Home HanoiGrapevine Kể chuyện Hỏi chuyện Đặng Hoàng Giang – tác giả cuốn sách “Điểm đến...

Hỏi chuyện Đặng Hoàng Giang – tác giả cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (Phần 1)

Đăng vào
0
Tác giả Đặng Hoàng Giang – Ảnh bởi Tạp chí Đẹp

Phỏng vấn bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine

Ảnh do tác giả cung cấp

Điểm đến của cuộc đời là cuốn sách tự sự phi hư cấu hay hiếm có của tác giả Đặng Hoàng Giang, được công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành vào tháng 1 năm 2018. Sách thuật lại quá trình đồng hành của tác giả với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, với các câu chuyện về Hà và Nam, con trai 9 tuổi bị ung thư xương chày của chị, Liên (cô gái vừa tròn 22 tuổi khi bị chuẩn đoán ung thư, mới có người yêu), và Vân (28 tuổi, có một gia đình nhỏ, rất nghèo, với người chồng thương yêu tên là Hoàng và hai con gái nhỏ).

Đây là cuốn sách mang đậm chất nhân văn và đầy truyền cảm, vì thế chúng tôi muốn giới thiệu tác phẩm và tác giả Đặng Hoàng Giang với bạn đọc.

Phần 1: Lắng nghe mà không phán xét

Tôi đã thử viết điếu văn cho bản thân mình và thấy rất khó. Tôi đã thử vài lần và thấy vô nghĩa. Có bao nhiêu con, học đại học ngành gì, công tác ở đâu… những cái đó có ý nghĩa gì? Làm sao mà nửa trang giấy có thể tổng kết được sự mênh mông của một cuộc đời? Bên trong bất cứ một người vô danh nào cũng là một vũ trụ rộng lớn. Sau “Điểm đến của cuộc đời” tôi càng thấm thía rằng cuộc đời ai cũng có thể lấp đầy một cuốn sách. Va chạm nhiều với cái chết, tôi thấy mình bớt ghét người khác hơn, kể cả những người khiến mình phát điên. Ta hình dung ra họ nằm trên giường bệnh, sắp chết, đau đớn, và ta không ghét họ được nữa. Tôi cho rằng người đã nhìn thấy cái chết thì trở nên bao dung hơn (Đặng Hoàng Giang)

Vì sao các nhân vật chính trong sách đều là nữ? Vì sao lại là căn bệnh ung thư?

Tôi đã gặp khá nhiều người. Có những người không dám đối mặt với các trải nghiệm của chính họ. Có những người nói chuyện một lần với tôi, như một biện pháp trị liệu, nhưng họ không muốn mất thêm thời gian, không muốn hồi tưởng lại tỉ mỉ nữa. Có những người ngập ngừng không muốn dẫn tôi vào sâu bên trong thế giới riêng tư của họ. Lại có những người không có khả năng trình bày, có những người thì tôi không tạo được sự gắn kết giữa mình và họ. Chị Hà, Liên và Vân (các nhân vật chính trong cuốn sách – chú giải của người phỏng vấn – PV) là những người đủ dũng cảm mở hết lòng mình, và tin tưởng để cho tôi tham dự vào cuộc sống của họ. Họ cũng có đủ khả năng diễn đạt và có trí nhớ tốt, và tình cờ họ đều là nữ. Dường như nam giới thiếu những điều này.

Tôi cũng không cố tình chọn căn bệnh ung thư, nhưng những quen biết ban đầu dẫn tôi vào thế giới này. Tuy nhiên, nhìn lại, tôi thấy ung thư là lĩnh vực khá phù hợp với cuốn sách, vì nó cho người ta thời gian để chiêm nghiệm lại và sắp xếp cuộc đời của mình trước khi ra đi.

Tôi nghĩ phần lớn người bệnh muốn biết mình còn nhiều hay ít thời gian. Theo tôi, việc không cho người bệnh biết là họ chỉ còn một thời gian nhất định để sống là một vấn đề, vì người ta bị tước mất cơ hội nhìn lại và làm những việc muốn làm, xem mình còn nợ ai, có phải xin lỗi ai không… Việc chuẩn bị cho cái chết là việc hết sức lành mạnh. Tuổi nào cũng có thể viết di chúc, viết điếu văn cho chính mình. Điều đó chỉ tốt cho chính mình mà thôi.

Trong cuộc sống bận rộn, anh dành thời gian để viết sách thế nào? Vì việc này không có ai trả lương cho anh…

Trong năm 2017 tôi dành thời gian rất nhiều cho cuốn sách. Với đặc thù của nó, tôi không thể làm việc theo giờ hành chính. Tôi phải liên lạc, nhắn tin, nói chuyện theo thời gian, nhịp sống, điều kiện sức khoẻ của các nhân vật. Rồi tôi dành thời gian gặp họ, giúp họ đi tìm thuốc v.v… như là người nhà mình hay bạn mình bị ốm thật. Dần dần, dự án này không chỉ là công việc, nó trở thành một phần cuộc sống của tôi. Tới lúc đó, tôi không còn đặt ra câu hỏi, “Mình nên dành bao nhiêu thời gian cho nó?” Việc tương tác với các nhân vật đơn giản trở thành việc tôi cần làm, việc được ưu tiên so với các việc khác.

Sách “Điểm đến của cuộc đời”. Ảnh: Nhã Nam

Làm sao anh tạo được sự kết nối sâu sắc với nhân vật?

Có lẽ bởi vì họ cảm nhận được sự tôn trọng, sự quan tâm của tôi tới cuộc đời họ, tới những chi tiết nhỏ nhất, mặc dù họ chỉ là những người vô danh.

Chúng ta rất giống nhau, từ những mong muốn đến những niềm vui, nỗi buồn. Ăn mày, đại gia hay tướng cướp đều giống nhau cả, đều có những mong muốn sâu thẳm là được người khác tôn trọng, được yêu thương, được người khác cho là mình có ích, được thấy mình sống không vô nghĩa, được hạnh phúc. Những điều đó quan trọng hơn rất nhiều những khác biệt về trình độ, học vấn, địa vị…

Và có lẽ bởi tôi không phán xét niềm tin, suy nghĩ, cách ứng xử của họ. Thứ nữa, tôi cũng không có kỳ vọng gì về họ, không kỳ vọng họ phải khỏe lên, phải khỏi bệnh, không muốn họ ăn nhiều, uống thuốc, xạ trị – tôi không phải là người nhà của họ. Khi họ nói là họ “muốn chết”, điều họ khó nói với người nhà hay bác sĩ, thì tôi lắng nghe. Với tôi, họ có thể thể hiện sự tuyệt vọng, còn với người nhà, họ sẽ phải tỏ ra cứng rắn.

Tôi cũng không trốn vào những câu nói như “Ráng khỏe lên nhé, cố gắng lên!” Hầu như tôi không khuyên nhủ gì họ, trừ khi họ yêu cầu. Tôi thấy họ thông thái hơn tôi rất nhiều.

Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng họ cũng cảm nhận được sự tổn thương của tôi khi tiếp cận với họ, và tôi đối mặt với sự tổn thương này, tôi không chạy trốn nó.

Ở châu Âu, có những chương trình đào tạo tình nguyện viên đồng hành với người cận tử, và một trong những kỹ năng quan trọng là lắng nghe mà không phán xét, chỉ ở cạnh họ, như một con chó, lắng nghe vô điều kiện, lắng nghe một cách chăm chú. Một trong những kinh nghiệm tốt khi chăm sóc người thân bị bệnh nặng, là hãy bỏ đi những mong muốn và kỳ vọng ở nhau để không gây sức ép tinh thần lên người bệnh rằng họ có nghĩa vụ với người khoẻ mạnh.

Tâm lý của anh xáo động ra sao trong khi viết sách?

Trong quá trình viết sách, tôi trải qua những trạng thái tâm lý phức tạp và mâu thuẫn. Một mặt tôi cảm thấy hạnh phúc vì được họ tin tưởng, được họ “chọn” để chia sẻ những điều riêng tư nhất, không phải vì tiền bạc, địa vị xã hội của tôi, mà vì cái tình người mà họ cảm nhận được. Những kết nối như thế này rất đặc biệt, và rất khó để có được trong cuộc sống “bình thường.”

Nhiều khoảnh khắc, tôi thấy mình như một nhà sử học, tìm cách lưu lại dấu vết của họ, lịch sử của họ trên cõi đời này. Cảm giác ấy trỗi dậy khi tôi tìm hiểu rất cụ thể là ngày hôm đó họ mặc gì, nói câu gì lúc mấy giờ…

Bên cạnh đó, tôi có cảm giác bất lực, tôi nhìn họ đuối dần, nhìn họ đau đớn mà không giúp đỡ được gì. Tôi đã nhìn thấy địa ngục trần gian. Mấy tuần trước, Hùng (một nhân vật trong sách) đã gào thét, chửi bới bố mẹ, và nhắn tin cho tôi, “Bác Giang ơi, bác cho cháu chết não, bác giúp cháu, cháu biết là bác làm được điều này…” Hùng mới có 21 tuổi và chịu nhục hình bởi những cơn đau từ nhiều tháng nay. Hãy hình dung chuyện này xẩy ra với những đứa trẻ 8 tuổi, 4 tuổi, 2 tuổi. Trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây, hàng chục ngàn người đang đau đớn khủng khiếp mà không được ai giúp đỡ.

Cũng có những lúc trong tôi thoáng qua sự giận dữ. Những con người ấy đã làm gì mà phải bị đầy ải như vậy. Cạnh đó là cảm giác tội lỗi, vì sao mình được yên ổn thế này, mà họ thì lại bị như vậy. Đây là một tâm lý khá phổ biến của những người đi qua chiến tranh hay thiên tai, nó được gọi là survivor’s guilt (cảm giác tội lỗi của người sống sót).

Một số người nhận xét là tôi trầm đi so với trước đây. Tôi thấy mình nhạy cảm hơn với tiếng ồn, cả ở ngoài đời lẫn trên mạng, và muốn lánh xa những vênh váo, ngông nghênh, kiêu ngạo và tìm tới sự bình dị.

Vào thời điểm vừa dừng tay hoàn thành cuốn sách, anh cảm thấy ra sao?

Viết sách như chạy marathon, là một quá trình dài và mệt mỏi, luôn phải đốc thúc bản thân. Nhưng nó cũng rất khác với marathon. Marathon thì có đích, có điểm kết rõ ràng, còn viết thì luôn luôn có thể xem lại, chỉnh sửa, hoàn thiện chỗ này, mở rộng chỗ kia, luôn cân nhắc, suy nghĩ, cho tới khi hết thời gian. Điểm kết thúc của viết sách không hoành tráng, rực rỡ như người ta tưởng, đặc biệt với cuốn này. Có sự nhẹ nhõm, nhưng cũng có sự lo âu, mình đã làm đủ tốt, đã làm tốt nhất có thể để họ hiện lên một cách đa chiều, như những con người? Công việc của mình có xứng đáng với niềm tin của họ?

(Hết phần 1, mời bạn đón đọc phần 2)


Độc giả có thể mua trực tiếp cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” tại đây:

Tham khảo trích đoạn từ cuốn sách về Nam (cậu bé 9 tuổi bị ung thư xương chày) và người mẹ tên Hà:
Kỳ 1
Kỳ 2
Kỳ 3
Kỳ 4
Kỳ 5
Kỳ 6 (kỳ cuối)

NO COMMENTS

Leave a Reply