Home HanoiGrapevine Kể chuyện Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động...

Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 6 – kỳ cuối)

Đăng vào
0
Ảnh: Nhã Nam

“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang

HÀ VÀ NAM – Kỳ cuối

(Xem kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5)

“Người có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.” Viktor Frankl nhớ lại những bạn tù của mình trong trại tập trung. Hơn cả vật chất, con người khao khát ý nghĩa; ý nghĩa của cuộc sống chính là ngọn đuốc dẫn người ta vượt qua những quãng đường đen tối nhất. Hà đã xây dựng cho mình một thế giới quan: chị phải trải qua những điều chị đã trải qua để trả nợ cho những kiếp trước. Lời giải thích này đem lại ý nghĩa cho sự đau khổ của Hà, trong khi Ánh chỉ tìm thấy trong nó sự vô nghĩa. Ánh và gia đình cô đã nhầm khi họ đi tìm sự khuây khỏa, điều cô cần tìm là ý nghĩa cho sự tồn tại tiếp theo của mình.

Năm 2017 đã gần trôi qua. Nỗi nhớ Nam vẫn không nguôi, tiếp nối, đan xen, len lỏi vào các ngõ ngách trong tâm trí Hà. Nhưng Hà cảm nhận mình dần vững chãi hơn. Nước mắt vẫn chực rơi mỗi khi chị thấy những đứa trẻ trạc tuổi Nam ở ngoài đường, trước cổng trường hay trong siêu thị, nhưng cảm giác rã rời, kiệt sức mà những con sóng đau buồn đem tới đã bớt đi sự dữ dội, và chị không sợ hãi ngày mai nữa. Trong những cuộc trò chuyện với Nam chị vẫn xin cậu tiếp sức lực cho chị, cho chị thêm nghị lực.

Sau tất cả những gì đã xảy ra giữa Hà với chồng và gia đình chồng, chị không căm ghét. Tôi đã phải đánh vật gần một buổi để thảo luận với Hà tôi có thể viết gì về chồng chị. Chị sợ cuốn sách sẽ làm chồng chị và nhà nội bị ảnh hưởng, “mặc dù thực tế xảy ra đúng như vậy”. Chị bắt tôi gửi những câu liên quan tới họ, dù đó chỉ là mấy chục chữ trong tổng số mười lăm nghìn chữ, rồi đắn đo, vật vã, yêu cầu đổi chữ này, thay chữ kia. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất sẽ không dùng tên thật của chị.

Còn một lý do nữa khiến chị không muốn nhắc tới những rạn nứt quá khứ. “Em đang muốn giúp bố nó sống tử tế hơn. Em vẫn khuyên anh ấy bỏ rượu đi, lấy vợ lại và làm lại cuộc đời. Nếu không làm phiền em thì em vẫn coi anh ấy như người bạn, dù biết sẽ không bao giờ quay lại với nhau.”

Hà không oán hận. Chị muốn tích nhiều duyên lành để “chuyển được những nghiệp xấu của kiếp trước và kiếp này”.

Và trước hết, để tâm chị thanh thản.

Hà biết là chị còn một phép thử trước mắt.

Năm tới, Thắng sẽ vào lớp Một. Chị muốn cho Thắng học ở trường Nam Thành Công, trường mà Nam đã theo học. Liệu tới lúc đó chị đã có thể ngày ngày đưa đón Thắng?

Đầu hè năm nay, để trở về cơ quan, chị có hai lựa chọn, hoặc lấy tuyến đường ngắn hơn, nhưng đi ngang qua trường của Nam, hoặc chị đi đường vòng. Hà đắn đo hồi lâu. Cuối cùng, để thử bản thân, chị chọn cung đường ngắn. Chị đã không thành công, chị kể với tôi. Lúc chị nhìn thấy ngôi trường cũng là lúc nước mắt chị tuôn chảy.

Ở cơ quan Hà để một cái ảnh Nam ở trong ngăn kéo. “Đôi khi, các cô chú cùng phòng mở ra, vứt toẹt cuốn sổ hay một cọc tiền vào mặt cháu,” chị kể vui với tôi. Mỗi buổi sáng, khi bắt đầu ngày làm việc, và mỗi cuối ngày, trước khi về, Hà mở ngăn kéo, lấy ảnh Nam ra, hôn chụt nó một cái.

Ở nhà, Thắng hay trèo lên cửa sổ để nhìn lên bàn thờ Nam xem có đồ chơi hay hoa quả gì không. Cậu phàn nàn, “Anh Nam chơi đồ chơi lâu thế, cho con chơi với,” hoặc thắc mắc “Anh Nam ăn vải cả vỏ hả mẹ?”
Buổi tối, trước khi đi ngủ, Hà và Thắng hay nghe mấy bài hát mà Nam yêu thích. Thắng đã biết tự bật máy tính lên.

Cậu nói, “Con bật bài hát của anh Nam cho anh nghe mẹ nhé.” Nằm bên cạnh Thắng, Hà mơ màng hình dung ra khuôn mặt Nam, những biểu cảm của cậu khi cậu nghe nhạc. Chị thấy Nam bên cạnh mình.

Có ba bài mà Nam rất ưa thích. Nhật ký của mẹ, do HiềnThục hát. Tìm lại bầu trời, do Tuấn Hưng hát. Hồi còn sống, Nam nghe chúng say sưa, và lần nào cũng lẩm nhẩm hát theo.

Bài thứ ba là Gặp mẹ trong mơ. Giọng ca Việt nhí Trần Ngọc Duy hát bài này năm 2013, khi cậu mười hai tuổi. Khi đó Nam mới bảy tuổi. Có lần cậu khóc và nói với mẹ, “Mẹ ơi, tại sao bạn ở trong bài hát phải xa mẹ, con xúc động quá.”

Lúc đó cậu không biết rằng một năm sau, cậu sẽ nhập viện, và một năm sau nữa, cậu sẽ xa mẹ.

Trong thời gian viết cuốn sách này, tôi đã dành thời gian nghe bài hát này nhiều lần. Lần nào, tôi cũng dừng tay để nghe nó trọn vẹn. Trước khi gặp Hà, tôi không biết tới nó. Còn bây giờ, lần nào nghe nó tôi cũng nghĩ tới Nam, một cậu bé tôi chưa bao giờ gặp.

Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe chăng tiếng em gọi.
Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ về mẹ.
Mẹ ở phương trời xa xôi, hay sao sáng trên bầu trời.
Mẹ dịu hiền về với con nhé, con nhớ mẹ.

Mẹ nguyện cầu và ước mong, con sống trong yên lành.
Mẹ hiền nào biết không, con chỉ mong có mẹ.
Và từ bầu trời rất cao, mong nhớ con mỗi ngày.
Mẹ đừng buồn nhiều nữa nhé, con đang đến, mẹ ơi.

Hết trích đoạn.

Để đi trọn vẹn với tác giả và các nhân vật, bạn có thể mua sách trực tiếp tại đây:

NO COMMENTS

Leave a Reply