Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 1)

“Điểm đến của cuộc đời kể lại một hành trình không thể nào quên… Dấn thân vào “một thế giới của những bị kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?”
(Trích giới thiệu về cuốn sách của Công ty Nhã Nam)
Thư ngỏ từ Hanoi Grapevine
Độc giả Hanoi Grapevine thân mến, chúng tôi xin mang tới cho bạn đọc một câu chuyện – chuyện về tác giả Đặng Hoàng Giang và những trải nghiệm của tác giả khi đi cùng những năm tháng cuối đời của những người mắc bệnh ung thư được anh viết thành sách có tên Điểm đến của cuộc đời do công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 1 năm 2018.
Sự dấn thân (nhiều tháng trời bên cạnh những bệnh nhân ung thư), lối viết chi tiết, nhìn thẳng vào sự thật, với phong phú những liên tưởng và trích dẫn đã tạo nên một cuốn sách thể loại phi hư cấu hay hiếm có. Sách đã dẫn chúng tôi vào những câu chuyện lay động, và làm chúng tôi khóc. Nó làm cho chúng tôi nhận ra rằng nhiều khi ta cứ vô tâm sống mà quên mất quanh mình ra sao. Một khi mở sách ra, sẽ khó mà gập sách lại được, và nó khiến ta phải chậm lại, lắng nghe nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn, kín đáo hơn, buồn hơn, mà cũng rộng mở, yêu thương hơn. Vì thế, chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với bạn đọc.
Trong câu chuyện này, các bạn sẽ được làm quen với tác giả Đặng Hoàng Giang qua phần giới thiệu ngắn gọn và sau đó cùng đọc các trích đoạn từ cuốn sách mà tác giả và công ty Nhã Nam đã hào phóng chia sẻ với độc giả Hanoi Grapevine. Cũng trong sê-ri chuyện kể này, các bạn sẽ được đọc bài phỏng vấn dài độc quyền của Hanoi Grapevine với tác giả về quá trình viết sách và những tình cảm, suy nghĩ của anh.
Xin mời đi cùng chúng tôi!
Về tác giả cuốn sách:
Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, và xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sỹ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Anh hiện sống và làm việc tại Việt Nam.
Anh cũng là tác giả của các cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, Ác và Smartphone cùng nhiều bài viết có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Điểm đến của cuộc đời dày 232 trang, xuất bản tháng 1 năm 2018, với các câu chuyện về Hà và Nam (hành trình của mẹ Hà và con trai 9 tuổi là Nam. Nam bị u xương chày), Liên (cô gái vừa tròn 22 tuổi khi bị chuẩn đoán ung thư, mới có người yêu), và Vân (28 tuổi, có một gia đình nhỏ, rất nghèo, với người chồng thương yêu và hai con gái nhỏ).
“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang
HÀ VÀ NAM – Kỳ 1
TRƯỚC KHI QUEN HÀ, tôi nghĩ rằng trải nghiệm nào của con người cũng có thể mô tả được bằng sức mạnh của ngôn từ. Khi mới quen Hà, tôi cho rằng đồng hành với chị, tôi sẽ có thể hình dung ra được mất một đứa con thì như thế nào. Nhưng tôi đã sai.
“Không lời nào có thể mô tả nỗi đau này.” Mấy tháng sau khi gặp Hà lần đầu, tôi đọc được một bài viết của nhà tâm lý học Ann G. Smolen về nỗi đau mất con. Smolen mất đứa con trai đầu lòng khi nó bốn tuổi. Vốn là một diễn viên ballet chuyên nghiệp, trong những ngày cuối cùng của con trai chị, chị chỉ biết mở nhạc Mozart và Bach lên, và múa. Đó là điều duy nhất chị biết làm trong thời khắc đó. Ngoài ra, chị không còn có thể làm gì được nữa. Thằng bé nằm trên giường, mắt dõi theo. Lúc này nó không còn chơi ô tô được, nụ cười đã tắt trên môi nó. Dõi theo, cho tới khi nó hét lên, “Dừng lại”. Rồi chị nằm cạnh con trai, sát tới mức có thể, nhưng không được chạm vào nó. Động chạm sẽ làm nó đau. “Làm sao mà một người mẹ có thể an ủi con mình mà không được dùng cái vuốt ve của người mẹ?” Chị đau đớn.(1)
Nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, giữ cho nó an toàn. Đó là lý do vì sao cái chết của một đứa con lại có tác động khủng khiếp như vậy tới cha mẹ. Nó là một cú đánh chí tử vào bản thể của họ, khiến họ cảm thấy bất lực và bơ vơ. Cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin của họ bị phá hủy, cái tôi của họ bị vỡ vụn. Họ cảm thấy thất bại ở mức độ sâu sắc nhất.
“Phải buông tay con và không giữ được con bên mẹ là điều quá sức chịu đựng với mẹ.” Hà vẫn thầm nói với Nam. “Nỗi đau này thực sự không thể và không bao giờ nguôi ngoai.”
“Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết.” Ann G. Smolen quan sát. “Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên.”
Smolen viết bằng tiếng Anh, nhưng tôi nhận ra rằng ở điểm này không có sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
Sau khi Nam mất nửa năm, Hà làm đơn ly dị chồng. Có một thời gian chị ngấm ngầm nuôi ý định cưới giả để sang Canada sống. Chị có cảm giác rằng chị phải tới một nơi mới để bắt đầu lại từ đầu. “Em đã tính là mình bỏ ra chừng một tỉ đồng,” chị nhớ lại. “Em sẽ sang trước, ổn định rồi thì sẽ đón Thắng và mẹ em sang.”
Nhưng cuối cùng, chị không dám dấn thân vào cuộc phiêu lưu. Chị tiếp tục ở Hà Nội, vật lộn với sự đau buồn của mình và cưỡng lại mong muốn đi theo Nam.
“Đau buồn không có khoảng cách. Đau buồn tới như những con sóng, từng cơn, như những nỗi sợ đột ngột khiến đầu gối chùng xuống và con mắt mờ đi, và phá hủy cuộc sống thường nhật.” Nữ tác giả Joan Didion nhớ về trải nghiệm của mình. Chồng bà đột quỵ và qua đời trong lúc bà đang chuẩn bị bữa tối. Trong cuốn hồi ký của mình, bà viết tiếp:
“Gần như ai đã từng trải qua đau buồn đều nhắc tới hiện tượng ‘con sóng’ này. Trong một nghiên cứu nổi tiếng năm 1944, Eric Lindemann, trưởng khoa tâm lý của Bệnh viện Massachusetts General vào thập kỷ 1940, và là người đã phỏng vấn nhiều thân nhân của những nạn nhân trong đợt hỏa hoạn Cocoanut Grove năm 1942, định nghĩa hiện tượng này với một sự cụ thể tuyệt đối: ‘Cảm giác khốn khổ về mặt cơ thể (somatic distress) xảy ra theo những đợt sóng, kéo dài mỗi lần từ hai mươi phút tới chừng một tiếng; người ta cảm tưởng như bị nghẹt thở, hụt hơi, muốn thở dài, và có một cảm giác trống rỗng nơi vùng bụng, rã rời, và một sự khó chịu dữ dội, được mô tả là căng thẳng hay là đau đớn tinh thần.(2)”
Nghẹt thở. Trống rỗng. Rã rời. Hà biết rõ những cảm giác này. Chị gọi hiện tượng con sóng mà Eric Lindemann mô tả bằng một chữ hơi khác, chu kỳ.
“Thi thoảng mình cứng rắn được, nhưng có những chu kỳ lặp lại, tự dưng tinh thần mình xuống lắm.” Với kinh nghiệm của người đi trước, chị nói với Ánh,(3) một người bạn mới. Ánh trạc tuổi Hà, và cũng mất con trai, như Hà.
“Những lúc đó mình sẽ nghĩ và khóc nhiều hơn, em ạ.”
Với Ánh, các con sóng đau buồn đến theo nhịp độ tuần. “Không hiểu sao cứ gần tới ngày thứ Tư em lại nhớ nó mất mấy ngày,” Ánh tâm sự với Hà, hai người thường nói chuyện với nhau vào đêm khuya, khi họ không ngủ được. Hà và Ánh tìm tới nhau bởi những trải nghiệm của họ đặc biệt tới mức người khác khó mà hiểu được, giống những cựu chiến binh cô đơn ôm trong lòng những kỷ niệm mà chỉ những người kinh qua chiến trận mới thấu hiểu.
Với Hà, chúng bất định. Có những ngày cảnh vật đánh mất màu sắc. Có những buổi sáng, mọi thứ như được phủ một lớp tro. Có những buổi chiều, khi Hà vặn tay cầm mở cửa nhà, chị lại nghe thấy giọng Nam lanh lảnh từ bên trong, “Con chào mẹ ạ!”
Nếu hôm trước, chị còn “xí xớn”, theo chữ của chính chị, chụp ảnh cùng đồng nghiệp tại Bangkok Riverside Hotel trong một chuyến công tác, thì hôm sau, chị lại chìm trong nỗi đau. “Nam của mẹ đến kiếp này là để đòi nợ mẹ… Nợ đã đòi xong, con bèn ra đi. Mẹ đã phải trả nợ cho con, một món nợ đời mà mẹ chưa từng được biết.”
Chị ao ước, nếu có cách nào đó để trốn được món nợ đau lòng này thì bằng giá nào chị cũng làm. Hình ảnh Nam trong những ngày tháng cuối cùng trở đi trở lại. Những nhịp thở nặng nề làm rung cả lồng ngực cậu. Những cơn ho khiến Nam không thể nói được, chỉ ra hiệu. Cái buổi tối cậu thắc mắc, “Độ này mẹ không đánh con nữa nhỉ? Chắc là do con bị bệnh?”
(Hết kỳ 1)
* Chú thích:
1. Bereavement: Personal Experiences and Clinical Reflections, Edited by Salman Akhtar and Gurmeet S. Kanwal, Karnac, 2017.
2. Joan Didion, The year of magical thinking, Knopf, 2005.
3. Tên nhân vật đã được thay đổi.
Mua sách trực tiếp tại đây: