cùng, một triển lãm các tác phẩm nghệ thuật ra đời trong dự án sẽ được tổ chức tại Then Café.
Về chương trình văn hóa của Đại sứ quán Đan Mạch:
Đại sứ quán Đan Mạch thực hiện một chương trình văn hóa sâu rộng tại Việt Nam. Tổng số tiền của chương trình lên đến trên 3 triệu đô la Mỹ. Chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển và trao đổi văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam và giữa Việt Nam với Đan Mạch. Quỹ CDEF nằm trong khuôn khổ của Chương trình phát triển Văn hóa của Đan Mạch tại Việt Nam. Kể từ năm 2006, hàng trăm dự án nghệ thuật đương đại và nghệ sỹ đã nhận được hỗ trợ từ CDEF.
Các sáng kiến nhận hỗ trợ năm 2018:
Dịch bởi Hanoi Grapevine